Tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật
TCCS - Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới (Nghị quyết số 20) xác định, y tế cơ sở vẫn là nền tảng để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật.
Phủ sóng mạng lưới y tế cơ sở
Hiện nay, ở nước ta, y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng, góp phần tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ y tế ngay tại cơ sở, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe và giảm thấp nhất chi phí khám chữa bệnh cho người dân.
Y tế cơ sở ở nước ta hiện nay bao gồm: y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã, là tuyến y tế ban đầu, gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất. Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo - là những khu vực điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tỷ lệ người nghèo cao, lại ở xa các bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương.
Trong những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam đã được củng cố, phát triển. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi, làm theo. Hiện nay, cả nước có hơn 700 trung tâm y tế huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có hơn 60% số trạm y tế đã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010 - 2020; 100% số xã có trạm y tế hoặc có phòng khám đa khoa khu vực liên xã; 87,5% số trạm y tế xã có bác sĩ làm việc (bao gồm cả bác sĩ làm việc lâu dài và bác sĩ tuyến trên luân phiên về làm việc hai, ba ngày trong tuần); 96% số trạm y tế xã có nữ hộ sinh/y sĩ sản nhi và hơn 95% số thôn bản có nhân viên y tế thôn, bản hoặc cô đỡ thôn, bản…
Mặc dù được Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các nhà tài trợ quốc tế quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư trong suốt thời gian qua, song y tế cơ sở vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết, trong đó khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.
Trên thực tế, người dân đến với y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn về sức khỏe lại chiếm tỷ lệ thấp. Có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân trực tiếp là "chất lượng dịch vụ", "lòng tin của người dân" và nguyên nhân gián tiếp phải nói tới cơ chế, chính sách và đầu tư. Cơ chế, chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy khả năng và tiềm năng, điều đó dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng sẽ khó được cải thiện.
Nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở
Với mạng lưới rộng khắp, từ đồng bằng, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đến biên giới, hải đảo, thời gian qua, mạng lưới y tế cơ sở - được ví như xương sống của ngành y tế đã bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả với chi phí thấp, thuận tiện do không phải đi xa. Thông qua các dịch vụ như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh thông thường, phục hồi chức năng…, không thể phủ nhận, mạng lưới y tế cơ sở có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là khám, chữa bệnh đòi hỏi ở mức cao hơn, cơ chế quản lý, cơ chế tài chính có những thay đổi, thì hệ thống y tế cơ sở cũng đã bộc lộ những hạn chế. Trước kia, do điều kiện giao thông đi lại khó khăn, nhiều người dân chỉ có thể đến trạm y tế xã để khám và điều trị; còn hiện nay, phần lớn người dân có thể lên cơ sở y tế tuyến cao hơn để khám, điều trị. Nhiều trạm y tế xã không còn giường bệnh lưu để điều trị người bệnh do cơ sở vật chất, nhà cửa, trang thiết bị và kể cả trình độ cán bộ không đáp ứng nhu cầu chẩn đoán và điều trị người bệnh. Mặt khác, ngành y tế đang từng bước tiến tới quản lý sức khỏe toàn dân, chăm sóc sức khỏe một cách liên tục và suốt đời thì cách tiếp cận theo kiểu chỉ khám, phát hiện và điều trị các ca bệnh riêng rẽ sẽ không còn phù hợp.
Trước đây, thực hiện giao nhiệm vụ và đầu tư cho y tế cơ sở theo các nhiệm vụ ưu tiên và theo các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, còn hiện nay, các chương trình mục tiêu y tế đã bị cắt giảm cả về số lượng các dự án và cả về kinh phí. Bên cạnh đó, chi phí phục vụ chi thường xuyên tại trạm y tế được cấp khá thấp, do đó về cơ chế đầu tư cho y tế xã cũng phải cần thay đổi cho phù hợp để bảo đảm có nguồn tài chính hoạt động.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, cùng với mặt tích cực, sự chuyển mình nhanh chóng của kinh tế - xã hội đang kéo theo nhiều hệ lụy, điển hình là tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tệ nạn xã hội…đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, tác động xấu đến đời sống và sức khỏe người dân. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều loại bệnh tật, dịch bệnh gia tăng theo chiều hướng phức tạp, đòi hỏi khả năng đáp ứng nhanh của ngành y tế. Vậy nhưng đây lại chính là khó khăn, hạn chế lớn với mạng lưới y tế cơ sở.
Do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng, việc thu hút cán bộ y tế có trình độ, chuyên môn giỏi về công tác tại tuyến cơ sở được ví như “mò kim đáy bể”. Đội ngũ cán bộ thiếu và yếu về chuyên môn khiến đa số các hoạt động khám, chữa bệnh ở y tế cơ sở chỉ duy trì ở mức cầm chừng, không phát triển được kỹ thuật cao. Mỗi khi xuất hiện dịch bệnh, bác sỹ tuyến cơ sở chỉ “đảm đương” được phần ngọn (dập dịch) chứ không thể chữa trị chuyên sâu. Đó là chưa kể cơ sở vật chất, cả về kết cấu hạ tầng lẫn trang thiết bị phục vụ cho việc khám, chữa bệnh tại các tuyến y tế cơ sở luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng. Chỉ 6,5% số trạm y tế cơ sở có đủ cơ số phòng theo chuẩn; 30% còn thiếu trang thiết bị cơ bản theo yêu cầu; hầu hết các trạm đều thiếu các thuốc trong danh mục, kể cả các thuốc cho điều trị các bệnh mạn tính, thông thường.
Những yếu tố này dẫn đến một thực trạng đang làm đau đầu những người quản lý ngành y tế hiện nay, đó là sự quá tải bệnh nhân khám, chữa bệnh tại các bệnh viện lớn, trong khi tại các tuyến y tế cơ sở lại vô cùng vắng vẻ. Không ít trạm y tế được công nhận chuẩn Quốc gia, nhưng số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh cũng không vượt quá 20 - 30 người trong một tháng, không ít trong số đó chỉ đến xin giấy giới thiệu để khám bệnh ở các tuyến trên.
Chưa nói đến nguyên nhân do tâm lý “cố hữu”, chưa thể “một sớm một chiều thay đổi” của người dân khi bị bệnh luôn muốn tìm đến những bệnh viện lớn, có uy tín, chất lượng với lý do nhận được sự an tâm, tin tưởng. Nhưng công bằng mà nói thì chính những hạn chế trong quá trình hoạt động tại các trạm y tế cơ sở đã có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến số lượng bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh tại đây, bởi họ chưa thể đặt niềm tin vào chất lượng dịch vụ, chất lượng nhân lực y tế của tuyến cơ sở.
Chăm sóc sức khỏe toàn dân
Để mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, Nghị quyết 20 Trung ương 6, khóa XII về tăng cường Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề ra nhiều giải pháp vừa mang tính cấp thiết vừa mang tính lâu dài. Đó là việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và của toàn xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao sức khỏe nhân dân; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở.
Nghị quyết, yêu cầu bảo đảm an ninh y tế, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp. Tăng nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét. Củng cố vững chắc hệ thống tiêm chủng. Tăng số vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng phù hợp với khả năng ngân sách.
Phát triển y học gia đình: Triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; chú trọng dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật; đẩy mạnh quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở. Đẩy mạnh kết hợp quân - dân y, y tế ở vùng biên giới, hải đảo. Kết nối y tế cơ sở với các phòng khám tư nhân, phòng chẩn trị Đông y.
Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế, tiêm chủng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khỏe người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán bảo hiểm y tế.
Thiết lập hệ thống sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân. Thực hiện cập nhật các thông tin, chỉ số sức khỏe khi đi khám sức khỏe, chữa bệnh. Có cơ chế, lộ trình phù hợp, từng bước thực hiện để tiến tới mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe, khám và chăm sóc sức khỏe định kỳ.
Chú trọng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh và các đối tượng ưu tiên; phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi phù hợp./.
Cần chú ý ngộ độc paracetamol ở trẻ nhỏ  (11/09/2019)
Nhiễm độc thạch tín vì thói quen xông nhà  (11/09/2019)
Xu thế già hóa dân số ở nước ta và vấn đề chăm sóc sức khỏe, sử dụng lao động người cao tuổi  (11/09/2019)
Hà Nội tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực y, dược tư nhân  (10/09/2019)
Giải pháp khắc phục tình trạng quá tải khám, chữa bệnh tại các bệnh viện  (09/09/2019)
Hà Nội đưa vào hoạt động máy điều trị ung thư hiện đại nhất thế giới  (30/08/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm