Sáng 15-9, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức khởi động Dự án “Nâng cao năng lực điều trị cho người nghiện ma túy nhằm dự phòng HIV/AIDS tại Việt Nam” do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tài trợ. Tới dự có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm, các chuyên gia của các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành và đại biểu các tỉnh, thành phố.

Giới thiệu kế hoạch triển khai, bà Đỗ Thị Ninh Xuân, Phó Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Giám đốc Dự án cho biết, Dự án có thời gian thực hiện từ tháng 1-2011 đến tháng 9-2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Nguyên với tổng kinh phí tài trợ 2,5 triệu USD. Mục tiêu dài hạn của Dự án là tăng cường năng lực cho ngành LĐTBXH trong điều trị nghiện ma túy và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xã hội bằng các phương pháp tiếp cận hiệu quả có bằng chứng nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng sử dụng ma túy, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm lây nhiễm HIV ở người sử dụng ma túy và người bán dâm tại Việt Nam.

Dự án hy vọng sẽ hoàn thiện hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu của ngành LĐTBXH về người nghiện ma túy, người bán dâm và người bán dâm nghiện ma túy; nâng cao năng lực cán bộ của Bộ LĐTBXH trong việc thu thập, phân tích và sử dụng số liệu phục vụ cho mục đích dự phòng và điều trị. Năng lực cán bộ công tác trong lĩnh vực điều trị nghiện và phục hồi cũng sẽ được nâng cao thông qua các lớp tập huấn cơ bản về phương pháp điều trị nghiện ma túy trong các cơ sở đào tạo của ngành LĐTBXH. Mô hình thí điểm điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng được triển khai cung cấp dịch vụ cho khoảng 500 bệnh nhân; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, theo dõi giám sát mô hình thí điểm điều trị nghiện ma túy... Đây là một mô hình mở, tiếp nhận điều trị trên cơ sở tự nguyện, ngoại trú hoặc nội trú tùy theo nhu cầu của bệnh nhân, dễ tiếp cận, dễ kết nối với các dịch vụ sẵn có khác.

Việt Nam hiện có gần 150.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, mỗi năm phát hiện trên 10.000 người nghiện mới. Tính đến 31/3/2010, nước ta có 209.424 người nhiễm HIV, trong đó người nghiện chích ma túy chiếm tỷ lệ cao nhất 41,6%. Việc cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn hỗ trợ tâm lý và hỗ trợ sau cai còn hạn chế. Tỷ lệ hòa nhập cộng đồng thấp, tỷ lệ tái nghiện cao. Nguồn kinh phí dành cho công tác điều trị nghiện chủ yếu là ngân sách nhà nước; thiếu nhân lực... Trong tình hình đó, công tác phát triển những mô hình điều trị nghiện ma túy hiệu quả nhằm hỗ trợ người nghiện rời bỏ ma túy, tái hòa nhập cộng đồng và ngăn ngừa HIV lây lan trong nhóm này trở nên cấp thiết. Bên cạnh đó, việc tăng cường năng lực cho các hệ thống điều trị, quản lý và chăm sóc người nghiện sẽ đóng một vai trò quan trọng./.