Vấn đề nóng trong ngành y tế: Khoa cấp cứu cần “cấp cứu”
TCCS - Hiện nay, quá tải đang là tình trạng chung tại các khoa cấp cứu của nhiều bệnh viện, dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc liên quan trực tiếp tới người bệnh trong việc khám, chữa bệnh kịp thời. Đây là vấn đề cấp bách cần được giải quyết nhằm bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Từ thực trạng khó khăn…
Cấp cứu là một trong những hoạt động quan trọng và được quan tâm nhất tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Việc giải quyết các bệnh lý cấp cứu nói chung và các trường hợp cấp cứu tai nạn thương tích nói riêng đang là vấn đề bức xúc trong công tác khám, chữa bệnh hằng ngày tại các bệnh viện. Khác với các chuyên khoa khác, hoạt động của khoa cấp cứu tại các bệnh viện và trung tâm cấp cứu 115 luôn gặp nhiều khó khăn.
Một là, thiếu nhân lực chuyên khoa cấp cứu. Thiếu nhân lực bác sĩ chuyên trách cấp cứu đang là vấn đề đáng lo ngại. Nguồn nhân lực chính tại các khoa cấp cứu của các bệnh viện thường bao gồm các bác sĩ chuyên khoa cấp cứu, các bác sĩ thực hành trong chương trình đào tạo các chuyên khoa, các bác sĩ chuyên khoa khác luân phiên xuống làm việc tại khoa cấp cứu.
Trên thực tế, khoa cấp cứu thuộc nhóm các chuyên khoa khó thu hút được nhiều sinh viên ở giai đoạn chọn lựa chuyên khoa để tiếp tục chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa, do đó, các bệnh viện và các trung tâm cấp cứu luôn thiếu bác sĩ chuyên khoa cấp cứu. Thời gian qua, khoa cấp cứu của các bệnh viện và các trung tâm cấp cứu 115 tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhất là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang hoạt động rất khó khăn. Không chỉ thiếu phương tiện cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân, mà đội ngũ y, bác sĩ cũng trong tình cảnh ngày càng khan hiếm. Mức lương thấp, chế độ đãi ngộ hạn chế, công việc vất vả, căng thẳng nên y, bác sĩ không muốn về công tác tại khoa cấp cứu và trung tâm cấp cứu. Thậm chí, nhiều người từng gắn bó với trung tâm cấp cứu đã xin chuyển chỗ làm.
Hai là, thiếu phương tiện phục vụ đồng bộ. Nhu cầu cấp cứu người bệnh không ngừng gia tăng, trong khi hoạt động của nhiều trung tâm cấp cứu đang rất cần được hỗ trợ khẩn cấp. Như Trung tâm cấp cứu 115 ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện chỉ có 16 bác sĩ, 60 điều dưỡng, 12 y sĩ, 22 lái xe. Về phương tiện có 11 xe cấp cứu, trong đó có 6 xe ở tình trạng cũ; 24 trạm cấp cứu, 115 vệ tinh đặt tại các bệnh viện, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu cấp cứu của người dân thành phố (1). Tương tự, Trung tâm cấp cứu 115 của thành phố Hà Nội chỉ có 28 bác sĩ, 20 xe cấp cứu. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 100.000 người dân thì cần ít nhất 1 xe cấp cứu. Tính đến năm 2017, dân số trung bình trên địa bàn thành phố Hà Nội là 7.654,8 nghìn người, chưa kể đến lực lượng lao động ở tỉnh ngoài vào Hà Nội làm việc cũng như khách tham quan du lịch. Như vậy, Trung tâm Cấp cứu 115 mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu cấp cứu của người dân Hà Nội. Mặc dù là khối lượng công việc đồ sộ nhưng hiện nay, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội mới chỉ có 5 trạm cấp cứu ngoại viện. 20 xe cấp cứu được chia cho 5 trạm. Ngoài trạm trung tâm tại số 11 Phan Chu Trinh, còn 4 trạm khu vực đặt tại Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Hà Đông. Tính từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chưa mở rộng thêm được trạm cấp cứu nào cho dù sức ép dân số tăng lên từng năm (2).
Ba là, sự hiểu biết của xã hội và thậm chí của nhiều y, bác sĩ về vấn đề cấp cứu trước bệnh viện chưa đầy đủ. Nhiều người vẫn chỉ quan niệm cấp cứu trước bệnh viện là việc vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế chứ chưa hiểu ý nghĩa của việc sơ cấp cứu ban đầu trước khi đến cơ sở y tế quan trọng đối với sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân cấp cứu như thế nào, trong khi tại các nước, cấp cứu trước bệnh viện được ưu tiên hàng đầu trong các chính sách liên quan đến chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nếu tính từ thời điểm bệnh nhân được cấp cứu sẽ có một dây chuyền liên kết với nhau nhằm phục vụ người bệnh như: Cấp cứu trước bệnh viện, cấp cứu tại bệnh viện, hồi sức tích cực, sau hồi sức tích cực; phục hồi chức năng và các khoa lâm sàng khác. Tuy là một khâu quan trọng trong quá trình phục vụ người bệnh, nhưng hiện nay, cấp cứu trước bệnh viện vừa thiếu nhân lực, vừa thiếu phương tiện hiện đại, đồng thời sự hiểu biết của xã hội và thậm chí của nhiều y bác sĩ, chưa toàn diện. Rất ít lực lượng bác sĩ điều dưỡng muốn tham gia vào công việc này vì rất vất vả, phải đối diện với nhiều thử thách trên đường, thời gian đi xe nhiều, thu nhập thấp, cơ hội thăng tiến về nghề nghiệp hạn chế. Chính vì thế, những năm trở lại đây, các trung tâm cấp cứu 115 luôn trong tình trạng bị thiếu chỉ tiêu biên chế do vị trí của những người làm cấp cứu trước bệnh viện trong mắt cộng đồng còn mờ nhạt. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ còn thấp, việc trau dồi chuyên môn, tay nghề khó được nâng cao do hạn chế luân chuyển vị trí làm việc tại các bệnh viện, dẫn tới việc tuyển dụng không đủ số lượng.
… đến tình trạng quá tải bệnh nhân
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong số các bệnh viện thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhân dân 115 là nơi có số lượng bệnh nhân đến cấp cứu mỗi ngày cao nhất. Kể từ khi Bệnh viện Chợ Rẫy hạn chế việc tiếp nhận người bệnh từ các bệnh viện, Bệnh viện Nhân dân 115 trở thành nơi có số lượng bệnh nhân cấp cứu đông nhất của thành phố, với khoảng trên 400 người/ngày. Mỗi năm, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận khoảng 50% số lượng bệnh nhân đột quỵ của thành phố (cả tim mạch và tai nạn giao thông...). Hiện có 100 máy thở luôn sử dụng hết công suất.
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ rẫy cũng luôn trong tình trạng quá tải. Cứ khoảng 5 phút lại có một bệnh nhân được chuyển đến bằng xe cấp cứu. Tình trạng quá tải đã gây ra những rủi ro không đáng có, như một số bất cập trong quy trình cấp cứu chậm trễ, thái độ phục vụ chưa tốt của nhân viên y tế với người bệnh,...
Không chỉ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng quá tải ở khoa cấp cứu nhiều bệnh viện tuyến cuối cũng xảy ra. Thống kê cho thấy, lượng cấp cứu ngoại viện của toàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện cũng đã tăng gấp 3 lần so với hai năm trước. Việc dồn tải và chưa có một hệ thống thông minh điều phối để nắm rõ hiện trạng các khoa cấp cứu đã đặt cả các y, bác sỹ và người bệnh vào nhiều rủi ro.
Ở Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện lớn nhất miền Bắc. Đây là nơi có khoảng 6.000 đến 8.000 bệnh nhân tới khám bệnh mỗi ngày. Khoa Hồi sức tích cực là khoa công việc nặng nhất, vì thế mà 5 năm nay rất khó tìm được bác sĩ và điều dưỡng về làm việc tại khoa. Hiện tại, Khoa chỉ có 15 điều dưỡng/ca 8 tiếng tiếp nhận hơn 40 bệnh nhân. Ngoài ra, cũng tại Hà Nội, có những bệnh viện tiếp nhận 400 ca cấp cứu mỗi ngày, mỗi ca trực đến 10 bác sĩ nhưng luôn trong tình trạng quá tải đến gấp đôi công suất. Công việc căng thẳng là một trong những nguyên nhân khiến việc thăm khám bệnh nhân chưa được chu đáo, các y, bác sĩ không đủ thời gian giải thích hiện trạng của bệnh nhân với người nhà, khả năng sai sót về chuyên môn có thể cao hơn.
Những giải pháp tháo gỡ
Trước những khó khăn mà các khoa cấp cứu và trung tâm cấp cứu 115 gặp phải trong thời gian qua, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang có kế hoạch mở rộng mạng lưới trạm cấp cứu 115 vệ tinh, ứng dụng hệ điều hành cấp cứu thông minh, đào tạo đội ngũ cấp cứu ngoại viện chuyên nghiệp... nhằm đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngoài bệnh viện ngày càng cao của người dân Thành phố. Trong thời gian tới, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai nhiều hoạt động và chuẩn bị nguồn lực để các trạm cấp cứu vệ tinh hoạt động hiệu quả hơn, bao gồm: Đào tạo nâng cao năng lực cấp cứu trước bệnh viện cho nhân viên y tế của các trạm cấp cứu vệ tinh của các bệnh viện; xây dựng hệ thống điều hành mạng lưới cấp cứu vệ tinh, ứng dụng IoT để chủ động điều phối xe cứu thương của các bệnh viện tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh hiện đang ở trạng thái sẵn sàng để đưa tổ cấp cứu đến hiện trường; nghiên cứu, triển khai nhân rộng thêm xe cấp cứu 2 bánh tại những trạm cấp cứu vệ tinh. Ngoài ra, Sở Y tế sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xem xét bổ sung xe cứu thương đối với các bệnh viện tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh. Đây là những phương án các tỉnh, thành phố có thể tham khảo. Bên cạnh đó, một số giải pháp được đưa ra.
Một là, phát triển nguồn nhân lực chuyên trách công tác cấp cứu trước bệnh viện cho cả Trung tâm Cấp cứu 115 và cho các bệnh viện tham gia làm các trạm cấp cứu vệ tinh. Giải pháp này cần Bộ Y tế và các trường đại học y khoa có thêm mã ngành đào tạo loại hình chuyên viên cấp cứu trước bệnh viện (Paramedic). Đây là hướng đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế và đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Hơn nữa, để phát triển nguồn nhân lực chuyên trách công tác cấp cứu, cần có các chính sách đãi ngộ đặc thù để thu hút nguồn nhân lực cho hệ thống cấp cứu ngoại viện của thành phố, có như vậy mới bảo đảm cấp cứu kịp thời cho người dân.
Hai là, thành lập bệnh viện khám, chữa bệnh gắn với Trung tâm cấp cứu 115. Giải pháp này sẽ giúp giải quyết có bác sĩ giỏi đi theo xe cấp cứu thông qua việc định kỳ luân chuyển phân công trực theo xe cấp cứu, coi đó là nghĩa vụ phục vụ cộng đồng. Mặt khác, các bác sĩ có điều kiện nâng cao tay nghề và thu nhập thông qua việc khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh cố định. Các bác sĩ vừa có kinh nghiệm trong khâu tiếp xúc, tư vấn với bệnh nhân, vừa liên tục được trau dồi chuyên môn nên sẽ thành thạo khám điều trị trong khâu cấp cứu trước bệnh viện.
Ba là, đào tạo hệ thống cấp cứu trước bệnh viện. Tại thành phố Hà Nội, lộ trình đến năm 2023 sẽ đào tạo khoảng 2.000 cán bộ y tế tham gia vào ngành này. Đồng thời đẩy mạnh đào tạo đội ngũ điều dưỡng cấp cứu trước bệnh viện và tạo ra khung pháp lý để điều dưỡng có thể hoạt động độc lập.
Bốn là, mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng của Trung tâm Cấp cứu 115. Xây dựng đề án Phát triển cấp cứu trước bệnh viện, trong đó mục tiêu cấp cứu trước bệnh viện bao gồm 4 yếu tố: có bệnh viện chuyên sâu cấp cứu, có trung tâm điều phối thông tin cấp cứu hiện đại, mạng lưới xe cấp cứu và trung tâm đào tạo cấp cứu. Bốn yếu tố đó phải được liên kết trong một tổ chức.
Năm là, đưa vào sử dụng hệ thống điều hành thông minh nhằm kết nối với các phòng cấp cứu bệnh viện. Hệ thống này sẽ thống kê tình trạng các phòng cấp cứu, số máy thở tại bệnh viện, tình trạng giao thông trên tuyến đường vận chuyển bệnh nhân... để chỉ dẫn bác sĩ đang đưa bệnh nhân đi cấp cứu vào cơ sở y tế thích hợp. Việc sử dụng mạng lưới kết nối này sẽ giúp điều phối bệnh nhân tốt hơn, tránh được tình trạng quá tải khi đưa nhiều bệnh nhân vào khoa cấp cứu của một bệnh viện.
Sáu là, tuân thủ quy trình và các cấp độ cấp cứu. Đây là yêu cầu cần thiết để phân loại, cứu chữa bệnh nhân kịp thời (như mô hình “dán màu bệnh nhân” tại Khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nhằm xác định tình trạng bệnh cho từng bệnh nhân). Thực hiện nguyên tắc “4 giờ”. Nguyên tắc “4 giờ” nghĩa là bằng nhiều cách không để bệnh nhân lưu lại khoa Cấp cứu của bệnh viện trên 4 giờ. Nguyên tắc này buộc bộ phận cấp cứu bằng mọi cách giải quyết nhanh nhất phần việc của mình để chuyển bệnh nhân đến các chuyên khoa. Nguyên tắc “4 giờ” giúp cải thiện thời gian chờ đợi của bệnh nhân khi vào khoa Cấp cứu của các bệnh viện.
Bảy là, kết nối hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện với các hoạt động cấp cứu chuyên khoa tại các bệnh viện như quy trình báo động đỏ trong chấn thương, trong cấp cứu sản khoa, quy trình cấp cứu đột quỵ, quy trình cấp cứu tim mạch,... Cùng với các chuyên gia của các hội chuyên khoa, các bệnh viện đầu ngành, Sở Y tế cần xây dựng các quy trình phối hợp giữa hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện với hoạt động can thiệp chuyên sâu trong cấp cứu người bệnh, hoạt động này giúp nâng cao hiệu quả can thiệp điều trị và giảm tử vong. Ngoài ra, hệ thống cấp cứu ngoại viện cần sự đầu tư một cách đồng bộ, từ ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị, xe cứu thương đến đào tạo con người./.
Tính đến hết tháng 6-2019, Thành phố Hồ Chí Minh có 31 trạm vệ tinh cấp cứu 115 phủ rộng khắp 24 quận, huyện, trong đó có 6 trạm cấp cứu xe hai bánh gồm: Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Quận Thủ Đức, Bệnh viện Quận 2, Bệnh viện Quận 4, Phòng khám Linh Xuân và Phòng khám Linh Trung. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm cấp cứu 115 nhận được 13.961 cuộc gọi cấp cứu, trong đó 8.261 lượt xuất xe có bệnh nhân, chuyển viện thành công 7.507 trường hợp. Số lượng cấp cứu năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 cao gấp 3 lần năm 2015 và ngày càng có xu hướng tăng cao cho thấy nhu cầu cũng như sự tin tưởng của người dân đối với hoạt động cấp cứu 115 ngày càng cao(3).
--------------------------------------------------------
(1) Cấp cứu 115... cần “cấp cứu”, http://www.sggp.org.vn/cap-cuu-115-can-cap-cuu-525432.html, ngày 9-6-2018
(2) Vì sao thí sinh ngành y không mặn mà với “cấp cứu trước bệnh viện”?, http://capcuu115hanoi.com/vi-sao-thi-sinh-nganh-y-khong-man-ma-voi-cap-cuu-truoc-benh-vien/, ngày 22-8-2017
(3) Thành phố Hồ Chí Minh: Hướng tới chuyên nghiệp hóa hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện, TTXVN, ngày 15-7-2019
Các bệnh viện mắt chú trọng quản lý chất lượng lâm sàng, hạn chế sai sót chuyên môn  (26/09/2019)
Sống khoa học lành mạnh để nâng cao sức khỏe  (25/09/2019)
Tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật  (12/09/2019)
Cần chú ý ngộ độc paracetamol ở trẻ nhỏ  (11/09/2019)
Nhiễm độc thạch tín vì thói quen xông nhà  (11/09/2019)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay