Sau 40 năm chuẩn bị, ngày 1-1-1999 với tư cách đầy đủ của một đồng tiền thực, chung và duy nhất của khối Liên minh châu Âu (EU), đồng euro đã ra đời, đánh dấu sự kiện có một không hai trong lịch sử tiền tệ thế giới. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thời kỳ quá độ vì đồng euro mới chỉ được sử dụng trong các giao dịch điện tử và phi tiền mặt.

Từ sự lớn mạnh của đồng euro...

Sau 3 năm quá độ, ngày 1-1-2002, đồng euro (ơ-rô) bằng tiền mặt mới bắt đầu đi vào lưu thông. Toàn châu Âu đã thực hiện công cuộc đổi tiền liên tục với việc sử dụng song song hợp pháp cả hai loại đồng tiền: đồng bản tệ và đồng ơ-rô. Tới tháng 7-2002, các đồng bản tệ của 11 nước đã kết thúc lịch sử lâu đời của nó, vĩnh viễn rút khỏi lưu thông, nhường chỗ hoàn toàn cho duy nhất đồng ơ-rô lưu hành hợp pháp.

Kể từ thời điểm đó tới nay, đồng ơ-rô đã liên tục trải qua những bước thăng trầm với sự lên xuống mạnh trong tương quan các đồng tiền chủ chốt như đô la Mỹ (USD), yên Nhật. Thậm chí, trong những giai đoạn sụt giảm giá mạnh so với đồng tiền khác, đặc biệt là với đồng USD, người ta đã đặt ra những nghi ngờ về sức mạnh của đồng ơ-rô cũng như của liên minh kinh tế EU với sự thất bại của liên minh tiền tệ chưa từng có tiền lệ này. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay, những nghi ngờ về sự thành công của đồng ơ-rô đã được gạt bỏ qua quá trình 10 năm hình thành và phát triển.

Đồng ơ-rô là biểu tượng cho sự hội nhập của châu Âu, góp phần tạo nên nền tài chính công và các chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh, là động lực tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực này. Trong 10 năm qua, đồng ơ-rô đã góp phần tạo thêm 15 triệu việc làm mới khiến thương mại và du lịch trở nên dễ dàng hơn. Hiện nay, đồng tiền chung châu Âu được sử dụng tại 15 nước với dân số 323 triệu người và tổng GDP trên 4 nghìn tỉ ơ-rô (tương đương với 6,2 nghìn tỉ USD). Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được thành lập với 11 nước thành viên ban đầu là Áo, Bỉ, Phần Lan, Pháp, Đức, Ai-len, I-ta-li-a, Lúc-xăm-bua, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Các nước gia nhập tiếp theo là Hy Lạp, Xlô-ven-ni-a, Thổ Nhĩ Kỳ và Man-ta; Xlô-va-ki-a sẽ gia nhập trong năm sau.

Sau những đợt sụt giảm mạnh trong những năm đầu, đồng ơ-rô cũng đã hồi phục và tăng giá mạnh mẽ so với mức tỷ giá thấp kỷ lục 82 cent/ơ-rô vào năm 2000. Đặc biệt trong giai đoạn 2007-2008, đồng ơ-rô đã tăng giá nhanh so với đồng USD. Mức cao kỷ lục là 1,5754 USD đổi được 1 ơ-rô vào cuối tháng 6-2008. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn như hiện nay, đồng ơ-rô đang được coi là một trong những kênh đầu tư an toàn nhất.

Những yếu tố nâng đỡ giá của đồng ơ-rô trong thời gian qua bao gồm:

Thứ nhất, sự thay đổi trái chiều về tình hình kinh tế của Mỹ với EU. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ suy giảm, tăng trưởng chậm cộng với tác động từ cuộc khủng hoảng tín dụng và việc giảm chi tiêu của các hộ gia đình, nền kinh tế nước này vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, trong đó vấn đề nan giải nhất là tình trạng suy thoái của thị trường nhà đất. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ về dài hạn vẫn chưa có triển vọng khả quan. Như vậy, đồng USD sẽ có thể tiếp tục giảm giá so với đồng ơ-rô.

Trong khi đó, kinh tế khu vực đồng ơ-rô lại có dấu hiệu suy giảm ít hơn so với kinh tế Mỹ. ECB cũng đã khá thành công trong việc kiềm chế lạm phát tại 13 nước khu vực đồng ơ-rô bằng cách tăng lãi suất đồng tiền này mỗi quý một lần kể từ tháng 12 năm 2005.

Thứ hai, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và ECB. Năm 2006-2007, trong khi ECB vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản ở khu vực đồng ơ-rô thì ngược lại, các chính sách tiền tệ của Mỹ lại có phần nới lỏng hơn. Những biến động sụt giảm trên thị trường chứng khoán toàn cầu cũng đã có những tác động nhất định đối với đồng USD do nó làm thay đổi động thái giao dịch đối với đồng USD và như vậy tác động tới đồng ơ-rô.

Thứ ba, ECB đã, một là, duy trì được mức lạm phát dưới 3% trong một thời gian dài (từ khi đồng ơ-rô được lưu hành cho tới năm 2008) theo yêu cầu của Hiệp ước Ma-xtrích. Mười năm sau ngày ngân hàng này ra đời, giá cả ở châu Âu tăng với tốc độ bình quân 2,1% /năm, bất chấp việc giá lương thực và nhiên liệu leo thang mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Mặc dù, trong năm 2008, lạm phát đã bắt đầu leo thang tại nhiều nước trong khu vực EU. Hai là, duy trì được sự độc lập của ECB. Ba là, không một chính trị gia nào có những nỗ lực đáng kể nhằm làm suy yếu sự độc lập của ECB. Bất chấp những vấn đề bất cập của một chính sách tiền tệ chung, không một quốc gia thành viên nào tìm cách rút khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu.

Sau 10 năm thành lập, ECB hiện nay đã trở nên lớn mạnh hơn, là ngân hàng Trung ương của khu vực kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong bối cảnh khủng hoảng tín dụng lan rộng, ECB vẫn duy trì được chính sách lãi suất ổn định và có những phản ứng nhanh trong việc tạo nguồn cung tiền mặt cho các ngân hàng.

...Đến những thách thức trong thời gian tới

Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính lan rộng và triển vọng kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, đồng ơ-rô đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới.

Thứ nhất, kinh tế khu vực suy thoái với mức độ trầm trọng nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua. Nguy cơ suy thoái kinh tế như một điểm tối trong bức tranh sáng màu về lịch sử hình thành và phát triển của đồng tiền chung Euro trong một thập kỷ qua.

Trong năm 2008, kinh tế EU liên tục phải đối mặt với nhiều khó khăn như tốc độ lạm phát, tỷ lệ lạm phát cao khiến cho việc lựa chọn đối sách của khu vực EU trở nên phức tạp. Lạm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu tăng lên mức kỷ lục mới vào tháng 6-2008 với 4%, sau khi ở mức 3,7% vào tháng 5-2008. Tỷ lệ lạm phát 4% được các chuyên gia kinh tế đánh giá là gây “sốc”, vì đã vượt qua cả mức dự đoán xấu nhất là 3,9% và gấp đôi so với mục tiêu 2% mà ECB đã đặt ra. Giá năng lượng và lương thực, thực phẩm liên tục tăng cao là nguyên nhân chủ yếu khiến mức lạm phát của khu vực EU tăng, châm ngòi cho các làn sóng biểu tình phản đối của nông dân, ngư dân, lái xe... lan khắp châu Âu. Mức lạm phát cao nhất trong 16 năm qua khiến những nền kinh tế đầu tàu trong 15 nước sử dụng đồng ơ-rô như Đức, Pháp, Tây Ban Nha đối mặt với hàng loạt khó khăn. Uỷ ban châu Âu phải hạ mức dự đoán về tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực so với mức dự đoán trước đó là 1,8%. Ngày 3-7-2008, ECB đã buộc phải tăng lãi suất lên 4,25%, một bước thay đổi trong chính sách vốn bị coi là bảo thủ của cơ quan này.

Tiếp đó, trong những tháng cuối năm 2008, EU lại đứng trước một nguy cơ mới, đó là sự lan rộng của cuộc khủng hoảng tài chính khởi nguồn từ Mỹ. Cuộc khủng hoảng với sự phá sản của hàng loạt ngân hàng đã khiến nhiều nước EU lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế. Số liệu của EU công bố ngày 14-11-2008 cho thấy, kinh tế của 15 nước sử dụng đồng ơ-rô lần đầu tiên kể từ ngày được thành lập năm 1999 đã rơi vào giai đoạn suy thoái, do tăng trưởng âm (GDP đều giảm 0,2%) trong hai quý liên tiếp. Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), kinh tế của khu vực sử dụng đồng ơ-rô sẽ giảm 0,5% vào năm 2009 sau khi chỉ tăng 1,1% năm 2008.

Liên tiếp trong cuối tháng 11 và đầu tháng 12, hàng loạt “đầu tàu kinh tế” của khu vực như Anh, Đức, Pháp đã phải chính thức công bố tình trạng suy thoái kinh tế. Dự kiến, kinh tế Anh sẽ suy giảm 0,75 - 1,25% trong năm 2009 và đến năm 2010 mới hồi phục với mức tăng trưởng 1,5 - 2%. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và thứ ba thế giới, đã tăng trưởng âm trong quý III/2008 và chính thức rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong vòng 12 năm qua.

Đứng trước nguy cơ rơi vào cuộc suy thoái trầm trọng nhất kể từ cuộc “Đại suy thoái” năm 1930, ngày 26-11, các nền kinh tế EU đã đưa ra dự thảo chương trình kích thích kinh tế trong vòng 2 năm trị giá 130 tỉ ơ-rô nhằm đương đầu với đà suy giảm về cầu, với nhiều hiệu ứng tiêu cực rõ rệt về đầu tư và việc làm. Để thành lập quỹ thúc đẩy kinh tế này, mỗi nước EU phải chi 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP); theo đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - sẽ phải đóng góp 25 tỉ ơ-rô vào quỹ này.

Thứ hai, sự khác biệt về trình độ phát triển trong khu vực có chiều hướng gia tăng. Trong khi các nước Nam Âu hiện tăng trưởng ì ạch trở lại thì kinh tế Đức lại trở nên vững mạnh hơn nhờ những thay đổi cơ cấu mạnh mẽ diễn ra nhiều năm qua. Chính vì vậy, Đức đã trở thành “đầu tàu kinh tế” của châu Âu. Cũng chính vào thời điểm này, ECB phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi đồng ơ-rô ra đời là cần đưa ra chính sách tiền tệ mới, vừa phù hợp với nền kinh tế các nước Nam Âu đang tăng trưởng chậm lại, vừa phù hợp với kinh tế Đức đang tăng trưởng mạnh mẽ nhưng lại phải đương đầu với lạm phát. Một số nhà quan sát cho rằng, xét về dài hạn, sự khác biệt trong phát triển kinh tế sẽ đem lại lợi ích khích lệ cho cả khối. Tuy nhiên, vào thời điểm giá cả năng lượng và thực phẩm tăng cao như hiện nay, ECB buộc phải tăng lãi suất - một chính sách chỉ phù hợp hơn cả với kinh tế Đức.

Về quy mô kinh tế: trên lý thuyết, một nền kinh tế càng lớn và càng năng động thì càng tác động lớn đến kinh tế toàn cầu. Thực tế cho thấy, với dân số lớn hơn Mỹ và nền kinh tế mở, khu vực sử dụng đồng ơ-rô ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong tương quan so sánh với nền kinh tế Mỹ. Nhưng, xét về mức độ năng động, khu vực này lại có phần tụt hậu so với Mỹ cũng như khu vực châu Á.

Về phát triển thị trường tài chính và hội nhập: sự có mặt của một thị trường tài chính phát triển và hội nhập sâu đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế của đồng ơ-rô (với các lợi thế như giảm chi phí giao dịch, giảm sự bất ổn và rủi ro, giảm lãi suất…). So với hệ thống tài chính của Mỹ, hệ thống tài chính của khu vực ơ-rô có truyền thống dựa nhiều vào ngân hàng và kém phát triển, kém hội nhập hơn, mặc dù trong những năm qua, hệ thống tài chính của khu vực này cũng đã chuyển đổi nhanh chóng. Sự luân chuyển vốn trong khu vực EU đã được tự do hơn. Một dấu hiệu khả quan của khu vực ơ-rô là dòng vốn ròng nước ngoài đổ vào khu vực này đang ngày càng gia tăng với tốc độ tăng nhanh hơn so với dòng vốn vào của Mỹ. Mặc dù những biến động này một phần do những tác động về biến động tỷ giá song nó đồng thời cũng cho thấy, khu vực EU đang ngày càng trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Nếu Anh quyết định gia nhập khu vực đồng tiền chung ơ-rô thì thị trường tài chính của châu Âu sẽ còn có tính thanh khoản cao hơn nữa và sẽ là đối trọng đáng gờm đối với thị trường Mỹ.

Về các yếu tố quốc tế khác:

Hiện nay, cũng giống như các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, ECB phải đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Sự tụt dốc của nền kinh tế Mỹ đã góp phần đẩy đồng ơ-rô tăng giá so với đồng USD. Mặc dù điều này làm giảm chi phí nhập khẩu dầu vốn được định giá bằng đồng USD song nó lại khiến xuất khẩu hàng hóa của EU vào thị trường Mỹ khó khăn hơn. Hơn nữa, với vai trò là bạn hàng lớn của EU, sự suy giảm kinh tế của nền kinh tế Mỹ cũng có những tác động tiêu cực nhất định tới xuất khẩu của EU sang thị trường này.

Ngoài ra, còn phải kể tới hai “đầu tầu” kinh tế mới nổi của thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh và sự tích lũy dự trữ ngoại tệ của các nước châu Á. Sự lớn mạnh của hai nền kinh tế này sẽ làm giảm mức độ quan trọng của đồng ơ-rô trong vai trò là đồng tiền toàn cầu và chuyển dịch các giao dịch thương mại và vốn sang đồng tiền của hai nước. Tuy nhiên, nguy cơ này đối với đồng ơ-rô cũng không cao bởi đồng tiền hai nước Trung Quốc và Ấn Độ sẽ phải mất một thời gian dài mới có thể tạo được niềm tin trên thị trường quốc tế. Sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực năm 1997, tích lũy dự trữ ngoại hối là một động thái tất yếu của các nước châu Á. Việc lựa chọn ngoại tệ làm công cụ dự trữ ngoại hối của các nước châu Á cũng sẽ có tác động tới đồng ơ-rô.

Bên cạnh đó, EU vẫn phải đối mặt với tình trạng “xã hội già hóa” với những tác động tới kinh tế và hạn chế việc áp dụng các chính sách tài khóa thắt chặt. Mặc dù cán cân vãng lai tương đối cân bằng (mức thâm hụt thấp) nhưng lại bị hạn chế về tài khóa do tình trạng dân số cao tuổi. Cũng như trước đây, châu Âu vẫn còn những khó khăn về lực lượng lao động với những vấn đề giới, tuổi tác và nguồn gốc dân tộc. Bên cạnh đó, những yếu kém về cơ cấu như thị trường lao động và khả năng cạnh tranh của hàng hóa cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng. Các vấn đề trên nếu được giải quyết, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu./.