Nâng cao đạo đức công vụ của công chức ở một số nước Đông Bắc Á và bài học kinh nghiệm cho Hà Nội
TCCS - Các quy định về đạo đức công vụ được xem như những chuẩn mực đạo đức tối thiểu của công chức. Đạo đức của công chức đã và đang trở thành chủ đề quan tâm của nhiều nước Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Tìm hiểu quy định về đạo đức công vụ của công chức ở một số nước này có ý nghĩa quan trọng đối với thành phố Hà Nội trong quá trình cải cách hành chính.
Đạo đức công vụ của công chức Nhật Bản
Ở Nhật Bản có hai dạng công chức: công chức chính phủ và công chức chính quyền địa phương. Công chức chính phủ được phân thành: chức vụ đặc biệt (bao gồm thủ tướng, bộ trưởng, thành viên quốc hội, người đứng đầu các cơ quan công quyền do được bầu cử, thẩm phán…) và chức vụ bình thường. Đạo đức công vụ đối với công chức bình thường (Đạo luật số 129, ban hành năm 1999) là công chức có nghĩa vụ dành toàn bộ thời gian làm việc cho việc công; khi thực hiện nhiệm vụ phải công bằng và không phân biệt đối xử với người dân; phải tuân thủ luật pháp và các quy định, điều lệnh của cấp trên (khi điều lệnh của cấp trên trái với quy định pháp luật thì cần có ý kiến).
Đạo đức công vụ của Nhật Bản không cho phép công chức có hành động và các hành vi gây tổn hại đến việc công; không lợi dụng nhiệm vụ hoặc vị trí để thu lợi cá nhân; cấm nhận tiền, hàng hóa hoặc dịch vụ có tính chất hối lộ; không nhận cổ phiếu trước khi chưa đưa ra thị trường; cấm tiếp nhận giải trí hoặc các hình thức chiêu đãi đặc biệt; không đi du lịch, chơi golf… khi được doanh nghiệp mời.
Bên cạnh đó, công chức là bộ trưởng, thứ trưởng cấp cao và quốc vụ khanh còn phải thực hiện những Quy tắc ứng xử do nội các Nhật Bản quy định như sau: Thứ nhất, phải làm việc vì lợi ích của dân, là người phục vụ cho toàn thể nhân dân; thứ hai, không được phép làm việc trong một doanh nghiệp cũng như không được doanh nghiệp trả thù lao. Nếu làm việc trong một doanh nghiệp hay tổ chức vì lợi ích công cộng, họ chỉ được phép giữ vị trí danh dự nhưng không được nhận thù lao; nếu là bộ trưởng tham gia vào các tổ chức, phải báo cáo với thủ tướng, là thứ trưởng phải báo cáo cho bộ trưởng; thứ ba, hạn chế tham gia các giao dịch chứng khoán, bất động sản, hay là thành viên câu lạc bộ golf và các câu lạc bộ khác; tránh tạo mối quan hệ không rõ ràng với các doanh nghiệp; thứ tư, không nhận quá nhiều tiền thù lao cho bài phát biểu tại một doanh nghiệp khi được mời tham gia; phải giao lại những món quà từ nước ngoài tặng (chính phủ nước ngoài) hoặc từ những người khác khi món quà đó có giá trị trên 20.000 yên (khoảng 4 triệu đồng tiền Việt Nam); thứ năm, phải kê khai thông tin về tài sản vợ/chồng và con cái tại thời điểm nhậm chức bộ trưởng và thời điểm từ chức cũng vẫn phải kê khai thông tin về tài sản vợ/chồng và con cái; phải gửi cổ phiếu và những tài sản khác vào ngân hàng tín dụng và không được thay đổi hợp đồng khi đang đương chức.
Đạo đức công vụ của công chức Trung Quốc
Theo Luật Công vụ của Trung Quốc (ban hành năm 2005), tất cả nhân sự trong khu vực công (lực lượng lao động của Chính phủ, Đảng, Đại hội đại biểu nhân dân, Hội nghị Hiệp thương chính trị, các tổ chức tư pháp và kiểm sát, các tổ chức đảng phái dân chủ) đều được gọi là công chức. Trung Quốc hiện có khoảng 7.167.000 công chức, số công chức ăn lương ngân sách nhà nước khoảng 50 triệu người. Công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung Quốc bao gồm: công chức lãnh đạo (người thừa hành quyền lực hành chính nhà nước) và công chức nghiệp vụ (những người thi hành chế độ thường nhiệm). Công tác đánh giá công chức ở Trung Quốc dựa trên các nguyên tắc sau:
Một là, công bằng, khách quan, là những nguyên tắc quan trọng nhất của công tác đánh giá công chức. Nội dung đánh giá cần được công khai hóa, đồng nhất hóa các tiêu chuẩn, khoa học hóa các phương pháp để đạt được sự công bằng, hợp lý trong công tác đánh giá.
Hai là, phân loại sát hạch, mục đích nhằm khoa học hóa công tác đánh giá công chức để có thể đánh giá chính xác những biểu hiện về tài, đức của các công chức, tận dụng hợp lý những người tài giỏi.
Ba là, chú trọng thành tích thực tế, căn cứ vào thành tích thực tế của công chức làm trọng điểm cho công tác đánh giá. Thành tích thực tế trong công tác là sự phản ánh khách quan, tổng hợp năng lực, thái độ và chất lượng của công chức.
Bốn là, giám sát dân chủ. Nguyên tắc này yêu cầu tôn trọng sự lựa chọn và giám sát các cấp cán bộ lãnh đạo của quần chúng nhân dân. Căn cứ theo yêu cầu của việc phân loại công chức mà áp dụng các hình thức dân chủ khác nhau đối với các loại công chức khác nhau.
Tháng 10-2019, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ban hành “Đề cương triển khai xây dựng đạo đức công dân trong thời kỳ mới”, với mục tiêu nhằm tăng cường xây dựng đạo đức công dân, nâng cao trình độ đạo đức của toàn xã hội, đẩy mạnh xây dựng toàn diện xã hội khá giả, xây dựng toàn diện một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại mang đặc sắc của Trung Quốc.
Đạo đức công vụ của công chức Hàn Quốc
Hàn Quốc được biết đến là một trong những “con rồng châu Á”. Từ một nước nghèo nàn, chỉ trong vòng bốn thập niên, Hàn Quốc đã trở thành nước thuộc khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), có nhiều chỉ số về kinh tế, xã hội thuộc nhóm đầu thế giới. Đóng góp vào thành công đó, có vai trò của những người lãnh đạo đất nước và của hệ thống công chức, công vụ tiên tiến, hiệu quả của đất nước. Hàn Quốc là quốc gia rất chú trọng nội dung bồi dưỡng về đạo đức công vụ nhằm: 1- Bảo đảm sự hỗ trợ cho công chức chính phủ duy trì kiểm soát hành chính; 2- Thay đổi tư duy công chức; 3- Bảo đảm tính hợp pháp chính trị.
Ở Hàn Quốc, mục tiêu bồi dưỡng đạo đức công vụ nhằm nâng cao sự trung thành của công chức khi thực hiện các công việc, nhiệm vụ của Chính phủ. Các khóa học về đạo đức công vụ được thực hiện theo ba hình thức: Một là, theo chương trình riêng biệt, độc lập với các chương trình bồi dưỡng khác; hai là, được tích hợp trong chương trình bồi dưỡng khác như “Phân tích tham nhũng”, “Tình hình quốc tế”, “Sứ mệnh và kỷ luật của các công chức chính phủ”....; ba là, được bồi dưỡng dưới hình thức trải nghiệm thực tế. Các hoạt động giúp nâng cao nhận thức của người học về đạo đức công chức, đạo đức công vụ, cách thức phục vụ người dân tốt hơn.
Công chức ở Hàn Quốc được đào tạo theo các chương trình khác nhau: Công chức mới được tuyển dụng phải tham gia một số chương trình đào tạo bắt buộc; Công chức sắp được thăng chức phải tham gia ba chương trình tại hệ thống các trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức thì mới được xem xét nâng bậc; Công chức trẻ, có triển vọng (dưới 40 tuổi) bắt buộc phải tham gia các khóa đào tạo tập trung theo quy định.
Chính phủ Hàn Quốc luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, chú ý giáo dục đạo đức cho công chức. Bên cạnh việc xây dựng Luật Đạo đức công vụ, Luật Hành vi ứng xử đối với cán bộ, công chức và các quy định về đăng ký tài sản của cán bộ, công chức, Chính phủ Hàn Quốc còn ban hành Quy định về kê khai và công khai tài sản của cán bộ, công chức nhằm ngăn ngừa cán bộ, công chức tích tụ tài sản bất hợp pháp.
Bài học kinh nghiệm đối với Hà Nội
Nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được xác định là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong quá trình cải cách hành chính ở thành phố Hà Nội. Dựa trên những bài học thành công của một số quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á trong công tác nâng cao đạo đức công vụ, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm tham khảo trong quá trình thành phố Hà Nội triển khai các công tác liên quan đến đạo đức công vụ, cải cách hành chính.
Thứ nhất, đưa tiêu chí phẩm chất đạo đức vào trong công tác tuyển dụng. Qua kinh nghiệm của Trung Quốc có thể thấy quy định việc tuyển chọn công chức phải tuân thủ 4 nguyên tắc: 1- Có cả đức và tài; 2- Chọn người hiền đức, dùng người có năng lực; 3- Nhìn việc chọn người; 4- Dựa trên năng lực mà sử dụng người. Ở Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm đến phẩm chất đạo đức và ý thức của công chức, bảo đảm cho công chức luôn là hình mẫu của công dân Nhật Bản.
Thứ hai, minh bạch hóa thông tin cho công chức được biết quyền và trách nhiệm khi thi hành công vụ. Nhật Bản ban hành Luật Đạo đức công chức (năm 1999), trong đó xác định rõ mục đích của điều chỉnh pháp luật về đạo đức công chức nhằm góp phần duy trì đạo đức công chức và ngăn chặn những hành vi vi phạm đạo đức của công chức trong hoạt động công vụ. Nội dung cơ bản của Luật Đạo đức công chức Nhật Bản quy định cụ thể về vấn đề nhận quà biếu và nghĩa vụ kê khai của công chức đối với quà biếu trong hoạt động công vụ. Phải giao nộp những món quà từ người nước ngoài (chính phủ nước ngoài) và của những người khác, khi những món quà đó có giá trị.
Thứ ba, theo dõi, kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc thực hiện đạo đức công vụ. Nhật Bản chú trọng việc phổ biến Luật Đạo đức cho công chức để họ tự giác chấp hành, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý, đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm soát nội bộ, tạo điều kiện để công chức và người dân phản ánh, tố cáo các hành vi, việc làm sai trái hoặc vi phạm. Hình thức phản ánh, tố cáo rất đơn giản, thuận lợi, dễ thực hiện: Tố cáo thông qua mạng xã hội, qua thư phản ánh hoặc tố cáo trực tiếp đều được chấp nhận và xử lý. Vì vậy, đã có những cơ quan, tổ chức nhận được rất nhiều phản ánh, tố cáo đối với công chức nhà nước dù có những việc rất nhỏ và đa số đều không có dấu hiệu tham nhũng.
Thứ tư, áp dụng hình thức khen thưởng và xử phạt thích hợp trong thực hiện đạo đức công vụ. Nhật Bản đánh giá thành tích, khen thưởng thông qua “bình xét công vụ”. Đánh giá thành tích gồm 4 nội dung: 1- Đánh giá công việc; 2- Đánh giá tính cách; 3- Đánh giá năng lực; 4- Đánh giá tính thích ứng. Về cơ bản, đánh giá công chức của Nhật Bản thể hiện nguyên tắc nặng về khen thưởng khích lệ và nhẹ về phê bình kiểm điểm. Hằng năm, công chức đều có thể được tăng lương nếu không vi phạm lỗi lớn. Đánh giá đặc biệt tạm thời là một phương pháp bổ sung của đánh giá định kỳ, thông thường phải xem cụ thể thực trạng công tác để xác định thời gian và nội dung đánh giá.
Thứ năm, thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức công vụ. Ở Trung Quốc, các chương trình bồi dưỡng cơ bản cho công chức bao gồm: 1- Nội dung về lý luận chính trị như chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vấn đề liên quan đến phát triển khoa học - kỹ thuật; 2- Nội dung về hành chính, như chấp hành pháp luật hành chính, cải cách thể chế hành chính, chế độ công chức và luật công chức; 3- Nội dung về quản lý hành chính công, như nâng cao năng lực quản lý công, quản lý ứng cứu của chính phủ, chuyển đổi chức năng của chính phủ; 4- Nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, như xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, phát triển xã hội và kinh tế địa phương…
Còn ở Hàn Quốc cũng rất chú trọng tới việc đào tạo và phát triển thế hệ lãnh đạo và công chức có năng lực hoạch định và thực thi những đường lối, chính sách đúng đắn của Hàn Quốc trong suốt quá trình thực thi công vụ. Viện Đào đạo công chức Trung ương Hàn Quốc (COTI) được thành lập năm 1961 là một trong những cơ sở được thành lập để đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đạo đức công vụ. COTI thực thi những chức năng cơ bản về đào tạo, phát triển năng lực cho đội ngũ lãnh đạo, công chức chính phủ thông qua việc cung cấp các khóa đào tạo cơ bản và chuyên sâu; hỗ trợ các cơ sở đào tạo khu vực công, đồng thời xúc tiến việc quảng bá và tăng cường trao đổi, hợp tác với các trung tâm phát triển nhân sự của khu vực tư nhân.
Có thể thấy, đạo đức công vụ, trách nhiệm của công chức và văn hóa công vụ là một trong những nội dung căn bản trong chương trình bồi dưỡng công chức ở các quốc gia trên thế giới. Từ kinh nghiệm của các nước Đông Bắc Á về các quy định điều chỉnh đạo đức công vụ và các giải pháp nâng cao đạo đức công vụ, thành phố Hà Nội có thể tham khảo những quy định và giải pháp phù hợp với đặc điểm đội ngũ cán bộ công chức và thể chế chính trị của mình./.
Góp phần xây dựng bộ máy chính quyền Thủ đô trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả  (15/07/2023)
Thực trạng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô hiện nay  (14/07/2023)
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội với công tác đối ngoại nhân dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước  (12/07/2023)
Hà Nội đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới  (12/07/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển