Hoạt động kinh tế đối ngoại của thành phố Hà Nội: Những vấn đề cần giải quyết trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế
TCCS - Là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, ngay từ rất sớm, Hà Nội đã có chủ trương hội nhập, đưa hàng hóa, dịch vụ của thành phố hướng vào thị trường khu vực cũng như thế giới và được đánh giá là một thành phố năng động, đáng sống của Việt Nam với các hoạt động kinh tế đối ngoại sôi động. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới đòi hỏi Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung phải phát huy mạnh mẽ mọi tiềm lực sẵn có, phát huy những lợi thế mới của hội nhập để đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại hơn nữa trong tương lai.
Những thành tựu đạt được
Trong thời gian qua, hoạt động kinh tế đối ngoại của Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu nhất định, thể hiện ở một số điểm chính sau:
Thứ nhất, chủ trương phát triển các hoạt động kinh tế đối ngoại của Hà Nội đã được lãnh đạo Đảng và chính quyền thành phố quán triệt từ rất sớm và những quan điểm đó được thể hiện xuyên suốt qua nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố, qua các quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố, cũng như qua công tác điều hành trong thực tế của lãnh đạo các cấp ủy và chính quyền các quận, huyện. Lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đều hết sức quan tâm đến phát triển các hoạt động kinh tế đối ngoại. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, lãnh đạo thành phố đã chủ động thực hiện các chương trình hành động hội nhập quốc tế để đưa Hà Nội hội nhập quốc tế một cách thành công, có hiệu quả vào nền kinh tế khu vực và thế giới, như các chương trình hỗ trợ hội nhập cho các doanh nghiệp, chương trình hàng hóa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn của hệ thống quản lý chất lượng quốc tế (ISO)…
Thứ hai, quán triệt đường lối, chủ trương mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại, Hà Nội luôn gắn công tác chính trị đối ngoại với hoạt động kinh tế đối ngoại trên cơ sở tạo mọi điều kiện để đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, từ việc đẩy mạnh các hoạt động kết nghĩa giữa Hà Nội với các thủ đô, thành phố lớn trên thế giới, cho đến tạo điều kiện để các doanh nghiệp tháp tùng các đoàn ngoại giao của thành phố đi tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại, đầu tư ở các nước trên thế giới để mở rộng và tăng cường quan hệ kinh tế quốc tế với các đối tác, qua đó thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Thứ ba, hoạt động thương mại quốc tế của Hà Nội phát triển mạnh giúp thành phố trở thành trung tâm thương mại quốc tế của cả nước và khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc Việt Nam, với kim ngạch xuất - nhập khẩu ngày càng gia tăng qua các năm và chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và khu vực. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thành phố Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng 7,31%(1); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Thị trường xuất - nhập khẩu được duy trì, mở rộng; kim ngạch xuất khẩu bình quân trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,52%(2). Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội vẫn tăng trưởng khá, đạt khoảng 16.780 triệu USD(3). Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Hà Nội đạt 7.164 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020(4). Tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước đã có sự tăng trưởng mạnh, lấn át doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Từ đầu năm 2020 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp nhà nước đạt 355.600 tỷ đồng, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 2.015.198 tỷ đồng, trong khi khối doanh nghiệp FDI chỉ đạt 173.494 tỷ đồng... Con số này đã cho thấy công tác cổ phần hóa, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát huy hiệu quả. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Âu (EU),… là các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ yếu của thành phố Hà Nội. Hà Nội đang từng bước đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ trên các lĩnh vực gia công phần mềm, xuất khẩu lao động… Một số mặt hàng đã có chỗ đứng và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế là đồ gỗ nội thất, may mặc, đồ nhựa, điện tử…
Thứ tư, Hà Nội cũng rất thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài kể cả trực tiếp và gián tiếp. Đến nay, thành phố vẫn là một trong hai nơi dẫn đầu cả nước về thu hút FDI về cả số lượng dự án, cũng như về quy mô vốn. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã thu hút được 3.113 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 26,5 tỷ USD, gấp 4,2 lần giai đoạn 2011 - 2015, trung bình đạt 5,3 tỷ USD/năm; vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực là 46,8 tỷ USD; vốn giải ngân khoảng 28,5 tỷ USD. Về kế hoạch đầu tư các công trình trọng điểm, đến nay, trên toàn địa bàn thành phố có 11/33 dự án hoàn thành theo mục tiêu ban đầu (tỷ lệ 33,33%); 15 dự án (12 dự án ngân sách và viện trợ phát triển chính thức - ODA, 3 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP, đang thi công xây dựng; 12 dự án (5 dự án ngân sách và ODA; 6 dự án PPP; 1 dự án xã hội hóa) đang chuẩn bị thực hiện và hoàn thiện thủ tục. Về đầu tư vốn ngoài ngân sách, trên địa bàn thành phố hiện có 2.907 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt 1,65 triệu tỷ đồng, trong đó các đơn vị đã hoàn thành 967 dự án; chấm dứt hoạt động, thu hồi 182 dự án; dự án mới có chấp thuận triển khai, chưa thực hiện thủ tục đầu tư 466 dự án; đang triển khai 1.292 dự án (378 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất; 977 dự án triển khai chậm tiến độ). Hà Nội đặt mục tiêu thu hút từ 30 - 40 tỷ USD (6 - 8 tỷ USD/năm) vốn FDI; vốn thực hiện khoảng 20 - 30 tỷ USD (4 - 6 tỷ USD/năm) trong giai đoạn 2021 - 2025 (5). Vốn FDI của Hà Nội chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo, xây dựng, kinh doanh bất động sản, dịch vụ. Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Về thu hút viện trợ phát triển chính thức (ODA). Các dự án ODA tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu, như: phát triển hạ tầng giao thông đô thị (chiếm khoảng 56%); cấp, thoát nước và xử lý nước thải (31,8%); môi trường, y tế, giáo dục, văn hóa, giáo dục văn hóa (chiếm khoảng 6%); còn lại là các lĩnh vực khác. Trong giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo, thành phố Hà Nội xác định việc huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cần tiếp cận linh hoạt theo hướng sử dụng tối đa các khoản vay ODA, kết hợp với viện trợ không hoàn lại và vay ưu đãi (6). Năm 2021, Hà Nội triển khai 9 dự án sử dụng vốn ODA, với tổng số số vốn được giao là 8.654 tỷ đồng. Ðến ngày 22-7-2021, giá trị giải ngân đạt 1.161 tỷ đồng, hoàn thành 13,42% kế hoạch (7). Tính chung hằng năm đối với Hà Nội, nguồn vốn ODA chiếm khoảng 15% tổng vốn ngân sách và chiếm khoảng 3% tổng đầu tư xã hội. Hầu hết các dự án ODA đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối quan trọng ít có khả năng sinh lời trực tiếp, nhưng các dự án ODA đã đóng góp tăng trưởng GDP của thành phố, xây dựng các khu tái định cư và các khu đô thị mới, giải quyết được nhiều việc làm và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và trong nước, đẩy mạnh sản xuất và phúc lợi xã hội, cải thiện môi trường sống.
Thứ năm, Hà Nội đã đạt được những thành tựu nhất định, tạo những điều kiện thuận lợi cho phát triển, mở rộng các hoạt động kinh tế đối ngoại trong việc tích cực, chủ động tiến hành cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, như đường xá, cầu cống, bến cảng, kho tàng, trụ sở, cơ quan, xí nghiệp, điện, nước, hệ thống thông tin, viễn thông… cho đến hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội, như giáo dục, y tế, văn hóa, nghệ thuật… Trong đó, Hà Nội chủ động xây dựng nguồn nhân lực phục vụ phát triển các hoạt động kinh tế đối ngoại, thông qua các chương trình, như chương trình đào tạo, huấn luyện “1.000” giám đốc doanh nghiệp, chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ bằng ngân sách thành phố…
Thứ sáu, Hà Nội cũng rất thành công trong việc phát triển các hoạt động dịch vụ và là trung tâm dịch vụ của cả nước cũng như khu vực, nhất là các dịch vụ có thu ngoại tệ, những hoạt động dịch vụ kinh tế đối ngoại quan trọng, như du lịch quốc tế, xuất khẩu lao động, dịch vụ vận tải quốc tế, dịch vụ tài chính quốc tế, bảo hiểm quốc tế, thông tin liên lạc quốc tế… Điều này thể hiện ở chỗ hằng năm Hà Nội đã tiếp đón hàng triệu lượt khách du lịch nước ngoài đến tham quan, nghỉ dưỡng, họp hội và Hà Nội cũng là nơi tổ chức cho khách du lịch quốc tế đến các địa phương khác trong cả nước, với đầu mối giao thông, vận tải hành khách và hàng hóa cho cả nước. Hà Nội cũng phát triển dịch vụ tài chính quốc tế với các ngân hàng trong nước và nước ngoài có uy tín trong thanh toán, cho vay… Hầu hết các công ty bảo hiểm của nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam đều có trụ sở chính ở thành phố. Hà Nội cũng là nơi hình thành sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên ở Việt Nam và hiện đang thu hút các nhà đầu tư chứng khoán quốc tế đến thị trường thành phố để đầu tư.
Những mặt hạn chế
Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong quá trình phát triển kinh tế đối ngoại, Hà Nội vẫn còn những hạn chế nhất định.
Một là, những hạn chế do điều kiện kinh tế - xã hội thành phố khiến các hoạt động kinh tế đối ngoại của thành phố tăng trưởng không ổn định, đôi lúc có dấu hiệu chững lại. Các cân đối vĩ mô trên địa bàn thành phố còn chưa vững chắc, ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng kinh tế, chẳng hạn như tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm trên địa bàn còn thấp so với tiềm năng và thấp hơn so với bình quân cả nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn thành phố còn chậm , ngành dịch vụ phát triển chưa mạnh theo yêu cầu và lợi thế của thành phố, ngành công nghiệp chủ yếu sản xuất sơ chế, gia công với quy mô nhỏ, công nghệ còn lạc hậu, còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bên ngoài, còn thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật và trình độ quản lý công nghiệp giỏi.
Hai là, nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế của các ngành, các cấp, cán bộ của thành phố và nhất là các doanh nghiệp chưa đầy đủ. Các giải pháp cũng chưa được triển khai cụ thể và đồng bộ giữa các cấp, ngành và các doanh nghiệp. Hệ thống pháp luật còn thiếu, chưa đồng bộ, đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế…
Ba là, môi trường kinh doanh và đầu tư còn nhiều bất cập, chưa thông thoáng, chưa hấp dẫn các nhà kinh doanh, đầu tư lớn trong và ngoài nước, nhất là các tập đoàn kinh doanh quốc tế. Đơn cử như: 1- Hạ tầng cơ sở kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế và dân sinh, nhất là phát triển các hoạt động kinh tế đối ngoại. Hệ thống giao thông, vận tải, thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước, xử lý chất thải các loại, kho hàng… thường xuyên biểu hiện quá tải, nhất là vào các giờ cao điểm trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt dân cư; các công trình xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật chậm triển khai, triển khai không đồng bộ…; 2- Kết cấu hạ tầng xã hội còn nhiều bất cập, các cơ sở giáo dục thiếu thốn, chương trình giáo dục và đào tạo lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, hệ thống khám chữa bệnh quá tải, chất lượng khám chữa bệnh chưa ngang tầm khu vực, chưa thể thu hút bệnh nhân ở các nước trong khu vực đến thành phố khám chữa bệnh, chưa thỏa mãn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân thành phố, nhất là cho các chuyên gia làm việc trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; sự phát triển khoa học - công nghệ của thành phố còn chậm, trình độ còn thấp, chưa phát triển thị trường khoa học - công nghệ thực sự, sản phẩm khoa học - công nghệ còn chưa được thị trường chấp nhận nhiều…; 3- Cơ chế quản lý hành chính còn nặng thủ tục, rườm rà, các văn bản chồng chéo, không nhất quán gây khó khăn cho các nhà kinh doanh, đầu tư trong nước và nước ngoài…; 4- Giá đất quá cao do quá trình đô thị hóa làm cho giá đất tăng lên, đồng thời do cơ chế quản lý đất đai bất cập nên dẫn đến đầu cơ đất đai góp phần đẩy giá đất lên cao, gây khó khăn cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào thành phố…
Bốn là, hoạt động thương mại quốc tế, như xuất - nhập khẩu, gia công xuất khẩu của thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch chậm: hàng gia công, lắp ráp và sản phẩm thô hoặc sơ chế có giá trị gia tăng thấp, vẫn chiếm tỷ trọng lớn; các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, như: hàng thủ công mỹ nghệ, cơ kim khí, thực phẩm chế biến,… chiếm tỷ trọng thấp; xuất khẩu chủ yếu qua các đối tác trung gian, số lượng doanh nghiệp và sản phẩm của Hà Nội có thương hiệu được khẳng định trên thị trường quốc tế chưa nhiều…
Năm là, FDI và ODA vào thành phố vẫn còn nhiều bất cập. Thủ tục cấp phép đầu tư vẫn còn phức tạp, thời gian xem xét phê duyệt một số dự án còn dài; sự phối hợp giữa các cơ quan chính quyền của thành phố và các bộ, ngành Trung ương hiệu quả chưa cao; việc quy hoạch, giới thiệu địa điểm xây dựng dự án đầu tư còn chậm. Ngoài ra, một số cơ chế, chính sách chưa được điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Một số dự án triển khai còn chậm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và thẩm định thiết kế kỹ thuật, đấu thầu còn kéo dài. Nguyên nhân chính là do quy trình thủ tục trong nước cũng như của các nhà tài trợ còn phức tạp và có sự khác biệt về thủ tục giữa các nhà tài trợ và phía Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung; di dân tái định cư và giải phóng mặt bằng chậm trễ; hệ thống các văn bản pháp quy về quản lý và sử dụng nguồn ODA cũng như các văn bản có liên quan khác chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ; tính chuyên nghiệp của bộ máy quản lý ODA ở các cấp của thành phố còn yếu.
Sáu là, các hoạt động dịch vụ có thu ngoại tệ khác, như du lịch quốc tế, xuất khẩu lao động, vận tải quốc tế, tài chính - tín dụng quốc tế, thông tin, liên lạc quốc tế,… vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Một số giải pháp nhằm mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại của Hà Nội trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng
Hiện nay, thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, tác động mạnh mẽ, đa chiều đến mọi mặt đời sống xã hội nói chung, hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Bối cảnh đó đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới, phức tạp hơn đối với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại của Hà Nội trong thời gian tới, đòi hỏi cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho các cơ quan, đội ngũ cán bộ liên quan đến kinh tế đối ngoại và cộng đồng doanh nghiệp về chiến lược phát triển kinh tế đối ngoại, nhất là về những diễn biến mới, thách thức mới và các cách thức ứng phó. Tập trung phổ biến về các luật liên quan đến kinh tế đối ngoại, các văn bản chỉ đạo của Nhà nước, của các sở, ban, ngành địa phương về phát triển kinh tế đối ngoại, các vấn đề về bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, định hướng phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh…
Thứ hai, chú trọng thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại theo chiều sâu, gắn chặt với lợi ích quốc gia - dân tộc, đồng thời tích cực đẩy mạnh quan hệ kinh tế với các đối tác lớn và có tiềm năng nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, thương mại trong nước, thông qua những bản ký kết ghi nhớ, chương trình, dự án hợp tác cụ thể, có ý nghĩa thiết thực về kinh tế - xã hội; tăng cường và mở rộng hợp tác với các đại sứ quán, thường vụ nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức quốc tế và phi chính phủ.
Thứ ba, đầu tư mạnh vào “nguồn vốn” con người để có được những thế hệ công dân Việt Nam giàu trí tuệ, bản lĩnh, giỏi ngoại ngữ, có kiến thức về kinh tế quốc tế, kỹ thuật đàm phán quốc tế, luật quốc tế, khoa học - công nghệ tiên tiến,… thông qua việc tiếp tục cử cán bộ đi học các lớp ngắn hạn ở cả trong nước và ngoài nước. Bên cạnh việc cải cách, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo các chuyên ngành kinh tế quốc tế cũng hết sức cần thiết.
Thứ tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và sản xuất, xuất - nhập khẩu hàng hóa.
Thứ năm, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình hoạt động kinh tế đối ngoại chung của Thủ đô, về hình ảnh một Hà Nội đang trên đà phát triển và hội nhập ra thế giới…; đưa công nghệ thông tin vào quản lý và xúc tiến các hoạt động kinh tế đối ngoại, đồng thời kiện toàn về tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại ở tất cả các cấp, các ngành, nhằm thực hiện có hiệu quả yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại kinh tế phục vụ phát triển thành phố./.
-------------------------
(1) Xem: Hồng Sơn: “Hà Nội dự kiến đạt GDP bình quân đầu người là 5.710 USD vào năm 2020”, ngày 11-10-2019, http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/947625/ha-noi-du-kien-dat-gdp-binh-quan-dau-nguoi-la-5710-usd-vao-nam-2020
(2) Xem: Quang Phú: “Đại hội Đảng bộ cơ quan Sở Công thương khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025”, Cổng giao tiếp điện tử Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 10-6-2020, https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/7320/2838189/ai-hoi-ang-bo-co-quan-so-cong-thuong-khoa-xx-nhiem-ky-2020---2025.html;jsessionid=BJ1UC5A+xzmA-4rBeSrShdDl.app2
(3) Xem: Nguyễn Hạnh: “Hà Nội phấn đấu tăng 5% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021”, Trang thông tin điện tử Công thương, ngày 8-2-2021, https://congthuong.vn/ha-noi-phan-dau-tang-5-kim-ngach-xuat-khau-hang-hoa-nam-2021-152212.html
(4), (5) Xem: Nguyễn Thắng: “Hà Nội đặt mục tiêu mỗi năm thu hút từ 6 đến 8 tỷ USD vốn FDI”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 19-4-2021, https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-dat-muc-tieu-moi-nam-thu-hut-tu-6-den-8-ty-usd-von-fdi/706708.vnp
(6) Xem: Quang Lộc: “Hà Nội thu hút hơn 5 tỷ USD vốn ODA trong 5 tháng đầu năm 2017”, Trang thông tin điện tử Công thương, ngày 26-6-2017, https://congthuong.vn/ha-noi-thu-hut-hon-5-ty-usd-von-oda-trong-5-thang-dau-nam-2017-89066.html
(7) Hương Toản - Dũng Thọ Liêm: “Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 29-7-2021, https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/no-luc-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-von-oda-657288/
Một số giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển  (15/10/2022)
Để tháo gỡ khó khăn trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản ở Hà Nội  (14/10/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển