Kết quả kiểm toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi ai cũng phải dùng đến điện; bởi EVN là đơn vị độc quyền mua và phân phối điện cho phần lớn sản lượng điện tiêu thụ trên toàn quốc, và vì thế, có rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh chi phí sản xuất điện, giá điện và thực trạng sản xuất kinh doanh... của EVN.

Qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước vừa được công bố cho thấy, về cơ bản, EVN đã chấp hành tương đối nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước, khả năng thanh toán nợ, khả năng tài chính, tại thời điểm 31-12-2007 của EVN, là cơ bản đảm bảo và lành mạnh. Do huy động được nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh tăng thêm 37.442 tỉ đồng nên đã làm vốn chủ sở hữu tăng từ 42,60% năm 2006 lên 46,07% vào thời điểm 31-12-2007. Kết quả này được Kiểm toán Nhà nước đánh giá là “rất tích cực”, “cơ cấu tài chính của EVN là khá vững chắc” do đã có nhiều cố gắng trong việc huy động mọi nguồn vốn vào hoạt động kinh doanh. Tính đến thời điểm trên, tổng tài sản của EVN là 185.180 tỉ đồng, tương đương 11.492 triệu USD (theo tỷ giá USD/VNĐ: 16.114).

Tuy nhiên, cũng qua kết quả kiểm toán có thể thấy nổi lên một số vấn đề cần quan tâm khắc phục, xử lý cả về phía EVN, các bộ ngành liên quan và Chính phủ.

1- Khả năng điều chỉnh giá điện. Đây là một bài toán tổng thể vì phải tính toán đến rất nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan, quan hệ cung - cầu về điện, trong đó có những yếu tố có thể làm hạ chi phí sản xuất điện, nhưng cũng có không ít yếu tố làm tăng giá.

Những yếu tố ảnh hưởng dẫn đến khả năng tăng giá là: Thứ nhất, hiện nay trong chi phí giá thành điện chưa phản ánh đúng giá nhiên liệu theo giá thị trường. Nhà nước đang thực hiện bù giá chéo vào than và gas. Giá than mà Nhà nước bù thấp hơn rất nhiều so với giá xuất khẩu than. Giá gas cũng được Nhà nước bù nên thấp hơn so với giá thị trường. Trong khi đó, ở Việt Nam, các nhà máy nhiệt điện chủ yếu chạy bằng than và khí gas, hầu như rất ít nhà máy nhiệt điện chạy bằng dầu thô, vì thế, sẽ không tận dụng được cơ hội giá dầu thô đang trong xu hướng giảm. Nếu như Nhà nước không tiếp tục bù giá, thì chi phí sản xuất điện rõ ràng sẽ tăng không ít, và giá thành, vì thế sẽ tăng. Hiện nay, chênh lệch giá nhiên liệu ước tính khoảng 8.479,264 tỉ đồng. Thứ hai, vấn đề hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái. Tập đoàn vay vốn kinh doanh của nước ngoài và trong nước bằng ngoại tệ, khi tỷ giá lên, khoản chênh lệch tỷ giá này cũng phải đưa vào hạch toán. Thứ ba, trong năm 2007, EVN có nhiều khoản thu mà không phải trả chi phí, thí dụ như thu 330 tỉ đồng của Nhà máy điện Uông Bí. Nếu loại trừ yếu tố thu này, thì rõ ràng chi phí sẽ tăng. Thứ tư, Nhà nước điều chỉnh tiền lương cho khối doanh nghiệp... cũng sẽ làm tăng chi phí đầu vào, dẫn đến việc tăng giá thành. Thứ năm, cầu về điện càng ngày càng tăng, như vậy sẽ phải xây dựng thêm nhà máy với chi phí rất lớn, phải thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, mà muốn thu hút đầu tư thì giá bán điện phải ở mức có lãi.

Những yếu tố có khả năng tác động làm giảm giá điện là: Thứ nhất, áp dụng triệt để các biện pháp làm giảm tổn thất, tiêu hao điện năng. Tổn thất điện năng năm 2007 của EVN là gần 7 tỉ kWh, tỷ lệ tổn thất là 10,56%, vượt 0,06% so với kế hoạch do EVN đặt ra. Nếu như hạ được tỷ lệ tổn thất này theo chỉ tiêu đặt ra đến năm 2010 là 8%, với quy mô như hiện nay thì có thể tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ: trên 1.400 tỉ đồng. Thứ hai, trên thế giới, giá dầu thô đang giảm. Thứ ba, nâng công suất các nhà máy điện và tính toán cơ cấu điện hợp lý. Hiện nay, trong cơ cấu điện ở nước ta, thủy điện chiếm tới 40%. Điện từ nguồn này có giá rẻ, tuy nhiên, vốn đầu tư xây dựng lớn, thời gian thi công dài. Khi mùa mưa, nhà máy chạy với công suất lớn, nhu cầu về điện được đáp ứng đủ, giá điện sẽ rẻ, nhưng khi nước cạn, nhà máy thủy điện không chạy được hết công suất, vì thế, sẽ phải xây dựng các nhà máy phụ tải, dẫn đến chỗ làm tăng chi phí đầu tư. Nếu cơ cấu điện vẫn giữ như hiện nay thì lợi thế thủy điện giá rẻ không được phát huy đến mức tối đa.

Phân tích tương quan giữa nhóm các yếu tố có khả năng làm tăng chi phí đầu vào và những yếu tố có khả năng giảm chi phí sản xuất, ông Vương Đình Huệ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc tăng giá điện là phù hợp, tuy nhiên, ông Huệ cũng nhấn mạnh, việc tăng giá phải được tính toán trên cơ sở sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tiết kiệm chi tiêu, hạn chế tổn thất điện năng, hạ giá thành điện trong tất cả các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối... Việc điều chỉnh giá bán điện phải theo nguyên tắc bù đắp chi phí sản xuất, có mức lãi phù hợp, không bao cấp tràn lan, không bù chéo, đồng thời bảo đảm nguyên tắc Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho đối tượng sử dụng điện là người nghèo, người có thu nhập thấp và các hộ sinh sống ở nông thôn. Việc điều chỉnh giá phải gắn với lộ trình cụ thể nhằm từng bước thực hiên chủ trương xóa bao cấp qua giá điện đối với sản xuất nói chung cũng như dần xóa bỏ tình trạng Nhà nước bù chéo giá nhiên liệu. Mức giá và thời điểm điều chỉnh cần cân nhắc cẩn trọng để vừa đạt được mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế dài hạn, vừa tránh được những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, hạn chế tác động đến đời sống dân sinh trong giai đoạn hiện nay.

2- Hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài sản, vốn của Tập đoàn

EVN là đơn vị độc quyền mua và phân phối điện trên cho phần lớn sản lượng điện tiêu thụ trên toàn quốc. Tuy nhiên, do Nhà nước quản lý giá bán điện trong khi các yếu tố đầu vào có biến động tăng, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận trên vốn của EVN thấp. Nếu tất cả chênh lệch tăng giá điện đều được tính vào kết quả kinh doanh thì hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2007 của EVN có lợi nhuận trước thuế là 4.376,415 tỉ đồng, đạt 7,52% trên doanh thu, và 5,88% trên vốn chủ sở hữu.

Thêm vào đó, EVN cũng chưa huy động và tập trung hết các nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu chính của mình. Trong tổng vốn đầu tư tài chính dài hạn 49.718 tỉ đồng, lượng vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện (viễn thông điện lực, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản và khác) là 3.590,5 tỉ đồng, chiếm 7,22%/vốn đầu tư và 4,82/tổng nguồn vốn chủ sở hữu. Trong năm 2007, EVN thu cổ tức đầu tư vốn là 665,006 tỉ đồng. Kinh doanh trái ngành nghề mang lại lãi thật cho EVN, trong khi đó, nếu tách riêng chênh lệch thu được từ tăng giá điện là hơn 3.400 tỉ đồng, chuyển thẳng vào quỹ đầu tư mà không hạch toán vào kết quả kinh doanh thì lợi nhuận của EVN chỉ còn 973 tỉ đồng, còn nếu tính riêng lợi nhuận điện, thì EVN bị lỗ. Vì thế, kiểm toán đã khuyến nghị EVN xem xét, rà soát, cơ cấu lại các khoản đầu tư nhằm đảm bảo huy động cao nhất mọi nguồn vốn, đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống điện quốc gia theo chức năng, nhiệm vụ chính được giao.

Thực trạng trên cho thấy, một bài toán khó đang đặt ra và cần có lời giải thỏa đáng, đó là xử lý tình trạng, dù đã được Nhà nước bù giá chéo vào nhiên liệu, nhưng hoạt động để thực hiện mục tiêu chính của EVN vẫn lỗ; vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện lại có lãi; tình trạng thất thoát, hao hụt điện vẫn cao hơn kế hoạch đặt ra; việc tiết kiệm vẫn chưa được thực hiện triệt để; một số đơn vị có vốn ứ đọng nhưng lại phải đi vay vốn;...Câu trả lời cho tình huống này không chỉ đặt ra cho riêng EVN.

3- Vấn đề trách nhiệm và khả năng xử lý thông tin để đưa ra những con số chính xác

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã xác định được chênh lệch tăng giá bán điện của EVN là 3.402,940 tỉ đồng (tăng khoảng 600 tỉ so với báo cáo). Con số này đã được EVN công nhận. Việc xác định con số này là kết quả của quá trình nghiên cứu, phân tích, xử lý hàng “núi” số liệu, bởi nó có ý nghĩa rất quan trọng trong xác định hiệu quả kinh doanh điện của EVN. Sự chênh lệch đã được làm rõ sau khi kiểm toán tính chi tiết sản lượng bán điện cho từng nhóm đối tượng, theo mức giá và cấp điện áp cụ thể do 11 công ty điện lực bán cho khách hàng và lượng điện Công ty mẹ tiêu thụ trực tiếp cho một số nhà máy phát điện. Nếu tất cả khoản chênh lệch này được tính vào kết quả kinh doanh thì: tổng lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ là 2.348,406 tỉ đồng, bằng 5,92% trên doanh thu và 3,27% trên vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, nếu tách riêng, không hạch toán khoản này vào kết quả kinh doanh thì EVN lỗ hoạt động kinh doanh điện hơn 506 tỉ đồng. Nếu kiểm toán không phát hiện được con số tăng thêm do chênh lệch tăng giá bán điện khoảng 600 tỉ đồng, thì kết quả kinh doanh điện của EVN là có lãi!

4- Khó khăn trong việc triển khai chính sách của Nhà nước hỗ trợ những đối tượng có thu nhập thấp, sinh sống ở nông thôn

Nhằm giảm bớt khó khăn cho nông dân theo quy định của Chính phủ, EVN đã thực hiện bán buôn điện nông thôn với giá ưu đãi. Năm 2007, EVN đã bán 9.047 triệu kWh (15,48%) cho sinh hoạt bậc thang 100 kWh đầu với giá 550đ/kWh và 6.343 triệu kWh (10,85%) bán buôn cho nông thôn với mức giá 390đ/kWh. Trong khi đó, điện bán cho sản xuất với giá bình quân là 857,52đ/kWh; bán cho sinh hoạt: 742,95 đ/kWh giá bình quân; bán cho kinh doanh: 1.613,93 đ/kWh giá bình quân; bán cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp 989,71 đ/kWh giá bán bình quân; bán theo cơ chế riêng: 903,71 đ/kWh giá bán bình quân.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, người tiêu dùng điện ở nông thôn lại không được hưởng đầy đủ mức giá này vì ở một số địa phương, họ phải mua qua các tổ chức kinh doanh trung gian, qua hệ thống hợp tác xã ở địa phương quản lý và bán lại cho người dân.

Do vậy, hướng đề xuất của EVN trong thời gian tới là sẽ xóa bỏ việc bán cho tổng đại lý ở nông thôn để bán trực tiếp tới hộ tiêu dùng điện, nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mạng lưới điện ở nông thôn quá cũ nát, nếu muốn tiếp nhận điện phải đầu tư xây dựng mạng lưới điện... rất tốn kém. Và khoản đầu tư này lại sẽ được tính vào chi phí đầu vào của sản xuất, kinh doanh điện.

Những kết quả và thiếu sót, khuyết điểm trong quản lý tài chính, điều hành sản xuất kinh doanh, cũng như những bất cập về cơ chế đã được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị với EVN, Bộ Tài chính và Công Thương, với Chính phủ để có các giải pháp khắc phục, giải quyết.

Điều mà mọi người dân và các đơn vị sản xuất kinh doanh quan tâm, trông đợi là, EVN nêu gương trong việc tiết kiệm điện, giảm tiêu hao điện theo mục tiêu mà EVN đặt ra; có các biện pháp kịp thời để giải quyết những thiếu sót do yếu tố chủ quan để làm giảm những chi phí sản xuất không đáng có. Đồng thời, Chính phủ ở tầm vĩ mô quy hoạch cơ cấu điện hợp lý, để phát huy lợi thế của mỗi loại hình sản xuất điện ở nước ta hiện nay./.