Những thành tựu và bài học kinh nghiệm trong công tác dân vận của Đảng thời kỳ đổi mới
Những thành tựu trong công tác dân vận của Đảng thời kỳ đổi mới
Một trong những nguyên nhân quan trọng, quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới trong những năm qua là, công tác dân vận của Đảng được tăng cường và đổi mới tương đối toàn diện, thu được những kết quả quan trọng. Cùng với việc không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, từng bước hoàn thiện quan điểm, đường lối về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 8B-NQ/TW, ngày 27-3-1990, về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”. Nghị quyết đã xác định rõ bốn quan điểm và những giải pháp chủ yếu nhằm đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận phù hợp với yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Đây là những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng đối với công tác dân vận từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đến nay.
Từ Đại hội VII đến Đại hội XI của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ra nhiều nghị quyết, chỉ thị cụ thể cho từng lĩnh vực công tác dân vận của Đảng, như Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 7-11-1993, của Bộ Chính trị khóa VII “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường mặt trận dân tộc thống nhất”; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003, về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003, “Về công tác dân tộc” và Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12-3-2003, “Về công tác tôn giáo” của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX. Ban Chấp hành Trung ương các khóa X và XI có các nghị quyết cụ thể về các đối tượng công tác dân vận(1).
Các văn kiện của Đảng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước đã thể hiện rõ quan điểm, đường lối quần chúng sâu sắc của Đảng: chăm lo, mang lại quyền, lợi ích chính đáng, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, mở rộng dân chủ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền làm chủ của nhân dân; đều có những nội dung gắn với công tác dân vận, gắn với các đối tượng, giai cấp, tầng lớp nhân dân và những tổ chức quần chúng cụ thể. Hầu hết các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được nhân dân ủng hộ, tích cực tham gia thực hiện.
Thực hiện những chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp quy và cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu công tác dân vận của Đảng. Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; mở rộng dân chủ, tạo cơ chế, môi trường thông thoáng để nhân dân có điều kiện, cơ hội đầu tư sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng, phát triển kinh tế - xã hội; học tập, nâng cao trình độ; năng động, sáng tạo tìm kiếm công ăn việc làm; tham gia xây dựng Nhà nước, xây dựng chính quyền các cấp, tham gia công tác quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc(2). Ở các địa phương, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp đã ban hành nhiều văn bản để tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo cải thiện đời sống của nhân dân; mở rộng dân chủ trong nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục phiền hà với nhân dân, xây dựng quy chế tiếp dân; giải quyết các khiếu nại, tố cáo của nhân dân và chấn chỉnh phong cách làm việc của cán bộ, công chức; tôn trọng, dân chủ, công khai, minh bạch với nhân dân, hạn chế và ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, thờ ơ, vô trách nhiệm với nhân dân của cán bộ, công chức.
Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận đã được các cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương và các địa phương chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt và thực hiện. Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, các bộ, ngành ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, chủ trương đó; có kế hoạch và hướng dẫn chỉ đạo học tập, quán triệt tới cán bộ, đảng viên và nhân dân, gắn với việc tổ chức thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị.
Các cơ quan chức năng ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể ở Trung ương hằng năm đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng,... liên quan đến đời sống của nhân dân; qua đó, báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về những ưu điểm, hạn chế trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết đó. Các địa phương đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chủ trì, giám sát việc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm ở địa phương; đôn đốc các cấp thực hiện và vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Hầu hết các nghị quyết, chỉ thị về công tác dân vận và liên quan đến công tác dân vận đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo cho sơ kết 3 năm, 5 năm, tổng kết 10 năm từ cơ sở đến Trung ương để bổ sung, hoàn thiện quan điểm, giải pháp và ra các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt hơn.
Đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận thành luật pháp, cơ chế, chính sách, cân đối các nguồn lực; tạo hành lang pháp lý, đầu tư cho việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị đó. Tăng cường lãnh đạo mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ trong xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; mở rộng các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong tiếp xúc, lắng nghe các ý kiến của cử tri, mở rộng dân chủ, công khai trong chất vấn, trả lời chất vấn. Chính phủ đã thiết lập các kênh thông tin điện tử, phát triển các hình thức giao lưu và đối thoại với nhân dân; có nhiều hình thức để lắng nghe, tranh thủ ý kiến của nhân dân tham gia các dự án luật, các dự thảo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trước khi ban hành.
Đảng coi trọng việc phân công cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên phụ trách công tác dân vận, chăm lo xây dựng, kiện toàn bộ máy ban dân vận và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp đã được kiện toàn, củng cố, tăng cường thu hút, phát triển đoàn viên, hội viên và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, tập hợp, thu hút đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thiết thực vào việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng luôn chăm lo bố trí cán bộ, bảo đảm các điều kiện hoạt động cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tăng cường các biện pháp nắm bắt tình hình tư tưởng, quan tâm hỗ trợ nhân dân, đoàn viên, hội viên về nghề nghiệp, việc làm, học tập,...; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đối tượng chính sách; phát động nhiều phong trào quần chúng rộng lớn gắn với nhiệm vụ chính trị, nhu cầu, lợi ích của nhân dân, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các phong trào “Thi đua lao động giỏi”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” trong công đoàn, công nhân, viên chức, lao động; các phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” trong thanh niên; các phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” trong phụ nữ; các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Nông dân thi đua xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn” của Hội Nông dân Việt Nam; các phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Cựu chiến binh giúp nhau xóa đói, giảm nghèo” của Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Hiện nay, các địa phương, các tầng lớp nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội đang tích cực tham gia các phong trào “Cả nước chung tay”, “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Đã có nhiều hình thức hoạt động nhằm mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia giám sát, phản biện, xây dựng Đảng, chính quyền; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh; tham gia hòa giải, giải quyết mâu thuẫn trong xã hội, trong nội bộ nhân dân, góp phần ổn định chính trị ở cơ sở. Các hình thức hoạt động, như “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân”; giám sát cộng đồng, thăm dò tín nhiệm cán bộ chủ chốt ở cơ sở;… đã thực sự có hiệu quả và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Đảng tăng cường lãnh đạo lực lượng vũ trang thực hiện tốt công tác dân vận. Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân đều thể hiện rõ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về công tác dân vận. Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân, các đơn vị, mọi cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ luôn coi trọng và thường xuyên làm tốt công tác dân vận. Các đơn vị quân đội, công an, bộ đội biên phòng đã phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương phát động, tuyên tuyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào làm tốt công tác quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; đi sâu cơ sở (“ba cùng” với dân), giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, cảnh giác, đấu tranh với âm mưu thâm độc của kẻ thù, đấu tranh phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội; tham gia xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, xây dựng thế trận lòng dân, an ninh nhân dân; là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống và giải quyết các hậu quả của thiên tai, bão lụt, nhất là ở các vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo.
Sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với tổ chức hội quần chúng được tăng cường; cùng với đó, công tác quản lý nhà nước, hệ thống văn bản pháp luật về hội tiếp tục được hoàn thiện. Các hội quần chúng phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về hình thức tổ chức, hoạt động, từng bước gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước; góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, Đảng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tranh thủ các nguồn vốn viện trợ, sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức từ thiện vào việc đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là những người có điều kiện khó khăn, các đối tượng chính sách và đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Những hạn chế, yếu kém trong công tác dân vận của Đảng thời kỳ đổi mới
- Chậm đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, lúng túng trong xác định chức năng, nhiệm vụ cũng như việc xây dựng các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng trong công nhân, người lao động, nhất là trong các loại hình doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các loại hình dịch vụ ngoài công lập, trong lao động, lưu học sinh ở nước ngoài.
- Một số nơi, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở yếu kém, giảm sút vai trò lãnh đạo, không sát dân, không nắm được diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, không đủ sức tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như giải quyết những bức xúc của nhân dân, để xảy ra tình trạng nhân dân tự phát đấu tranh chống tiêu cực, khiếu kiện gay gắt, phức tạp, khó giải quyết, như ở một số tỉnh đồng bằng sông Hồng và nhiều tỉnh khác trong cả nước; hoặc bị kẻ địch, người xấu lợi dụng tuyên truyền, kích động, lôi kéo, tập hợp đi biểu tình, bạo loạn, như tại một số tỉnh ở Tây Nguyên.
- Cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ đã được xác định từ lâu, nhưng chưa được cụ thể hóa đầy đủ và đồng bộ thành một hệ thống quy định của luật pháp thích hợp. Sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị còn thiếu chặt chẽ. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cơ quan chính quyền trong công tác dân vận bị coi nhẹ, còn nhiều hạn chế, yếu kém, ỷ lại vào bộ máy hành chính và các giải pháp hành chính, coi nhẹ giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân; có lúc, có nơi còn “khoán trắng” cho khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội. Hoặc chỉ mới chú trọng, quan tâm đáp ứng các yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân mà chưa chú ý phát huy vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của nhân dân, để xảy ra tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Đảng, Nhà nước ở không ít người dân, dẫn đến tình trạng một số người lợi dụng dân chủ, hành động cực đoan, khiếu kiện gay gắt, làm phức tạp tình hình, thậm chí có nơi còn gây mất ổn định, trở thành “điểm nóng”.
- Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội còn hành chính hóa, chậm được khắc phục, đổi mới. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng bộ máy, bố trí cán bộ làm tham mưu về công tác dân vận; cán bộ trực tiếp làm công tác vận động nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa được quan tâm thỏa đáng, chưa có quan điểm, giải pháp cụ thể, còn chắp vá, dẫn đến hạn chế tính chuyên nghiệp, chưa ngang tầm với yêu cầu tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận.
Những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công tác dân vận của Đảng trong thời gian qua
Một là, luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng ta về công tác dân vận, về đại đoàn kết toàn dân tộc; không ngừng mở rộng các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp; thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Công tác dân vận là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng, là một trong những nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng.
Hai là, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích và ý nguyện chính đáng của nhân dân, “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh” - như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến địa phương có quan điểm dân vận vững vàng, tận tâm, hết lòng với công việc, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng; có phong cách gần dân, sát dân, học dân, không tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, luôn có thái độ dân chủ, tôn trọng nhân dân, gương mẫu trước nhân dân, đủ năng lực để vận động nhân dân. Đồng thời, quan tâm xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận vững mạnh, trong sạch.
Ba là, công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền có vai trò chủ yếu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có vai trò quan trọng. Do đó, cần có sự phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức trong hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động nhân dân luôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước.
Bốn là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính, quan liêu, xa dân, xa thực tế.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc của công cuộc đổi mới đất nước cũng như những kết quả đạt được trong việc đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận đã làm cho tuyệt đại bộ phận nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phần lớn nhân dân không ủng hộ đa nguyên, đa đảng, mong muốn Đảng tăng cường lãnh đạo xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, trong tình hình mới, Đảng cần sớm đề ra mục tiêu, quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận để nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong công tác dân vận. Có như vậy mới củng cố vững chắc được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo ra phong trào quần chúng rộng lớn trong xây dựng và bảo vệ đất nước, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
----------------------------------------------------
(1) Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007, “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28-1-2008, “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25-7-2008, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6-8-2008, “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9-12-2011, “Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”
(2) Chẳng hạn, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Pháp lệnh Thanh tra; Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Pháp lệnh Chống lãng phí, thực hành tiết kiệm; Pháp lệnh Cựu chiến binh; Luật Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật Công đoàn; Luật Bình đẳng giới; Luật Thanh niên; Luật Người cao tuổi; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hoạt động Chữ thập đỏ; Quyết định số 125/2003/QĐ-TTg, ngày 18-6-2003, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo; Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20-7-2004, của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn...
Bắc Ninh phải giữ được bản sắc văn hóa Kinh Bắc  (22/08/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Đảng ủy Quân khu 7  (22/08/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội chợ, Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư - Thương mại ASEAN - Trung Quốc  (22/08/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đại sứ Hàn Quốc  (22/08/2013)
Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam: Những bằng chứng lịch sử  (22/08/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay