Chiến lược toàn cầu của Mỹ nhìn từ sự kiện 11-9
TCCSĐT - Ngày 11-9-2011, tròn 10 năm sau vụ khủng bố nhằm vào nước Mỹ, đến nay vẫn có các giả thuyết khác nhau về sự kiện này. Oa-sinh-tơn khẳng định, mạng lưới khủng bố quốc tế “An Kê-đa” (Al-Qaeda) chủ mưu gây ra vụ khủng bố 11-9-2001. Cũng có giả thuyết khác cho rằng, một số thế lực ở Mỹ đã tạo dựng vụ khủng bố này để tạo cớ phát động “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu chiến lược toàn cầu sau “chiến tranh lạnh”. Dù thực tế về vụ khủng bố này thế nào đi nữa thì một điều không thể phủ nhận là sự kiện 11-9-2001 đã đánh dấu một giai đoạn mới rất quan trọng trong quá trình Mỹ thực hiện mục tiêu chiến lược toàn cầu của họ.
Sự kiện 11-9: mốc khởi đầu của “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố”
Thảm kịch diễn ra ngày 11-9 tại Mỹ cách đây 10 năm làm 2.996 người thuộc 90 quốc gia thiệt mạng, khoảng 18.000 doanh nghiệp nhỏ ở thành phố Niu Yoóc bị phá sản hoặc mất trụ sở, cổ phiếu chứng khoán bị mất giá 1.400 tỉ USD trong tuần đầu tiên và hơn 40 tỉ USD chi riêng cho bồi thường bảo hiểm. Việc tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại quốc tế - biểu tượng của sức mạnh kinh tế Mỹ bỗng chốc trở thành đống đổ nát cùng với sự hoảng loạn, sững sờ bao trùm, cho đến nay, là nỗi ám ảnh không chỉ đối với người dân Mỹ.
Chỉ một vài giờ sau sự kiện đau thương này, Tổng thống Mỹ khi đó, ông G.W.Bu-sơ, tuyên bố trước thế giới: "Nước Mỹ bị tấn công. Đây là điều chúng ta chưa từng chứng kiến từ vụ Trân Châu Cảng".
“Cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” đã được Mỹ phát động. Đây là một cuộc chiến tranh không có chiến tuyến rõ ràng, rất khó phân biệt ai là bạn, ai là thù, nhằm chống lại các đối thủ tiềm tàng trong mỗi quốc gia, trong mỗi khu vực, trong từng lĩnh vực có thể xảy ra xung đột, từ trên bộ, trên không, trên biển, trong vũ trụ tới không gian ảo. Vì thế, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” là một loại hình chiến tranh thế giới lần thứ III, trong đó Mỹ phân chia thế giới thành hai phe: một phe đi theo Mỹ “chống khủng bố”, phe kia – bao gồm phần còn lại của thế giới, là “khủng bố và ủng hộ khủng bố”. Lý do “chống khủng bố” sẽ mang lại cho Mỹ quyền can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào, vào bất kỳ thời gian nào, và qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới trong thế kỷ XXI.
Nhiều nhà phân tích bình luận rằng, nếu như sự kiện Nhật Bản tiến công căn cứ hải quân của Mỹ ở Trân Châu Cảng năm 1941 là chất xúc tác để Mỹ tham chiến trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II với tham vọng thiết lập vai trò bá chủ thế giới sau khi chiến tranh kết thúc, thì 60 năm sau, vụ khủng bố ngày 11-9-2001, vô hình trung, lại tạo cái cớ để Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ phát động “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố”, tạo điều kiện cho cường quốc quân sự này sử dụng ưu thế vượt trội của mình chiếm lĩnh các địa bàn có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược trên toàn cầu, khẳng định vị thế số 1 thế giới. Thậm chí, còn có những ngờ vực, lật lại vấn đề rằng, phải chăng vụ khủng bố này là một "Trân Châu Cảng mới” mà các tác giả của bản báo cáo "Đề án mới của nước Mỹ" đã từng đề cập đến?(1)
Chiến dịch quân sự “Tự do bền vững” - bước đi đầu tiên
“Cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” được mở đầu, ngay sau sự kiện 11-9-2001, bằng chiến dịch quân sự mang tên “Tự do bền vững”, nhằm vào Áp-ga-ni-xtan - một quốc gia có vị trí then chốt ở Trung Á, nơi được coi là “bàn cờ lớn” trong thế kỷ XXI. Đây cũng được cho là bước đầu tiên để Mỹ thực hiện kế hoạch đầy tham vọng theo “Đề án Trung Đông Lớn” nhằm bình định khu vực địa - chính trị (bao gồm Trung Đông truyền thống, Bắc Phi, Trung Á cho tới Nam Á) có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với chiến lược toàn cầu của Mỹ.
“Đề án Trung Đông Lớn” là một trong những nội dung của chiến lược xây dựng “trật tự thế giới mới” của Mỹ dựa trên “Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ ở Trung Đông: phân tích sau sự kiện 11-9-2001”. Đề án này có một số đặc điểm rất đáng chú ý. Một là, trong Đề án, các nước A-rập không được nhắc đến như là những quốc gia - dân tộc có tính đặc thù về mặt địa lý cũng như đặc điểm phân loại. Hai là, Đề án này bao quát một khu vực địa lý rộng lớn và hết sức đa dạng, trong đó có thế giới A-rập và thế giới Hồi giáo với tất cả những yếu tố cấu thành cực kỳ phức tạp. Theo nhiều nhà quan sát, mục đích của việc nhào nặn văn hóa này chính là nhằm tạo ra ưu thế dẫn đầu cho I-xra-en, lôi kéo các nước khác trong khu vực. Ba là, Đề án không đề cập đến những vấn đề liên quan đến việc giải quyết cuộc xung đột giữa các nước A-rập với I-xra-en, và do vậy, không nhằm giải quyết những vấn đề đích thực của khu vực đầy bất ổn này. Bốn là, Đề án này mang lại cho Mỹ thế độc quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên trong khu vực, còn các nước châu Âu sẽ phải có trách nhiệm đầu tư tiền của cho những cải cách sẽ diễn ra ở khu vực này, nghĩa là sẽ tiếp tục những gì mà cuộc chiến tranh I-rắc đã khởi đầu. Năm là, Đề án này giải thích những hiện tượng tiêu cực trong thế giới A-rập như nghèo, đói, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố v.v.. là do xuất phát từ các nguyên nhân nội bộ như “thiếu dân chủ” và “mất công bằng xã hội”.
Tham vọng mà Đề án này đặt ra và những diễn biến hiện nay tại Bắc Phi và Trung Đông làm cho dư luận lo ngại và đặt câu hỏi: phải chăng "dân chủ hóa", "chống lại các chế độ cầm quyền độc đoán” và “cải cách căn bản các nước A-rập”… chỉ là lớp vỏ che đậy sự xâm nhập về kinh tế, chiếm đóng và tạo ra các chế độ chịu ảnh hưởng của Mỹ và các nước thuộc NATO trong Trung Đông Lớn?.
Tại sao cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa nhìn thấy hồi kết?
Trong 10 năm qua, nước Mỹ đã phá hàng loạt âm mưu khủng bố, không để xảy ra bất kỳ vụ khủng bố nào. Việc tiêu diệt trùm khủng bố Ô-xa-ma Bin La-đen trong chiến dịch "Ngọn giáo Hải vương" (Neptune' Spear) đêm 2-5-2011, mang lại cho Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma rất nhiều lời khen ngợi và người dân Mỹ "vỡ òa" trong niềm hân hoan.
Tuy nhiên, trên toàn thế giới, trong 10 năm qua, và ngay cả sau khi Bin La-đen bị tiêu diệt, các hành động khủng bố quy mô nhỏ vẫn diễn ra thường xuyên. Theo thống kê của các tổ chức theo dõi chống khủng bố, riêng trong 8 tháng đầu năm 2011, đã xảy ra ít nhất 110 vụ khủng bố trên khắp các châu lục, và riêng tại Pa-ki-xtan từ năm 2003 tới nay đã có hơn 36.000 người thiệt mạng trong các vụ bạo lực và khủng bố.
Phát biểu trên chương trình "Early Show" của CBS, bà Ne-ta Crao-phót (Neta Crawford), Giáo sư khoa học chính trị Đại học Boston, cho biết, trong 10 năm qua, dưới danh nghĩa cuộc chiến chống khủng bố, nước Mỹ đã tiêu tốn khoảng 2.300 tỉ USD và con số này còn tiếp tục gia tăng, có thể lên tới 4.000 tỉ USD, trong đó, riêng số tiền chi cho 2 cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan và I-rắc là 1.300 tỉ (chiến trường I-rắc chiếm hơn 800 tỉ USD, gấp hơn 10 lần so với con số ước tính từ 50-60 tỉ USD của chính quyền G.W. Bu-sơ khi phát động cuộc chiến này). Cái giá phải trả về người còn lớn hơn. Theo Giáo sư Crao-phót, cho tới nay, số lính Mỹ và đồng minh bị thiệt mạng trong 2 cuộc chiến ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan đã lên tới hơn 6.000 người cộng với gần 70.000 binh lính khác bị thương. Số thường dân ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan thiệt mạng ước tính hơn 180.000 người và theo thống kê của tổ chức "Iraq Body Count", con số người thiệt mạng tối thiểu có thể đã lên tới 400.000. Ngoài gần 3.000 người thiệt mạng trực tiếp trong vụ khủng bố 11-9-2001, đến nay đã có 1.020 trong tổng số 40.000 người tình nguyện dọn dẹp đống đổ nát tại tòa tháp đôi ngày ấy bị chết do nhiều căn bệnh, chủ yếu là ung thư phổi. |
Khủng bố, bạo lực không những chưa được kiểm soát, mà ngược lại còn có nguy cơ lan rộng, thậm chí hiện diện cả ở những nơi được coi là xứ sở của hoà bình. Vụ khủng bố đẫm máu ở Na-uy vừa qua là một thí dụ điển hình.
Liệu rằng, cuộc chiến chống khủng bố có thể nhanh chóng đi đến hồi kết khi mà Chiến tranh lạnh đã kết thúc, nhưng cường quốc hàng đầu thế giới trong rất nhiều lĩnh vực vẫn không thể chấp nhận “điểm dừng chiến lược”, và do đó, vẫn phải “thử nghiệm” các công nghệ mới và quan điểm chiến lược mới; không thể dỡ bỏ các căn cứ quân sự đã từng được xây dựng lên trong “chiến tranh lạnh”, không thể từ bỏ các mục tiêu chiến lược, không thể từ bỏ chiến lược toàn cầu?.
Nếu “Đề án Trung Đông Lớn” vẫn tiếp tục được triển khai với mục tiêu và tham vọng mà người khởi xướng đã xác định, liệu rằng hòa bình, hòa hợp có đến với khu vực giàu có tài nguyên nhưng luôn chìm trong bạo lực, mâu thuẫn, xung đột và đổ máu này không?
Nếu như, trên thế giới vẫn còn sự bất công, bất bình đẳng, tình trạng căng thẳng về sắc tộc ngày càng leo thang và trở nên nghiêm trọng do sự phân hóa xã hội theo mức sống ngày càng tăng; vẫn còn mưu toan áp đặt vì mục tiêu vị kỷ thì liệu mầm mống của khủng bố có bị tiêu diệt?.
Cho đến nay, đa số người dân Mỹ thừa nhận, người Mỹ gốc Hồi giáo, gốc A-rập và những người nhập cư từ Trung Đông vẫn bị đối xử một cách không công bằng trong xã hội Mỹ 10 năm sau vụ khủng bố 11-9-2001. Theo kết quả thăm dò của truyền hình CBS và "Thời báo Niu Yoóc" (New York Times), công bố ngày 8-9-2011 cho biết, trong tổng số 1.165 người trên khắp nước Mỹ được phỏng vấn từ ngày 19 đến 23-8 vừa qua, có 78% nghĩ rằng nhóm sắc tộc trên đây vẫn đang bị đối xử bất công, trong đó 29% khẳng định chắc chắn, 49% thừa nhận bị phân biệt đối xử ở dạng này hoặc dạng khác và chỉ có 18% tin rằng không có chuyện như vậy. Thái độ của người Mỹ đối với người Hồi giáo cũng thay đổi. Gần một tháng sau ngày 11-9-2001, kết quả thăm dò của truyền hình ABC và tờ "Thời báo Oa-sinh-tơn" (Washington Times) cho thấy, 47% người Mỹ có thiện cảm với người Hồi giáo, thế nhưng, đến năm 2010, con số này chỉ còn 37%.
Hội nghị quốc tế về hợp tác, an ninh và phát triển giữa các nước khu vực Xa-hen-Xa-ha-ra (Sahel-Sahara), vừa qua, đã cho thấy, “các nước khu vực có một chiến lược và một tầm nhìn thống nhất trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, tội phạm và nghèo đói dựa trên các cơ chế phối hợp và không ưu tiên sử dụng biện pháp can thiệp quân sự. Can thiệp quân sự của nước ngoài sẽ không thành công và có thể lại kích thích chủ nghĩa khủng bố và các phong trào Hồi giáo vũ trang"./.
(1) Xem: F.William Engdahl: “Chiếm ưu thế toàn diện hay là nền dân chủ cực quyền trong trật tự thế giới mới” (Full Spectrum Dominance: Totalitarian Democracy in the New World Order). Wiesbaden, 2009.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm CHDCND Lào  (10/09/2011)
Đoàn cán bộ Tạp chí Cộng sản thăm và làm việc tại Ấn Độ  (10/09/2011)
Hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào  (10/09/2011)
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan vui Tết Trung Thu với thiếu nhi  (10/09/2011)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên