Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới
TCCS - Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố chủ yếu tạo nên sức mạnh, sự thống nhất ý chí, bảo đảm cho toàn Đảng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi. Theo đó, việc củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu là nhiệm vụ có tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn; bởi lẽ, đây là những người có vị trí, vai trò quan trọng và quyết định trực tiếp đến chất lượng hoạt động của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp.
1. Bản lĩnh chính trị của cán bộ là sự hiểu biết sâu sắc, niềm tin tuyệt đối, ý thức chấp hành nghiêm túc và sự kiên định đối với nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong mọi hoàn cảnh, nhất là trước những khó khăn, thử thách, những thời điểm có tính bước ngoặt của cuộc cách mạng.
Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ là hoạt động có mục đích của cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức, cơ quan có trách nhiệm và từng cán bộ trong việc xác định và tổ chức thực hiện hiệu quả những yêu cầu về tư tưởng chính trị, thường xuyên tự phê bình và phê bình, uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức và hành động, nhằm làm cho đội ngũ cán bộ có trình độ nhận thức lý luận chính trị, nắm vững và tin tưởng tuyệt đối vào đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có kiến thức và quyết tâm đổi mới, có khả năng vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ giữ vai trò đặc biệt quan trọng, định hướng, chi phối toàn bộ sự nghiệp chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên và là yếu tố chủ yếu tạo nên ý chí, khát vọng, khả năng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để phấn đấu, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng giao cho.
Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu dựa trên sự nắm vững tri thức khoa học và khả năng đúc rút tri thức mới từ thực tiễn hoạt động chính trị, với yêu cầu “phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra”(1).
Trong mọi giai đoạn của cách mạng, nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên luôn trung thành với Đảng, luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của cách mạng, của Đảng, không ngừng phấn đấu, hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, góp phần tạo nên thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam.
Tuy vậy, trong thời kỳ đổi mới, liên tiếp 3 kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương trong 3 nhiệm kỳ đại hội Đảng gần đây đều ban hành nghị quyết, kết luận những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó xác định vấn đề cấp bách nhất vẫn là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả ở cấp cao. Đó là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Kết luận số 21 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””.
Quan điểm nhất quán của Đảng là “Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa “xây” và “chống”, xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên. Tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng; đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(2).
Củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu là tất yếu khách quan và là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.
Sở dĩ đây là nhiệm vụ mang tính cấp thiết là bởi lẽ, cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu có vai trò quan trọng nhất và quyết định trực tiếp đối với chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Người lãnh đạo, người đứng đầu giữ vai trò hạt nhân, quy tụ mọi thành viên trong tổ chức tạo nên sự đoàn kết, thống nhất, kết thành sức mạnh to lớn của tổ chức. Trong những yếu tố tạo nên phẩm chất, năng lực, phong cách của người lãnh đạo, người đứng đầu thì bản lĩnh chính trị là yếu tố đầu tiên, chi phối, dẫn dắt tập thể vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thắng lợi mục tiêu chính trị của tổ chức. Trong mọi thời kỳ và mọi giai đoạn cách mạng, bản lĩnh chính trị của người lãnh đạo, người đứng đầu, nhất là cán bộ cao cấp luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố chủ yếu tạo nên sức mạnh, sự thống nhất ý chí, là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho toàn Đảng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi.
Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận cán bộ, bao gồm cả những người giữ chức vụ không nhỏ, do thiếu rèn luyện, không đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ của cuộc sống nên đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn vun vén lợi ích cá nhân, sa vào “lợi ích nhóm”, làm giàu bất chính. Điều đó làm suy giảm sức mạnh của tổ chức, tổn hại đến thanh danh, uy tín của Đảng.
Trong thời gian tới, trước yêu cầu của tình hình mới, toàn Đảng đang tích cực thực hiện “nhiệm vụ then chốt” - xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng. Theo đó, nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt” là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới. Trong đó, việc củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu trong điều kiện Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền có vai trò, tầm quan trọng đặc biệt.
2- Củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu bao gồm các nội dung chính sau đây:
Thứ nhất, xây dựng tiêu chuẩn chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu.
Lãnh đạo là chức năng của Đảng, hoạt động của cán bộ lãnh đạo là tham gia lãnh đạo tập thể của cấp ủy các cấp - người “cầm lái, dẫn đường”. Các quyết sách của cơ quan lãnh đạo của Đảng đều ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc và toàn diện đến sự phát triển bền vững của mỗi địa phương, đơn vị và cả nước. Hoạt động của người đứng đầu trong các tổ chức của hệ thống chính trị là hoạt động lãnh đạo, quản lý, chủ trì tổ chức thực thi quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ do tổ chức có thẩm quyền giao.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta xác định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”(3). Đồng thời, để thực hiện những nhiệm vụ cấp bách về xây dựng Đảng, trong đó giải pháp cấp bách nhất là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, thì giải pháp về củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị đều đặt lên hàng đầu và đều nhấn mạnh trước hết đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu.
Trong công tác cán bộ, việc xây dựng tiêu chuẩn cán bộ là khâu quan trọng đầu tiên, là tiền đề, là căn cứ khoa học và pháp lý để thực hiện các khâu khác của công tác cán bộ, nhất là đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, đánh giá, bố trí và giới thiệu cán bộ ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo các cấp trong hệ thống chính trị. Tiêu chuẩn chính trị đã được đề cập khá cụ thể trong Nghị quyết số 03-NQ/HNTW, ngày 18-6-1997, của Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII, “Về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Theo đó, cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, bên cạnh yêu cầu đáp ứng tiêu chuẩn chung, còn phải: “Có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Có năng lực dự báo và định hướng sự phát triển, tổng kết thực tiễn, tham gia xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật; thuyết phục và tổ chức nhân dân thực hiện. Có ý thức và khả năng đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước”(4).
Với quan điểm: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”(5), thì yêu cầu về bản lĩnh chính trị được đặt lên hàng đầu. Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, trong đó có yêu cầu về chính trị, tư tưởng.
Với quan điểm: cán bộ giữ vị trí lãnh đạo càng cao thì yêu cầu tiêu chuẩn chính trị càng lớn, ngày 4-8-2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 90-QĐ/TW, “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, đặt ra yêu cầu cao hơn về chính trị, tư tưởng: “Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng để bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước và phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị...”(6).
Thứ hai, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng để củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu.
Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu không phải tự nhiên mà có, mà do nhiều yếu tố tạo nên. Yếu tố cơ bản, hàng đầu là tính khoa học, đúng đắn của nền tảng tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Có lý luận cách mạng, khoa học mới giúp Đảng xác định rõ mục tiêu, xây dựng đường lối đúng đắn, hệ thống pháp luật đầy đủ, khả thi, làm căn cứ, tạo niềm tin vững chắc cho đội ngũ lãnh đạo, người đứng đầu. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng có tính quyết định là việc học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu. Vì thế, trong các nhóm giải pháp về xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu để tạo nền tảng chính trị vững chắc cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu.
Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phụ thuộc vào nhận thức lý luận, tình cảm và ý chí cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường./ Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”(7). Do đó, Đảng chủ trương “Nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổng kết thực tiễn 40 năm đổi mới để bổ sung, phát triển lý luận của Đảng. Tiếp tục bổ sung, phát triển hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(8).
Để củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải tích cực, tự giác học tập lý luận chính trị để nắm chắc đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên cơ sở được trang bị hệ thống lý luận khoa học là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Hệ thống giáo dục lý luận của Đảng phải “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn; đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”(9). Học tập phong cách tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong nghiên cứu lý luận cần nắm vững phép biện chứng duy vật để vận dụng sáng tạo và phát triển vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; tránh giáo điều, bảo thủ, xơ cứng, trì trệ; phải nắm bắt tinh thần, phương pháp khoa học để giải quyết các vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Các cơ quan quản lý cán bộ cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu. Khi bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu được nâng cao sẽ góp phần đẩy lùi các nguy cơ đối với vai trò cầm quyền của Đảng, đồng thời nâng cao uy tín lãnh đạo của Đảng. Nhận thức đúng đắn của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng phải được thể hiện trong kế hoạch học tập các nghị quyết, quy định của Đảng về chế độ học tập lý luận chính trị(10).
Thứ ba, thực hiện đúng quy định của Đảng, thể hiện và phát huy bản lĩnh chính trị của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu trong mọi hoạt động lãnh đạo, quản lý.
Bản lĩnh chính trị của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu không phải là vấn đề trừu tượng, khó đoán định, mà được thể hiện thường xuyên trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Người đứng đầu (với tư cách là người chủ trì hoạt động của cấp ủy) phải mẫu mực trong thực hiện các nguyên tắc của Đảng, bảo đảm thực hiện nguyên tắc của Đảng một cách đầy đủ, đúng đắn và hiệu lực, hiệu quả nhất. Trên cơ sở chuẩn bị nghiêm túc, thấu đáo những vấn đề đưa ra tập thể bàn bạc, quyết định, thực sự phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, thực sự khách quan, công tâm, người chủ trì phải biết lắng nghe, có khả năng thuyết phục, giải đáp và xử lý được những ý kiến khác nhau, bảo vệ chân lý, lẽ phải, bảo đảm đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước được thực hiện đúng đắn ở cơ sở. Đó chính là bản lĩnh chính trị của người đứng đầu.
Là người lãnh đạo, tham gia lãnh đạo (với tư cách là thành viên, cấp ủy viên) của tổ chức, cơ quan lãnh đạo, vấn đề bản lĩnh chính trị thể hiện ở chính kiến khi tham gia xây dựng các quyết sách thuộc thẩm quyền của tập thể lãnh đạo, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, địa phương và đơn vị. Điều này đặt ra yêu cầu rất cao về thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động được quy định trong Điều lệ Đảng: Tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật cũng như các quy chế, quy định khác của Đảng. Người lãnh đạo, tham gia lãnh đạo cần tỏ rõ chính kiến, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh, thậm chí khi chưa được tiếp thu ý kiến của mình (dù mình cho là đúng đắn) thì thực hiện quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số. Nếu thực hiện đúng nguyên tắc này thì sẽ không xảy ra sai phạm khiến tập thể phải bị xử lý kỷ luật chỉ vì nể nang, “dĩ hòa vi quý”, không dám “đấu tranh”. Điều này đang là “điểm nghẽn” trong hoạt động lãnh đạo của không ít cấp ủy, tổ chức đảng hiện nay, cần sớm khắc phục.
Thứ tư, phát huy vai trò tự giác rèn luyện để củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu.
Từ nhận thức đúng, cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu tự ý thức rèn luyện - yếu tố quyết định bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ. Bản lĩnh của một con người hay bản lĩnh chính trị của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu luôn mang sắc thái riêng, thể hiện đặc tính, tố chất của mỗi cá nhân và tạo nên nhân cách của mỗi người. Vì thế, chỉ khi mỗi cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu nhận thức đúng đắn vai trò của bản lĩnh chính trị thì mới thực sự tự giác học tập đạt kết quả thiết thực, bền vững. Bởi lẽ, mỗi lần tham gia quyết định lãnh đạo tập thể hay đưa ra quyết định của cá nhân theo chế độ thủ trưởng đều là sự hội tụ của trình độ lý luận, trí tuệ, của sự thấu hiểu thực tiễn, hoàn cảnh của địa phương, cơ quan, đơn vị, đất nước và lợi ích của nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo, cần xử lý các mối quan hệ, nhất là quan hệ giữa chiến lược và sách lược phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, tức là học tập, xây dựng cho mình phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, không lệ thuộc vào người khác hay cái có sẵn. Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu thể hiện rõ nhất khi được trang bị đầy đủ, sâu sắc những vấn đề lý luận, trung thành và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn để phân tích, đánh giá đúng tình hình, tìm ra bản chất, tính quy luật của sự vật, hiện tượng; từ đó, đưa ra được giải pháp phù hợp, tập hợp và phát huy được sức mạnh để vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được mục tiêu chính trị đề ra.
Việc rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải được tiến hành đồng bộ thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, phương pháp làm việc, năng lực công tác,... gắn liền với việc tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người. Không thể coi học tập ở trường, lớp là đủ và cũng không chỉ học một lần là xong, mà phải học tập thường xuyên để cập nhật kiến thức, hiểu biết sâu sắc hơn, nhất là kinh nghiệm xử lý tình huống lãnh đạo, quản lý, kể cả tình huống phức tạp về chính trị.
Thứ năm, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ thử thách, rèn luyện bản lĩnh chính trị gắn với việc đấu tranh chống tư tưởng, việc làm sai trái, thiếu bản lĩnh chính trị của người lãnh đạo, người đứng đầu.
Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu được thể hiện khi họ hoạt động trong môi trường có nhiều thử thách, trong tình huống phức tạp; càng nhiều khó khăn, thử thách càng bộc lộ rõ bản lĩnh chính trị. Bản lĩnh chính trị của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu thể hiện ở tác phong làm việc sâu sát cơ sở, nắm vững thực tiễn, nhất là khả năng giải quyết khó khăn và vấn đề phức tạp nảy sinh trong thực tiễn.
Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung và nhấn mạnh những đặc trưng cơ bản rất quan trọng mà đội ngũ cán bộ cần có, đó là “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”(11). Bộ Chính trị có Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021, “Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP, ngày 29-9-2023, “Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. Đây là căn cứ chính trị, pháp lý và cũng là cơ hội để cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu thể hiện bản lĩnh chính trị, năng lực tư duy, tầm nhìn và tài năng khắc phục “điểm nghẽn” của cơ chế, chính sách, có những phát kiến mới, tiến bộ để giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Thời gian qua, vẫn chưa xuất hiện nhiều đề án, đề xuất thí điểm để tổng kết, có thể nhân rộng mô hình, hoàn thiện cơ chế quản lý đem lại hiệu quả thiết thực do công tác quán triệt, thực thi chủ trương, chính sách đó chưa đầy đủ, rõ ràng, mạnh mẽ. Vì vậy, một mặt, phải tuyên truyền, nhân rộng mô hình, giải pháp thí điểm, đổi mới sáng tạo hiệu quả; kịp thời xem xét, nghiên cứu để thể chế hóa thành quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng mô hình, giải pháp đó; biểu dương, khen thưởng xứng đáng; ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao; mặt khác, phải xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đây có thể coi là điểm mới và là điểm nhấn trong củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu giai đoạn hiện nay.
Đồng thời với quá trình giáo dục, rèn luyện, nêu gương của mỗi cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chất vấn, đối thoại nhằm làm cho bản lĩnh chính trị của người lãnh đạo, người đứng đầu bộc lộ rõ nét và thường xuyên hơn. Thời gian qua, khi không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật không chỉ do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, mà còn do một số cơ chế, chính sách quy định chồng chéo, lạc hậu, nhưng chậm sửa đổi, khó khả thi, đã dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu sợ sai, né tránh trách nhiệm, không muốn hoặc không dám làm, để công việc trì trệ, kéo dài.
Thứ sáu, trong đổi mới công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, lãnh đạo, người đứng đầu cần chú trọng đánh giá thực chất về bản lĩnh chính trị.
Đổi mới tư duy về công tác đánh giá, xếp loại cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và căn cứ vào quan điểm của Đảng. Khi tiến hành đánh giá thực hiện tiêu chuẩn chính trị theo hướng dẫn hằng năm, cần hết sức tránh việc đánh giá một cách chung chung, mà phải thông qua hoạt động cụ thể theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Trước hết, cần dựa vào các tiêu chuẩn chính trị đã được quy định và các quy định cụ thể về vị trí việc làm để đánh giá, xếp loại cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu. Khi xem xét, đánh giá cán bộ, đảng viên nói chung, đánh giá về bản lĩnh chính trị nói riêng cần căn cứ vào đặc thù từng lĩnh vực, từng địa phương mà họ công tác. Tránh tình trạng quan liêu trong đánh giá, phân loại cán bộ. Điều đó cần cấp trên xem xét toàn diện hơn, qua đó bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, mạnh mẽ, quyết liệt trong hành động vì lợi ích của Đảng, của địa phương, đất nước. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, đề ra một trong những giải pháp đột phá trong công tác cán bộ: “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương”.
Nghị quyết số 26-NQ/TW xác định quan điểm: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”; trong đó, củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bao trùm./.
---------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 66
(2) Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/
van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xiii/ket-luan-so-21-kltw-ngay-25102021-hoi-nghi-lan-thu-tu-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-ve-day-manh-xay-dung-chinh-3773
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr.187
(4) Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, t. 56, tr. 344 - 345
(5) Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”
(6) Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, của Bộ Chính trị, “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 9, tr. 354
(8), (9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 234 - 235, 235 - 236
(10) Như: Quy định số 54-QĐ/TW, ngày 12-5-1999, của Bộ Chính trị, “Về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng”; Quy định số 145-QĐ/TW, ngày 10-5-2024, của Bộ Chính trị, “Về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26-5-2014, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý”...
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 243
Đảng bộ tỉnh Bắc Giang xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ  (04/06/2024)
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX