TCCS - Xây dựng triết lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới đất nước. Triết lý có giá trị khi phát huy được trách nhiệm, trí tuệ tập thể của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức toàn Học viện; đồng thời, tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các nước phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1949 - 2019), tháng 9-2019_Ảnh: TTXVN

Các yêu cầu về xây dựng triết lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045

Thứ nhất, quán triệt tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của Học viện trong xây dựng triết lý đào tạo, bồi dưỡng.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Học viện) là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, toàn diện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; trung tâm quốc gia nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do vậy, thống nhất nhận thức để có quyết tâm chính trị cao trong toàn Đảng bộ Học viện về sứ mệnh, vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của Học viện với tư cách là Trường Đảng cao cấp của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Sứ mệnh của Học viện là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị có đức, có tài, ngang tầm nhiệm vụ, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với sự nghiệp cách mạng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ, củng cố, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần làm sáng tỏ về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; nghiên cứu, tổng kết các vấn đề lý luận và thực tiễn, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là hình mẫu và hạt nhân cho các trường chính trị, các cơ sở giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học lý luận chính trị trong cả nước...  

Triết lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện bao hàm tính kế thừa, hội nhập và phát triển; bảo đảm đổi mới toàn diện, đồng bộ các khâu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, nhu cầu vị trí việc làm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của hệ thống chính trị; đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học lý luận chính trị, cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí và truyền thông, công tác tổ chức, kiểm tra, dân vận, công tác văn phòng, công tác tôn giáo,... của hệ thống chính trị; trở thành cơ sở đào tạo sau đại học có uy tín hàng đầu của cả nước về các chuyên ngành Học viện có thế mạnh, như triết học Mác - Lê-nin; kinh tế chính trị Mác - Lê-nin; chủ nghĩa xã hội khoa học; tư tưởng Hồ Chí Minh; lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; lịch sử Đảng và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam; chính trị học; lãnh đạo học, báo chí và truyền thông... Đổi mới, hoàn thiện chương trình, nội dung và tổ chức có chất lượng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị của các đảng bạn, nước bạn.

Thứ hai, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện về xây dựng triết lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện là giải pháp quan trọng, có tính quyết định đến việc xây dựng triết lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đúng đắn, phù hợp, thể hiện truyền thống lịch sử vẻ vang, tầm nhìn chiến lược trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị. Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện đề ra kế hoạch xây dựng triết lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác thực hiện đề án xây dựng triết lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện; lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ phát huy tính chủ động, sáng tạo trong đề xuất triết lý đào tạo, bồi dưỡng; lãnh đạo thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình quản trị thông minh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh” nhằm bắt kịp xu thế mới của mô hình đào tạo, bồi dưỡng hiện đại trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số.

Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo phương châm “cơ bản, hệ thống, thực tiễn, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của hệ thống chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới; lãnh đạo đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng theo phương châm “lấy học viên làm trung tâm, giảng viên làm động lực và nhà trường làm nền tảng”, tăng cường tương tác, đối thoại giữa nhà giáo và học viên, sinh viên; chọn lựa địa điểm đi nghiên cứu thực tế phù hợp và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy.

Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện lãnh đạo tổng kết quá trình đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm đánh giá khách quan thành tựu, hạn chế, khuyết điểm, xác định những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện để đề xuất triết lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Thứ ba, tổ chức nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; dự báo những xu hướng mới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để xây dựng triết lý đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết, đánh giá về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện, kết quả nghiên cứu của các chương trình, đề tài, đề án có chất lượng, giá trị, góp phần cung cấp luận cứ cho việc xây dựng triết lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện. Những kết quả, thành tựu đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là cơ sở quan trọng để hình thành các nội hàm của triết lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện. Trong thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện đạt được nhiều thành tựu nổi bật, như: 1- Đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng các hệ đào tạo theo hướng chọn lọc, thiết thực, sát với đối tượng và mục tiêu đào tạo, vừa bảo đảm tính khoa học, cơ bản về hệ thống, vừa tăng cường tính hiện đại, thực tiễn phù hợp với từng chuyên ngành; 2- Đổi mới phương thức quản lý đào tạo, bồi dưỡng theo hướng bảo đảm chất lượng, hiệu quả; 3- Thực hiện đào tạo toàn diện, chú trọng cả# nâng cao trình độ kiến thức, rèn luyện năng lực tư duy khoa học và năng lực tổng kết thực tiễn, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng, rèn luyện tác phong chuẩn mực cho học viên; 4- Kiên quyết khắc phục tình trạng lười học lý luận chính trị thông qua việc thực hiện nghiêm quy định, chế độ học tập lý luận chính trị gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên; phát huy cao độ tính chủ động, tích cực, khả năng độc lập trong suy nghĩ, sáng tạo của người học, có phương pháp giảng dạy hiện đại; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, lấy kết quả học tập lý luận chính trị làm thước đo phẩm chất, năng lực, phân loại cán bộ, đảng viên; đa dạng hóa các chương trình đào tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng người học khác nhau...

Bên cạnh đó, Học viện tiến hành xây dựng triết lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên cơ sở những kết quả nghiên cứu, dự báo về những xu hướng mới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hệ thống chính trị. Triết lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện cần đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi mới, ngày càng cao về phẩm chất, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư, phát huy vai trò tham mưu của Văn phòng Đề án 979 trong quá trình tổ chức soạn thảo, đề xuất xây dựng triết lý đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.

Văn phòng Đề án 979 làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và chuyên trách, là đơn vị tham mưu, giúp việc cho Ban Chủ nhiệm Đề án 979 trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị một cách tổng thể, bảo đảm tính đồng bộ, khoa học, cập nhật và hiện đại (gồm khung chương trình, cấu trúc nội dung chuyên đề, bài giảng, giáo trình giảng dạy, giáo án điện tử...) đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Văn phòng Đề án 979 tham mưu, đề xuất quá trình tổ chức thực hiện xây dựng triết lý đào tạo, bồi dưỡng của Học viện; chủ trì các công trình nghiên cứu, đề xuất nội dung triết lý đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, hội nghị khoa học nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia giáo dục trình bày ý tưởng về triết lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Sau đó, Văn phòng Đề án 979 sàng lọc, chắt lọc, tập hợp các sáng kiến, xây dựng thành báo cáo dự thảo về triết lý đào tạo, bồi dưỡng trình Ban Chủ nhiệm Đề án 979, Ban Giám đốc Học viện xem xét, quyết định.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự Lễ khai giảng năm học 2022 - 2023 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh_Ảnh: TTXVN

Thứ năm, phát huy dân chủ, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Học viện trong xây dựng triết lý đào tạo, bồi dưỡng.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Học viện tham gia thực hiện các nhiệm vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống Học viện. Từ thực tiễn tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sẽ có những ý kiến đóng góp đúng đắn, thiết thực, có chiều sâu. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện tạo các diễn đàn để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Học viện nêu cao truyền thống vẻ vang, nỗ lực đóng góp, cống hiến thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện theo tinh thần phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện: “Chúng ta tự hào về truyền thống quý báu của Trường Đảng Trung ương, cái nôi đào tạo cán bộ cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và dân tộc ta: Luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới của Đảng... Học viện đã và đang nỗ lực phấn đấu nêu cao hình ảnh mẫu mực của những người thầy và trò dưới mái Trường Đảng cao cấp, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân như lời huấn thị thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh(1).

Triết lý đào tạo, bồi dưỡng đúng đắn, có tầm nhìn chiến lược chỉ được hình thành khi phát huy được trí tuệ tập thể của đội ngũ cán bộ, đảng viên toàn Học viện. Muốn vậy, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, hội nghị để thu hút, tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp; trên cơ sở đó, lắng nghe, chắt lọc ý kiến tâm huyết, có giá trị của cán bộ, đảng viên để xây dựng triết lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Kinh nghiệm của một số trường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý của một số nước trên thế giới và những giá trị tham khảo trong xây dựng triết lý đào tạo, bồi dưỡng của Học viện

Trong quá trình xây dựng triết lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện, cần nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm của các trường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý của một số nước trên thế giới, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa để “tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, kinh nghiệm của thế giới trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân sự cao cấp và trong nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý tiên tiến”(2) nhằm xây dựng Học viện trở thành một trường học hiện đại, bản sắc và hội nhập. 

Trường Hành chính quốc gia Pháp (ENA)(3) là cơ sở đào tạo cán bộ lãnh đạo cao cấp của Pháp, mang tính liên ngành, liên bộ và đào tạo mang tính thực hành, tập trung vào phát triển năng lực lãnh đạo. Đối tượng đào tạo của ENA là công chức lãnh đạo trung ương, địa phương và học viên quốc tế. ENA không có đội ngũ nhà giáo biên chế, mà chỉ có mạng lưới nhà giáo kiêm giảng, cộng tác viên ở các bộ, địa phương, tư nhân, tổng cộng khoảng 800 người. Nhà giáo tham gia giảng dạy tại ENA có nhiệm vụ thiết kế khóa học và thực hiện khóa học đó. Có sáu bước để thiết kế khóa học, gồm: Bước 1- Xác định mục tiêu giảng dạy. Hiểu mục tiêu khóa học, từ đó thiết kế sao cho sau khóa học học viên nắm được kỹ năng, có thể áp dụng được vào công việc. Bước 2- Xác định mục tiêu từng phần: xây dựng mục tiêu cho từng giai đoạn, để học viên đạt được từng mục tiêu và đạt được mục tiêu toàn phần. Bước 3- Xác định nội dung giảng dạy. Bước 4- Xác định phương pháp sư phạm: xác định theo nội dung giảng dạy và kỹ năng giảng dạy của nhà giáo. Bước 5- Xác định thời gian dành cho từng giai đoạn. Bước 6- Chuẩn bị các phương tiện giảng dạy.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)_Ảnh: TTXVN

Về đánh giá khóa học, nhà giáo là người thực hiện đánh giá từng đối tượng để biết kết quả đạt được đến đâu và cần điều chỉnh gì trong giảng dạy. Trong đào tạo thực hiện các đánh giá, bao gồm: 1- Đánh giá đầu vào, có thể phỏng vấn trực tiếp; lấy thông tin từ người lãnh đạo trực tiếp của học viên; gửi bảng câu hỏi lấy ý kiến; 2- Đánh giá cuối cùng, bản đánh giá cuối khóa học xem học viên có hài lòng không; phương pháp giảng dạy có phù hợp không; phòng học có đủ điều kiện không; 3- Đánh giá sau khóa học, sau khóa học 3 tháng, 6 tháng thực hiện đánh giá xem học viên áp dụng được những gì vào công việc; 4- Đánh giá thông qua lãnh đạo trực tiếp của học viên xem họ triển khai những điều đã học như thế nào trong thực tế công việc.

Học viện Matsushita (Matsushita Institute of Government and Management) với mục tiêu là tìm kiếm các ý tưởng cơ bản có khả năng đóng góp vào tiến bộ và phát triển của Nhật Bản trong thế kỷ XXI, đồng thời tạo ra các nhà lãnh đạo chiến lược có khả năng biến các ý tưởng đó thành hiện thực. Học viện đào tạo chính khách và doanh nhân danh giá nhất Nhật Bản chú trọng việc tự học, sáng tạo và thực hành tại chỗ được sáng lập bởi ông Konosuke Matsushita(4). “Trường học của những nhà chiến lược” này được coi là sự lựa chọn hàng đầu cho những chính trị gia tương lai của nước Nhật. Hằng năm, Học viện tuyển chọn từ 8 tới 10 học viên trong độ tuổi từ 22 tới 35, đáp ứng tiêu chuẩn về học vấn và phẩm chất, năng lực. Học viên phải có kế hoạch chính trị cụ thể, được nuôi dưỡng bằng tình yêu Tổ quốc, chứ không phải bởi những tham vọng cá nhân. Những người này đến đây từ nhiều nguồn, theo học tại trường trong vòng 3 năm, mọi kinh phí hoàn toàn do nhà trường đài thọ. Chương trình dạy học bao gồm cả một số bộ môn truyền thống của văn hóa Nhật Bản, như thư pháp, kiếm, tọa thiền, các môn về pháp luật hay các kỳ thực tập trên thực địa cùng với các chính trị gia hay trong các doanh nghiệp. Đầu ra của chương trình đào tạo là xây dựng những nhà lãnh đạo quả cảm, những người sẽ đấu tranh để đưa Nhật Bản tiến lên một vị trí cao hơn trong thế kỷ XXI và đưa những lý tưởng, niềm tin mạnh mẽ của họ vào thực tiễn. Sứ mệnh của Học viện không chỉ dừng lại ở việc đào tạo những người trẻ có khát khao và hoài bão cống hiến để trở thành những nhà lãnh đạo tương lai, mà còn nghiên cứu nền tảng triết lý và chính sách để xây dựng hình mẫu nhà nước lý tưởng cho Nhật Bản và thế giới. Những chính trị gia và doanh nhân nổi tiếng từng học tập tại trường, như nguyên Thủ tướng Noda Yoshihiro, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Tarutoko Shinji, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Nội địa Haraguchi Kazahiro...

Đảng Cộng sản Trung Quốc coi trọng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh. Về quan điểm đào tạo, bồi dưỡng: chú trọng bồi dưỡng về năng lực chuyên môn, tinh thần làm việc chuyên nghiệp; khả năng thích ứng trong thời đại mới; bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ trẻ qua thực tiễn và bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số và cán bộ ngoài Đảng. Đào tạo, bồi dưỡng theo nguyên tắc bảo đảm công khai, công bằng, cạnh tranh, chọn được người giỏi; lý luận gắn với thực tiễn, học tập gắn liền với ứng dụng, coi trọng hiệu quả; coi bồi dưỡng là yêu cầu bắt buộc của đề bạt.

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và lý luận Đặng Tiểu Bình - lý luận chính trị nền tảng; lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và chiến lược phát triển; quản lý hành chính nhà nước; quản lý vĩ mô nhà nước theo mô hình khối kiến thức cơ bản và chuyên môn; trong đó, khối kiến thức cơ bản thường tập trung vào nội dung về học thuyết chính trị, luật hành chính, hành chính công, về phát triển kinh tế - xã hội...; khóa học chuyên môn được cập nhật, thiết kế theo nhu cầu khác nhau của từng vị trí việc làm theo tỷ lệ 30% cơ bản và 70% chuyên môn. Mỗi bài giảng chú trọng tính thực tiễn, thực hành khi có 10% thời lượng trao đổi, 10% điều tra, 5% giấy tờ và văn bản, 5% các khóa học kinh nghiệm và 70% thời gian thảo luận, gắn với giảng dạy theo “tình huống thực tế”, “mô hình nghiên cứu”, “mô hình đóng vai” và “mô hình trải nghiệm”. Căn cứ xây dựng nội dung chương trình đào tạo chủ yếu dựa vào vị trí của từng công chức.

Đội ngũ giảng viên, bao gồm giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm chức. Đội ngũ giảng viên chuyên trách được đào tạo bài bản và thường xuyên được bồi dưỡng cập nhật kiến thức. Nguồn giảng viên kiêm chức đa dạng, tuyển dụng linh hoạt từ đội ngũ công chức có năng lực chuyên môn cao, các chuyên gia hoặc các học giả từ các trường uy tín và từ các viện nghiên cứu khoa học, hoặc một số quan chức cao cấp của chính phủ và cán bộ từ các ủy ban của Đảng, giáo sư nước ngoài được mời thỉnh giảng.

Về đánh giá kết quả học tập, chủ yếu dựa vào thái độ học tập và kết quả học tập; trong đó, thái độ học tập của người học được đánh giá dựa vào việc học viên tham gia đầy đủ thời gian đào tạo theo quy định và việc chấp hành kỷ luật nghiêm túc; kết quả học tập của người học được đánh giá dựa vào điểm số thể hiện qua các bài kiểm tra, tiểu luận, đề tài. Đặc biệt, có sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với cơ quan cử cán bộ, công chức đi học tập trong đánh giá công chức qua “Mẫu đăng ký đánh giá đào tạo công chức” được tiến hành hằng năm.

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chính khách rút ra những giá trị tham khảo cho Học viện, nhất là trong xây dựng triết lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi mới của tình hình. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác quốc tế sẽ kế thừa, chọn lọc những thành tựu, kinh nghiệm hay của thế giới trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân sự cao cấp và trong nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý tiên tiến, góp phần phát triển Học viện một cách toàn diện, bền vững, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng./.

--------------------

(1), (2) “Toàn văn bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1949 - 2019)”, Trang thông tin điện tử Trường chính trị tỉnh Bình Định, ngày 8-1-2020, https://truongchinhtri.binhdinh.gov.vn/nghien-cuu-trao-doi/toan-van-bai-phat-bieu-cua-dong-chi-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-tai-le-ky-niem-70-nam-truyen-thong-hoc-vien-chinh-tri-quoc-gia-ho-chi-minh-1949-2019-25.html
(3) Ngày 8-4-2021, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo kế hoạch xóa bỏ Trường Hành chính quốc gia - một nội dung quan trọng trong kế hoạch cải cách bộ máy hành chính cấp cao tại Pháp
(4) Là một doanh nhân người Nhật Bản (1894 - 1989), người sáng lập Tập đoàn Matsushita