Tăng cường liên kết “bốn nhà” vì sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước

Trương Giang Long GS,TS. Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
15:09, ngày 12-09-2011
Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn có tầm chiến lược và hệ trọng của đất nước ta. Nghị quyết số 26- NQ/TW (Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương, khóa X), về nông nghiệp, nông dân và nông thôn là một trong những nghị quyết giải mã tương đối toàn diện và đầy đủ nhất vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta từ trước đến nay.
Tinh thần cơ bản của Nghị quyết là nhằm khai thác mọi nguồn lực của đất nước, đặc biệt là các thành tựu phát triển của khoa học công nghệ hiện đại và lợi thế của toàn cầu hóa, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, giải quyết công ăn, việc làm, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đủ sức đáp ứng nhu cầu trong nước và cạnh tranh trên thị trường thế giới, giúp nông dân tăng thu nhập, xây dựng nông thôn mới phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, giữ vững an ninh nông thôn và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26- NQ/TW, nông nghiệp, nông thôn nước ta có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân giai đoạn 2006 – 2010 đạt 3,36%, vượt chỉ tiêu 3,2% do Đại hội X đề ra. Cơ cấu kinh tế nông thôn đã có bước chuyển quan trọng, đến 2010 công nghiệp và dịch vụ chiếm xấp xỉ 60% cơ cấu kinh tế của khu vực nông thôn. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2010 đạt 19,53 tỉ USD, tăng 3,46 tỉ USD so với năm 2008, vượt 81% so với 10,8 tỉ USD do Đại hội X đề ra.

Đến hết năm 2010, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhưng 13/14 tiêu chí về phát triển nông nghiệp, nông thôn đã cơ bản được hình thành.

Tính chung ba năm từ 2009 - 2011, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đạt gần 290 ngàn tỉ đồng, chiếm 52% tổng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Riêng năm 2011, mặc dù thu ngân sách gặp nhiều trở ngại, nhưng dự toán ngân sách Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn vẫn cao gấp 2,2 lần năm 2008. Những con số trên đây tuy còn rất khiêm tốn so với yêu cầu của sự phát triển nhưng đã chứng tỏ, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng và Nhà nước ta vẫn dành cho nông nghiệp, nông thôn sự quan tâm đặc biệt. Nhờ có nhiều chính sách ưu đãi, bộ mặt nông thôn và đời sống của nông dân đang từng bước đổi thay về chất.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được trong việc triển khai Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới đang đối mặt với không ít thách thức. Dù đã có bước phát triển tích cực, nhưng do xuất phát điểm thấp, hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, sản phẩm sản xuất thuần nông, sản xuất theo tập quán là chủ yếu, khả năng ứng dụng khoa học - công nghệ chưa nhiều, quy mô nhỏ, giá trị hàng hóa và sức cạnh tranh không cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, lao động trong nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn, lao động phi nông nghiệp trong nông thôn chưa nhiều… Bên cạnh đó, còn một bộ phận cấp ủy và không ít cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng tầm quan trọng về chương trình, mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, có nơi, có lúc triển khai thực hiện không đồng bộ, thiếu nhất quán; nhiều chính sách ra đời còn bất cập, chậm đổi mới. Thực tế trên đây là một trong những lực cản của quá trình xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, tìm ra những giải pháp tích cực và hợp lý, nhằm đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào thực tiễn, định hướng để nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế quốc tế hiện nay là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của các cấp ủy đảng, nhà khoa học, nhà quản lý.

Là vùng kinh tế trọng điểm chiến lược về phát triển nông nghiệp của cả nước, những năm qua, đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của sự nghiệp đổi mới. Nơi đây đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh rất hiệu quả, trong đó liên kết bốn nhà là một trong những mô hình rất cần được nhân rộng. Thực tiễn việc áp dụng mô hình liên kết bốn nhà ở nhiều địa phương khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua cho thấy, liên kết đã phát huy vai trò của các nhà khoa học trong nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất nông nghiệp. Liên kết thực sự đã gắn kết các nhà doanh nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp mà thị trường có nhu cầu, giúp người nông dân sản xuất đúng những sản phẩm mà thị trường cần. Cũng bằng cách làm này, Nhà nước với vai trò là nhạc trưởng, người điều tiết, quản lý và là nhân tố xúc tác bảo đảm sự liên kết giữa nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp đã từng bước phát huy được vai trò của mình. Có thể nói, từ thực tiễn đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, liên kết bốn nhà là một trong những phương thức tốt nhất cho phép người nông dân tận dụng được nhiều lợi thế để phát triển sản xuất, nhà khoa học có đất để thực hiện khả năng chuyên môn, nhà doanh nghiệp có cơ hội tìm được những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, Nhà nước có điều kiện thể hiện rõ vai trò của mình với tư cách là người “nhạc trưởng”. Liên kết 4 nhà thực sự đã trở thành phương thức để người nông dân phát triển sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, giải quyết một trong những nhiệm vụ cơ bản của quá trình xây dựng nông thôn mới. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, liên kết bốn nhà đã góp phần giảm nghèo đáng kể ở nông thôn Nam Bộ hiện nay.

Phải khẳng định, thực hiện liên kết bốn nhà trong thời gian qua dù còn nhiều bất cập, nhưng đã góp phần làm thay đổi theo hướng tích cực diện mạo đồng bằng sông Cửu Long, từng bước hình thành mô hình nông thôn mới theo chủ trương mà Chính phủ đề ra.

Mặc dù vậy, để liên kết thực sự là giải pháp mang lại hiệu quả góp phần xây dựng nông thôn mới, rất cần phải có những quyết sách tầm chiến lược.

Thứ nhất, cần xác định rõ, nhà nước địa phương, mà cụ thể là chính quyền các cấp phải là người giữ vai trò quyết định trong tổ chức và điều phối hiệu quả quá trình liên kết. Chính quyền căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể về xây dựng nông thôn mới và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Bằng các hợp đồng kinh tế có tính pháp lý cao, quy định trách nhiệm, nghĩa vụ gắn với lợi ích cụ thể của từng đối tượng liên kết. Nhà nước địa phương có trách nhiệm tạo những điều kiện tốt nhất để các đối tượng liên kết làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình. Thông qua việc thực hiện tốt cam kết trong các hợp đồng kinh tế, kiểm tra giám sát quá trình thực hiện, động viên, biểu dương những mặt làm tốt, phê phán và khắc phục những mặt hạn chế, kiên quyết xử lý các sai phạm, bảo đảm tính nghiêm minh, giữ đúng vai trò của người “nhạc trưởng”.

Thứ hai, nâng cao nhận thức về mọi mặt cho nhà nông, nhất là kiến thức về khoa học - công nghệ, năng lực tổ chức quản lý sản xuất, kiến thức pháp luật và sự am hiểu về kinh tế thị trường. Thực tiễn từ đồng bằng sông Cửu Long qua Hội thảo Liên kết bốn nhà tại Bến Tre tháng 7-2011 do Tạp chí Cộng sản tổ chức cho thấy, mặc dù có nhiều tiến bộ trong ứng dụng khoa học - công nghệ, nhưng nhìn chung kiến thức của người nông dân - thành tố chủ lực của quá trình liên kết còn nhiều bất cập, khoảng cách giữa yêu cầu ngày càng cao của sự hội nhập và phát triển với năng lực thực tế của người nông dân là rất lớn. Từng bước nâng cao nhận thức cho người nông dân, đặc biệt chú trọng đào tạo nghề gắn với quá trình tổ chức lại sản xuất, xây dựng nông thôn mới là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của quá trình liên kết. Nông dân thiếu hiểu biết và bất cập trước yêu cầu của hội nhập là một lực cản lớn, nhưng đào tạo thế nào đang thực sự là bài toán không đơn giản. Trước mắt cần tập trung đào tạo nghề, đào tạo hướng nghiệp và nâng cao khả năng ứng dụng khoa học - công nghệ sát với từng vùng quy hoạch, từng loại ngành nghề cụ thể phục vụ trực tiếp cho quá trình tổ chức, sắp xếp lại lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đào tạo nghề phải đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay, đồng thời phải bảo đảm cho cả quá trình phát triển lâu dài.

Thứ ba, Nhà nước sớm hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan trực tiếp đến vấn đề liên kết, đặt cơ chế chính sách liên kết trong tổng thể chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cơ chế chính sách là hành lang pháp lý bảo đảm quá trình tổ chức, vận hành và thực thi có kết quả các mục tiêu và nhiệm vụ của quá trình liên kết. Trên thực tế, cơ chế chính sách trong lĩnh vực này vừa yếu, vừa thiếu, do đó trách nhiệm và vai trò cụ thể của từng nhà chưa được xác định rõ ràng. Vì vậy, trong quá trình liên kết, phần thiệt thường nghiêng về phía người nông dân. Trong các chính sách cần có những quy định, chế tài xử phạt nghiêm những tổ chức và cá nhân vi phạm các cam kết của quá trình liên kết, đề cao tinh thần trách nhiệm và tính tập thể, tính cộng đồng trong liên kết.

Thứ tư, cần giao việc và quy định trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức và các cá nhân ở mỗi cấp, chịu trách nhiệm thực hiện quá trình liên kết. Theo đề xuất của nhiều chuyên gia, ở cấp huyện việc tổ chức liên kết nên giao cho phòng công thương, phòng nông nghiệp, phòng tài nguyên môi trường, đặt dưới sự điều hành trực tiếp của một đồng chí phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Ở cấp tỉnh, sở khoa học công nghệ là đầu mối kết nối các nhà khoa học, xây dựng các đề tài nghiên cứu đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Cũng theo ý kiến của các chuyên gia, để liên kết thành công rất cần có các cán bộ chuyên trách tổ chức quản lý, theo dõi, giám sát các chương trình liên kết.

Sự nghiệp phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp lâu dài với sự tổng hợp, đan xen của nhiều giải pháp; trong đó liên kết bốn nhà chỉ là một trong các giải pháp cần quan tâm nhân rộng. Sẽ không có giải pháp nào thực sự có hiệu quả nếu các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm lại thiếu trách nhiệm với nông dân và sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của Đảng. Bởi vậy, cần nghiên cứu thực hiện tốt chính sách nông nghiệp, nông dân và nông thôn một cách sáng tạo với nhiều giải pháp hữu ích, triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới./.