Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một Cuộc vận động lớn về đạo đức, bộ phận quan trọng của cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng kể từ Đại hội X đến nay. Nội dung cốt lõi của cuộc vận động là giáo dục và rèn luyện cho cán bộ, đảng viên và mọi thành viên trong xã hội ta đạo đức cách mạng, đạo đức của con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng đất nước theo con đường độc lập dân tộc, tiến lên xã hội chủ nghĩa hiện nay.
1- Cuộc vận động lớn về đạo đức
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức tuy chỉ là một bộ phận của tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng bao hàm rất nhiều nội dung, nói lên bản chất văn hóa của Đảng và của dân tộc ta. Đó là lòng nhân ái, khoan dung, yêu thương không chỉ giai cấp cần lao và dân tộc mình bị áp bức đọa đầy trong vòng nô lệ, mà còn yêu thương giai cấp và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, vì thế mà kiên quyết đấu tranh để giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Đó là tư tưởng trung với nước, hiếu với dân; vì yêu thương Tổ quốc và nhân dân mà hết lòng, hết sức phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp độc lập, tự do, hạnh phúc, hướng chữ trung về đất nước, hướng chữ hiếu về nhân dân. Đó là đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, coi đó là nền tảng của con người, bởi “người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính”; “thiếu một đức thì không thành người”. Đó còn là tình đoàn kết với các dân tộc trên thế giới theo tinh thần chủ nghĩa quốc tế trong sáng, coi “bốn phương vô sản đến là anh em”.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là biểu hiện sống động của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức trong cuộc sống. Nét nổi bật nhất trong phong cách Hồ Chí Minh là nói đi đôi với làm. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vừa là chủ đề vừa là nội dung của cuộc vận động. Học tập đã để hiểu thật rõ, thật đúng những gì Bác Hồ đã nói và làm về đạo đức, cũng là để noi gương Bác mà thực hành trong cuộc sống. Làm theo là noi gương Bác về đạo đức để vận dụng trong hoàn cảnh cụ thể, không phải làm y như những gì Bác Hồ đã làm.
Chuyện kể rằng, trong một chuyến đi thăm nước bạn In-đô-nê-xi-a năm 1956, tuy ở cương vị Chủ tịch nước, Bác vẫn mang đôi dép cao su thường dùng hàng ngày. Cán bộ cùng đi muốn làm theo Bác. Bác nói: Bác có thể đi dép cao su được nhưng các chú thì không. Trên thực tế trong chuyến đi ấy, cán bộ cùng đi đều mang giày tây. Đến thăm đền Bô-vô-bô-đua, Bác để dép ở bậc cửa đền theo phong tục. Báo chí nước bạn đã chụp ảnh đôi dép cao su nổi bật giữa hàng loạt đôi giày tây và đặc biệt ca ngợi coi đó như một biểu thị tốt đẹp về đức tính giản dị của một lãnh tụ nhân dân tầm cỡ lớn.
Vừa qua, ngoài các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước, chúng ta còn được đọc nhiều quyển sách khá hay viết về cuộc vận động như “Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh” hoặc “115 mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ”. Chúng ta cũng đã lần lượt đọc trên các báo, tạp chí, nhiều mẩu chuyện cụ thể sinh động. Chúng ta còn được tiếp xúc với những cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ được tổ chức khá sôi nổi khắp các địa phương. Chúng ta đánh giá tích cực những hoạt động ấy và không cho rằng việc học tập như vậy là đã đủ. Song chúng ta cũng thấy, cùng với việc học tập, làm theo mới là điều quan trọng nhất. Học tập mà không làm theo là học tập không đi đôi với thực hành, là nói mà không đi đôi với làm.
2- Rèn luyện đạo đức cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư
Trong Di sản đạo đức của Bác Hồ, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là một trong những nét đặc sắc nhất.
Trong Di chúc (1969), Bác viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”.
Trước đó 20 năm, năm 1949, để cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, Bác viết bài Cần, kiệm, liêm chính và nói rõ:
Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất.
Thiếu một đức, thì không thành người.
Theo Bác, Cần là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Cần thì việc gì, dù khó khăn đến mấy cũng làm được. Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Liêm là trong sạch, không tham lam. Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Cần và Kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của con người. Kiệm phải đi đôi với Liêm bởi “có kiệm mới có liêm được”. Vì xa xỉ mà sinh tham lam, tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng. Một người phải cần, kiệm, liêm, nhưng còn phải chính mới là người hoàn toàn.
Cần, Kiệm, Liêm, Chính là những điều người xưa từng nói, sách xưa từng viết, những bậc thầy xưa về đạo đức từng dạy, nhất là theo Nho học. Nhưng ở Bác Hồ những câu nói và viết đó, những lời dạy đó đã trở nên sống động hơn, có hiệu ích hơn, bởi tất cả đều chứa đựng và điều chỉnh cho phù hợp với việc xây dựng con người mới trong thời đại mới.
Nếu việc xây dựng đạo đức cách mạng phải rèn luyện Cần, Kiệm, Liêm, Chính, chí công vô tư làm nội dung chủ yếu nhất, thì để xây dựng được đạo đức ấy, nhất thiết phải kiên quyết chống lại ba thứ bệnh được coi là mặt đối lập của đạo đức. Đó là bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu.
Bác Hồ nói: Tham ô là hành động xấu xa nhất của con người. Tham ô là lấy trộm của công, chiếm của công làm của tư. Nó có hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, có hại đến công việc cải thiện đời sống nhân dân, có hại đến đạo đức cách mạng. Lãng phí và tham ô tuy khác nhau, ở chỗ lãng phí thì không trực tiếp ăn cắp, ăn trộm của công nhưng kết quả lại hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể thì lãng phí cũng có tội. Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung. Bệnh quan liêu là nguồn gốc của lãng phí, quan liêu. Bệnh quan liêu luôn đi đôi với bệnh mệnh lệnh. Nguyên nhân là do xa nhân dân, khinh nhân dân, sợ nhân dân, không hiểu biết nhân dân, không yêu thương nhân dân.
Những lời dạy của Bác và đạo đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính cũng như sự phê phán nghiêm khắc của Người đối với các bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự nóng hổi.
Tệ tham ô cộng với sự nhũng nhiễu, hạch sách dân gọi chung là tệ tham nhũng đã trở thành quốc nạn. Tham nhũng và lãng phí làm tiêu hao một khối lượng lớn của cải của Nhà nước và của nhân dân. Hàng vạn cán bộ, công chức đã bị truy tố trước pháp luật hoặc bị xử lý kỷ luật dưới nhiều mức độ khác nhau do phạm tội tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm làm thất thoát lớn của công. Bệnh quan liêu, xa dân càng ngày càng phổ biến.
Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng chỉ rõ: “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng”. Đó là một trong những thách thức lớn đối với sự sống còn của chế độ, làm tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước ta.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta phải trước hết học tập và làm theo tấm gương đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư phải làm từ trên xuống, từ trong Đảng ra ngoài xã hội, trước hết là trong cán bộ, đảng viên các cấp. Cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, cán bộ cấp cao phải làm gương cho cán bộ cấp thấp. Học tập phải liên hệ với thực tế và đề ra hướng phấn đấu. Không phải chỉ bày tỏ sự xúc động trước các bản trình bày của báo cáo viên trong các hội thi, cũng không phải chỉ tuyên bố quyết tâm làm theo, mà phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, rõ ràng là “làm theo” cái gì, ai làm theo và làm theo trong không gian, thời gian nào, lợi ích của việc làm theo là như thế nào.
Nếu ta nói học chữ “cần”, nhưng trong cơ quan, đơn vị vẫn cứ xảy ra các hiện tượng đi muộn, về sớm, tán gẫu trong giờ làm việc thì sao có thể gọi là “cần” được? Nếu ta nói học chữ “kiệm”, nhưng tiền của Nhà nước và của dân thì cứ vung tay quá trán, chi phí lớn cho những cuộc họp hành mang tính hình thức, những cuộc liên hoan, kỷ niệm phô trương, vẫn cứ mua sắm lu bù, lên chức là có xe, máy mới, càng xịn càng oai, thì sao có thể gọi là “kiệm” được.
Nếu ta học chữ “liêm” và chữ “chính” nhưng rồi tham nhũng vẫn đâu hoàn đó, không ngăn chặn được, vẫn chạy chức, chạy quyền, chạy tiền, vẫn hối lộ và nhận hối lộ, thì sao gọi là “liêm, chính” được?
Sau gần hai năm tiến hành Cuộc vận động dường như vẫn còn đặt trọng tâm ở việc học tập mà chưa thật sự chuyển sang “làm theo”. Nhiều cơ quan, đơn vị vẫn chưa đưa ra được một bản sơ kết nói rõ rằng mình đã nâng cao được đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị được những điểm nào, sửa đổi được phong cách làm việc ra sao, có nâng cao được năng suất và hiệu quả công tác không; đã tiết kiệm được bao nhiêu công quỹ, giảm được đến đâu các việc làm bị coi là lãng phí?
Trong những buổi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ở nơi này hay nơi khác, có những vị thủ trưởng không dám đứng trước bục để trình bày báo cáo và sự tự kiểm điểm của mình vì sợ nói ra thì “há miệng mắc quai”.
Cũng trong một số buổi học tập do cấp ủy tổ chức, nhiều đồng chí lãnh đạo trong cấp ủy không trả lời được câu hỏi của cử tọa rằng trong cấp ủy và trong đảng bộ chúng ta ai có thể được coi là tấm gương tốt về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ?
Những mẩu chuyện về Bác Hồ đội mũ lá, đi dép cao su, mặc áo vá, ăn cơm nắm lúc về địa phương công tác, không chịu đổi xe cũ lấy xe mới, dùng lại bì thư cũ và giấy viết còn trắng một mặt, v.v... cho đến nay, vẫn còn là những tấm gương sống động và đức tính kiệm, cần, giản dị, trong sáng của Bác gần gũi biết bao đối với nhân dân. Nhưng nếu cứ nhắc đi nhắc lại mà không phân tích hoàn cảnh và thời điểm cụ thể thì người nghe sẽ có cảm giác rằng những bài học về đạo đức của Bác là quá ư đặc biệt, thật khó làm theo trong cuộc sống hiện nay.
Chẳng lẽ những người lãnh đạo các cấp của chúng ta thời hiện đại cũng nên đội nón lá, đi dép cao su, ăn cơm nắm khi về địa phương sao? Chẳng lẽ mặc áo vét, đi giày tây là xa xỉ sao? Thật ra, nếu hiểu đúng “cái hồn” của đạo đức, chúng ta vẫn có thể chấn chỉnh tác phong trên nhiều lĩnh vực lắm. Cấp trên về địa phương công tác, sao nhất thiết cứ phải nhiệt liệt chào mừng? Mà chào mừng ngay cả khi cấp trên đi chống lụt, bão? Liệu có thể giảm bớt đi những cuộc đón tiếp phô trương, đãi đằng tốn kém không? Không nhất thiết dùng lại phong bì cũ nhưng liệu có cần dùng những chiếc phong bì rất to để đựng một cái giấy mời họp nhỏ xíu không? Và có nhất thiết cái giấy mời họp nào cũng cứ sải ra cả trang giấy A4? Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội mới đây, với chủ trương kiềm chế lạm phát, trong năm 2008, cả nước đã tiết kiệm được 2.700 tỉ đồng chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách. Nhưng đối với từng cơ quan, đơn vị, đã có sự chuyển động rõ rệt gì chưa theo hướng “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”?
Chúng ta phải vươn tới cái “hồn” của đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư khi học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, vận dụng sáng tạo và thực hành trong cuộc sống để tự đổi mới mình, nâng mình lên cho kịp với yêu cầu của nhiệm vụ./.
Xã hội hóa lĩnh vực an toàn lương thực, thực phẩm  (19/12/2008)
Xã hội hóa lĩnh vực an toàn lương thực, thực phẩm  (19/12/2008)
Về đảng Dân chủ tự do cầm quyền ở Nhật Bản  (19/12/2008)
Công bố Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2008  (19/12/2008)
Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền con người  (19/12/2008)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam