Xây dựng thành phố Ninh Bình thành trung tâm du lịch trọng điểm ở vùng đồng bằng sông Hồng
Thời điểm tái lập tỉnh năm 1992, thành phố Ninh Bình vẫn chỉ là một thị trấn có diện tích chưa đầy 10 km2 được bao phủ phần lớn bởi đồng ruộng và kết cấu hạ tầng xập xệ, với số thu ngân sách chỉ vỏn vẹn 2,5 tỉ đồng; ngay cả khi trở thành thị xã, Ninh Bình vẫn là một đô thị nhỏ bé. Thế nhưng, 5 năm sau, số thu ngân sách của thành phố năm 2011 đã đạt ngưỡng 1.041 tỉ đồng. Con số trên là minh chứng sống động cho sức bật của một thành phố trẻ.
Tiên liệu, nắm bắt và đón đầu cơ hội phát triển, Thành ủy Ninh Bình sớm ban hành hệ thống các quyết sách mang tính “gối đầu” và kế thừa, tập trung lãnh đạo xây dựng thành phố Ninh Bình trở thành đô thị loại II, định hướng đô thị loại I, hướng tới thành phố du lịch văn minh, hiện đại.
Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao giai đoạn từ 2007 đến nay (năm 2011 đạt 20,75%), diện mạo của thành phố Ninh Bình đã có những đổi thay đáng kể, theo hướng ngày càng khang trang, hiện đại. Quy mô diện tích thành phố tăng từ 8,4 km2 lên 48,3 km2, tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa chiếm hơn 80%, có nhiều công trình lớn, hiện đại mang tầm vóc của quốc gia, một số điểm nhấn ấn tượng về trang trí đô thị. Đặc biệt, thành phố thực hiện thành công việc xóa bỏ 1.000 lò vôi, cấm đóng gạch xỉ, gạch blốc, nghiền vôi trong khu dân cư. Triển khai thực hiện có hiệu quả trên 140 dự án giải phóng mặt bằng, liên quan tới gần 20.000 hộ dân, trong đó có nhiều dự án rất phức tạp. Từ một đô thị là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường và sự chậm trễ trong phát triển, thành phố Ninh Bình đã từng bước trả lại vẻ đẹp, cảnh quan xanh cho nhiều địa danh nằm trong lòng thành phố và là biểu tượng của mình, như núi Thúy - sông Vân, hồ Máy Xay, hồ Kỳ Lân…
Chìa khóa tạo ra thành công bước đầu trong xây dựng đô thị chính là sự kiên quyết trong thực hiện và tính chủ động trong huy động nội lực (cùng với sự đầu tư của tỉnh và Trung ương), nhất là khai thác hợp lý quỹ đất, bằng đấu giá quyền sử dụng đất, tạo ra nguồn vốn gần 2.000 tỉ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Thành phố cũng đang chỉ đạo quyết liệt hoàn tất việc quy hoạch tổng thể, quy hoạch các tiểu phân khu, làm định hướng cho sự phát triển một cách khoa học, tránh hiện tượng chắp vá, vừa làm, vừa sửa, gây lãng phí, hao tổn nguồn lực. Đặc biệt, việc khai thác bước đầu lợi thế từ vị trí địa lý là nơi giao thoa, hội tụ về giao thông, kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng và đánh thức những tiềm năng du lịch, văn hóa, cũng là lực đẩy tạo sức tăng trưởng nhanh của thành phố, với nhiều chỉ tiêu quan trọng về đích sớm trước nhiều năm.
Hướng tới sự phát triển bền vững
Mặc dù có bước tăng trưởng nhanh nhưng sự phát triển của thành phố vẫn còn tiềm ẩn tính thiếu bền vững. Nguồn thu từ các ngành sản xuất của thành phố mới đủ bù đắp kinh phí chi thường xuyên. Nguồn vốn tích lũy để đầu tư, trong đó có đầu tư cho hạ tầng còn thấp. Việc đổi đất lấy hạ tầng trong giai đoạn đầu là cần thiết, hợp lý, nhưng về lâu dài chưa phải là giải pháp tối ưu bởi tài nguyên đất là hữu hạn.
Với bộn bề công việc, đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, trong khi nguồn lực của thành phố còn hạn chế, vướng mắc này chỉ có thể tháo gỡ khi hút được các nguồn vốn chảy mạnh vào thành phố từ cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng và những kế hoạch, chương trình phát triển có tầm nhìn và giàu triển vọng. Thành phố Ninh Bình nỗ lực phấn đấu theo hướng đó và thực sự phải là nơi “đất lành chim đậu” đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tất nhiên, thịnh tình mở rộng cửa đón đầu tư không có nghĩa là thu hút và đánh đổi bằng mọi giá.
Bởi vậy, phát triển công nghiệp công nghệ cao, “sạch” và công nghiệp “không khói” (du lịch), tạo nguồn thu ổn định, lâu dài, chính là ưu tiên hàng đầu và hướng phát triển bền vững chủ đạo của thành phố. Hướng phát triển này có căn cứ rất vững chắc bởi thành phố là trung tâm của tỉnh Ninh Bình, nơi có nhiều tiềm năng du lịch bậc nhất ở nước ta, là trung tâm hội tụ các điểm du lịch của tỉnh Ninh Bình và khu vực (trong vòng bán kính 15 km có các khu du lịch: Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; bán kính 30 km có nhà thờ đá Phát Diệm, đền Trần, suối nước nóng Kênh Gà, phòng tuyến Tam Điệp; bán kính 50 km có vườn quốc gia Cúc Phương, khu dự trữ sinh quyển thế giới biển Kim Sơn, thành nhà Hồ…). Vấn đề còn lại là chuyển hóa những tiềm năng đó thành nguồn lợi một cách bền vững, trong điều kiện ngành công nghiệp văn hóa - du lịch là một vấn đề còn khá mới ở nước ta, càng mới với một thành phố trẻ như Ninh Bình.
Khi trở thành thành phố cung cấp các dịch vụ lưu trú, điều hành, phân phối du lịch lớn ở vùng, thì kết cấu hạ tầng du lịch và nhân lực còn yếu, thiếu như hiện nay sẽ là một rào cản lớn. Dù thành phố có trên 100 khách sạn và nhà hàng lớn, trong đó có 18 khách sạn được xếp hạng…, song cơ bản kết cấu hạ tầng vẫn chưa tương xứng, nhất là thiếu các điểm vui chơi, giải trí tổng hợp, các dịch vụ phụ trợ mang đẳng cấp quốc tế. Thành phố đang khuyến khích kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực còn khoảng trống này, cũng như quy hoạch, xây dựng một số tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm để phục vụ khách du lịch; tạo dựng một số sản phẩm du lịch chất lượng cao mang bản sắc đặc thù địa phương… Thành phố du lịch cũng yêu cầu nếp sống của công dân đô thị dịch vụ, với những đòi hỏi khắt khe về tính chuyên nghiệp, phong cách ứng xử, phục vụ, văn hóa giao tiếp, không chỉ với nguồn nhân lực trực tiếp làm du lịch, mà ngay cả ở nếp sống, sinh hoạt của mỗi người dân, bộ máy cán bộ công quyền…
Tính hài hòa và liên kết trong phát triển
Tài sản lớn nhất đối với ngành công nghiệp văn hóa - du lịch của thành phố là các hệ sinh thái, di sản tự nhiên và nhân văn. Những tài sản này hoặc là món quà có lịch sử hàng triệu năm của tự nhiên ban tặng hoặc là hiện thân của quá trình dựng, giữ nước hào hùng trên mảnh đất cố đô hàng nghìn năm tuổi. Những di sản đó không phải là vô hạn, thậm chí vô cùng nhạy cảm trước cách ứng xử của con người. Bởi vậy, việc bảo tồn, bảo đảm hài hòa giữa khai thác và gìn giữ là điều kiện đầu tiên để phát triển bền vững ngành du lịch của thành phố.
Sự phát triển của thành phố Ninh Bình gắn bó hữu cơ trong sự phát triển chung của tỉnh Ninh Bình, với vai trò như một đầu tàu phát triển; mặt khác, cũng nằm trong mối quan hệ mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và với tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của quốc gia. Tính liên kết vùng trong tương quan tương hỗ nhau là điều kiện quan trọng tạo nên các tour, tuyến, sản phẩm du lịch có chất lượng, thương hiệu và mang lại giá trị gia tăng cao. Năm 2011, ngành du lịch Ninh Bình, trong đó có thành phố Ninh Bình, đã đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại Huế và Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư và các hãng lữ hành lớn trong và ngoài nước. Đây là kênh quảng bá hữu hiệu để du lịch của Ninh Bình bước vào giai đoạn phát triển mới cả về diện và chất. Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài vào du lịch của tỉnh Ninh Bình còn thấp, trong đó có thành phố Ninh Bình, dẫn tới những thiệt thòi về việc nâng cấp hạ tầng du lịch và học hỏi kinh nghiệm phong phú của thế giới trong khai thác du lịch. Liên kết quốc tế và xúc tiến du lịch ở tầm quốc tế sẽ là điều kiện thuận lợi để thành phố Ninh Bình phát triển, gắn với quy hoạch mở rộng thành phố đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, trở thành một thành phố du lịch theo đúng nghĩa.
Giữa những bộn bề, ngổn ngang công việc, có thể cảm nhận rõ sức trẻ của một thành phố trẻ đang vươn mình phát triển, ấp ủ bên trong những dự án nhiều kỳ vọng, với quyết tâm trở thành một điểm đến của đầu tư giá trị và du lịch hấp dẫn nơi cửa ngõ phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng./.
Việt Nam và EU chính thức khởi động đàm phán FTA  (27/06/2012)
Việt Nam và EU chính thức khởi động đàm phán FTA  (27/06/2012)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay