Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm CHDCND Lào
Chiều 10-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm CHDCND Lào. Trước đó, sáng cùng ngày, tại thủ đô Viêng Chăn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thoong-xỉnh Thăm-ma-vông (Thongsing Thammavong) đã đồng chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào với sự tham dự của trên 300 doanh nghiệp hai nước. Hội nghị là cơ hội để hai bên điểm lại những kết quả hợp tác đầu tư; lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư của hai nước; trao đổi về những giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch… Việt Nam - Lào trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng anh em, có mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt, hợp tác toàn diện, được các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp; trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc của mỗi nước. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao chính sách coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt với Việt Nam của Lào, cũng như việc Lào đã dành quan tâm đặc biệt và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh tại Lào.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tại các cuộc gặp với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội Lào và hội đàm với Thủ tướng Thoong-xỉnh Thăm-ma-vông trong chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào lần này của đoàn Việt Nam, hai bên đều đánh giá cao kết quả hợp tác toàn diện giữa hai nước thời gian qua, trong đó nhấn mạnh tới kết quả hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch, coi kết quả này là nền tảng quan trọng cho việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của các địa phương, doanh nghiệp, phục vụ cho sự nghiệp phát triển của cả hai bên.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, những kết quả đạt được trong hợp tác giữa hai nước, nhất là hợp tác về kinh tế, đầu tư vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, với mối quan hệ đặc biệt và mong muốn của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân hai nước. Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, hai chính phủ cần tiếp tục quan tâm, tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi nhằm giúp doanh nghiệp hai nước tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đã được cấp phép; đồng thời tăng cường định hướng cho địa phương và doanh nghiệp về các hình thức và lĩnh vực hợp tác. Các địa phương hai nước cần tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin trên nhiều cấp độ, áp dụng các hình thức hợp tác mới phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của địa phương. Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nâng cao hiệu quả hợp tác, phát huy tinh thần sáng tạo, tìm ra những cách làm mới, bảo đảm tuân thủ pháp luật và chú trọng trách nhiệm xã hội. Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, giữ gìn hình ảnh và uy tín của Việt Nam khi tham gia đầu tư, kinh doanh tại Lào.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào là tài sản vô giá của Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước. Mỗi công dân hai nước đều có trách nhiệm vun đắp cho mối quan hệ này, trong đó mỗi dự án, công trình không chỉ thể hiện sự hợp tác đơn thuần trên cơ sở lợi ích của doanh nghiệp, mà còn và cần phải đóng góp tích cực cho tình hữu nghị, đoàn kết thắm thiết keo sơn đặc biệt Việt - Lào. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam đặc biệt coi trọng và làm hết sức mình nhằm không ngừng củng cố, tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị, truyền thống, hợp tác toàn diện với CHDCND Lào.
Đồng tình với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Thoong-xỉnh Thăm-ma-vông khẳng định các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào đã góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Lào. Thủ tướng Thoong-xỉnh Thăm-ma-vông cho rằng, Việt Nam là điển hình của đầu tư nước ngoài tại Lào. Các nhà đầu tư của Việt Nam luôn tích cực trong hoạt động kinh doanh, thực hiện đúng các điều khoản hợp đồng đã ký, tôn trọng pháp luật, tập quán và văn hóa Lào. Đặc biệt, các nhà đầu tư của Việt Nam không chỉ có mục đích đơn thuần theo đuổi về lợi nhuận mà còn có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội Lào.
Khẳng định Chính phủ Lào luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào, Thủ tướng Thoong-xỉnh Thăm-ma-vông kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đầu tư với quy mô lớn hơn tại Lào. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng của Lào tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án hợp tác Việt - Lào đã được cấp phép để các dự án này đẩy nhanh tiến độ và sớm đi vào hoạt động. Thủ tướng đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ trong hoạt động hợp tác, đầu tư, làm cho hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Lào luôn đảm bảo tốt về chất lượng, hiệu quả và là biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thoong-xỉnh Thăm-ma-vông đã tới dự lễ động thổ tổ hợp khách sạn 5 sao, văn phòng, căn hộ cho thuê và Trung tâm Thương mại tại thủ đô Viêng Chăn (Vientiane - Complex) do Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group) làm chủ đầu tư.
Chiều 10-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam rời thủ đô Viêng Chăn, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức nước CHDCND Lào và đồng chủ trì hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào./.
Đoàn cán bộ Tạp chí Cộng sản thăm và làm việc tại Ấn Độ  (10/09/2011)
Hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào  (10/09/2011)
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan vui Tết Trung Thu với thiếu nhi  (10/09/2011)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên