Về miền di sản Sơn Tây (thành phố Hà Nội)
TCCS - Thị xã Sơn Tây (thành phố Hà Nội) là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, có vị trí chiến lược về quân sự, quốc phòng, có lợi thế về giao thông và tiềm năng phát triển du lịch văn hóa. Các di sản văn hóa trên địa bàn thị xã Sơn Tây được đầu tư nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho các thế hệ trẻ và nhân dân; đồng thời tạo nên các sản phẩm văn hóa - du lịch tâm linh, văn hóa - du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của vùng đá ong xứ Đoài - Sơn Tây, góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Thị xã Sơn Tây ngày nay là đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, trong lịch sử là trung tâm của văn hóa xứ Đoài, trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội. Là đô thị hình thành từ lâu đời, vùng đất đặc thù và đậm đặc bản sắc riêng về văn hóa, với nhiều di sản văn hóa phi vật thể và vật thể (thành cổ Sơn Tây, đình, đền chùa, làng cổ Đường Lâm,…). Thị xã Sơn Tây có mật độ di tích lịch sử - văn hóa dày đặc với 244 di tích, trong đó 80 di tích đã xếp hạng, 78 di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt, di tích làng cổ ở Đường Lâm là làng cổ đầu tiên của đất nước được công nhận là di tích cấp quốc gia, lễ hội đền Và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Có 99 đạo sắc phong được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận. Rặng duối cổ ở Đường Lâm và 85 cây lim cổ thụ ở đền Và được công nhận là cây di sản Việt Nam. Với hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú cùng với tiềm năng du lịch sinh thái trên địa bàn thị xã là một nguồn lực lớn, quan trọng, nguồn tài nguyên quý giá, là tiềm năng, thế mạnh để thị xã Sơn Tây phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình phát triển đô thị, thị xã Sơn Tây đã có nhiều nỗ lực để góp phần lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa, đồng thời từng bước khai thác hiệu quả phương diện kinh tế của di sản, đóng góp tích cực vào phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn. Ngay sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”, ngày 23-3-2022 Thị ủy Sơn Tây đã tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết, đồng thời ban hành Chương trình hành động số 22-CTr/TU, ngày 31-3-2022 nhằm đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU trên địa bàn thị xã Sơn Tây. Chỉ đạo hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị.
Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây tập trung chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về di tích lịch sử văn hóa, điểm đến du lịch của thị xã tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, Cổng Thông tin điện tử thị xã, website du lịch, phối hợp với các báo, đài Trung ương, thành phố xây dựng các chương trình, phóng sự, sách, báo, tờ rơi để giới thiệu về di sản văn hóa Sơn Tây gắn với phát triển du lịch, như “Hành trình di sản”, “Về Sơn Tây - Về miền di sản”, “Xứ Đoài miền đất đá ong”; xã hội hóa xây dựng các clip chất lượng cao để giới thiệu tại các hội nghị, sự kiện chính trị, văn hóa, trên các nền tảng mạng xã hội,... nhằm quảng bá tới đông đảo người dân và du khách trong, ngoài nước về tiềm năng, thế mạnh du lịch văn hóa của thị xã; phát hành 2 cuốn sách giới thiệu về di tích Thành cổ Sơn Tây và làng cổ ở Đường Lâm; tham gia các lễ hội, triển lãm, hội nghị xúc tiến thương mại do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh và giá trị di tích, lễ hội, đặc sản làng nghề trên địa bàn, thu hút đông đảo sự quan tâm của nhà đầu tư, công ty lữ hành trong và ngoài nước.
Thành cổ Sơn Tây được hoàn thành vào đời vua Minh Mạng thứ 3 triều Nguyễn năm 1822. Tại đây, vương triều Nguyễn đã xây dựng và củng cố một phức hợp hoàn chỉnh và chặt chẽ các công trình có giá trị phòng ngự cao, bao gồm hào nước, lũy bán nguyệt, bờ đất ngoài thành, cổng thành, tường thành, kỳ đài,... với lực lượng phòng vệ đông đảo và trang bị vũ khí quy mô lớn. Không chỉ mang trong mình dấu ấn lịch sử, văn hóa của dân tộc, Thành cổ còn ấn tượng bởi vẻ đẹp cổ kính của công trình kiến trúc cổ độc đáo và tinh tế.
Thị xã Sơn Tây chú trọng đến việc xây dựng các tour, tuyến tham quan tại các di tích nổi tiếng của thị xã, như Thành cổ Sơn Tây - đền Và - làng cổ ở Đường Lâm - chùa Khai Nguyên - đền Măng - Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam - khu du lịch Đồng Mô gắn với các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng; kết nối với các khu du lịch thuộc huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất và tỉnh Vĩnh Phúc. Qua đó, thu hút lượng lớn khách du lịch đến địa bàn. Năm 2022, thị xã Sơn Tây tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ thể thao nhằm tuyên truyền quảng bá về thị xã - điểm đến di sản, như tổ chức chương trình “Happy Tết 2022” tại làng cổ ở Đường Lâm với sự tham gia của nhiều khách quốc tế đến từ các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam và Hà Nội; Lễ tưởng niệm 1.224 năm ngày mất vua Phùng Hưng; giải vật dân tộc tranh cúp Phùng Hưng; phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 200 năm xây dựng Thành cổ Sơn Tây với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài”, tổ chức gặp mặt, giao lưu với các vận động viên bơi, vận động viên thị xã đạt thành tích cao tại SEA Games 31... Đặc biệt, đây là năm đầu tiên thị xã Sơn Tây tổ chức khai mạc “Năm du lịch Sơn Tây - Xứ Đoài” và khai trương phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Đây là sự kiện văn hóa lớn trong năm thu hút sự quan tâm của truyền thông, đông đảo nhân dân và du khách. Hoạt động của tuyến phố đi bộ từng bước phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng xây dựng không gian sáng tạo, trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các huyện, thị xã xứ Đoài xưa.
Cùng với đó, thị xã Sơn Tây chỉ đạo lắp đặt hệ thống phát sóng wifi miễn phí tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn thị xã. Triển khai quét mã QR Code tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa, địa chỉ “đỏ” trên địa bàn thị xã Sơn Tây nhằm cung cấp cho du khách những thông tin đầy đủ, chi tiết về di tích, địa chỉ đang tham quan với công nghệ hình ảnh 360 độ, kết hợp với video clip, âm thanh sống động và thuyết minh bằng song ngữ Anh - Việt đáp ứng như cầu tìm hiểu cho khách du lịch trong nước và quốc tế...
Thị xã Sơn Tây được xác định là 1 trong 5 đô thị vệ tinh trong tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với chức năng: Đô thị văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, trọng tâm là khu bảo tồn Thành cổ Sơn Tây, làng cổ ở Đường Lâm và phát triển mới trung tâm phục vụ du lịch gắn với hồ Xuân Khanh, hồ Đồng Mô để góp phần thực hiện được mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, có sự gắn kết hài hòa giữa bảo tồn và phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.
Để phát huy giá trị di sản văn hóa góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô, trong thời gian tới, thị xã Sơn Tây cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tuyên truyền, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”, Chương trình hành động và Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 1-6-2021, của Ban Thường vụ Thị ủy “Về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, gắn với phát triển kinh tế du lịch thị xã giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm nâng cao ý thức của người dân về quyền và nghĩa vụ đối với các di sản văn hóa, đặc biệt là đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thị xã Sơn Tây. Đề xuất, xây dựng cơ chế hợp tác, chung tay giữa cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó chú ý đến lợi ích của cộng đồng, giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng cư dân trong toàn bộ các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ thị xã đến cơ sở; gắn với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu; xây dựng kế hoạch có lộ trình cụ thể, rõ ràng hoạt động khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương để thực hiện an toàn, hiệu quả hoạt động khai thác di sản văn hóa. Chú trọng hơn nữa yếu tố bảo tồn di sản văn hóa trong công tác quy hoạch đô thị của thị xã, tạo dựng cảnh quan phù hợp, góp phần làm tăng giá trị và tạo điểm nhấn cho các địa phương có di sản văn hóa. Tăng cường kiểm tra hiện trạng các di sản văn hóa trên địa bàn, hoàn thiện hồ sơ, các điều kiện để đề nghị nâng cấp xếp hạng di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt đối với một số di tích tiêu biểu.
Thứ ba, xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình du lịch - dịch vụ nhằm khai thác hiệu quả giá trị các di tích trên địa bàn. Ưu tiên phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch theo hướng bền vững, phục hồi, giữ gìn các giá trị truyền thống và khơi dậy tinh thần sáng tạo, tạo việc làm, đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng, nhân dân. Bố trí kinh phí và thực hiện xã hội hóa để công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá du lịch, marketing gắn với xây dựng các tour, tuyến du lịch khép kín trên địa bàn thị xã và kết nối với các vùng du lịch lân cận được thực hiện thường xuyên, với quy mô lớn hơn, chất lượng, hiệu quả cao hơn. Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác, đầu tư, thương mại du lịch do thành phố tổ chức.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thị xã Sơn Tây. Mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân làm du lịch, dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của địa phương, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, từng bước đáp ứng được nhiệm vụ. Tiếp tục chỉ đạo đổi mới giáo dục, xây dựng môi trường nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo, phát triển giáo dục sáng tạo trong nhà trường; đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây nhằm xây dựng, khuyến khích, phát triển không gian sáng tạo văn hóa cộng đồng.
Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của thị xã. Thông qua sự gắn kết giữa công nghệ số với phát triển du lịch thông minh để đưa các nội dung quảng bá giá trị di sản lên các nền tảng công nghệ, xây dựng các không gian văn hóa bằng công nghệ 3D, chiếu sáng nghệ thuật giới thiệu về các di tích, thân thế sự nghiệp của anh hùng dân tộc, lễ hội,… qua đó lan tỏa và phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch COVID-19, đưa di sản đến gần hơn với công chúng.
Thứ sáu, tiếp tục thực hiện tốt chương trình phát triển văn hóa - xã hội trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thông qua đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa.
Thứ bảy, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao nhằm quảng bá tiềm năng và phục vụ phát triển du lịch dịch vụ; phối hợp các doanh nghiệp lữ hành kết nối di tích lịch sử - văn hóa, các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian trên địa bàn với các tour, tuyến du lịch của thành phố…/.
Thành ủy Hà Nội chú trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh  (14/10/2023)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 - biểu hiện sinh động về vấn đề “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”