Ngành Kỹ thuật quân sự bảo đảm cho bộ đội tác chiến trên chiến trường biển, đảo trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Trung tướng Nguyễn Châu Thanh Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng
20:44, ngày 13-10-2011
TCCSĐT - Kế thừa và phát huy truyền thống chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường bảo đảm vũ khí trang bị trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với tòan quân, tòan dân, cán bộ, chiến sĩ ngành Kỹ thuật quân sự đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, trực tiếp là của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh (từ năm 1961 thống nhất gọi là Bộ Quốc phòng), đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, nỗ lực vượt bậc mở các tuyến chi viện chiến lược trên bộ và trên biển, kịp thời bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quân và dân ta chiến đấu giành chiến thắng.
Cùng với tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ, tuyến chi viện chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển là một kỳ công chiến lược của Hải quân nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một kỳ công chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó có sự đóng góp xứng đáng của ngành Kỹ thuật quân sự.

1. Bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho tuyến chi viện chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 15, khóa II, phong trào cách mạng miền Nam có bước phát triển nhảy vọt, từ cao trào "Đồng khởi" Bến Tre đầu năm 1960, đã nhanh chóng phát triển ra các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Liên khu 5… Từ các đội vũ trang tuyên truyền những năm 1957, 1958, đến đầu năm 1961, lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ, hình thành ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngày 15-2-1961, các lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Nam được thống nhất thành "Quân giải phóng miền Nam" - một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ năm 1961 đến năm 1962, ngành Hậu cần - Kỹ thuật Phân khu Trị Thiên - Huế, Mặt trận Tây Nguyên, Khu 5, Khu 6, Khu 7, Khu 8, Khu 9 lần lượt hình thành và đi vào hoạt động. Mặc dù tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng phát triển mạnh, yêu cầu chiến đấu giải phóng miền Nam khỏi ách chiếm đóng của đế quốc Mỹ rất bức thiết, nhưng vũ khí, trang bị kỹ thuật còn rất thô sơ và vô cùng thiếu thốn.

Nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu bức thiết có tính sống còn đó, tháng 5 - 1959, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy quyết định thành lập tuyến chi viện chiến lược trên bộ (Đoàn 559) và đến tháng 7 - 1959, tổ chức tuyến chi viện chiến lược trên biển (Đoàn 759) để đưa vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật chất và lực lượng chi viện cho cách mạng miền Nam.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, quyết tâm của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, Tổng cục Hậu cần chỉ đạo các cục: Quân giới, Vận tải, Quản lý xe máy… khẩn trương chuẩn bị vũ khí, trang bị với chất lượng tốt nhất; tổ chức vận chuyển từ các kho chiến lược của Tổng cục ở phía Bắc về tập kết tại Kho K46 ở Kha Lâm - Kiến An (sau này là Kho K802 - Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân). Lực lượng kỹ thuật của Cục Quân giới tổ chức bốc dỡ, phân loại, lau chùi, bảo quản, bảo dưỡng, bao gói, đồng bộ ngòi, liều, đóng hòm hộp vũ khí, đạn dược và vật tư kỹ thuật bảo đảm cho vận tải đường biển. Ngành kỹ thuật cũng chỉ đạo ngành hậu cần - kỹ thuật của các quân khu ở miền Nam bí mật khảo sát, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, bến bãi, kho, hầm để tiếp nhận, bảo quản và cấp phát vũ khí trang bị kỹ thuật cho các đơn vị.

Sau chuyến trinh sát tuyến vận tải trên biển từ miền Bắc vào miền Nam cập bến Gành Hào - Cà Mau thành công, tháng 10-1962, chuyến tàu chở vũ khí trang bị đầu tiên, xuất phát từ Đồ Sơn (Hải Phòng) vượt biển cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, chính thức mở ra tuyến chi viện chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển từ miền Bắc vào miền Nam. Từ tháng 10-1962 đến cuối năm 1963, lực lượng kỹ thuật của Cục Quân giới đã vận chuyển, bốc dỡ, phân loại, lau chùi, bảo quản, bảo dưỡng, bao gói, đồng bộ ngòi, liều và đóng hòm hộp 1.430 tấn vũ khí, trong đó có các loại súng cối, đạn hỏa lực và súng máy cao xạ 12,7mm để Đoàn 759 vận chuyển vào miền Nam. Quân ủy Trung ương cũng chỉ đạo Ban Quân sự Phân liên khu miền Tây thành lập Đoàn 962 để tiếp nhận, quản lý, vận chuyển, cấp phát vũ khí trang bị cho các đơn vị. Chỉ huy sở Đoàn 962 đặt ở Bến Tre, tiện cho việc chỉ đạo, tổ chức tiếp nhận khối lượng lớn vũ khí, trang bị, từ đó chuyển tiếp và giao đi các nơi bằng đường biển hoặc đường sông theo kế hoạch của Ban Quân sự Miền. Ở các tỉnh Tây Nam Bộ, Đoàn 962 đều tổ chức đội tiếp nhận, riêng ở Cà Mau là đầu cầu bến bãi lớn của Đoàn 962. Tuyến kho, hầm của Đoàn 962 được bố trí dọc các tỉnh ven biển, phần lớn là kho tạm, có lực lượng bảo quản, giữ gìn, sẵn sàng sơ tán, cất giấu khi địch càn quét. Một số kho được xây dựng khá vững chắc bằng xi-măng dưới lòng đất, được ngụy trang kín đáo. Việc vận chuyển, giao vũ khí, trang bị cho các đơn vị quân giải phóng do cấp ủy Đảng ở các tỉnh phụ trách.

Tại chiến trường Đông Nam Bộ, Trung ương Cục và Ban Quân sự Miền thành lập Đoàn 1500 để tiếp nhận vũ khí, trang bị kỹ thuật. Tháng 10-1963, Đoàn 1500 tiếp nhận 20 tấn vũ khí, đạn dược, trong đó có các loại súng trường Mỹ, trung liên và đại liên, ĐKZ, súng cối, đạn, thuốc nổ TNT. Tháng 1-1965, Đoàn 1500 nhận tiếp 50 tấn vũ khí, đạn dược các loại, khắc phục được tình trạng thiếu vũ khí ở chiến trường Đông Nam Bộ, góp phần cùng quân giải phóng miền Đông Nam Bộ giành thắng lợi trong chiến dịch Bình Giã, làm phá sản chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ.

Tại chiến trường Quân khu 5, cuối năm 1964 đến đầu năm 1965, ngành Kỹ thuật quân sự bảo đảm gần 230 tấn vũ khí trang bị, chủ yếu là vũ khí lục quân, thuốc nổ, mìn và lựu đạn các loại. Quân khu 5 tổ chức tiếp nhận tại bến Lộ Giao (Bình Định) và bến Vũng Rô (Phú Yên). Nhờ được chi viện kịp thời, quân và dân Khu 5 đẩy mạnh tiến công địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng.

Tính chung từ cuối năm 1961 đến đầu năm 1965, với tinh thần tích cực, bí mật, táo bạo, bất ngờ, ngành kỹ thuật đã tổ chức bốc dỡ, phân loại, lau chùi, bảo quản, bao gói, đồng bộ ngòi, liều và đóng hòm hộp, vận chuyển vào chiến trường hơn 5.000 tấn vũ khí, góp phần bảo đảm cho quân và dân ta ở miền Nam đánh bại chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ.

Cũng với phương thức hoạt động kỹ thuật như trên, từ năm 1965 đến cuối năm 1974, trong điều kiện bị Mỹ - ngụy phong tỏa, đánh phá ác liệt cả trên đất liền, trên không cũng như trên biển. Song, lực lượng kỹ thuật ở hai miền Nam - Bắc vẫn dũng cảm, ngoan cường, tìm mọi biện pháp bảo đảm gần 50.000 tấn vũ khí, trang bị chi viện cho chiến trường miền Nam qua đường Hồ Chí Minh trên biển. Ngoài ra, tranh thủ thời cơ khi Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc để tái tranh cử, ngành đã gấp rút bảo đảm gần 55.000 tấn vũ khí, trang bị bảo đảm cho chiến dịch vận tải VT5, để các lực lượng vận chuyển theo đường biển vào cảng sông Gianh (Quảng Bình), tạo chân hàng cho tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn.

2. Bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho bộ đội tác chiến trên biển, đảo chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1964-1972)

Cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt. Ngành Kỹ thuật quân sự bước vào giai đoạn bảo đảm mới, toàn diện hơn, khó khăn ác liệt hơn, trên phạm vi và quy mô rộng lớn hơn. Vừa bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật chi viện chiến trường miền Nam trên hai tuyến chi viện chiến lược trên bộ và trên biển; vừa bảo đảm cho các lực lượng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, cả trên đất liền, trên không và trên biển, đảo…

Đối với lực lượng chiến đấu trên biển, đảo, ngành Kỹ thuật quân sự tập trung bảo đảm cho hải quân và các đơn vị chủ lực, cho dân quân tự vệ ở các đảo và các tỉnh ven biển miền Bắc. Ngành đã tham mưu với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, chỉ đạo các tỉnh trên toàn miền Bắc tổ chức trên 3.000 tổ, đội bắn máy bay bằng súng bộ binh và súng máy cao xạ. Một số xã ven biển và một số đảo còn thành lập các phân đội pháo binh bờ biển của dân quân đánh tàu chiến Mỹ. Lực lượng dân quân tự vệ được tổ chức ngày càng chặt chẽ, được bảo đảm các loại vũ khí trang bị thích hợp, gồm các loại súng trường, súng máy cao xạ 12,7mm, 14,5mm; một số nơi được trang bị pháo cao xạ 37mm, 57mm và 100mm và pháo 85mm để đánh tàu chiến Mỹ. Tính đến tháng 12-1972, ngành đã cấp phát và bổ sung cho lực lượng dân quân tự vệ ở miền Bắc, chủ yếu là dân quân tự vệ ở các tỉnh ven biển và các đảo 3.090 khẩu pháo và súng máy cao xạ các loại (trong đó có 1.305 trung liên và đại liên, 1.076 súng máy cao xạ 12,7mm, 17 khẩu pháo 20mm, 82 pháo 85mm và 70 pháo cao xạ 37mm, 57mm, 100mm). Với lượng vũ khí, trang bị nói trên, cùng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, lực lượng dân quân tự vệ đã tạo nên lưới lửa phòng không tầm thấp vô cùng lợi hại, chiến đấu anh dũng và hiệu quả, bắn rơi nhiều máy bay, bắn chìm, bắn cháy nhiều tàu chiến Mỹ.

Đối với bộ đội Hải quân, từ giữa năm 1964, lực lượng tàu, thuyền của Quân chủng luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, được trang bị các loại súng pháo cao xạ. Ngành Kỹ thuật quân sự tổ chức các tổ, đội sửa chữa cơ động đến các tàu, thuyền sửa chữa và đồng bộ vũ khí, trang bị. Bộ đội Hải quân đã chiến đấu ngoan cường, bắn rơi nhiều máy bay, bắn chìm, bắn cháy nhiều tàu chiến Mỹ. Ngành Kỹ thuật quân sự tập trung chỉ đạo các phòng: Sửa chữa tàu, Quân giới, Xe máy và Vật tư của Quân chủng Hải quân, đồng thời chi viện lực lượng, phương tiện và vật tư kỹ thuật cho các xưởng 46, 48, 28 và 56, nhanh chóng sửa chữa tàu thuyền, sửa chữa và đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật bảo đảm cho chiến đấu. Trong quá trình chiến đấu, vũ khí trang bị kỹ thuật của Hải quân bị tiêu hao và hư hỏng khá nhiều. Ngành Kỹ thuật quân sự đã chủ động đề ra kế hoạch bảo đảm cho các đơn vị, tăng lượng dự trữ đạn súng máy cao xạ, đạn pháo cao xạ, bổ sung thường xuyên số tiêu hao sau mỗi trận đánh. Nhờ đó, giúp bộ đội hải quân liên tục chiến đấu, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa của địch.

Ngoài việc tăng cường lực lượng tàu chiến, các loại pháo phòng không trên tàu, thuyền và trên đảo, Quân chủng Hải quân thành lập lực lượng đặc công hải quân. Phối hợp với Viện Kỹ thuật quân sự thay, lắp và đồng bộ vũ khí trang bị kỹ thuật mới cho tàu tuần tiễu; lắp và đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các tàu tự vệ biển, nghiên cứu và chế tạo thành công đạn thia lia (HQ-66), cải tiến thủy lôi đáy (AĐM-2), cải tiến và sản xuất thủy lôi áp suất, thủy lôi tự hủy… Cục Quân giới, Cục Quân khí bảo đảm đầy đủ, với chất lượng tốt nhất các loại vũ khí, khí tài, đạn dược, thuốc phóng, thuốc nổ theo yêu cầu chiến đấu của bộ đội Hải quân. Trong giai đoạn đầu chống chiến tranh phá hoại, ngành kỹ thuật đã bảo đảm 3.000 tấn vũ khí, trang bị, sau đó tăng lên 6.000 tấn và cấp đủ lượng dự trữ cho Quân chủng Hải quân (chủ yếu là đạn, súng máy cao xạ, pháo và khí tài phòng không). Tổ chức bảo quản, cất chứa ở các kho của ngành, kho của hải quân và sơ tán, cất chứa trong nhà dân, trong các hang hầm, các đình, chùa ven biển. Ngoài ra, ngành còn bổ sung, cấp phát đột xuất sau mỗi trận đánh cho các tàu, thuyền. Riêng cấp phát bổ sung và đột xuất đã lên đến hàng chục nghìn tấn vũ khí đạn. Việc bảo đảm vũ khí trang bị cho bộ đội Hải quân được ngành chủ động chuẩn bị, có phương thức bảo đảm phù hợp; kế hoạch bảo đảm chu đáo, tích cực. Vì vậy, bộ đội Hải quân luôn có đầy đủ vũ khí, trang bị để chiến đấu, góp phần cùng toàn dân, toàn quân đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa của đế quốc Mỹ, đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm tháng 12-1972, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

3. Bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho bộ đội tác chiến trên biển, đảo trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Sau Hiệp định Pa-ri, nhiệm vụ trọng tâm của ngành kỹ thuật lúc này là tập trung bảo đảm vũ khí, trang bị chi viện chiến trường miền Nam. Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn được nâng cấp, mở rộng; tuyến chi viện chiến lược trên biển vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đông Hà, Cửa Việt không còn bị lực lượng không quân, hải quân Mỹ đánh phá, ngăn chặn.

Dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, từ đầu năm 1973, ngành kỹ thuật đã tập trung bảo đảm vũ khí trang bị cho các tuyến chi viện chiến lược. Đối với tuyến chi viện chiến lược trên biển, ngành chủ động tạo nguồn dự trữ, vận chuyển vũ khí trang bị đến các cảng ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Cửa Việt (Quảng Trị). Trong năm 1973, ngành đã bảo đảm 17.758 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật cho 172 lượt chuyến vận chuyển. Trong 9 tháng năm 1974, ngành bảo đảm cho Quân chủng Hải quân 12.000 tấn. Đặc biệt, từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975, ngành bảo đảm cho Quân chủng Hải quân 35.000 tấn, cho ngành vận tải biển của Bộ Giao thông vận tải hàng trăm nghìn tấn. Toàn bộ khối lượng vũ khí trang bị trên được tập kết an toàn tại các cảng Gianh (Quảng Bình), Đồng Hới, Cửa Việt, Đông Hà (Quảng Trị). Cùng với tổ chức bảo đảm cho vận chuyển đường biển, ngành chỉ đạo lực lượng kỹ thuật của Cục Quân khí, Cục Quân giới, Cục Quản lý xe máy tổ chức tiếp nhận, bốc dỡ, phân loại, vận chuyển theo tuyến vận tải chiến lược trên bộ - Đường Trường Sơn vào các chiến trường ở miền Nam.

Để tăng cường quản lý, chỉ đạo bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho các lực lượng vũ trang, tháng 4-1974, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề nghị Đảng và Chính phủ thành lập Tổng cục Kỹ thuật, giúp Bộ Quốc phòng quản lý, chỉ đạo thực hiện công tác kỹ thuật quân sự. Ngày 10-9-1974, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 211/CP, thành lập Tổng cục Kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng. Ngành Kỹ thuật quân sự bước vào giai đoạn phát triển mới, với yêu cầu bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật cho tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, quy mô chiến dịch ngày càng lớn trên chiến trường miền Nam và các lực lượng sẵn sàng chiến đấu trên miền Bắc.

Đầu năm 1975, ngành Kỹ thuật quân sự phối hợp với Quân chủng Hải quân vận chuyển xe tăng, xe thiết giáp từ Bến Thủy (Nghệ An) vào Long Đại (Quảng Bình), Đông Hà (Quảng Trị). Trong 3 tháng đầu năm 1975, ngành đã bảo đảm cho 82 chuyến vận chuyển 7.682 tấn vũ khí trang bị, trong đó có 12 xe tăng, 31 xe thiết giáp, đồng thời tham gia cơ động lực lượng của các đơn vị từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

Sau thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên, cục diện chiến trường miền Nam chuyển biến nhanh chóng. Dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, trực tiếp là của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, ngành Kỹ thuật quân sự đã nỗ lực vượt bậc, tập trung bảo đảm cao nhất, nhiều nhất, nhanh nhất với chất lượng và đồng bộ tốt nhất vũ khí, trang bị kỹ thuật cho chiến trường. Đối với lực lượng chiến đấu trên biển, đảo, ngành vừa bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho bộ đội chiến đấu, vừa bảo đảm một khối lượng lớn vũ khí trang bị, vật tư kỹ thuật tập kết vào cảng Đà Nẵng, Cam Ranh, Vũng Tàu để bổ sung cho bộ đội tiến công, truy quét địch, giải phóng các tỉnh Nam Trung Bộ. Đặc biệt, sau chiến dịch Huế - Đà Nẵng, ngành bảo đảm hàng nghìn tấn vũ khí trang bị cho bộ đội Hải quân tiến công giải phóng các đảo Cù Lao Thu, Cù Lao Chàm, Lý Sơn v.v.. giải phóng các cảng, các căn cứ hải quân của địch dọc bờ biển miền Nam; ngành đã khẩn trương bảo đảm vũ khí trang bị cho Hải quân giải phóng và tiếp quản các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và một số đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa, góp phần kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tính từ sau chiến dịch Huế - Đà Nẵng đến ngày 30-4-1975, ngành Kỹ thuật quân sự đã bảo đảm hàng nghìn tấn vũ khí trang bị kỹ thuật cho lực lượng vận tải phối thuộc (Bộ Giao thông Vận tải, Cục Vận tải Tổng cục Hậu cần, máy bay vận tải quân sự); bảo đảm cho 173 lần tàu, thuyền hải quân với 6.448 tấn vũ khí trang bị và vật tư kỹ thuật, góp phần cùng bộ đội Hải quân giải phóng biển, đảo miền Nam Tổ quốc.

Thực tế bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật cho bộ đội tác chiến trên biển, đảo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho ngành Kỹ thuật quân sự. Những bài học chủ yếu là:

Một là, phải luôn quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, đường lối chính trị, quân sự của Đảng vào quản lý, chỉ huy, chỉ đạo và tổ chức bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống. Đặc biệt, công tác bảo đảm vũ khí, trang bị trên tuyến chi viện chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển có yêu cầu rất cao, phải tuyệt đối giữ được bí mật, bất ngờ, táo bạo trong điều kiện địch đánh phá, phong tỏa, ngăn chặn ác liệt, nhất là khi chúng lại có ưu thế về lực lượng và vũ khí, trang bị. Trong hoàn cảnh đó, để hoàn thành nhiệm vụ, đòi hỏi ngành Kỹ thuật quân sự phải quán triệt sâu sắc, phải có quyết tâm cao. Tổ chức thực hiện công tác kỹ thuật phải chặt chẽ, khẩn trương, thận trọng, giữ bí mật tuyệt đối, nhất là lực lượng kỹ thuật trực tiếp vận chuyển, bốc dỡ, bảo quản, bao gói, đồng bộ ngòi, liều và đóng hòm hộp ở Kho K46 Cục Quân giới. Phải tuyển chọn lực lượng tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì yêu cầu nhiệm vụ. Chủ động, tích cực tạo đủ nguồn vũ khí, trang bị kỹ thuật; có phương thức bảo đảm phù hợp; tổ chức phân tán, cất giấu vũ khí, trang bị kỹ thuật, sẵn sàng bốc xếp lên tàu khi có lệnh. Nhờ đó, bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ vận chuyển chi viện chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển đạt hiệu quả, giữ được bí mật, an toàn trong nhiều năm, góp phần cùng quân và dân miền Nam chiến đấu giành chiến thắng, phá tan các chiến lược quân sự của đế quốc Mỹ.

Hai là, công tác chỉ đạo và tổ chức bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật phải kiên quyết, tập trung, thống nhất, kịp thời và đồng bộ, phù hợp với yêu cầu của từng chiến dịch. Trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, ngành kỹ thuật đã tổ chức nhiều tổ, đội, trạm sửa chữa cơ động và các đoàn cán bộ kỹ thuật bám sát đội hình chiến đấu của bộ đội phòng không, không quân, hải quân, dân quân tự vệ; huy động và phát huy hết sức mạnh của lực lượng kỹ thuật ở quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng. Do vậy, lượng vũ khí, khí tài, đạn dược tiêu hao trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại rất lớn nhưng ngành kỹ thuật đã sửa chữa, cấp đổi, bổ sung kịp thời cho các lực lượng chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay, bắn cháy, bắn chìm nhiều tàu chiến Mỹ. Kết quả đó đã khẳng định sức mạnh tổng hợp của ngành kỹ thuật quân sự; khẳng định trình độ quản lý chỉ huy, chỉ đạo, tổ chức bảo đảm vũ khí trang kỹ thuật theo yêu cầu tác chiến chiến lược trên nhiều loại hình chiến trường của ngành kỹ thuật.

Ba là, phải giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn kỹ thuật giỏi, đặc biệt là lực lượng làm nhiệm vụ kỹ thuật ở nơi trọng yếu, đòi hỏi tuyệt đối bí mật, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ, vì sự an toàn của vũ khí trang bị kỹ thuật. Đây là lực lượng đóng vai trò quyết định bảo đảm vũ khí trang bị cho tuyến chi viện chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển. Phải chủ động và có kế hoạch tạo nguồn dự trữ vũ khí trang bị; ưu tiên bảo đảm và huy động đến mức cao nhất cho các chiến dịch tác chiến quy mô lớn (chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975, chiến dịch vận tải VT5…). Chỉ đạo và tổ chức tốt công tác sửa chữa, đồng bộ vũ khí, khí tài tại tàu, thuyền, tại trận địa để phát huy hết uy lực của vũ khí trang bị.

Bốn là, phải quán triệt, nắm vững chủ trương, quyết tâm chiến đấu và kế hoạch sử dụng lực lượng của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu để có kế hoạch bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật đúng ý đồ tác chiến của cấp trên. Cán bộ quản lý chỉ huy kỹ thuật, các cơ sở bảo đảm kỹ thuật phải nắm được tình hình và yêu cầu vũ khí trang bị của đơn vị, nhất là những đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân để có phương án bảo đảm kịp thời, phù hợp với điều kiện tác chiến cụ thể.
Phát huy kết quả bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành Kỹ thuật quân sự đã và đang tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trường; tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức chỉ huy và quản lý kỹ thuật các cấp. Hiện nay, ngành Kỹ thuật quân sự nói chung, Tổng cục Kỹ thuật nói riêng đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 382 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác kỹ thuật quân sự trong tình hình mới; đầu tư xây dựng tiềm lực khoa học - kỹ thuật quân sự; đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật và vũ khí trang bị kỹ thuật của ngành không ngừng được bổ sung và phát triển. Lực lượng kỹ thuật đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.