Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 31-7 đến ngày 06-8-2017

Hồng Ngọc tổng hợp
13:03, ngày 07-08-2017
TCCSĐT - Thường trực Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; sửa đổi tiêu chí đánh giá, phân loại viên chức; Cần Thơ tập trung giải quyết 3 điểm yếu trong cải cách hành chính; khai trương Trung tâm hành chính công tỉnh Hòa Bình; Hà Nội triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; Hà Nam tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính; là những tin nổi bật tuần qua.

Thường trực Chính phủ họp về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Sáng 02-8, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp, thảo luận về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu).

Góp ý vào dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, các đại biểu tập trung thảo luận vào một số nội dung như phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng, chính sách đặc thù thu hút đầu tư, chính sách về đất đai, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, mục tiêu, định hướng ngành nghề và nhà đầu tư ưu tiên thu hút đầu tư vào các đặc khu…

Các ý kiến nhấn mạnh mục tiêu là làm sao các đặc khu có sức cạnh tranh quốc tế, có sức lan tỏa, trở thành cực tăng trưởng của cả nước. Muốn vậy, phải tạo ra thể chế vượt trội với các chính sách đặc thù, trong đó có chính sách bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh bình đẳng, tạo dựng “sân chơi mới” hấp dẫn, minh bạch, ổn định, phù hợp với tập quán quốc tế, mở cửa thị trường, xóa rào cản trong hoạt động đầu tư kinh doanh…

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được chuẩn bị công phu, trách nhiệm với hệ thống tổ chức rõ ràng. Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và trình các Ủy ban của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đúng thời hạn để làm sao có thể trình ra Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 10 tới.

Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm xây dựng luật tốt nhất, bảo đảm bền vững lâu dài trong phát triển. Thủ tướng cũng nêu rõ tinh thần bảo đảm cạnh tranh quốc tế và khu vực, đi tắt đón đầu, tìm lợi thế so sánh để thu hút; “phải tính trước mắt và lâu dài Việt Nam đang cần gì để chấp nhận những chuyện hết sức cụ thể ở từng đặc khu”. Tinh thần xanh, sạch, đẹp, công nghệ cao, không trái điều ước tế cần được quán triệt.

Thủ tướng nhất trí việc cần tạo lập khung thể chế vượt trội, vượt trên các luật hiện hành, có chính sách đặc thù trên tinh thần kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, chính sách mở cửa thị trường, giảm thiểu việc áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh tại đặc khu… Cần quy định tính định hướng các ngành nghề khuyến khích đầu tư vào đặc khu ở những lĩnh vực Việt Nam đang cần, phát huy lợi thế của từng đặc khu.

Về phương thức quy định chính sách ưu đãi đầu tư, cần bảo đảm tính đột phá, linh hoạt trong việc áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư trên cơ sở khung chính sách ưu đãi quy định tại luật này.

Sửa đổi tiêu chí đánh giá, phân loại viên chức

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 88/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09-6-2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định số 88/2017/NĐ-CP quy định, thời điểm đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức được tiến hành trong tháng 12 hàng năm, trước khi thực hiện việc bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm.

Việc đánh giá người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được tiến hành như sau:

a) Viên chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao.

b) Viên chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp của cơ quan, đơn vị để mọi người tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp. Đối với cơ quan, đơn vị có các đơn vị cấu thành, thành phần tham dự là đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên và người đứng đầu các đơn vị cấu thành. Đối với cơ quan, đơn vị không có các đơn vị cấu thành, thành phần tham dự là toàn thể viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị.

c) Cấp ủy đảng cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về viên chức được đánh giá, phân loại.

d) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp tham khảo các ý kiến tham gia tại Điểm b và c, quyết định đánh giá, phân loại đối với người đứng đầu.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị tham khảo các ý kiến tham gia tại Điểm b và c, quyết định đánh giá, phân loại đối với cấp phó do mình bổ nhiệm; trường hợp theo phân cấp quản lý cấp phó không do mình bổ nhiệm thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị tham khảo các ý kiến tham gia tại Điểm b và c, có trách nhiệm nhận xét bằng văn bản và đề nghị người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc đánh giá, phân loại đối với cấp phó của mình.

đ) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị tại Điểm d thông báo kết quả đánh giá, phân loại cho viên chức theo quy định.

Nghị định số 88/2017/NĐ-CP cũng sửa đổi tiêu chí phân loại đánh giá viên chức ở mức hoàn thành nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ theo hướng bỏ yêu cầu phải đáp ứng tiêu chí: có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận. Như vậy, chỉ viên chức được đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới phải đáp ứng tiêu chí về công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến như trên.

Nghị định số 88/2017/NĐ-CP quy định rõ, căn cứ điều kiện cụ thể của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng các tiêu chí chi tiết để đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, trong đó phải tính đến tỷ lệ khối lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện so với khối lượng công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình khi đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm phù hợp với các quy định.

Cần Thơ: Tập trung giải quyết 3 điểm yếu trong cải cách hành chính

Ngày 01-8, UBND thành phố Cần Thơ đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương nhằm phân tích, đánh giá và đề ra các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính cho thành phố. Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ Cần Thơ, trong năm 2016, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh của thành phố Cần Thơ đứng thứ 16 trong cả nước, xếp thứ 5 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 2 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (đứng sau tỉnh Đồng Tháp). Cần Thơ nằm ở Nhóm C (trong 4 nhóm) với chỉ số đạt được là 79,23%.

Trong năm 2016 vừa qua, thành phố bị điểm trừ vì bổ nhiệm cấp phó quá quy định, cán bộ cấp xã không đạt chuẩn, tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu… Thành phố có 6 cấp phó bổ nhiệm quá so với quy định, hiện đã sắp xếp được 5 người, còn 1 người trong tháng 8 này sẽ sắp xếp xong. Đối với 43 trường hợp cán bộ cấp xã không đạt chuẩn, thì trong năm nay cũng phải sắp xếp xong. Về tinh giản biên chế, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND thành phố có lộ trình cắt giảm.

Về vấn đề cán bộ có hiện tượng gây khó khăn, nhũng nhiễu, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết, sẽ đưa ra hai biện pháp để chấn chỉnh. Thứ nhất là thủ trưởng chịu trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương như: Trưởng phòng có vấn đề thì Giám đốc Sở đó hoặc Chủ tịch UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm. Hai là kiểm tra thực thi công vụ. Việc kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm. Trước đây chỉ kiểm tra về giờ giấc công vụ, nhưng giờ đây cần kiểm tra số lượng, chất lượng công việc, số lượng công việc có làm hết không, từng công việc giải quyết có tốt không, từ đó buộc cán bộ làm việc có chất lượng và cả hệ thống làm việc có chất lượng.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, trong thời gian tới, tất cả các sở, ngành, quận, huyện phải nắm được Bộ tiêu chí các chỉ số cải cách hành chính và có kế hoạch, biện pháp triển khai thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, thành phố cần quyết tâm cải thiện 3 điểm yếu trong cải cách hành chính, đó là chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác hiện đại hóa hành chính và chất lượng dịch vụ công. Để khắc phục các điểm yếu này, Giám đốc Sở Nội vụ phải có trách nhiệm trực tiếp trong việc cải thiện tình hình, chất lượng đội ngũ cán bộ. Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông phải chịu trách nhiệm trực tiếp đến chỉ tiêu hiện đại hóa hành chính.

Liên quan đến chất lượng dịch vụ công, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tất cả các sở, ngành, quận, huyện có trách nhiệm rà soát lại những công việc của mình đối với người dân, doanh nghiệp, trong đó trọng tâm, trọng điểm là Giám đốc các sở: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài nguyên và Môi. Sở Nội vụ có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, cải thiện tình hình thực hiện các chỉ số cải cách hành chính, kiểm tra đôn đốc, phát hiện để nhắc nhở, đốc thúc các sở, ngành và hàng tháng phải có báo cáo kết quả kiểm tra…

Khai trương Trung tâm hành chính công tỉnh Hòa Bình

Sáng 01-8, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Hành chính công tỉnh Hòa Bình.
Trung tâm có chức năng nhiệm vụ hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính và giám sát, đôn đốc các cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả theo đúng quy định; niêm yết công khai, kịp thời, đầy đủ, rõ ràng các quy định, thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí và thời gian giải quyết các loại công việc; quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trách nhiệm của các bộ phận, tổ chức, cá nhân liên quan. Trung tâm chịu sự chỉ đạo điều hành trực tiếp của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tại lễ khai trương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Nguyễn Văn Quang đề nghị cán bộ, công chức tại Trung tâm nêu cao tinh thần ý thức trách nhiệm phục vụ công dân, doanh nghiệp, không ngừng rèn luyện kỹ năng, học tập nâng cao trình độ chuyên môn; tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, giữ vững quy tắc ứng xử và đạo đức công vụ.

Hà Nội: Triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử

Năm 2017 được Hà Nội chọn là “Năm kỷ cương hành chính”, đồng thời ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến vấn đề ứng xử của công chức, yêu cầu công chức thực hiện nghiêm túc bộ Quy tắc ứng xử. Cùng với việc ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện Quy tắc ứng xử, Hà Nội áp dụng nhiều biện pháp cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và nâng cao chất lượng phục vụ, trình độ năng lực của công chức, nhất là công chức làm việc tại các khu vực thường xuyên tiếp xúc với công dân.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là cơ quan đi đầu trong triển khai Quy tắc ứng xử của công chức, tổ chức ký cam kết với các đơn vị trực thuộc Sở. Bộ Quy tắc ứng xử được treo trang trọng ngay cổng ra vào Sở để công chức dễ nhìn, dễ thực hiện. Tại quận Hai Bà Trưng, 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan thuộc quận đã cam kết thực hiện các nội dung của bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tại quận Hà Đông, Quận ủy, UBND quận cũng như cả hệ thống chính trị trong quận cũng tổ chức triển khai nghiêm túc hai bộ quy tắc đến các cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư, các địa điểm công cộng…

Cùng với triển khai bộ Quy tắc ứng xử, các cơ quan chức năng cần kiểm tra việc công chức tiếp cận, thực hiện, tránh tình trạng triển khai hình thức. Đồng thời, công dân cùng vào cuộc với chính quyền trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử thì mới xây dựng được văn hóa ứng xử người Hà Nội đúng tầm.

Hà Nam tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính

Ngày 03-8, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị Ký kết thỏa thuận hợp tác tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Tại hội nghị, đại diện 19 sở, ngành và 6 huyện, thành phố cùng với Bưu điện tỉnh Hà Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác cung ứng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Các bên sẽ hợp tác để cung ứng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; tổ chức, cá nhân có nhu cầu tự nguyện đăng ký sử dụng dịch vụ và trả cước phí chuyển phát theo quy định. Hình thức thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích gồm: gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính; gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đây là dịch vụ trọn gói được cung cấp trên cơ sở dịch vụ chuyển phát nhanh và các dịch vụ giá trị gia tăng khác.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy, thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích là một trong những giải pháp quan trọng trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tập thể khi thực hiện các thủ tục hành chính. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đề nghị các sở, ngành và các địa phương thực hiện nghiêm túc các nội dung trong thỏa thuận hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Đồng thời yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Nam chịu trách nhiệm tổng hợp ý kiến phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính, tham mưu cho UBND tỉnh Hà Nam kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến người dân về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ hành chính công ích. Sở Tư pháp cập nhật danh mục thủ tục hành chính, tổ chức tập huấn cho nhân viên bưu chính kỹ năng tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính./.