Theo Quy hoạch tổng thể vận tải Việt Nam đến năm 2020 đang được Bộ Giao thông Vận tải xây dựng, tổng giá trị dự tính cho đầu tư cơ sở hạ tầng đường bộ đến năm 2020 khoảng 1 triệu tỉ đồng (tương đương gần 60 tỉ USD).

Như vậy, mức đầu tư bình quân mỗi năm khoảng 66.000 tỉ đồng, trong đó, riêng đầu tư cho đường cao tốc khoảng 22.000 tỉ đồng/năm, tăng hơn gấp đôi so với hiện nay.

Ông Mai Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Giao thông đường bộ, cho biết để giải quyết bài toán về vốn cho lĩnh vực này, trong thời gian tới, Bộ này sẽ trình Chính phủ đề nghị thiết lập quỹ bảo dưỡng và quản lý đường giao thông, huy động từ nhiều nguồn khá nhau như ngân sách nhà nước, quỹ tín dụng phát triển, từ các doanh nghiệp và phát hành trái phiếu Chính phủ.

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, Chính phủ cũng đang áp dụng nhiều chính sách ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng đường bộ, đặc biệt đầu tư cho đường cao tốc, bởi vậy, “thị trường đầu tư cho giao thông đường bộ sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư hơn trong thời gian tới”.

Số liệu của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, Việt Nam hiện có 256.000 km đường giao thông bộ, trong đó có trên 200.000 km đường đô thị. Mật độ đường bộ theo khu vực của đất nước là 0,78km/km2, theo dân số là 3,09km/1.000 dân.

Đây không phải là mật độ thấp so với các nước trong khu vực. Chất lượng đường những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể, tính riêng đường quốc lộ và tỉnh lộ, đã có khoảng 80% được làm bằng bê tông hoặc có rải nhựa.

Tuy nhiên, nếu tính riêng mật độ đường quốc lộ và tỉnh lộ thì Việt Nam ở mức thấp hơn khu vực, hơn nữa, điều kiện kỹ thuật đường xá còn nghèo nàn. Quan trọng hơn là sự phát triển đường bộ chưa theo kịp tốc độ gia tăng của phương tiện giao thông, tình trạng ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng.

Hiện nay, hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ chiếm khoảng 52% trong tổng số hàng hóa vận chuyển, lượng hành khách được vận chuyển bằng đường bộ cũng tăng nhanh hơn rất nhiều so với các loại hình vận tải khác.

Năm 2007, cả nước có hơn 1,1 triệu xe buýt chở khách, 243.000 ô tô con, khoảng 21 triệu xe máy. Tốc độ tăng trưởng bình quân của xe máy khoảng 16%/năm, ô tô con khoảng 10%/năm.

Dự báo đến năm 2020, sẽ có khoảng 2,8-3 triệu ô tô các loại và khoảng 33-36 triệu xe máy, đặc biệt, số lượng ô tô sẽ còn tăng mạnh hơn khi GDP bình quân đầu người tăng. Điều này sẽ là thách thức lớn cho phát triển và quản lý đường bộ./.