Rèn luyện phẩm chất, năng lực của đội ngũ người làm báo Việt Nam trong tình hình mới

Hồ Quang Lợi Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
21:14, ngày 21-06-2017

TCCSĐT - Thực tiễn 92 năm xây dựng và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với quá trình rèn luyện phẩm chất chính trị và rèn luyện năng lực nghề nghiệp của đội ngũ người làm báo cách mạng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, đội ngũ nhà báo cần được quan tâm bồi dưỡng và tự bồi dưỡng toàn diện để không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp.

Tầm quan trọng của việc rèn luyện phẩm chất, năng lực của đội ngũ người làm báo

Báo chí - truyền thông có vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ hết sức quan trọng, là vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng, chính trị, văn hóa... Báo chí được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là diễn đàn rộng lớn của nhân dân…

Trong quá trình lãnh đạo báo chí phục vụ sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc rèn luyện phẩm chất, năng lực của đội ngũ người làm báo Việt Nam, coi đây là yêu cầu có tính quyết định đối với vai trò và hiệu quả của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và dìu dắt, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, là người đặt nền móng cho những tư tưởng lãnh đạo báo chí, đào tạo và rèn luyện đội ngũ người làm báo cách mạng. Trong di sản tư tưởng của Người, tư tưởng về báo chí là di sản vô giá đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam. Khẳng định “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí”, Người nhấn mạnh: “Làm báo thì chính trị phải đi đầu. Chính trị đúng thì đường lối mới đúng”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Về việc rèn luyện, nâng cao năng lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các nhà báo: “Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện”.

Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm sâu sắc, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và có hiệu quả đối với công tác báo chí, hoạt động báo chí; chăm lo bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ báo chí cách mạng; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quản lý đối với hoạt động báo chí và họat động của Hội Nhà báo Việt Nam.

Phẩm chất của người làm báo là phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp, bao gồm các yếu tố: Yêu Tổ quốc, gắn bó với nhân dân; trung thành với lý tưởng của Đảng Cộng sản, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, vì lợi ích của đất nước và nhân dân; trung thực, công tâm, yêu nghề và biết xả thân vì nghề.

Năng lực của người làm báo là năng lực chuyên môn nghề nghiệp, bao gồm bản lĩnh nghề nghiệp, các kĩ năng tác nghiệp, thực hành nghề báo để hoàn thành vai trò, nhiệm vụ của cơ quan báo chí, của người làm báo.

Hai yêu cầu này đối với người làm báo luôn gắn bó mật thiết với nhau. Vì vậy, nói rèn luyện phẩm chất, năng lực của đội ngũ người làm báo Việt Nam, là nói cả một quá trình hòa quyện khăng khít của hai bộ phận cấu thành tư chất, đẳng cấp của mỗi người làm báo.

Trong thời đại truyền thông - kỹ thuật số hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của internet và sự lấn lướt của mạng xã hội, trước đòi hỏi ngày càng cao của công chúng và yêu cầu ngày càng cao của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí, việc rèn luyện phẩm chất, năng lực của đội ngũ người làm báo ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Điều đó đặt lên vai người làm báo Việt Nam một trách nhiệm xã hội nặng nề và nghĩa vụ công dân cao cả; đòi hỏi người làm báo phải có phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, bản lĩnh, trình độ nghề nghiệp vững vàng.

Thực trạng tình hình rèn luyện phẩm chất, năng lực của đội ngũ người làm báo Việt Nam hiện nay

Thành tựu và mặt tích cực

Hiện nay, Việt Nam có một lực lượng báo chí hùng hậu với hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ đang làm việc tại gần 900 cơ quan báo chí thuộc các loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử. Lực lượng này đang hằng ngày, hằng giờ chuyển tải một lượng thông tin khổng lồ đến với hơn 94 triệu người dân. Nhìn chung, nhân dân đặt niềm tin vào báo chí, nhất là trước những sự kiện có ảnh hưởng lớn đối với đời sống chính trị - xã hội của đất nước.

Việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất năng lực của người làm báo trong những năm qua đã đạt được những thành tựu và mặt tích cực sau đây:

Về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, trung thành với lý tưởng của Đảng, gắn bó với nhân dân, đã có những đóng góp to lớn đối với đất nước.

Không ngừng rèn luyện phẩm chất và năng lực trong đấu tranh cách mạng, đa số người làm báo luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, thể hiện sáng ngời tinh thần cống hiến, hy sinh vì lợi ích tối cao của đất nước và nhân dân. Sản phẩm báo chí của họ là vũ khí chính trị sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa trong đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986, báo chí luôn là lực lượng tiên phong trong việc tuyên truyền đường lối đổi mới, phát hiện, cổ vũ các điển hình tiên tiến, phản ánh thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới, phát hiện, đề xuất nhiều vấn đề có ý nghĩa xã hội để Đảng, Nhà nước kịp thời điều chỉnh, bổ sung đường lối, chủ trương, chính sách. Báo chí kịp thời phê phán những quan điểm sai trái, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước.

Với phẩm chất cách mạng của một nền báo chí vì dân, nhiều cơ quan báo chí đã tham gia tích cực các hoạt động xã hội, từ thiện, vận động đóng góp số lượng lớn tiền của, vật chất, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, tai nạn, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Về năng lực chuyên môn, đa số người làm báo đủ năng lực để phản ánh kịp thời, khách quan, đúng đắn mọi mặt của đời sống xã hội; phản ánh được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện, cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến và những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước; đấu tranh với các hành vi sai trái, bảo vệ công lý và lẽ phải.

Hệ thống báo chí cả nước do đội ngũ người làm báo đảm nhiệm ngày càng khẳng định vai trò là diễn đàn của nhân dân, phương tiện phản biện xã hội tích cực. Người làm báo luôn tiên phong trong việc phát hiện, phân tích, đánh giá những hạn chế, bất cập trong các chính sách, quyết định của các cơ quan có trách nhiệm, từ đó đề xuất những giải pháp hợp lý đối với Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, là những chiến sĩ xung kích của Đảng trên mặt trận tư tưởng, đội ngũ người làm báo đã và đang tham gia tích cực, có trách nhiệm, có hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội. Nhiều nhà báo và tập thể cơ quan báo chí đã thể hiện phẩm chất dấn thân, quả cảm, kiên quyết đấu tranh, bất chấp những khó khăn, nguy hiểm, theo đuổi công việc, vụ việc tới cùng để góp phần xử lý có hiệu quả những vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Đội ngũ người làm báo đã thông tin kịp thời với bạn bè quốc tế về những thành tựu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới, góp phần tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Đội ngũ người làm báo cũng đã tích cực tự đổi mới để phát triển. Diện mạo, số lượng, chất lượng và công nghệ làm báo... đã đạt được những bước tiến lớn. Chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa và chất lượng kỹ thuật - nghiệp vụ của báo chí, của đội ngũ người làm báo ngày càng được nâng cao. Nhiều cơ quan báo chí lớn đang phát triển theo hướng đa phương tiện. Trong hoàn cảnh mới, báo chí đã từng bước thích nghi và năng động hơn trong nền kinh tế thị trường, nhưng không đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa; tích cực mở rộng quan hệ quốc tế và hòa nhập, nhưng vẫn giữ vững bản sắc báo chí cách mạng và truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đạt được những thành tựu đó là nhờ các yếu tố sau:

Một là, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí ngày càng tăng cường hơn. Đảng ta luôn đổi mới tư duy, phong cách, phương thức lãnh đạo đối với công tác báo chí; có nhiều chủ trương, định hướng phát triển báo chí và lãnh đạo công tác báo chí phù hợp với tình hình mới; thực sự chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi cho người làm báo thực hiện tốt nhiệm vụ.

Trong các nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản về công tác thông tin, báo chí, về Hội Nhà báo Việt Nam, như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”, Chỉ thị số 37 và Thông báo số 22 của Ban Bí thư Trung ương về nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam… Các văn bản quan trọng này đều nhấn mạnh việc cần thường xuyên tổ chức cho nhà báo - hội viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chi Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực, chủ động bằng nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, kĩ năng làm báo cho các hội viên, xây dựng đội ngũ người làm báo Việt Nam ngang tầm với đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng.

Từ năm 2006, Chính phủ đã lập Giải Báo chí quốc gia trên cơ sở nâng cấp Giải báo chí toàn quốc trước đây (ra đời từ năm 1991), giao cho Hội Nhà báo Việt Nam trực tiếp tổ chức Giải hằng năm nhằm tôn vinh các tác giả có những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất trong từng năm. Đây là nguồn động viên lớn đối với các hội viên - nhà báo Việt Nam và là môi trường học tập nghề nghiệp đặc biệt.

Hai là, hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước về báo chí ngày càng hoàn thiện, trong đó nhiều văn bản liên quan trực tiếp đến việc rèn luyện phẩm chất, năng lực của người làm báo. Gần đây nhất, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Báo chí 2016, đó là văn bản pháp luật cao nhất về hoạt động báo chí trong đó quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhà báo; các quy định về hoạt động tác nghiệp... Đặc biệt, lần đầu tiên Luật Báo chí quy định rõ vai trò, nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam, trong đó có việc xây dựng và ban hành các quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Ba là, vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng được phát huy. Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Hội Nhà báo là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Làm theo lời Người, để xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam luôn chăm lo công tác bồi dưỡng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho hội viên - nhà báo. Hội đã thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học về nghiệp vụ báo chí, về đạo đức nghề báo, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo, tổ chức các khóa học, lớp học bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ báo chí cho hội viên, đáp ứng yêu cầu của báo chí hiện đại. Đặc biệt, Hội Nhà báo Việt Nam luôn chú trọng việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức đi đôi với bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho hội viên.

Những hạn chế, bất cập

Bên cạnh những thành tựu, việc rèn luyện phẩm chất, năng lực người làm báo cũng còn những hạn chế, bất cập: Còn có hiện tượng thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng - văn hóa, chưa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; thông tin thiếu chính xác, giật gân, câu khách, khai thác thông tin nước ngoài, trên mạng xã hội thiếu chọn lọc; chưa chú trọng phát hiện, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước. Một số cơ quan báo chí và nhà báo chậm đổi mới nội dung và hình thức, nội dung tuyên truyền chưa hấp dẫn, chưa làm chủ được dư luận xã hội, chưa làm chủ được công nghệ mới. Còn có cán bộ, phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật. Chưa có những chế tài đủ mạnh để khắc phục triệt để những sai phạm trong hoạt động báo chí.

Có thể chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập: Một là, nhiều cơ quan báo chí, cấp ủy đảng cơ quan báo chí chưa thực sự coi trọng công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhà báo. Hai là, trong đội ngũ người làm báo, có một số chưa quan tâm rèn luyện phẩm chất, đạo đức và năng lực nghề nghiệp. Ba là, tác động của mặt trái kinh tế thị trường ngày càng tăng đối với người làm báo. Bốn là, sức ép, tác động tiêu cực của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác đối với quy trình làm báo truyền thống.

Những vấn đề đặt ra và giải pháp

Hiện nay, đất nước ta đang ở vào giai đoạn phát triển quan trọng, hướng tới mục tiêu sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây cũng là thời kỳ tình hình chính trị và kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều thuận lợi và thách thức đan xen; các cuộc khủng hoảng chính trị ở một số nước và khu vực trên thế giới tác động mạnh mẽ tới nước ta. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, truyền thông vừa là cơ hội, vừa là thách thức to lớn đối với xã hội và báo chí.

Báo chí phát triển trong xu thế toàn cầu hoá truyền thông đại chúng, vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn, đặt ra nhiều vấn đề nóng, phức tạp đối với hoạt động của người làm báo và công tác lãnh đạo, quản lý báo chí.

Về đạo đức nghề nghiệp, người làm báo ngày càng đối mặt với sức ép, cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội và những mặt trái của kinh tế thị trường. Hệ quả của nó là sự chạy theo thị hiếu tầm thường với kiểu làm báo giật gân, câu khách, coi nhẹ tính chính xác, trung thực, coi nhẹ trách nhiệm xã hội của báo chí và người làm báo.

Về năng lực chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp, người làm báo phải đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của một nền báo chí công nghệ cao, chuyên nghiệp, hiện đại hơn.

Công tác lãnh đạo, quản lý báo chí ngày càng phức tạp, khó khăn hơn, đòi hỏi lãnh đạo, quản lý phải ngày càng chuyên nghiệp, khoa học hơn để theo kịp và thích ứng với sự phát triển của báo chí và người làm báo trong kỷ nguyên số.

Để nâng cao phẩm chất và năng lực của người làm báo trong tình hình mới, theo chúng tôi, cần xác định và thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Trước hết, các cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa nguyên tắc chỉ đạo có ý nghĩa sống còn đối với hoạt động báo chí: Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đối với hoạt động báo chí. Thực hiện nhất quán quan điểm chỉ đạo của Đảng là: phát triển phải đi đôi với quản lý và quản lý phải theo kịp sự phát triển, để từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả của báo chí đối với xã hội.

Thứ hai, tăng cường cơ chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí và người làm báo; xác định rõ trách nhiệm chính trị của báo chí và người làm báo là góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh, xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh toàn dân tộc. Thông tin trên báo chí phải có tính thời sự cao, lành mạnh, thiết thực, vừa có tính chiến đấu, vừa có tính nhân văn, định hướng tư tưởng, định hướng xã hội..., kiên quyết loại bỏ những thông tin ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.

Thứ ba, người làm báo và cơ quan báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hóa tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; là diễn đàn để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên và phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí; động viên, cổ vũ, tổ chức cho các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng; phải dựa vào quần chúng, tạo điều kiện để quần chúng tham gia, giám sát, đánh giá hiệu quả của báo chí, coi báo chí là phương tiện để quần chúng thực hiện quyền được thông tin, quyền tự do ngôn luận đúng pháp luật.

Thứ tư, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo chí, truyền thông. Trong đào tạo cần quan tâm hơn nữa vấn đề phẩm chất, đạo đức người làm báo; kết nối chặt chẽ các khâu: đào tạo - bồi dưỡng - sử dụng - rèn luyện nhà báo trong một hệ thống liên hoàn, khăng khít. Tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm của các nước về lĩnh vực tác nghiệp báo chí và quản lý báo chí.

Thứ năm, các cơ quan báo chí tích cực, chủ động xây dựng và phát triển theo hướng đa phương tiện. Kịp thời cập nhật kiến thức mới, ứng dụng thành tựu công nghệ truyền thông thế hệ mới trong các khâu của hoạt động báo chí, không ngừng đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình, sản phẩm báo chí, tăng sức cạnh tranh. Xây dựng một lực lượng báo chí, truyền thông đủ mạnh để đấu tranh có hiệu quả với những luồng thông tin xấu, độc, có hại đối với lợi ích của đất nước và nhân dân, vươn lên làm chủ dư luận xã hội.

Các cơ quan báo chí cần phối hợp với các cấp Hội Nhà báo tăng cường quản lý chặt chẽ đội ngũ những người làm báo thuộc cấp mình; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong cơ quan báo chí và tổ chức Hội Nhà báo, yêu cầu người làm báo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; chú trọng rèn luyện cả về phẩm chất và năng lực trong quá trình tác nghiệp.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện nghiêm Luật Báo chí 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đạo đức nghề báo, kịp thời khen thưởng những gương tốt, điển hình tiên tiến, đồng thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các sai phạm.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng và củng cố tổ chức, kết hợp với rèn luyện phẩm chất, năng lực của đội ngũ người làm báo vững vàng về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, đội ngũ những người làm báo sẽ hoàn thành sứ mệnh cao cả là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, Nhà nước, xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam dân chủ, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại vì lợi ích của đất nước và nhân dân./.