Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 12 đến ngày 18-6-2017)

Nhân Hòa (Tổng hợp từ TTXVN, Chinhphu.vn, TCCSĐT)
01:05, ngày 19-06-2017

TCCSĐT - 129 tác phẩm giành Giải Báo chí Quốc gia 2017; Kỷ niệm 92 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm và chúc mừng các cơ quan báo chí quân đội; Lễ ký Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Định vị Việt Nam vào dòng chảy chính, phù hợp với lợi ích quốc gia; Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Văn phòng Chính phủ: Gặp mặt nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt cựu Quân nhân tình nguyện giúp Campuchia; Thành phố Hồ Chí Minh: Tuyên dương nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo gương Bác; Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất… là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

Quốc hội đề nghị sớm có giải pháp phù hợp quy hoạch Sơn Trà

Sáng 14-6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục giải đáp phần tranh luận với đại biểu Quốc hội về vấn đề Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.

Trước câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc có phải Chính phủ để Đà Nẵng tự quyết trong quy hoạch Sơn Trà, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, chắc chắn không có chuyện này. Nếu Chính phủ để cho Đà Nẵng tự quyết đã không có câu chuyện làm quy hoạch hay không... Đây là Chính phủ tiếp thu ý kiến và muốn rằng, dù từ trước đến nay Đà Nẵng đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn cần Đà Nẵng chủ động quyết định. Ngoài ra, theo quy định của Luật, quy hoạch, phê duyệt hay bổ sung đều phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp bỏ Sơn Trà ra khỏi danh mục 47 khu du lịch quốc gia cũng phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nói Đà Nẵng cần chủ động là vì vấn đề Sơn Trà cần thống nhất trong Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng. Cả nước đều yêu mến, vì Sơn Trà và chắc chắn nhân dân Đà Nẵng cũng vậy. Nhân dân Đà Nẵng sẽ đóng góp trí tuệ của mình để cùng với với chính quyền địa phương và Chính phủ bảo vệ Sơn Trà tốt hơn.

Bên cạnh đó, do trước đây chưa có quy hoạch du lịch, Đà Nẵng đã chủ động theo thẩm quyền cấp phép các dự án. Khi Đà Nẵng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thống nhất quy mô đầu tư là 1.600 phòng, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị và làm việc với các nhà đầu tư.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định vấn đề này trên tinh thần phát triển bền vững. Những yếu tố nào về bền vững chưa chắc chắn bây giờ sẽ để lại”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Đối với quy hoạch du lịch bán đảo Sơn Trà, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở cân nhắc nhiều mặt, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sớm có giải pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật và quy hoạch phát triển chung của cả nước, để cử tri, nhân dân Đà Nẵng và cả nước yên tâm.

129 tác phẩm giành Giải Báo chí Quốc gia 2017

Chiều 14-6, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố Giải thưởng Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 11 năm 2017.

Phát biểu tại buổi họp báo công bố Giải thưởng Giải Báo chí Quốc gia, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Giải Báo chí Quốc gia cho biết, Giải báo chí Quốc gia lần thứ 11 có sự tham gia của 1.637 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả đến từ các liên chi hội trên toàn quốc.

Các tác phẩm dự giải năm nay đều bám sát các sự kiện nổi bật của năm 2016, bám sát nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền sâu đậm về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị của đất nước; Gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; xóa đói giảm nghèo; gương người tốt việc tốt; đấu tranh chống các thế lực thù địch, tham nhũng, tiêu cực...

Hội đồng chung khảo đã quyết định chọn 129 tác phẩm vào vòng chung khảo. Trong số đó có 7 Giải A; 24 Giải B; 39 Giải C và 25 Giải khuyến khích. Đặc biệt, năm nay các giải thưởng đã có sự chuyển biến về tiền thưởng. Cụ thể, các giải A từ 50 triệu/giải tăng lên 60 triệu đồng/giải; Giải B là 40 triệu; Giải C 30 triệu; Giải khuyến khích 10 triệu và các tác phẩm lọt vào chung khảo đều được nhận 3 triệu đồng/giải.

Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XI sẽ được tổ chức vào tối ngày 21-6 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội.

Kỷ niệm 92 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm và chúc mừng các cơ quan báo chí quân đội

Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2017), sáng 15-6, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến thăm, chúc mừng Báo Quân đội Nhân dân, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội nhân dân và Tạp chí Quốc phòng toàn dân.

Chúc mừng và đánh giá cao những đóng góp to lớn, sự chủ động, nhạy bén của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí quân đội thời gian qua, đồng chí Ngô Xuân Lịch mong muốn đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đạt được, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến mọi người dân; tiếp tục là “đội quân chiến đấu” trong việc định hướng dư luận xã hội; luôn xung kích đi đầu trên mặt trận đấu tranh chính trị - tư tưởng, phòng chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các luận điệu thù địch, xuyên tạc, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch đề nghị các cơ quan báo chí quân đội tiếp tục thực hiện khẩn trương, hiệu quả “Đề án hiện đại hóa báo chí quân đội giai đoạn 2014 - 2018”, Kế hoạch số 87/KH-CT ngày 12-01-2016 của Tổng cục Chính trị về triển khai Đề án “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” trong Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt. Nhấn mạnh vấn đề “hiện đại hóa” con người luôn là yếu tố then chốt, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nêu rõ, xây dựng báo chí hiện đại không chỉ là việc đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ cho đội ngũ nhà báo mà quan trọng hơn là đào tạo, bồi dưỡng những con người có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, trình độ nghiệp vụ thành thạo để luôn có nhận thức đúng về tình hình, yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, từ đó xác định rõ động cơ tác nghiệp, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong mọi tình huống.

Lễ ký Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam


Chiều 15-6, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã ký Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nghị quyết này cụ thể hóa các Điều 27 và Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 09-6-2015 và có hiệu lực từ ngày 01-01-2016. Đây là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý quan trọng, góp phần tiếp tục cụ thể về cơ chế đối với hình thức giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Theo đó, Nghị quyết gồm 4 chương, 25 điều. Chương 1 về những quy định chung nêu rõ, phạm vi điều chỉnh Nghị quyết này quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quy định chi tiết về Căn cứ tổ chức giám sát, phản biện xã hội; Xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội.

Nghị quyết cũng quy định các hình thức giám sát, trong đó quy định nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tổ chức đoàn giám sát, giám sát thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; tổ chức đoàn giám sát; giám sát của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Nghị quyết cũng quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, tổ chức. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. 

Định vị Việt Nam vào dòng chảy chính, phù hợp với lợi ích quốc gia

Ngày 16-6-2017, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức lễ trao Quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2017-2020.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dự và trao Quyết định cho 22 Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam ở nước ngoài. Cùng dự lễ trao Quyết định có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch nước.

Sau lễ trao Quyết định, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp thân mật các Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2017-2020.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chúc mừng các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2017-2020; nhấn mạnh đây là vinh dự to lớn và cũng là trách nhiệm vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Chủ tịch nước Trần Đại Quang lưu ý, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2017-2020 nhận nhiệm vụ vào thời điểm rất quan trọng, có tính định hình cho cả giai đoạn sắp tới; nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn cách mạng mới đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi phải có tư duy, cách nhìn mới, “biến nguy thành an,” biến cơ hội, thuận lợi thành hiện thực, định vị Việt Nam sao cho có lợi nhất trên bàn cờ chiến lược đang thay đổi.

Chủ tịch nước giao nhiệm vụ: Các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần nắm vững các phương châm kiên định mục tiêu tổng quát cho 5 năm tới là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững. Thực hiện hiệu quả ba nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền và lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Các Trưởng Cơ quan đại diện phải xác định rõ hội nhập là xu thế, dòng chảy chính của thế giới hiện nay, nhưng trong quá trình đó, cần tỉnh táo nhận diện, định vị Việt Nam vào đúng dòng chảy chính, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc.

Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Ngày 16-6-2017, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (16-6-1967 - 16-6-2017). Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu chỉ đạo.

Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã có bước phát triển vững chắc và đạt được nhiều thành tích xuất sắc, khẳng định vị trí quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Lực lượng đã tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng, cơ bản, chiến lược, tạo sự chuyển biến tích cực về công tác vận động toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.

Lực lượng tập trung xây dựng phong trào ở các địa bàn chiến lược, biên giới, biển đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, các khu kinh tế tập trung và các khu đô thị lớn góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Nhiều đợt vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm đã được tổ chức; xây dựng gia đình, khu dân cư xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh, trật tự; quản lý, giáo dục, cảm hóa những người vi phạm pháp luật tại gia đình và cộng đồng dân cư; thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phòng, chống cháy, nổ; giữ gìn trật tự an toàn giao thông. 

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Tô Lâm đã tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của lực lượng.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm chúc mừng và biểu dương những thành tích xuất sắc mà lực lượng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã đạt được; trân trọng cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc .

Văn phòng Chính phủ: Gặp mặt nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Ghi nhận đóng góp của báo chí trong phối hợp, đồng hành cùng xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chiều 16-6, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức gặp mặt các nhà báo chuyên trách theo dõi họp báo thường kỳ Chính phủ.

Tham dự họp báo có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương.

Chúc mừng các nhà báo nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam sắp tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bày tỏ cảm ơn các nhà báo đã nỗ lực đồng hành cùng Chính phủ thời gian qua. Đánh giá cao vai trò rất quan trọng của báo chí, nhất là trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bùng nổ thông tin hiện nay, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh không thể chỉ một mình Chính phủ liêm chính mà tinh thần liêm chính phải thấm vào trong hoạt động của mỗi cơ quan nhà nước. Trong quá trình đó không thể thiếu được vai trò của báo chí.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trong thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời về hoạt động của Chính phủ. Họp báo Chính phủ được truyền trực tuyến, các hội nghị lớn của Chính phủ như Hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp, được truyền hình trực tiếp. Tất cả những nỗ lực đó không ngoài mục tiêu cung cấp thông tin một cách nhanh nhất, kịp thời, chính xác, đầy đủ cho người dân.

Tại buổi gặp mặt, đồng chí Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện các nhà báo cũng phát biểu, chia sẻ về vai trò của báo chí, hoạt động nghề báo và mong muốn báo chí tiếp tục đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt cựu Quân nhân tình nguyện giúp Campuchia

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24-6-1967 - 24-6-2017), Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2017, chiều 17-6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi gặp mặt Đoàn đại biểu cựu Quân tình nguyện Việt Nam giúp Campuchia giai đoạn 1979 - 1989 và đại biểu Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

Trong 10 năm giúp Campuchia, hàng vạn quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ với với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Campuchia, từng bước thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc. Khi Campuchia tự đảm đương được nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về nước. Hình ảnh đẹp về “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn còn mãi trong lòng nhân dân Campuchia. Cố Quốc vương Norodom Sihanouk đã khẳng định: “Không có bộ đội Việt Nam giúp đỡ giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng thì con cháu của nhà vua cũng chết hết”.

Thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chúc mừng những chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc mà Quân tình nguyện Việt Nam đã đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả đối với cách mạng Campuchia. Chủ tịch nước nhấn mạnh, những chiến công oanh liệt và sự đóng góp, hy sinh to lớn của Quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Campuchia đã được Nhà nước và nhân dân Campuchia, cũng như Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao, tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia, Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới mọi tầng lớp nhân dân hai nước nhận thức sâu sắc về mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai dân tộc. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tích cực tổ chức các hoạt động thiết thực, bảo đảm Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2017 được tổ chức thành công, đồng thời đóng góp vào việc củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị láng giềng truyền thống và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia.

Thành phố Hồ Chí Minh: Tuyên dương nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo gương Bác

Ngày 18-6, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tuyên dương 55 tập thể, 77 cá nhân tiêu biểu thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên dương 77 cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo và 50 gương Người tốt, việc tốt năm 2016-2017.

Với những tiêu chí “Trung thực, trách nhiệm, chủ động, hợp tác, chia sẻ, tiết kiệm”, thời gian qua các cấp Công đoàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các tiêu chí thực hiện được gắn với các tiêu chí của phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động tiết kiệm và cuộc vận động Người tốt, việc tốt. Các cấp Công đoàn thành phố chú trọng thực hiện các tiêu chí sát với từng nhóm đối tượng công nhân viên chức ở từng lĩnh vực, ngành nghề. Quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, có thể kể đến như: Các mô hình đổi mới phương pháp giảng dạy của Công đoàn ngành giáo dục thành phố; mô hình phát huy sáng kiến, cải cách kỹ thuật của khối các doanh nghiệp thành phố. Trong năm 2016, đã có 742 công trình sản phẩm và 1.663 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được thực hiện, tiết kiệm chi phí và làm lợi cho doanh nghiệp hơn 400 tỷ đồng.

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất


Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về vấn đề sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 12-6.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì thuê tư vấn chuyên ngành nước ngoài có đủ năng lực, kinh nghiệm để khảo sát, nghiên cứu đề xuất các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cả về phía Bắc (khu vực sân golf) và phía Nam, nâng tổng công suất đạt khoảng 45 triệu khách/năm.

Thủ tướng kết luận: Thời gian qua, ý kiến xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội phản ánh nhiều về sân golf trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, gây khó khăn trong việc mở rộng sân bay nhằm giảm ùn tắc giao thông vận tải hàng không.

Thủ tướng yêu cầu sau khi tư vấn hoàn thành việc xây dựng các phương án, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan thành lập Hội đồng thẩm định có ý kiến chính thức, khẩn trương báo cáo Thường trực Chính phủ trước tháng 12-2017.

Về các vấn đề liên quan đến sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo dừng hoạt động xây dựng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf, như khu biệt thự, chung cư, nhà hàng, khách sạn, trường học…