TCCS - Xây dựng tổ chức đảng và phát triển đội ngũ đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, nhất là khi nước ta xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều thành phần kinh tế cùng hoạt động. Công đoàn Việt Nam đã góp phần thực hiện nhiệm vụ này dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy và trong thời gian tới, tổ chức công đoàn các cấp sẽ tiếp tục nỗ lực, thực hiện có hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ quan trọng đó.

Nhìn lại công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đội ngũ đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước

Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra cơ hội phát triển cho mọi thành phần kinh tế, từ đó kinh tế ngoài khu vực nhà nước đã phát triển mạnh mẽ. Nguồn vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam ngày càng tăng, kéo theo sự xuất hiện ngày càng nhiều các khu chế xuất, trong đó Khu chế xuất Tân Thuận là khu chế xuất ra đời đầu tiên của cả nước (năm 1991)(1). Mỗi năm có hàng chục nghìn doanh nghiệp tư nhân được thành lập, đi vào hoạt động, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã thu hút hàng triệu lao động mỗi năm, làm thay đổi cơ cấu lao động xã hội theo hướng dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Trong đó, lực lượng công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tăng nhanh, dần chiếm tỷ trọng chủ yếu trong lực lượng lao động khu vực công nghiệp, dịch vụ; là yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của giai cấp công nhân trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Sự phát triển nhanh chóng của lực lượng công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên ở khu vực này, để vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong các thành phần kinh tế, vừa đáp ứng yêu cầu giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, cho đến trước thềm Đại hội XIII, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về xây dựng tổ chức đảng và phát triển đội ngũ đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước(2).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu và cán bộ công đoàn, ngày 20-7-2019_Ảnh: TTXVN

Ngày 12-6-2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW, “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Nghị quyết nêu rõ: “Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn, tạo điều kiện để công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; khắc phục tình trạng buông lỏng vai trò lãnh đạo hoặc bao biện, làm thay, giao nhiệm vụ không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn”(3).

Đặc biệt, Nghị quyết số 02-NQ/TW nhấn mạnh: “thành lập tổ chức công đoàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn để tạo tiền đề thành lập tổ chức đảng, đoàn thể khác” tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Đây là giải pháp mang tính đột phá, khẳng định rất rõ vai trò, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam trong xây dựng tổ chức đảng tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong các loại hình doanh nghiệp này là cơ sở ban đầu quan trọng để nâng cao nhận thức chính trị của các đoàn viên công đoàn ưu tú, từ đó bồi dưỡng kết nạp đảng và xây dựng tổ chức đảng. Khi đó, tổ chức công đoàn không chỉ tham gia vào công tác xây dựng Đảng, mà thực sự đã hiện thực hóa phương châm dựa vào tổ chức công đoàn để xây dựng Đảng. Nghị quyết số 02-NQ/TW còn chỉ ra những biện pháp cụ thể, thiết thực: “Ở những nơi chưa có tổ chức đảng, Đảng lãnh đạo tổ chức công đoàn thông qua công đoàn cấp trên trực tiếp; cán bộ công đoàn các cấp, trước hết là cán bộ công đoàn cơ sở có nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đoàn viên, người lao động. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên; quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu công nhân, người lao động đủ tiêu chuẩn vào Đảng”.

Như vậy, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong tham gia xây dựng giai cấp công nhân, xây dựng tổ chức đảng và phát triển đội ngũ đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là xuyên suốt và nhất quán. Theo đó, tổ chức công đoàn là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động; tập hợp, đoàn kết công nhân; là “trường học” đặc biệt để giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng cho công nhân và là cơ sở chính trị - xã hội của Đảng trong công nhân, người lao động; là “cầu nối” giữa công nhân, người lao động với Đảng. Trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, vai trò và trách nhiệm nổi bật của tổ chức công đoàn chính là tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng lý tưởng giai cấp công nhân cho công nhân, người lao động, làm tiền đề cho công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đội ngũ đảng viên.

Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn, công tác tham gia phát triển đảng viên được đưa vào chỉ tiêu Đại hội X Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2008 - 2013), theo đó tổ chức công đoàn “Giới thiệu mỗi năm ít nhất 90.000 công nhân ưu tú để cấp ủy đảng bồi dưỡng, xem xét, kết nạp vào Đảng”. Nghị quyết Đại hội XI và Đại hội XII Công đoàn Việt Nam tiếp tục đề ra chỉ tiêu của nhiệm kỳ là: “Bình quân hằng năm mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 1 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, xem xét, kết nạp vào Đảng”. Thực hiện nghị quyết Đại hội Công đoàn toàn quốc, các cấp công đoàn đưa chỉ tiêu tham gia phát triển đội ngũ đảng viên vào nghị quyết đại hội của cấp mình.

Căn cứ nghị quyết Đại hội Công đoàn toàn quốc và chỉ đạo của cấp ủy địa phương, các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố giao chỉ tiêu giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng bồi dưỡng kết nạp từng năm triển khai đến công đoàn cấp dưới. Một số nơi có đông công nhân, người lao động, sẽ có chương trình, kế hoạch, nghị quyết riêng định hướng về tiêu chuẩn, điều kiện bình xét đoàn viên công đoàn xuất sắc, đoàn viên công đoàn ưu tú để tạo nguồn giới thiệu phát triển đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước(4).

Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác tham gia xây dựng tổ chức đảng và phát triển đội ngũ đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, thời gian qua các cấp công đoàn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, với những cách làm khoa học, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm.

- Đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên:

+ Xác định phạm vi trọng tâm thực hiện công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đội ngũ đảng viên là các khu công nghiệp, khu chế xuất.

+ Xác định đối tượng trực tiếp làm công tác phát triển đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; trong đó, đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách của công đoàn các khu công nghiệp là lực lượng nòng cốt.

+ Xác định đối tượng tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cho giai cấp công nhân là đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, mà trước hết là chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở. Tập trung bồi dưỡng nhận thức chính trị cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở để xây dựng lực lượng đoàn viên ưu tú nòng cốt, nhằm từng bước tạo cơ sở vững chắc cho công tác phát triển đội ngũ đảng viên và xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp.

- Hầu hết các doanh nghiệp có tổ chức đảng và có tổ chức công đoàn, ban chấp hành công đoàn cơ sở chủ động triển khai các hoạt động phát triển đội ngũ đảng viên và xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp(5), thực sự trở thành nền tảng chính trị - xã hội của tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Đặc biệt, có công đoàn cơ sở đã chủ động đưa vào thỏa ước lao động tập thể các vấn đề có liên quan đến quyền được tham gia tổ chức đảng của người lao động và việc người sử dụng lao động tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức đảng trong doanh nghiệp hoạt động(6).

Cùng với việc tạo nguồn giới thiệu đoàn viên ưu tú, các cấp công đoàn đã có những mô hình sáng tạo, cách làm hay đem lại hiệu quả như:

+ Tham mưu cho cấp ủy đồng cấp triển khai thực hiện chương trình quy hoạch, tạo nguồn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân, người lao động.

+ Tổ chức đảng ở công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, hoặc chi bộ cơ quan liên đoàn lao động cấp huyện trực tiếp phối hợp với tổ chức đảng có thẩm quyền tổ chức các lớp nhận thức về Đảng cho đoàn viên công đoàn ưu tú doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, thực hiện quy trình xác minh hồ sơ lý lịch để phát triển đảng đối với các trường hợp đã được chi bộ đưa vào nguồn bồi dưỡng và phát triển đảng.

Hầu hết tổ chức công đoàn các khu công nghiệp các tỉnh, thành phố phân công cán bộ công đoàn chuyên trách trực tiếp làm công tác phát triển đảng trong các doanh nghiệp; đồng thời, cử cán bộ công đoàn chuyên trách tham gia cấp ủy tại các cụm khu chế xuất và khu công nghiệp (thường là đồng chí chủ tịch công đoàn các khu công nghiệp); nhiều công đoàn cơ sở áp dụng mô hình chủ tịch công đoàn cơ sở đồng thời là bí thư cấp ủy ở doanh nghiệp (nơi có tổ chức đảng).

Ngoài việc tham gia trực tiếp làm công tác phát triển đảng, hằng năm tổ chức công đoàn tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp ủy cùng cấp với đảng viên mới kết nạp và đoàn viên công đoàn ưu tú, đồng thời trao danh sách đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng để bồi dưỡng phát triển đảng.

Kết quả thực hiện công tác tham gia xây dựng tổ chức đảng và phát triển đội ngũ đảng viên của Công đoàn Việt Nam qua các giai đoạn như sau(7):

Giai đoạn 2008 - 2012, các cấp công đoàn đã giới thiệu 462.356 đoàn viên công đoàn ưu tú để cấp ủy bồi dưỡng, xem xét, kết nạp vào Đảng, trong đó có 403.334 đoàn viên công đoàn ưu tú được kết nạp Đảng. Bình quân hằng năm có trên 80 nghìn đoàn viên ưu tú do tổ chức công đoàn giới thiệu được kết nạp Đảng.

Giai đoạn 2013 - 2017, các cấp công đoàn đã giới thiệu 387.380 đoàn viên công đoàn ưu tú để cấp ủy bồi dưỡng, xem xét, kết nạp Đảng, trong đó có 276.192 đoàn viên công đoàn ưu tú được kết nạp Đảng. Bình quân hằng năm có trên 55 nghìn đoàn viên ưu tú do tổ chức công đoàn giới thiệu đã được kết nạp Đảng.

Giai đoạn từ năm 2018 đến nay:

Năm 2018, các cấp công đoàn giới thiệu 140.706 đoàn viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, có 89.602 người được kết nạp; trong đó, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước giới thiệu 18.724 người (chiếm 50,03% so với tổng số đoàn viên ưu tú được giới thiệu ở khu vực doanh nghiệp, bằng 13,31% so với tổng số đoàn viên ưu tú được giới thiệu), có 9.178 người được xem xét kết nạp (chiếm 43,4% khu vực doanh nghiệp và 10,24% so với tổng số).

Năm 2019, giới thiệu 135.636 đoàn viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, có 81.433 người được kết nạp; trong đó, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước giới thiệu 20.489 người (chiếm 57,41% so với tổng số đoàn viên ưu tú được giới thiệu ở khu vực doanh nghiệp, bằng 15,11% so với tổng số), có 7.744 người được xem xét kết nạp (chiếm 40,12% khu vực doanh nghiệp và 9,51% so với tổng số).

Năm 2020, giới thiệu 142.489 đoàn viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, có 78.892 người được kết nạp; trong đó, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước giới thiệu 24.761 người (chiếm 62,65% so với tổng số đoàn viên ưu tú được giới thiệu ở khu vực doanh nghiệp, bằng 17,38% so với tổng số), có 6.703 người được xem xét kết nạp (chiếm 37,74% khu vực doanh nghiệp và 8,5% so với tổng số).

Tuy nhiên, thời gian qua, việc xây dựng tổ chức đảng và phát triển đội ngũ đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước của tổ chức công đoàn còn gặp phải những khó khăn, như sau:

Nhận thức chính trị của phần lớn công nhân, người lao động còn hạn chế, ít quan tâm hoặc ngại tham gia hoạt động chính trị, chưa có ý thức tu dưỡng, rèn luyện để trở thành đảng viên.

Nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng mức vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước nói riêng. Phần lớn chủ doanh nghiệp không muốn thành lập, hoặc cá biệt, có một số còn gây khó khăn cho hoạt động của tổ chức đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.

Một số liên đoàn lao động tỉnh, thành phố chưa làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chưa chủ động xây dựng, triển khai các giải pháp tạo nguồn cho việc phát triển đội ngũ đảng viên, chỉ tập trung triển khai công tác ở khu vực nhà nước, mà chưa thực sự chú trọng công tác này ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Tỷ lệ công nhân trực tiếp sản xuất do tổ chức công đoàn giới thiệu theo Điều 4, Điều lệ Đảng còn khiêm tốn, bình quân chỉ đạt từ 8% - 10%.

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là nơi trực tiếp triển khai các chỉ đạo của cấp ủy và công đoàn cấp trên, trong đó có nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng và phát triển đội ngũ đảng viên đến công đoàn cơ sở và người lao động, nhưng hiện nay số lượng biên chế chưa đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sẽ ngày càng giảm đi theo yêu cầu tinh giản biên chế chung. Đây là khó khăn, vướng mắc căn bản nhất ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng của tổ chức công đoàn đến cấp cơ sở.

Sự phối hợp của các cơ quan chức năng với tổ chức công đoàn trong việc xây dựng giai cấp công nhân, chăm lo đời sống, bảo đảm quyền lợi chính trị cho công nhân, người lao động đôi lúc còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; một bộ phận công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là người lao động từ nơi khác đến, điều kiện sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn, thường xuyên “nhảy việc”, vì thế chưa quan tâm đến quyền lợi chính trị, chưa có động cơ phấn đấu vào Đảng. Doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có quan hệ sở hữu và quan hệ lao động đặc thù, khác với doanh nghiệp nhà nước, nhưng có rất ít những quy định, hướng dẫn riêng cho tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng ở khu vực này, trong khi đó không ít những quy định đã ban hành lại chưa thực sự phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế.

Nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam thời gian tới

Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng tổ chức lễ kết nạp Đảng cho 18 quần chúng ưu tú đang làm việc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ngày 24-7-2021_ Ảnh: TTXVN

Trong thời gian tới, các thành phần kinh tế tiếp tục được quan tâm, thúc đẩy tăng trưởng theo sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích và tiếp tục phát triển nhanh, kinh tế nhà nước được cơ cấu lại mạnh mẽ hơn để khẳng định vai trò chủ đạo. Quy luật của nền kinh tế thị trường tác động mạnh mẽ đến việc làm, đời sống của người lao động và hoạt động của tổ chức công đoàn. Công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước sẽ tăng mạnh, trong khi số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và người lao động trong doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giảm. Người lao động nói chung tiếp tục được nâng cao về trình độ cùng xu hướng trí thức hóa công nhân.

Sự chuyển đổi quan trọng này vừa tạo nguồn dồi dào để phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, vừa đặt ra cho tổ chức Công đoàn Việt Nam nhiệm vụ hết sức nặng nề. Hoạt động công đoàn những năm tới tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp, đơn vị ngoài khu vực nhà nước(8). Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc Công đoàn Việt Nam sẽ được phép thành lập, hoạt động và có quyền liên kết khi Việt Nam phê chuẩn Công ước số 87 của Tổ chức Lao động quốc tế. Đây là một thách thức rất lớn đối với Công đoàn Việt Nam và hệ thống chính trị nước ta. Bối cảnh chung đó tác động rất lớn đến tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, đến vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong phát triển đảng viên trong công nhân, viên chức, người lao động, đặc biệt là ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trong những năm tiếp theo; đồng thời, đặt ra yêu cầu khách quan phải đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; đồng thời, có những giải pháp đồng bộ để phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn các cấp trong việc duy trì nền tảng chính trị - xã hội vững chắc của Đảng trong công nhân, người lao động.

Vì vậy, trong những năm tiếp theo, để tiếp tục thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác phát triển đảng các cấp công đoàn cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, chủ động tham gia xây dựng và góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý và các quy định của Đảng có liên quan đến tổ chức, hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên, trong đó:

- Chủ động, tích cực tham gia hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; tăng cường quản lý nhà nước, xử phạt nghiêm minh đối với những đơn vị, cá nhân không thực hiện đúng pháp luật. Quy định, hướng dẫn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được hạch toán vào chi phí giá thành những kinh phí mà đơn vị hỗ trợ cho tổ chức đảng hoạt động.

- Chủ động tham gia xây dựng cơ chế, chính sách tài chính đối với hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Bổ sung, sửa đổi chế độ phụ cấp đối với cấp ủy viên, mức đóng đảng phí, tỷ lệ trích nộp đảng phí lên cấp trên phù hợp với khu vực kinh tế tư nhân.

- Chủ động kiến nghị và tích cực tham gia rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định có liên quan đến tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước phù hợp với đặc điểm tình hình của doanh nghiệp ở khu vực này.

- Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp tham gia với cấp ủy cùng cấp xây dựng khung quy chế làm việc của cấp ủy với ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên cơ sở tôn trọng và bảo đảm hài hòa lợi ích của đơn vị với sự phát triển của tổ chức đảng và quyền của đảng viên.

Hai là, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần dân tộc, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và hiểu biết pháp luật cho đoàn viên, người lao động. Tuyên truyền, giáo dục, giúp đoàn viên, người lao động nâng cao nhận thức về giai cấp, về Đảng, về chế độ, về tổ chức công đoàn, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức chính trị, kiến thức pháp luật, nâng cao bản lĩnh, tăng sức đề kháng cho đoàn viên, người lao động trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội. Không ngừng nâng cao trình độ, ý thức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp, bồi dưỡng tinh thần lao động cần cù, sáng tạo; giúp đoàn viên, người lao động có việc làm bền vững và cuộc sống tốt đẹp hơn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Ba là, đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, làm cơ sở cho công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên. Tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa phương thức vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác phát triển đoàn viên để tạo sức hút người lao động tham gia các hoạt động công đoàn và tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn. Tập trung nguồn lực rà soát, xây dựng phương án phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn; trong đó, đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, đã đi vào hoạt động nhiều năm nhưng chưa thành lập công đoàn cơ sở. Lấy địa bàn các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao và những nơi có nhiều doanh nghiệp làm trọng điểm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên, người lao động; đa dạng hóa phương thức truyền thông, quảng bá phù hợp với thực tế và có hiệu quả.

Bốn là, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở, trong đó tập trung đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn cơ sở; xác định nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động là nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm để tổ chức thực hiện nhằm thu hút, tập hợp và “giữ chân” đoàn viên.

Năm là, nâng cao nhận thức chính trị và kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở; trong đó, các cấp công đoàn chủ động đề xuất, tham gia phối hợp với trường chính trị và trung tâm chính trị trong việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo lý luận chính trị cho phù hợp với đối tượng là cán bộ công đoàn ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Phối hợp mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị riêng cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Sáu là, nâng cao năng lực hỗ trợ đoàn viên, người lao động và công đoàn cơ sở của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, trong đó tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Tăng cường đầu tư nguồn lực về tài chính đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở. Thiết lập hệ thống các trung tâm, văn phòng, chi nhánh của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở từng khu công nghiệp hoặc cụm các khu công nghiệp./.

-----------------

(1) Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 381 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 114.000ha
(2) Như:  Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23-11-1996, của Bộ Chính trị (khóa VIII), “Về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28-1-2008, của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Kết luận số 80-KL/TW, ngày 29-7-2010, của Ban Bí thư (khóa X), “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới”;  Kết luận số 79-KL/TW, ngày 25-12-2013, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước””; Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư (khóa XII), “Về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”
(3) Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12-6-2021, của Bộ Chính trị, “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”
(4) Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết số 03a/NQ-LĐLĐ, ngày 8-8-2013, “Về nâng cao chất lượng đoàn viên công đoàn xuất sắc, cán bộ công đoàn xuất sắc và đoàn viên công đoàn ưu tú”; Nghị quyết số 02/2014/NQ-LĐLĐ, ngày 18-11-2014, “Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 03a/NQ-LĐLĐ ngày 8/8/2013”; Liên đoàn Lao động Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh, ban hành Hướng dẫn số 445/HD-LĐLĐ, ngày 11-12-2014, “Hướng dẫn bình chọn “Đoàn viên công đoàn xuất sắc”, “cán bộ công đoàn xuất sắc” và “Đoàn viên công đoàn ưu tú”, giới thiệu cho Đảng để bồi dưỡng, xem xét, kết nạp”; Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai ban hành Chỉ thị số 97/CĐT, “Về việc vận động cán bộ, đoàn viên công đoàn thi đua yêu nước, ra sức rèn luyện phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”
(5) Bốn nội dung chủ động của công đoàn cơ sở: Chủ động rà soát số lượng đảng viên là người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp; chủ động tìm hiểu và tập hợp nguyện vọng của người lao động về việc thành lập tổ chức đảng tại doanh nghiệp; chủ động phát hiện, đào tạo bồi dưỡng quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng; chủ động kết nối với đảng ủy khối doanh nghiệp để được hướng dẫn hỗ trợ về quy trình, thủ tục thành lập tổ chức cơ sở đảng
(6) Trích Thỏa ước lao động tập thể của Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghiệp giầy Arora (Hải Phòng): “Điều 28: Ban lãnh đạo công ty tôn trọng quyền tham gia và hoạt động công đoàn, tham gia tổ chức đảng của người lao động....” “Điều 34: Người sử dụng lao động phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam và sinh hoạt đảng tại chi bộ đảng tại doanh nghiệp”
(7) Số liệu thống kê của Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2008 - 2012, 2013 - 2017, chưa tách riêng khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước
(8) Sự phát triển về lao động, doanh nghiệp: Nghị quyết số 27/NQ-CP, ngày 21-2-2017, của Chính phủ, “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 1-11-2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII...”, xác định thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư