Từ Cách mạng tháng Mười Nga đến Quan hệ đối tác chiến lược Việt – Nga
Ngày 7-11-2007, những người cộng sản, người lao động tại Việt Nam và trên thế giới long trọng kỷ niệm lần thứ 90 Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Chín mươi năm qua, thế giới và nhân loại đã chứng kiến biết bao thay đổi, song có lẽ Cách mạng Tháng Mười đã mang lại sự thay đổi lớn lao nhất cho dân tộc Nga nói riêng và cho nhân loại nói chung trong thế kỷ XX. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế"[1].
Cuộc Cách mạng làm thay đổi nước Nga và thế giới
Cách mạng Tháng Mười là thắng lợi vĩ đại của lực lượng cách mạng và quần chúng lao động đối với chế độ quân chủ và tư sản ở nước Nga, đồng thời cũng mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử loài người - "thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội"[2].
Sau Cách mạng Tháng Mười dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích do V.I Lê-nin đứng đầu, giai cấp vô sản Nga, liên minh vững chắc với nông dân lao động, đã dựng lên Nhà nước Xô viết, mở ra một thời kỳ mới cho nước Nga. Nhân dân lao động Nga đã bắt tay vào xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa - một xã hội mới không có bóc lột và áp bức. Người dân Liên Xô đã lao động quên mình để đưa một nước Nga nông nghiệp thành một cường quốc công nghiệp. Hơn 20 triệu người đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong chiến tranh thế giới thứ hai để cứu châu Âu và cả loài người khỏi thảm họa phát xít và giúp cho nhiều dân tộc giành được độc lập và tự do.
Từ tro tàn và đổ nát của chiến tranh, bằng sức lao động quả cảm và trí sáng tạo lớn lao, người dân Xô viết đã xây dựng lại và đưa đất nước đi lên, đồng thời đã nhường cơm sẻ áo, hỗ trợ nhân dân nhiều nước khôi phục và xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Liên Xô đã nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp lớn, có nền khoa học và kỹ thuật hiện đại và là hậu phương vững chắc cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
Trải qua những khó khăn của thời kỳ chuyển đổi trong suốt thập kỷ 90 của thế kỷ XX, từ năm 2001 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vla-đi-mia Pu-tin, với chiến lược chấn hưng đất nước đúng đắn, kết hợp hài hòa chính sách cải cách thị trường với việc bảo tồn và tôn trọng những giá trị dân tộc, quốc gia, kế thừa các ưu việt và thành tựu từ thời Xô viết, Liên bang Nga đã dần dần từng bước khôi phục lại vị trí cường quốc. Nước Nga ngày nay có tốc độ tăng trưởng trên 7%/năm, có dự trữ ngoại tệ đứng thứ 3 thế giới, là cường quốc năng lượng với lực lượng trí thức hùng hậu và nền khoa học - công nghệ hiện đại đang được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Vai trò và tiếng nói của Nga trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế được nâng cao.
Dù có nhiều thay đổi trong đời sống chính trị nước Nga, những giá trị cơ bản, mục tiêu cao cả, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười vẫn được người dân và Chính phủ Nga nâng niu trân trọng. Các biểu tượng chiến thắng của thời Xô viết vẫn được duy trì, ngày 7-11 được gọi là ngày lễ Hòa hợp dân tộc và được đông đảo người lao động và đảng viên Đảng Cộng sản Liên bang Nga tổ chức một cách trọng thể.
Cách mạng Tháng Mười - sự khởi đầu cho quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Nga
Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của Liên Xô đã tác động sâu sắc lên số phận của các dân tộc ở phương Đông, trong đó có Việt Nam. Vào những năm 20 của thế kỷ trước, người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã đến nước Nga, đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc.
Được Cách mạng Tháng Mười vĩ đại soi đường và cổ vũ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay sau chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ hai, nhân dân Việt Nam đã tiến hành thành công Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên tại Đông - Nam Á. Trong cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ suốt 30 năm tiếp sau đó để bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, Việt Nam đã nhận được từ nhân dân Liên Xô sự ủng hộ to lớn về cả tinh thần và vật chất. Liên Xô là một trong những nước đầu tiên công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ngày 30-1-1950), đã viện trợ hào hiệp cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã giúp đào tạo hơn 50.000 cán bộ và chuyên gia, những người đã và đang làm việc trong nhiều lĩnh vực và các cơ quan chính quyền, các viện nghiên cứu của Việt Nam. Ngày nay, trong bối cảnh thế giới đã có nhiều thay đổi, tình hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Liên bang Nga vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển lên một tầm cao mới. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2001 của Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin, hai nước đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, thể hiện sự quyết tâm tiếp tục phát triển mối quan hệ truyền thống tốt đẹp và nhu cầu hợp tác cùng có lợi giữa hai nước trong tình hình mới.
Quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga: hiện tại và tương lai
Trên cơ sở tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược năm 2001, một khuôn khổ quan hệ mới giữa hai nước đã được tạo dựng và quan hệ hai nước chứng kiến nhiều bước phát triển mới. Quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển; sự tin cậy lẫn nhau tăng lên; trao đổi cấp cao, giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước diễn ra thường xuyên. Việt Nam và Liên bang Nga có đồng quan điểm trên nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Liên bang Nga ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2008 - 2009 và Việt Nam ủng hộ Nga sớm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới.
Quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển tương đối ổn định, kim ngạch thương mại từ 350 - 400 triệu USD vào giữa những năm 90 đã lên tới hơn 1 tỉ USD vào năm 2005, trung bình tăng 15%/năm, 6 tháng đầu năm 2007 đã tăng 26% so với cùng kỳ năm 2006. Đặc biệt, sự hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng mang lại lợi ích đáng kể cho Việt Nam và Nga, đang được hai bên tích cực mở rộng và nâng cao hiệu quả. Vietsopetro là một liên doanh thành công, hàng năm đem lại gần 2 tỉ USD cho ngân sách Việt Nam và 500 triệu USD cho ngân sách Nga. Về đầu tư, Liên bang Nga hiện có 52 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 299 triệu USD, trong quá trình thực hiện đã bổ sung và nâng lên mức hơn 600 triệu USD. Việt Nam hiện có 13 dự án đầu tư sang Nga với tổng số vốn 73 triệu USD (chiếm 6,4% số dự án của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài).
Hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch và hợp tác giữa các địa phương vẫn tiếp tục được duy trì và tăng cường. Nga vẫn là nước hàng đầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực quan trọng cho Việt Nam. Các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước được duy trì và mở rộng thông qua tổ chức những ngày văn hóa, làm tăng thêm sự hiểu biết giữa hai dân tộc. Việt Nam ngày càng là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách Nga.
Hiện nay, có gần 100 ngàn người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn và học tập tại Liên bang Nga và cũng có nhiều công dân Nga đang làm ăn, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Lãnh đạo Việt Nam và Liên bang Nga đánh giá cao đóng góp của công dân hai nước vào sự phát triển quan hệ Việt - Nga, đồng thời bày tỏ sẵn sàng cùng nhau thảo luận ký kết các Hiệp định liên quan để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ làm ăn, sinh sống hợp pháp, mở rộng hợp tác sử dụng nguồn lao động của hai nước.
Với mong muốn và quyết tâm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, theo sáng kiến của Tổng thống V. Pu-tin nêu ra trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11-2006, hai bên đã thống nhất được một danh mục các nhiệm vụ ưu tiên nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược và đã bắt tay vào triển khai thực hiện.
Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga mới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là mốc mới quan trọng trong quan hệ Việt - Nga, trong đó hai bên đã ký hơn 10 thỏa thuận và hợp đồng kinh tế trị giá khoảng 2,5 tỉ USD. Tại buổi tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống V. Pu-tin khẳng định, ông luôn quan tâm theo dõi và chỉ đạo sát sao việc phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Tổng thống Pu-tin cũng tái khẳng định, chính sách của Liên bang Nga trong quan hệ với Việt Nam là nhất quán, lợi ích hợp tác với Việt Nam mang tính chiến lược và lâu dài. Kết quả tốt đẹp của chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả của quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư.
[1] Bài viết cho báo Pravda (Liên Xô) nhân kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng Tháng Mười Nga; Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t 12, tr 300
[2] Hồ Chí Minh: Sđd, t 6, tr 637
Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga và cách mạng Việt Nam  (07/11/2007)
Ý nghĩa lịch sử toàn cầu của Cách mạng Tháng Mười  (06/11/2007)
Cách mạng Tháng Mười và bài học cho hôm nay  (06/11/2007)
Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người  (06/11/2007)
Ý nghĩa lịch sử toàn cầu của Cách mạng Tháng Mười  (06/11/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay