Tiết kiệm, chống lãng phí: những kết quả bước đầu
Tiết kiệm, chống lãng phí là một trong 8 biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát của Chính phủ, từ quý 4 năm 2007 đến nay, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực chi tiêu công và trong đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, phương tiện đi lại, đã có nhiều tiến bộ.
1- Hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước
Chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị đã gắn kết hơn với các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, từ khâu lập dự toán đến chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước đã được thực hiện khá nghiêm túc.
Tính đến cuối tháng 6 năm 2008, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương đã phân bổ, giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên cho các đơn vị trực thuộc với số tiền 700 tỉ đồng.
Tổng số tiền tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo chỉ tiêu của năm 2008 của cả nước dự kiến đạt khoảng 3.400 tỉ đồng, bằng khoảng 25% tổng dự phòng ngân sách nhà nước năm 2008. |
Theo báo cáo của các địa phương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ra quyết định giao tiết kiệm 10% chi thường xuyên cho các đơn vị trực thuộc và ngân sách cấp dưới với số tiền hơn 1.984 tỉ đồng. Như vậy, tổng số tiền tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo chỉ tiêu giao cho những tháng còn lại của năm 2008 của cả nước dự kiến đạt khoảng 2.700 tỉ đồng, bằng khoảng 25% tổng dự phòng ngân sách nhà nước năm 2008. Khoản kinh phí tiết kiệm được dành để bổ sung nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách...
Tuy nhiên, tình trạng thực hiện không đúng theo quy định quản lý kinh phí vẫn còn: từ tháng 10-2007 đến tháng 8-2008, hệ thống Kho bạc nhà nước đã kiểm soát 170.835 tỉ đồng, phát hiện 34.233 khoản chi của 13.545 lượt đơn vị chưa đúng thủ tục, trình tự quy định, từ chối 232 tỉ đồng chi không đúng chế độ quy định. Các trường hợp vi phạm phát hiện qua thanh tra còn nhiều; qua 1.097 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và 70 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, thanh tra tài chính 9 tháng đầu năm 2008 đã kiến nghị xử lý giảm dự toán 82 tỉ đồng, giảm cấp phát ngân sách 25 tỉ đồng, cắt giảm thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng 13 tỉ đồng, xử lý khác 326 tỉ đồng.
2. Tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng điện
Thực hiện Chỉ thị 19/2005/CT-TTg ngày 2-6-2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện tiết kiệm điện đã được nhiều bộ, cơ quan Trung ương, địa phương triển khai nghiêm túc và kịp thời. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành chỉ thị về thực hành tiết kiệm điện; thành lập các đoàn kiểm tra thực hiện tiết kiệm điện; triển khai các biện pháp tiết kiệm điện và chỉ đạo đưa vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị. Các biện pháp được nhiều nơi thực hiện có kết quả là: giảm hệ thống đèn quảng cáo, chiếu sáng công cộng, chiếu sáng ngoài trời; quy định thời gian đóng và ngắt điện; biện pháp tiết kiệm trong sử dụng điều hoà nhiệt độ, sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm điện; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tiết kiệm điện.
3. Quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu; kinh phí nghiên cứu khoa học
Việc sử dụng kinh phí các Chương trình mục tiêu, nghiên cứu khoa học đã cơ bản bảo đảm được mục đích, nội dung của Chương trình và các quy định về tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước. Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã phân bổ và giao dự toán, quyết toán chi ngân sách sự nghiệp (khoa học và công nghệ) đảm bảo thời gian quy định. Đến hết tháng 6-2008, các bộ, ngành đã thực hiện khoảng 60% dự toán năm, ước thực hiện đến hết tháng 12-2008 đạt 90-95% dự toán năm 2008.
Việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính và tổ chức, bộ máy của các đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ, trong đó đáng chú ý là việc chuyển một số tổ chức nghiên cứu khoa học sang mô hình doanh nghiệp theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 5-9-2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập cùng với cơ chế khoán chi, đặt hàng đối với các đề tài, dự án sử dụng ngân sách nhà nước đã cho phép chủ nhiệm đề tài được quyết định mức chi trên cơ sở quy chế chi tiêu của từng đề tài nên hiệu quả sử dụng kinh phí đã được nâng lên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu, nghiên cứu khoa học vẫn còn có một số hạn chế như:
- Nội dung chương trình các Chương trình mục tiêu và từng dự án chưa đề cập và xác định đầy đủ đến mối quan hệ, tính đồng bộ và việc lồng ghép giữa các dự án của Chương trình cũng như với các Chương trình có những nội dung tương tự; một số nơi còn lập dự toán cao làm giảm hiệu quả trong bố trí kinh phí chương trình; tiến độ giải ngân đối với kinh phí chương trình ở một số địa phương còn chậm.
- Hiệu quả đầu tư cho khoa học và công nghệ chưa rõ nét; khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế -xã hội; các đề tài, dự án khoa học và công nghệ chưa thực sự gắn với thực tế sản xuất và đời sống; việc thực hiện xã hội hoá trong các hoạt động khoa học và công nghệ chưa được quan tâm đúng mức.
4. Hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ trong quản lý tài chính đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập
Đối với các cơ chế quản lý tài chính nhằm tạo động lực kinh tế cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí của các cơ quan, tổ chức, việc triển khai thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17-10-2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước; Nghị định số 43/2006 ngày 25-4-2006 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã được tiếp tục đẩy mạnh với kết quả tích cực.
- Dự toán ngân sách năm 2008, trong số 23 bộ, cơ quan trung ương gửi báo cáo về Bộ Tài chính đã có 22 cơ quan thực hiện giao chế độ tự chủ cho các đơn vị cấp dưới trực thuộc. Trong số 55 tỉnh, thành phố có báo cáo thì 44 tỉnh thành phố đã giao thực hiện chế độ tự chủ đối với các cơ quan, đơn vị thuộc cấp tỉnh. Đối với cơ quan thuộc cấp huyện, theo báo cáo của 55 địa phương thì có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao thực hiện chế độ tự chủ cho các cơ quan thuộc cấp huyện; Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và các tỉnh, thành phố khác đã và đang triển khai giao thực hiện chế độ tự chủ cho cấp xã. Hầu hết các cơ quan, đơn vị được giao tự chủ tài chính đã xây dựng được quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản.
Thực hiện cơ chế này, các cơ quan, tổ chức đã triển khai nhiều biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nên hiệu quả sử dụng kinh phí được nâng lên và kết quả tiết kiệm khá khả quan cả về kinh phí, biên chế. Theo đánh giá chung của các bộ, ngành, địa phương, cơ chế này đã tạo điều kiện cho đơn vị chủ động sử dụng kinh phí, biên chế, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức để hoàn thành nhiệm vụ được giao; tăng cường sự giám sát của cán bộ, công chức trong việc sử dụng biên chế, kinh phí, khắc phục tình trạng cấp dưới trông chờ ỷ lại vào cấp trên qua đó kinh phí được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn, khắc phục được tình trạng lãng phí do “chạy” kinh phí cuối năm...
- Đến nay các bộ, cơ quan trung ương (43/43) đều đã giao quyền tự chủ theo quy định của Nghị định cho các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý; theo báo cáo chưa đầy đủ, các địa phương đã giao quyền tự chủ về tài chính cho 23.399 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, trong đó chủ yếu là các đơn vị thuộc cấp tỉnh còn các đơn vị sự nghiệp thuộc cấp huyện thì tỷ lệ giao tự chủ còn thấp.
Các đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ đã chủ động sử dụng kinh phí được giao để thực hiện nhiệm vụ, huy động vốn theo quy định để phát triển hoạt động sự nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị và tăng cường tích luỹ thông qua quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Qua đó, mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ công để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội và khai thác, phát triển nguồn thu sự nghiệp. Đồng thời với việc khai thác nguồn thu, các đơn vị đã xây dựng các giải pháp quản lý nội bộ để tiết kiệm chi phí như: xây dựng các tiêu chuẩn, định mức chi phí, định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu để thực hiện trong nội bộ đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sự nghiệp.
Qua triển khai thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cho thấy, mặc dù còn có tồn tại trong tổ chức, triển khai thực hiện, nhất là đối với các đơn vị cơ sở nhưng những kết quả đạt được tiếp tục khẳng định việc đẩy mạnh thực hiện các cơ chế tự chủ là biện pháp phù hợp và có hiệu quả trong quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của các cơ quan, đơn vị.
5. Hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại
Thực hiện Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18-7-2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của các cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, nhiều Bộ, ngành địa phương đã ban hành văn bản triển khai thực hiện Quyết định 170/2006/QĐ-TTg để cụ thể hoá phù hợp với đặc thù và điều kiện của mình. |
Tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương, việc chấp hành các định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản, phương tiện, thiết bị làm việc, phương tiện đi lại tương đối tốt; biện pháp tạm dừng mua sắm ô tô, phương tiện, tài sản khác có giá trị lớn hoặc sửa chữa lớn trụ sở làm việc đã được thực hiện khá nghiêm túc và đến nay chưa có đơn vị nào vi phạm; nhiều Bộ, ngành địa phương đã có văn bản triển khai về tạm dừng mua xe ô tô phục vụ công tác thay vào đó là tăng cường rà soát, sắp xếp lại số phương tiện hiện có để quản lý, sử dụng hiệu quả. Bộ Tài chính đã hướng dẫn, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạm dừng mua sắm 134 xe, đồng thời thực hiện điều chuyển 79 xe ô tô của các Ban quản lý dự án đã kết thúc cho các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp.
6. Tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản
Thực hiện Chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là thực hiện Quyết định số 390/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát danh mục dự án đầu tư trong kế hoạch năm 2008, thực hiện đình hoãn hoặc giãn tiến độ các dự án không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, qua đó có nguồn vốn điều chuyển cho các dự án có điều kiện hoàn thành sớm để phát huy hiệu quả ngay. Chính vì vậy, nhiều dự án đã được kịp thời bổ sung vốn nên đã hạn chế tình trạng công trình dở dang chờ bổ sung vốn trong bối cảnh giá vật tư tăng cao.
Tổng số công trình, dự án (sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước) hoãn khởi công năm 2008, ngừng triển khai và giãn tiến độ thực hiện trong kế hoạch năm 2008 là 1.968 dự án với tổng số vốn là 5.991 tỉ đồng, bằng 8,0% kế hoạch năm 2008.
Tổng hợp từ báo cáo của 36 Bộ, ngành, 64 tỉnh, thành phố (không bao gồm các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước), tổng số công trình, dự án (sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước) hoãn khởi công năm 2008, ngừng triển khai và giãn tiến độ thực hiện trong kế hoạch năm 2008 là 1.968 dự án với tổng số vốn là 5.991 tỉ đồng, bằng 8,0% kế hoạch năm 2008, trong đó: số dự án hoãn khởi công và ngừng triển khai thực hiện là 1.203 dự án, với số vốn đã bố trí kế hoạch năm 2008 là 1.881 tỉ đồng. Số dự án giãn tiến độ thực hiện là 765 dự án với tổng số vốn là 4.111 tỉ đồng.
Đối với các bộ, ngành Trung ương, có 51 dự án, với số vốn 177 tỉ đồng hoãn khởi công và ngừng triển khai thực hiện; 33 dự án với tổng số vốn là 152,6 tỉ đồng giãn tiến độ là.
Tổng số dự án rà soát hoãn khởi công, ngừng triển khai và giãn tiến độ ở các địa phương là 1.884 dự án, chiếm 13,6% tổng số dự án đăng ký theo kế hoạch từ đầu năm của các địa phương (kế hoạch đầu năm là 13.862 dự án), trong đó, 1.152 dự án với tổng mức vốn là 1.704 tỉ đồng hoãn khởi công, ngừng triển khai; và 732 dự án với số vốn đầu tư là 3.958 tỉ đồng giãn tiến độ đầu tư.
Theo báo cáo và kết quả kiểm tra ở 55 tập đoàn và tổng công ty, các tập đoàn, tổng công ty đã rà soát cắt giảm, hoãn khởi công, ngừng triển khai và giãn tiến độ kế hoạch đầu tư năm 2008 là 1.145 dự án với tổng số vốn đầu tư 31.086 tỉ đồng giảm 12,7% so với chương trình kế hoạc ban đầu, trong đó: đình hoãn khởi công 214 dự án với tổng số vốn là 3.866 tỉ đồng, ngừng triển khai 553 dự án với tổng số vốn đầu tư là 11.648 tỉ đồng; giãn tiến độ thực hiện 378 dự án với tổng giá trị cắt giảm khoảng 15.572 tỉ đồng.
Mặc dù kết quả tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản đã toàn diện hơn, nhưng nhìn chung tình trạng lãng phí trong lĩnh vực này vẫn còn tương đối phổ biến ở tất cả các khâu như: chất lượng quy hoạch, kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư còn hạn chế; bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, manh mún dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian thực hiện dự án theo quy định và bố trí vốn vượt quá khả năng cân đối; trong thực hiện các dự án, tình trạng thất thoát vốn đầu tư chưa được ngăn chặn hiệu quả, trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu chưa được phát huy đầy đủ nên vẫn còn tình trạng lãng phí ngay trong khâu thiết kế, cố ý làm sai lệch khối lượng thực tế thi công so với khối lượng nghiệm thu thanh toán; việc giải ngân vốn đầu tư tuy đã được cải thiện do có nhiều biện pháp tích cực nhưng vẫn còn chậm; các quy định trong đầu tư xây dựng còn chưa được chấp hành một cách nghiêm túc; tình trạng nợ đọng vốn vẫn còn nhiều...
Việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn chậm (trong 6 tháng đầu năm 2008 mới đạt 27% kế hoạch năm). Đáng chú ý là, bên cạnh các nguyên nhân cũ như chủ đầu tư gửi hồ sơ thanh toán chậm, đã xuất hiện thêm những nguyên nhân mới như: nhà thầu thi công cầm chừng do giá nguyên vật liệu tăng hoặc đã có khối lượng hoàn thành nhưng chưa muốn làm thủ tục nghiệm thu để chờ điều chỉnh giá; một số chủ đầu tư trì hoãn thời gian đấu thầu, các nhà thầu khó khăn trong việc xác định giá bỏ thầu do giá vật tư có nhiều biến động... gây chậm trễ đến tiến độ xây dựng công trình.
7. Hiệu quả quản lý, sử dụng trụ sở, nhà làm việc; quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường
Từ cuối năm 2007, công tác quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên đã được đẩy mạnh với các biện pháp đồng bộ hơn, từ khâu quản lý quy hoạch khai thác, cấp và thực hiện giấy phép khai thác, các biện pháp quản lý xuất khẩu tiểu ngạch đến các biện pháp kinh tế như tăng thuế xuất khẩu khoáng sản, khuyến khích tinh chế khoáng sản...
Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện những biện pháp kiên quyết để lập lại trật tự trong khai thác và xuất khẩu than nên đã thu được kết quả thiết thực. Các ngành và cơ quan chức năng ở địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các tổ chức được cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, khắc phục tình trạng khai thác bất hợp pháp. Nhiều địa phương đã tăng cường công tác lập quy hoạch khai thác khoáng sản, tài nguyên nước tạo cơ sở cho công tác quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn, gắn với bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, việc khai thác tài nguyên khoáng sản ở các địa phương vẫn còn diễn biến phức tạp, công tác quản lý có nơi còn buông lỏng tình trạng thăm dò, khai thác trái phép khá phổ biến, vừa gây lãng phí tài nguyên, vừa ảnh hưởng tới môi trường nhưng việc khắc phục còn chậm. Trong 6 tháng đầu năm 2008, tại tỉnh Quảng Ninh, các cơ quan chức năng đã kiểm tra và xử lý 1.032 lượt cửa lò, điểm khai thác và thu gom than trái phép, tịch thu trên 21 vạn tấn than; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai 11 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính chuyên ngành, kết thúc 8 cuộc thanh tra phát hiện sai phạm và kiến nghị xử phạt hành chính là 881 triệu đồng.
Trong quản lý, sử dụng đất đai, nhìn chung các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch sử dụng đất đối với cấp tỉnh, cấp huyện, xã nên đã góp phần khắc phục tình trạng đất bị bỏ hoang và có kế hoạch sử dụng hiệu quả hơn đối với các khu đất trống, chưa sử dụng nhằm khai thác nguồn thu từ quỹ đất.
Nhiều địa phương đã nghiêm túc thực hiện rà soát, xử lý các trường hợp quy hoạch “treo” bằng các giải pháp kêu gọi dự án đầu tư. Đến nay đã triển khai được 259 dự án với tổng diện tích 11.969 ha. |
Tính đến nay, đã có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng xong phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2006-2010). Nhiều địa phương đã nghiêm túc thực hiện rà soát, xử lý các trường hợp quy hoạch “treo” bằng các giải pháp kêu gọi dự án đầu tư và đến nay đã triển khai được 259 dự án với tổng diện tích 11.969 ha. Tuy nhiên, chất lượng quy hoạch sử dụng đất còn chưa đáp ứng được yêu cầu, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất chậm được khắc phục. Qua kết quả thanh tra kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành (từ đầu năm 2008 đến nay đã tiến hành 14.435 cuộc thanh tra, kết thúc 12.039 cuộc) đã phát hiện 8.052 ha đất có sai phạm, kiến nghị xử lý thu hồi 3.790,4 ha, đã thu hồi được 361,9 ha đất.
Ngoài ra, vấn đề bảo vệ môi trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng ô nhiễm môi trường đã trở nên khá phổ biến, có nơi ô nhiễm ở mức độ nghiêm trọng nhưng chậm khắc phục, đặc biệt là đối với các khu công nghiệp, các lưu vực sông chảy qua nhiều khu công nghiệp, các làng nghề và khu vực khai thác khoáng sản mà điển hình là vụ công ty Vedan, Miwon xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Xét về tổng thể đây cũng là một lĩnh vực đang gây ra lãng phí lớn cần quan tâm có giải pháp khắc phục.
Việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc cơ bản đã thực hiện đúng mục đích và định mức, tiêu chuẩn. Các đơn vị đã và đang triển khai rà soát tình hình sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để sắp xếp, bố trí lại cho phù hợp và tổ chức bán đấu giá hoặc bán thanh lý tạo vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng địa phương. Công tác kiểm tra thực tế hiện trạng quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc gắn với việc xây dựng phương án sắp xếp lại đang được thực hiện.
Theo báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2008, đã thực hiện điều chuyển trụ sở làm việc từ nơi thừa sang nơi thiếu là 8.114 m2 nhà; thanh lý 7.918 m2 nhà với tổng nguyên giá theo sổ sách kế toán là 7.102 triệu đồng.
Tuy vậy, tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc ở một số nơi chưa được khắc phục triệt để, vẫn còn tình trạng sử dụng không hết công năng hoặc sai mục đích như: cho thuê, cho mượn... Nhiều dự án triển khai chậm.
8. Hiệu quả quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp
Từ cuối năm 2007 đến nay, do giá cả các loại nguyên vật liệu, nhiên liệu liên tục tăng cao và lãi suất tín dụng cũng tăng đột biến làm cho chi phí sản xuất của các doanh nghiệp đều tăng mạnh, trong khi đó nhiều ngành hàng giá bán không tăng nên đã tạo áp lực lớn buộc các doanh nghiệp phải tìm mọi biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, nhất là chi phí gián tiếp. Các doanh nghiệp đã chủ động đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tìm kiếm mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh; thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tăng cường quản lý định mức tiêu hao để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước đã đẩy mạnh rà soát, cắt giảm hoặc đình hoãn các dự án, công trình chưa thật sự cần thiết, chưa hiệu quả, chậm tiến độ; thực hiện cắt giảm hoặc dừng việc mua, xây trụ sở mới, phương tiện, thiết bị phục vụ gián tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, tình trạng hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp chưa cao vẫn chưa được khắc phục. Theo kết quả kiểm toán 2007 đối với 225/385 doanh nghiệp thành viên thuộc 19 tổng công ty nhà nước cho thấy, bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, vẫn còn một số doanh nghiệp hiệu quả kinh doanh thấp, thậm chí thua lỗ như Tổng công ty Sông Hồng lỗ hơn 17 tỉ đồng, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn lỗ hơn 40 tỉ đồng…
So với năm trước, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2008, nhìn chung, đã có những chuyển biến khá rõ nét.
- Do thực hiện quyết liệt các biện pháp tiết kiệm 10% chi thường xuyên, giao thành chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể nên việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có sự chuyển biến từ ý thức và được các cấp, các ngành, các đơn vị triển khai mạnh mẽ với các các biện pháp cụ thể và thu được kết quả thiết thực.
- Thực hiện tạm ngừng xây dựng mới, sửa chữa lớn trụ sở làm việc và rà soát, sắp xếp lại theo tiêu chuẩn, định mức; ngừng mua sắm mới trang thiết bị, phương tiện đi lại nên các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh việc sắp xếp lại và bố trí sử dụng có hiệu quả hơn.
- Việc đình hoãn, giãn tiến độ các công trình, dự án không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp được thực hiện nghiêm túc nên trong bố trí, sử dụng vốn đầu tư xây dựng đã có hiệu quả hơn và mặc dù các vi phạm dẫn đến lãng phí trong lĩnh vực này vẫn còn ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, nhưng mức độ lãng phí đã có phần được hạn chế.
- Hiệu quả sử dụng vốn ở một số công ty nhà nước đã được chấn chỉnh kịp thời và các công ty nhà nước đã góp phần quan trọng vào kết quả chống lạm phát thời gian vừa qua.
Tóm lại, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2008 đã có bước phát triển mới, đó là: các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí đã đi vào trọng tâm, trọng điểm gắn với bối cảnh và tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm, góp phần tích cực vào việc kiềm chế và đẩy lùi lạm phát./.
Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 20-10 đến 26-10-2008)  (27/10/2008)
Chủ tịch nước lên đường thăm Liên bang Nga  (26/10/2008)
Biến động kinh tế vĩ mô và đề xuất của doanh nghiệp Việt Nam  (26/10/2008)
CPI tháng 10: Lần đầu tiên giảm kể từ đầu năm  (26/10/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên