Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 08 đến ngày 14-10-2018
Thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Cụ thể, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thay thế ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã được luân chuyển đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên.
Theo Quyết định 442/QĐ-TTg ngày 28-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ.
Phú Thọ: Tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính
Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo thuận lợi môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian qua tỉnh Phú Thọ đã có nhiều đột phá về công tác cải cách hành chính. Những chuyển biến tích cực này góp phần đưa Phú Thọ vươn lên nhóm tỉnh đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh.
Từ đầu tháng 10-2018, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ đi vào hoạt động đã tạo bước đột phá quan trọng trong cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính ở tỉnh. Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh kiêm Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ cho biết, việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ngành của tỉnh được thực hiện duy nhất tại Trung tâm Phục vụ hành chính công. Các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chỉ cần đến trung tâm, cán bộ sẽ hướng dẫn một lần để hoàn thiện và nộp hồ sơ, nhận giấy hẹn sau đó nhận lại kết quả mà không phải đi lại thêm lần nữa.
Ngoài ra, khi phát sinh các thủ tục hành chính cần liên thông giữa các sở, ngành có thể trao đổi, xử lý trực tiếp tại trung tâm. Mô hình này rút ngắn được thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; thực hiện công khai, minh bạch quy trình giải quyết thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, giảm phiền hà cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Hiện nay, 1.150 thủ tục hành chính ở 78 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của 15 sở, ban, ngành ở tỉnh đã được đưa vào giải quyết tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh. Tại đây, danh mục thủ tục hành chính, mức thu lệ phí, thời gian giải quyết, quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ đều được niêm yết công khai.
Trung tâm Phục vụ hành chính công được đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin và phần mềm đáp ứng yêu cầu thực hiện các thủ tục hành chính một cách khoa học, hiện đại, nhanh chóng, chính xác. 100% hồ sơ, thủ tục hành chính được số hóa xử lý trên môi trường mạng. Quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và thái độ của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được theo dõi, giám sát một cách chặt chẽ, hạn chế được tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu.
Đặc biệt, người dân có thể trực tiếp theo dõi, kiểm tra, giám sát quy trình, tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của mình và đánh giá mức độ hài lòng đối với việc giải quyết thủ tục hành chính, thái độ của từng cán bộ, công chức trung tâm; đồng thời phản ánh, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về sự không cần thiết, tính không hợp lý của thủ tục hành chính thông qua các ứng dụng tiện ích trên internet, qua hệ thống tin nhắn (SMS)...
Cùng với việc xây dựng Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, tỉnh Phú Thọ còn triển khai mô hình một cửa điện tử hiện đại tại cấp huyện, cấp xã. Đến nay, 5 huyện và hai xã của tỉnh đã triển khai, xây dựng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho các cá nhân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời góp phần đổi mới mối quan hệ của các cơ quan hành chính nhà nước với người dân theo hướng phục vụ.
Nhờ đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính, Phú Thọ đã nhanh chóng vươn lên nhóm các tỉnh đứng đầu và mức khá trên cả nước về chỉ số cải cách thủ tục hành chính (Par Index) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Qua đánh giá, chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính năm 2017 của tỉnh đạt 86,65 %, xếp thứ 13/63 tỉnh thành phố trong cả nước, đạt mục tiêu đề ra; Chỉ số cải cách hành chính đạt 82,93/100 điểm, xếp thứ 11/63 tỉnh thành phố, tăng 10 bậc so với năm 2016. Đặc biệt, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở Phú Thọ đã được cải thiện. Năm 2017 tỉnh Phú Thọ đạt 62,55 điểm (tăng 3,95 điểm so với năm 2016), xếp vị trí số 27 (tăng 2 bậc so với năm 2016), đứng trong tốp khá và đứng thứ 3 của khu vực miền núi phía Bắc.
Hội thảo khoa học “Dấu ấn cải cách hành chính triều Nguyễn - Giá trị lịch sử và đương đại”
Sáng 12-10, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học “Dấu ấn cải cách hành chính triều Nguyễn - Giá trị lịch sử và đương đại” với sự tham dự của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia.
Theo ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ), các cuộc cải cách trong thời kỳ phong kiến Việt Nam nói chung và cải cách hành chính dưới triều Nguyễn nói riêng là vấn đề không mới. Tại các diễn đàn học thuật cũng như chính trị, các cuộc cải cách của tiền nhân đã nhiều lần được đưa ra xem xét, đánh giá như những kinh nghiệm quý báu cho công cuộc đổi mới trong giai đoạn hiện nay. Sở dĩ vấn đề cải cách luôn được giới chính trị và cả các nhà khoa học quan tâm vì đây là một trong những điểm mấu chốt để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Một đất nước sẽ không thể phát triển nếu không có các cuộc cải cách, đặc biệt là cải cách hành chính nhà nước.
Ngược dòng lịch sử, mỗi một triều đại phong kiến hầu như đều có ít nhất một cuộc cải cách diễn ra. Nói về cải cách hành chính triều Nguyễn không thể không nhắc đến Hoàng đế Gia Long. Ngay sau khi lập nước, ông đã định ra nhiều chính sách mới như: đặt quốc hiệu Việt Nam, đặt nghi thức thiết triều, đo đạc lập địa bạ trên toàn quốc, quy định trang phục, ấn triện, tiền tệ... mới hoàn toàn so với trước. Đến đời vua Minh Mệnh, với bản tính của một người năng động, quyết đoán, mặc dù kế thừa sự nghiệp khá vững chắc của vua cha Gia Long, ông vẫn quyết tâm cải tổ bộ máy hành chính, quan ngạch, quân đội, khoa cử, thuế khóa… Đặc biệt, ông phân định lại toàn bộ địa giới hành chính cả nước tinh gọn và dễ kiểm soát hơn.
Vua Tự Đức ưu tiên sử dụng quan lại biết tiếng Pháp, mang hàng hóa tham dự đấu xảo quốc tế tại Pháp, áp dụng một số đề xuất canh tân của các nhà cải cách đương thời như Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ. Vua Bảo Đại ngay sau khi chính thức nắm quyền điều hành đất nước đã lập tức xóa bỏ các nghi thức hủ tục trong triều, cải tổ nội các và các bộ, thay thế những quan lại bảo thủ bằng các học giả theo trường phái tân tiến, thay thế hệ thống văn bản hành chính cũ viết bằng chữ Hán Nôm bằng hệ thống văn bản kiểu mới viết bằng chữ quốc ngữ…
Đề cập tới việc vận dụng những ưu điểm của cơ chế kiểm soát quyền lực của triều Nguyễn vào việc thực hiện kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng ở nước ta, ông Cao Văn Thống (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cho rằng, việc kiểm tra, giám sát các cơ quan hành chính và đội ngũ quan lại triều đại này đã thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “trên dưới liên kết hợp đồng, trong ngoài kiềm chế lẫn nhau”, góp phần không nhỏ vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và các quan lại, hạn chế, ngăn ngừa lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, tha hóa quyền lực. Đặc biệt, triều Nguyễn kết hợp kiểm tra, giám sát từ bên ngoài với kiểm tra, giám sát từ bên trong rất hiệu quả, góp phần làm cho đội ngũ quan lại biết “tự soi, tự sửa, tự rèn, tự tránh” để giữ mình liêm chính, làm tròn bổn phận, chức trách được giao.
Hiện nay, ở nước ta, việc kiểm tra, giám sát từ bên trong rất hạn chế thông qua tự phê bình, phê bình, kiểm điểm, đánh giá, nhận xét hàng năm nhưng nhiều nơi rất hình thức và cũng ít xử lý được trường hợp nào, ông Cao Văn Thống nhìn nhận. Ông cho biết, Ban Tổ chức Trung ương đang xây dựng quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Quyền lực sẽ sinh ra tham nhũng. Hiện tạm phân ra 6 loại quyền lực: quyền lực chính trị “đẻ” ra chạy chức, chạy quyền; quyền lực lập pháp sinh ra cơ chế chạy chọt, xung đột lợi ích; quyền lực hành chính tạo cơ chế “xin - cho”; quyền lực kinh tế “đẻ” ra tham nhũng tài chính; quyền lực tư pháp thì liên quan đến chạy tội, chạy án, chạy thắng kiện, hai bên cùng thắng; quyền lực thông tin dẫn đến tình trạng “sáng đưa, trưa gặp, chiều gỡ”. Cần nghiên cứu các cơ chế kiểm soát các dạng tha hóa quyền lực để có chế tài kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hiệu quả tổ chức, cá nhân lạm quyền, bóp méo quyền, chia sẻ quyền, thâu tóm, thao túng, ngăn quyền, chặn quyền, nhũng nhiễu trong bộ máy.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều thừa nhận, đánh giá cao những thành tựu cải cách của triều Nguyễn, đặc biệt là cuộc cải cách hành chính dưới thời vua Minh Mệnh trên các lĩnh vực: cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, quan chế, chế độ văn thư hành chính…; phân tích sâu về Luật “hồi tị” - một chính sách ưu việt dưới thời phong kiến và triều Nguyễn trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước, hạn chế tham nhũng, tránh việc lợi dụng mối quan hệ cá nhân để tư lợi.
Trà Vinh sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Tỉnh ủy Trà Vinh đang chỉ đạo Đảng bộ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tập trung thực hiện việc hợp nhất cơ quan Kiểm tra cấp ủy với Thanh tra cấp huyện theo Kết luận số 34-KL/TW ngày 07-8-2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường cho biết, mục tiêu hợp nhất cơ quan Kiểm tra cấp ủy với Thanh tra cấp huyện, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lặp trong triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định, tạo sự thống nhất, đồng bộ về mô hình tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn cấp huyện; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy, chính quyền trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát.
Cơ quan Kiểm tra, Thanh tra huyện sau khi hợp nhất có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy định số 220-QĐ/TW ngày 27-12-2013 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và Thông tư số 03/2014/TTLT-TTCP-BNV của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của thanh tra cấp huyện.
Cơ quan Kiểm tra, Thanh tra huyện làm việc theo chế độ thủ trưởng, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp toàn diện của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy và Thanh tra Nhà nước tỉnh.
Cơ quan Kiểm tra, Thanh tra huyện có 11 biên chế, giảm 2 người so với chưa hợp nhất gồm: Trưởng cơ quan, 3 Phó Trưởng cơ quan và 7 công chức.
Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Trà Vinh, từ nay đến cuối năm 2018, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh phải hoàn thành thực hiện việc hợp nhất cơ quan Kiểm tra cấp ủy với Thanh tra cấp huyện và hoạt động ổn định.
Cần Thơ: Kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân sai phạm trong tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức
Theo kết luận thanh tra vừa được Bộ Nội vụ công bố, trong giai đoạn từ 01-01-2016 – 30-4-2018, thành phố Cần Thơ đã tinh giản được 14 công chức theo Nghị định số 108/2014/NĐ- CP về chính sách tinh giản biên chế. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra còn 1 đơn vị sử dụng 17 lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP (về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp) không đúng loại công việc theo quy định; 6 cơ quan, đơn vị hành chính sử dụng 72 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ; 2 cơ quan, đơn vị hành chính sử dụng 34 viên chức để làm việc theo vị trí việc làm của công chức (hiện đã điều động 4 viên chức về đơn vị sự nghiệp).
Qua kiểm tra 112 trường hợp tuyển dụng đặc biệt không qua thi tuyển thuộc trường hợp có kinh nghiệm công tác, có 10 trường hợp chưa đáp ứng tiêu chuẩn tuyển dụng trong trường hợp đặc biệt (8 trường hợp có thời gian làm công việc yêu cầu trình độ đại học, sau đại học trong ngành, lĩnh vực cần tuyển nhưng không đủ 60 tháng; 2 trường hợp không có bằng đại học, chỉ có bằng trung cấp); 2 trường hợp UBND thành phố Cần Thơ không gửi văn bản lấy ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ trước khi tuyển dụng. Ngày 26-7-2018, Sở Nội vụ Cần Thơ đã thu hồi quyết định tuyển dụng đối với 11 trường hợp này (ngoài 1 trường hợp đã nghỉ việc).
Theo kết luận thanh tra, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện tuyển dụng viên chức theo phân cấp của UBND thành phố. Qua kiểm tra 14 kỳ xét tuyển của 6 đơn vị, có 2 kỳ xét tuyển hội đồng tuyển dụng thành lập trước khi hết hạn nộp hồ sơ dự tuyển, 1 kỳ xét tuyển xây dựng bộ câu hỏi phỏng vấn không có thang điểm chi tiết.
Về các trường hợp công chức được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và kéo dài thời gian giữ chức vụ đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, còn 31/532 trường hợp chưa đáp ứng đầy đủ một hoặc một số tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật cũng như quy định của UBND thành phố về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, quản lý nhà nước chương trình chuyên viên; một số hồ sơ thiếu bản kê khai tài sản, giấy khám sức khỏe… Một trường hợp khi bổ nhiệm chức vụ chánh thanh tra sở không có văn bản xin ý kiến thống nhất của chánh thanh tra thành phố. Một trường hợp tại thời điểm được tiếp nhận không qua thi tuyển chưa đáp ứng về thời gian kinh nghiệm công tác trên 60 tháng theo quy định. 14 trường hợp ban hành quyết định bổ nhiệm lại chậm. Trong giai đoạn thanh tra, còn một số cơ quan, đơn vị có số lượng phó giám đốc sở, phó trưởng phòng và tương đương vượt 1 người so với quy định.
Kết luận thanh tra cho thấy, công tác quản lý hồ sơ công chức cơ bản được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị hồ sơ công chức còn thiếu, chưa lưu đầy đủ thành phần tài liệu trong hồ sơ; chưa thực hiện mở sổ đăng ký quản lý hồ sơ, sổ giao nhận hồ sơ và sổ theo dõi, khai thác, sử dụng hồ sơ công chức.
Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý biên chế; tuyển dụng công chức, viên chức; xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó; quản lý hồ sơ công chức. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra những hạn chế, tồn tại trên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức để phát hiện những sơ hở hạn chế và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời./.
Thành phố Hồ Chí Minh: Bàn giải pháp để phát triển nhanh và bền vững  (15/10/2018)
Thành phố Hồ Chí Minh: Bàn giải pháp để phát triển nhanh và bền vững  (15/10/2018)
Thông báo nhanh những nội dung quan trọng Hội nghị Trung ương 8 khóa XII  (15/10/2018)
Truy tố Phan Văn Anh Vũ cùng 25 bị can trong vụ gây thiệt hại tại DAB  (15/10/2018)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay