Cách mạng Tháng Mười và bài học cho hôm nay

Bùi Ngọc Thanh
10:48, ngày 06-11-2007

Bằng sự kiện chặt đứt một mắt xích rệu rão nhất của hệ thống chủ nghĩa đế quốc và từ đó làm xuất hiện một hình thái kinh tế – xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa, Cách mạng Tháng Mười Nga đã viết lên hàng trăm bài học về thực tiễn cũng như lý luận hết sức phong phú và sinh động. Cho đến nay theo trình tự thời gian, người ta có thể phân chia các bài học đó thành bốn loại:

Một là, những bài học chuẩn bị cho cách mạng, trong đó tiêu biểu nhất là các bài học xây dựng các lực lượng võ trang sắc bén làm công cụ bạo lực của cách mạng; chỉ ra các nguyên nhân cùng khổ và quẫn bách của các giai cấp bị áp bức, bóc lột, từ đó mà tập hợp, giáo dục nhân dân kết thành một khối sức mạnh vô biên và biến cách mạng thành ngày hội của quần chúng…

Hai là, những bài học khởi nghĩa chọn thời cơ cách mạng và sự chỉ đạo nhạy bén, kiên quyết, quả cảm, dứt điểm và chắc thắng … Trong đó chọn thời cơ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng "Lịch sử sẽ không tha thứ cho những người cách mạng có thể thắng lợi hôm nay (và chắc chắn sẽ thắng lợi hôm nay) mà lại để chậm trễ, vì để đến ngày mai, không khéo họ sẽ mất nhiều, không khéo họ sẽ mất tất cả"(1)

Ba là, những bài học sau thắng lợi của cách mạng vô sản trong đó có bài học cốt lõi là bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền của nhân dân …

Bốn là, những bài học chung cho tất cả các giai đoạn cách mạng và chung cho tất cả những nước làm cách mạng vô sản mà then chốt nhất là các bài học phải có một chính Đảng của giai cấp công nhân kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vững vàng trong mọi bão tố cách mạng và sáng tạo trong những hoàn cảnh cụ thể của nước mình …

Trong thời đại ngày nay, bài học thứ nhất và thứ hai, chủ yếu, dành cho những nước đang và sẽ làm hoặc làm lại cách mạng vô sản. Còn loại bài học thứ ba – những bài học sau thắng lợi của cách mạng vô sản, đó là những bài học thời sự nhất, cấp bách nhất dành cho những nước mà ở đó cách mạng vô sản đã thành công, Đảng cộng sản đã giành được chính quyền, đang lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những người cộng sản chân chính chắc chắn không bao giờ quên được những tổng kết có tính thuyết phục cao và đầy tính thực tiễn của V.I.Lê-nin, đó là: Cách mạng vô sản giành được chính quyền mới chỉ là bắt đầu; giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền lại càng khó hơn; nếu không xây dựng được một nền kinh tế mới xã hội chủ nghĩa thì tất cả những thành quả, tất cả những thắng lợi đã giành được trong việc lật đổ bọn đế quốc bóc lột chỉ là vô ích và sự phục hồi chế độ cũ là không thể tránh khỏi; trong một cuộc cách mạng giữa ta và địch, nếu ta không chủ động tấn công thì địch sẽ tấn công và tổn thất là không tránh khỏi; nếu không củng cố, không tăng cường được sự thống nhất, không phản ánh được nguyện vọng của nhân dân thì Đảng Cộng sản sẽ không lãnh đạo được giai cấp vô sản, giai cấp vô sản sẽ không lôi cuốn được quần chúng theo mình và tất cả bộ máy sẽ tan rã v.v. và v.v..

Những bài học đó thật sâu sắc, bổ ích và thiết thực. Rất tiếc là một số Đảng Cộng sản đã "không thuộc bài" hoặc đã phủ định những bài học đó, đã đi ngược lại con đường của V.I.Lê-nin, và đã hành động phiêu lưu dẫn đến thảm họa tan rã Đảng, sụp đổ chế độ. Đúng như V.I.Lê-nin đã cảnh báo, ở những nước mà Đảng Cộng sản tan rã, đất nước sụp đổ thì hậu quả trước mắt là mất hết, mất không còn gì, mất trắng tay và còn "thâm hụt" lớn cả về chính trị, kinh tế và xã hội. Tạp chí "Đối thoại" Nga số tháng 4 năm 1996 đã phản ảnh tình trạng dân chúng nước này sau khi Liên bang Xô-viết tan rã như sau: một thiểu số rất ít người trở thành "những người Nga mới", và đông đảo nhân dân thì trở thành "những nông nô mới". Còn giới lãnh đạo thì sao? Báo "Nước Nga Xô-viết" số ra ngày 24 tháng 10 năm 1995 đã phân tích rất cụ thể là, hiện tại ở Nga có bốn Chính phủ: Chính phủ thứ nhất là Chính phủ lãnh đạo những ai biết bắn và bỏ tù người khác; Chính phủ thứ hai, thực chất, là bộ phận phụ trách kinh tế trực thuộc Tổng thống; Chính phủ thứ ba là Chính phủ thực hiện chỉ thị không phải của Tổng thống hay Thủ tướng mà là của Bộ Ngoại giao Mỹ; Chính phủ thứ tư là các phương tiện thông tin đại chúng, mà thường không chịu phục tùng pháp luật nào cả, ai có tiền là người đó được quyền xuất hiện trên vô tuyến, họ nói gì - không quan trọng. Còn sự mất phương hướng của quân đội thì báo "Công khai" (Nga), ngày 18 tháng 7 năm 1995 đã thốt lên: "Điều kỳ lạ nhất là lần đầu tiên trong lịch sử lâu đời của quân đội, những người mặc quân phục không biết họ chiến đấu vì cái gì và bảo vệ ai?". Trong thiên phóng sự "Những ngày đại thảm họa" đăng trên báo "Pra-vơ-đa" các số 128, 133, 138 và 143 năm 1995, I-van Va-xi-li-ép đã khái quát hiện trạng xã hội Nga khi ấy là một xã hội hỗn tạp, đầy mâu thuẫn: cuộc phục hồi chủ nghĩa tư bản hiện nay về cơ bản là tạo ra một ông chủ mang tính lưu manh mà trong đó thành phố là chính quốc, nông thôn là thuộc địa còn giới quan chức là bộ máy cai trị… Chính quyền mới đã phản bội, cướp đoạt, gây ra cảnh cơ hàn cho hàng triệu người về hưu… tuyệt đại bộ phận nhân dân lao động bị tước đoạt mất thành quả lao động một cách trắng trợn…Thực chất là những đứa con được nuôi dưỡng đã phản bội lại cha mẹ đã nuôi sống mình. Lịch sử chưa hề biết đến một sự phản bội hèn mạt đến như vậy…Tư tưởng, lý tưởng, đất nước, nhân dân, đồng chí, bè bạn – tất cả đã bị phản bội. Bóng đen phản bội dày đặc đã bao trùm lên đất nước… Cuộc sống xa hoa của giới thượng lưu, sự giàu có của bọn ranh ma bịp bợm, sự bất lực và nghèo đói của nhân dân – tất cả bị xáo trộn trong cái nồi xã hội để rồi cuối cùng dẫn đến tình hình: "Trên không thể, dưới không muốn" … Một bộ phận không nhỏ thanh niên, sinh viên chỉ còn cái vỏ bên ngoài là hình dáng con người, còn bên trong là một sinh vật, chỉ biết ăn và thỏa mãn những nhu cầu thô thiển về thể xác, không hiểu biết, không ước vọng, không tâm hồn, không phân biệt phải trái… và những con người nông nổi, vô tư ấy rất dễ bị kích động, cho chúng rượu, tiền và ma túy rồi đưa chúng ra gào thét : "đả đảo…", đập phá tùy thích như đám người hoang dã, tham lam, tàn bạo…

Đến đây, chắc rằng chúng ta không còn phải bình luận gì thêm về những hậu quả tai hại của sự phản bội Cách mạng Tháng Mười, phản bội đường lối của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Nhưng cội nguồn từ đâu mà xuất hiện sự phản bội đó thì còn nhiều ý kiến. Báo chí trên khắp thế giới đã có hàng ngàn "đáp án" cho câu hỏi này, nhưng chưa có ai dám nói là đã trả lời đầy đủ, đã lý giải cặn kẽ. Ở đây chúng tôi cũng chỉ nói thêm một vài suy nghĩ bắt nguồn từ thực tiễn.

Chúng ta đều biết cách mạng vô sản được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ cũ, thiết lập chính quyền của chế độ mới. Mặc dù đầy gian khổ, hy sinh, tổn thất, nhưng nghiên cứu các cuộc cách mạng đã thành công cho thấy về thời gian đều là "hữu hạn", tức là có thể lượng ước được tương đối chính xác mốc thời gian thắng lợi (Cách mạng tháng Mười, kể từ khi thành lập Đảng của giai cấp công nhân Nga năm 1898 đến khi thắng lợi vào năm 1917 cũng chỉ 19 năm; cách mạng vô sản Trung Quốc tính từ năm 1921 đến năm 1949 cũng đúng 28 năm; Cách mạng Tháng Tám của nước ta, từ khi Đảng ra đời giữ vai trò lãnh đạo đến khi thành công cũng chỉ 15 năm…Còn nếu tính đến các cuộc chiến tranh thì chiến tranh chống Pháp ở Việt Nam chỉ 9 năm, chiến tranh chống Mỹ xâm lược 20 năm, còn chiến tranh vệ quốc của Liên Xô chỉ diễn ra trong vòng 4 năm). Trong khoảng thời gian của cách mạng giải phóng dân tộc thường chỉ do một đến hai thế hệ cán bộ nối tiếp nhau giữ vai trò lãnh đạo, bởi vậy tính kiên định, tính nhất quán đường lối cách mạng được bảo đảm chắc chắn. Còn giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa lâu dài (khó lượng ước chính xác được đến năm tháng nào thì hoàn tất việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản), phải chuyển giao nhiệm vụ qua nhiều thế hệ, lại chưa định hình được những mô hình chủ nghĩa xã hội có hiệu quả, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm "qua sông phải dò từng bước". Trong điều kiện đó, việc chuyển giao thế hệ nếu không đầy đủ, không tỷ mỉ, không chi tiết, không cặn kẽ, không chọn được “mặt để gửi vàng” thì sẽ xuất hiện những trục trặc lớn. Đặc biệt là, càng về sau các "hậu duệ" sẽ càng ít thấm nhuần những gian khổ, hy sinh, tổn thất của các thế hệ cha ông, nếu như họ không được giáo dục kỹ càng, nếu không có sự hiểu biết sâu sắc lịch sử của đất nước, của dân tộc. Trong hoàn cảnh đó người ta dễ sinh ra ngán ngẩm với thời gian, dễ lâm vào tình trạng mơ hồ, tin vào sự cám dỗ bùi tai, nổi máu anh hùng hảo hán và sinh ra ngông cuồng, đến khi mất hết thì đã muộn. Mai-cơ Đa-vit Đoi, một trí thức Mỹ đã từng sống ở Liên Xô 16 năm, đã đi khắp cả 15 nước cộng hòa, đã có nhận xét rất đáng lưu ý như sau: "Theo tôi những gian khổ trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã khiến rất nhiều người đi đến kết luận sai lầm rằng ở phương Tây có một con đường khác ít gian khổ hơn nhiều khi xây dựng một thế giới "văn minh", và sự kém hiểu biết về bản chất của chủ nghĩa tư bản đã làm cho nó trở thành sự tìm kiếm dễ dàng và là vật hy sinh cho những điều kỳ diệu của "thương trường" (2).

Nói ra những điều trên đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sai lầm chủ quan, tự biến chất của bản thân những người hậu thế chịu trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước, của nhân dân ở những nước mà cách mạng vô sản đã thành công khá sớm, đã có thời gian dài xây dựng chủ nghĩa xã hội, thậm chí có nước đã trở thành cường quốc mà còn để sụp đổ. Đó là bài học thực tế rất đau xót mà các Đảng Cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa phải hết sức quan tâm, nghiên cứu, phải luôn luôn cảnh giác và phòng ngừa.

* * *

Niềm hạnh phúc lớn lao cho nhân dân ta, dân tộc ta là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Người nước ngoài đầu tiên đã tổng kết những bài học to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga một cách ngắn gọn, đầy đủ, xúc tích trong tác phẩm "Đường cách mệnh" xuất bản lần đầu tiên vào năm 1927. Là tài liệu tuyên truyền cách mạng nên có thể nói đọc đâu hiểu đó, đọc đâu nhớ đó. Thiên tài của Bác là với 13 câu hỏi và đáp trong 6 trang sách đã làm cho người đọc có thể hiểu một cách cơ bản về cách mạng Nga. Đặc biệt chỉ 4 câu (từ câu 9 đến câu 13) Bác đã chuyển tải được toàn bộ nội dung cốt lõi nhất của Cách mạng Tháng Mười đến nhân dân. Bài học đầu tiên (ở phần chung về cách mạng), Bác viết "Trước hết phải có Đảng cách mệnh" và "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều , nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin"(3). Ở phần chốt lại về Cách mạng Tháng Mười, Bác khẳng định "Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin"(4). Điều đáng lưu ý là, vào những năm 1924-1927 mà Bác đã tổng kết được những bài học to lớn và những bài học đó được thử thách bằng cả thời gian dài xuyên thế kỷ và ngày càng chứng tỏ tính đúng đắn vững bền của nó, thì quả thật đây là một tư duy cách mạng rất hiếm có trên thế giới. Vạch ra con đường cách mạng, đi đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chính Bác và Đảng ta đã trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ và kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược thắng lợi huy hoàng. Giờ đây đọc lại những văn kiện xây dựng phong trào cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, lệnh tổng khởi nghĩa, phương châm chỉ đạo đánh chiếm các cứ điểm chắc thắng trong những ngày sôi sục của Cách mạng Tháng Tám và những nhật lệnh, chỉ thị tiến quân "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ", "Thần tốc, thần tốc, thần tốc nữa" trong các cuộc tiến công Mùa Xuân năm 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta càng thấy sáng rõ sự vận dụng hết sức sáng tạo, đúng đắn, nhuần nhuyễn và tinh tế 5 vấn đề có tính quy luật của khởi nghĩa vũ trang giải phóng dân tộc:

1- Không bao giờ được đùa với khởi nghĩa, và một khi đã bắt đầu khởi nghĩa thì cần nắm chắc một điều là phải tiến hành đến cùng.

2- Phải tập hợp ở một điểm quyết định, trong một thời cơ quyết định những lực lượng có ưu thế lớn, nếu không thì địch được chuẩn bị kỹ hơn và có tổ chức hơn sẽ tiêu diệt những người khởi nghĩa.

3- Một khi đã bắt đầu khởi nghĩa thì phải hết sức quyết tâm hành động và dù sao cũng phải tuyệt đối chuyển sang tấn công. "Phòng ngự là con đường chết của khởi nghĩa vũ trang".

4- Phải cố gắng đánh bất thình lình vào địch, cố gắng nắm đúng thời cơ khi quân địch còn phân tán.

5- Mỗi ngày (ở thành phố là mỗi giờ) phải thu được thắng lợi dù là thắng lợi không lớn lắm, đồng thời nhất thiết phải giữ cho bằng được "ưu thế tinh thần"(5)

Giờ đây trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện do Đảng đề xướng và lãnh đạo, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; giữ vững được ổn định chính trị quốc phòng và an ninh; nền kinh tế tăng trưởng với nhịp độ cao; tạo được những chuyển biến tích cực về mặt xã hội; phát triển rộng khắp quan hệ đối ngoaị; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn…

Một trong những nguồn gốc dẫn đền những thành tựu có ý nghĩa trọng đại đó là Đảng ta kiên trì đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, con đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà Bác Hồ đã tuyên bố từ năm 1927 "Chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin".

Sau này, Bác đã nhiều lần khẳng định lại sự kiên định đó: "Nhân dân Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới ngọn cờ vẻ vang của chủ nghĩa Mác – Lênin" và "Cách mạng tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc"(6). Tuân theo tư tưởng của Người, Đảng ta, nhân dân ta tỏ rõ quyết tâm "Kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn" và "khẳng định chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng" (7). Chúng ta có thể rút ra một vài bài học về những "hành động của Đảng" vận dụng nhuần nhuyễn những tổng kết của V.I.Lê-nin sau Cách mạng Tháng Mười vào hoàn cảnh hiện nay :

- Ổn định chính trị là một thành tựu sáng giá của Đảng ta mà thành tựu này thì không thể biểu diễn được bằng tỷ lệ phần trăm, cũng không lượng hóa được bằng các con số tuyệt đối, nhưng về ý nghĩa thì nó có liên quan trực tiếp đến vận mệnh của một đất nước. Các thế lực phản động và thù địch luôn khuấy động cho thiên hạ đại loạn để dễ bề thao túng, và vào những năm 1988 – 1991, chúng đã thực hiện được mưu đồ đó ở một số nước. Tuy nhiên, cũng trong thời gian thế giới biến đổi khôn lường đó, Đảng ta với tư duy chính trị nhạy bén, minh mẫn và sáng suốt đã đánh giá rất chính xác tình hình thế giới và trong nước và đã xác định "điều kiện tiên quyết là phải luôn luôn giữ vững sự ổn định về chính trị. Có ổn định về chính trị mới có điều kiện để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội…"(8). Đến nay, nhận định đó đã trở thành sự thật hiển nhiên, có lẽ không phải bàn luận gì nhiều nữa, mà đáng chú ý là ổn định chính trị để xây dựng kinh tế – xã hội, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành mục tiêu cấp bách số một của tuyệt đại bộ phận các nước, các dân tộc trên thế giới, bởi vì nếu không ổn định thì không thể làm gì được, cho dù là việc nhỏ bé nhất.

- Chỉnh đốn Đảng, gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, đây là bài học xương máu của Đảng cầm quyền, vì vậy Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam ở nhiệm kỳ nào cũng ghi ngay ở phần đầu để Đảng viên luôn nhớ: "Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng". Trở lại lời cảnh báo của V.I.Lê-nin: "Chỉ khi nào biểu hiện được đúng ý nguyện của nhân dân thì chúng ta mới quản lý Nhà nước được. Nếu không Đảng Cộng sản sẽ không lãnh đạo được giai cấp vô sản, giai cấp vô sản sẽ không lôi kéo được quần chúng theo mình và tất cả bộ máy sẽ tan rã"(9). Xem ra, lời cảnh báo đó hoàn toàn đúng với những Đảng Cộng sản đã tán vỡ, vì như trên đã nói một nước mà thành phố là chính quốc, nông thôn là thuộc địa… tuyệt đại bộ phận nhân dân lao động bị tước đoạt mất thành quả lao động một cách trắng trợn thì không sụp đổ sao được. Ý thức đầy đủ, sâu sắc được tư tưởng của V.I.Lê-nin, từ khi ra đời, Đảng ta đã chăm lo, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất, coi trọng sự gắn bó với nhân dân như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Vừa qua, khi tổng kết lại công tác này, nói rõ những mặt làm được, những tồn tại, khuyết điểm, Đảng ta đã đề ra 7 giải pháp cho thời gian tới, đó là: giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất và năng lực cán bộ, Đảng viên; củng cố Đảng về tổ chức, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ; nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; đổi mới công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng (10). Tất cả đều nhằm thực hiện ý nguyện cao cả của nhân dân là xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vững mạnh, đây không chỉ là mong muốn chính đáng của nhân dân mà chính là một mục tiêu quan trọng bậc nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Như Bác Hồ đã dạy: Có độc lập, tự do mà dân vẫn không đủ cơm ăn, áo mặc, không được học hành thì độc lập, tự do cũng chẳng có nghĩa lý gì. Chính vì vậy mà những suy tư trăn trở của Đảng ta để hình thành một đường lối đổi mới mà trước nhất là đổi mới kinh tế (từng bước hoàn thiện cơ cấu kinh tế mới, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…) là một đóng góp cả về thực tiễn và lý luận làm phong phú thêm bài học sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười. Khi đề cập đến bước chuyển của cách mạng, V.I.Lênin đã chỉ ra hai nhiệm vụ phải nối tiếp nhau, nương tựa vào nhau. Một là, thiết lập và tăng cường sức mạnh của chính quyền cách mạng, hai là, phải bắt tay vào xây dựng một nền kinh tế mới. "Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề thứ hai thì tất cả những thành quả, tất cả những thắng lợi chúng ta đã giành được trong việc lật đổ bọn bóc lột và vũ trang chống lại bọn đế quốc quốc tế sẽ chỉ là vô ích; và sự phục hồi chế độ cũ là điều không thể tránh khỏi"(11). Một lần nữa, chỉ báo của V.I.Lê-nin được thực tiễn minh chứng một cách sống động ở một số nước vốn là xã hội chủ nghĩa nhưng đã để cho nền kinh tế trì trệ quá lâu, đời sống nhân dân không được cải thiện trong khi một bộ phận giới lãnh đạo chóp bu đã trở thành những nhà kinh doanh tư nhân đối lập với quyền lợi nhân dân…

Có thể nói rằng, đường lối của Đảng ta thể hiện trong văn kiện các kỳ Đại hội trong hơn 20 năm đổi mới là những tổng kết toàn diện những bài học kinh nghiệm của Đảng cầm quyền sau Cách mạng Tháng Mười. Phát huy đầy đủ, cao độ những thành tựu đã đạt được và những quan điểm tư tưởng chỉ đạo về hành động, đồng thời khắc phục triệt để những khuyết điểm, thiếu sót và một vài biểu hiện lệch lạc mà các Đại hội đã nghiêm khắc kiểm điểm thì chắc chắn chúng ta sẽ bước tới những thành công to lớn hơn nữa. Một lần nữa chúng ta phải nhấn đậm tư tưởng chỉ đạo là sự kiên trì con đường chủ nghĩa xã hội, trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đó là bài học lớn nhất, tổng quát nhất sau cách mạng tháng Mười. Trong thời đại ngày nay, nói cho cùng, thực chất chỉ có hai hệ tư tưởng, đó là hệ tư tưởng tư sản và hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Mọi sự lơi lỏng, xa rời tư tưởng xã hội chủ nghĩa đều có nghĩa là tăng cường cho hệ tư tưởng tư sản – không có thứ tư tưởng trung dung nào khác./.
 

(1) V.I.Lê-nin, toàn tập, tập 34, trang 571, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va 1976

(2) Niềm tin bất tử vào "huyền thoại", báo Pra-vơ-đa (Nga), ngày 12-5-1994

(3) (4) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 2, trang 267-280; Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995. (Mã Khắc Tư là Các Mác)

05 V.I.Lê-nin, toàn tập, tập 34, tr 502, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va 1976

(6) Tên hai tác phẩm của Hồ Chủ Tịch, viết năm 1957 và 1967 nhân kỷ niệm 40 năm và 50 năm Cách mạng Tháng Mười.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, tr108 và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VIII, trang 136.

(8) Ban tư tưởng văn hóa, Trung ương “Tình hình hiện nay và nhiệm vụ cấp bách của chúng ta”. Hà Nội, tháng 4-1990.

(9) V.I.Lê-nin, toàn tập, tập 45, trang 134, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va 1976

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, trang 135-150.

(11) V.I.Lê-nin, toàn tập, tập 42, tr33, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va 1976