Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nỗ lực cho những bước phát triển mới
TCCS - Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là một tập đoàn công nghiệp quốc gia của Việt Nam, với lĩnh vực chính là khai thác than đá và khoáng sản. Tập đoàn được thành lập năm 2005, trên cơ sở Tổng Công ty Than Việt Nam và Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam. Năm 2021, dịch COVID-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, tuy nhiên, nhờ triển khai linh hoạt các giải pháp vừa bảo đảm phòng chống dịch vừa sản xuất, kinh doanh giúp TKV duy trì ổn định và có tăng trưởng cao. Qua đó, đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng 2 con số của tỉnh Quảng Ninh và là bước chạy đà bứt phá giúp Tập đoàn tiếp tục ổn định sản xuất cho năm 2022.
Chinh phục công nghệ hiện đại
Với một ngành có số lượng lao động khá đông, trong bối cảnh khó khăn bủa vây, những nỗ lực vượt khó, đoàn kết với truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" đã trở thành sức mạnh tinh thần lan tỏa đến từng công ty, đơn vị trực thuộc và đến mỗi người lao động của TKV, tạo nên quyết tâm chung tay cùng Tập đoàn thực hiện hoàn thành tốt các mục tiêu cũng như phòng chống dịch.
Đại diện Công ty Cổ phần Than Mông Dương cho biết, trong năm 2021, những khó khăn, thách thức của dịch bệnh COVID-19 và thiên tai đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều hành sản xuất của Công ty Cổ phần than Mông Dương. Song, với các giải pháp đồng bộ, sự chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của tập thể công nhân lao động công ty Than Mông Dương đã thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Theo đó, năm nay là năm thành công với Than Mông Dương trong việc đổi mới, áp dụng công nghệ cơ giới hóa - tự động hóa - tin học hóa trong quản lý và tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành. Nhiều công trình, hạng mục quan trọng đã được thực hiện đúng tiến độ, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất góp phần quan trọng thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 như: Lò chợ cơ giới hóa phân xưởng Khai thác 5 vượt công suất thiết kế 320.000/300.000 tấn/năm. Đồng thời, lắp đặt và đưa lò chợ giá khung xích ZH1800 vào sản xuất ổn định tại phân xưởng Khai thác 7; hoàn thiện và đưa vào sản xuất ổn định dây chuyền nâng cao năng lực vận tải mỏ mức +20/-115 khu Trung tâm cùng nhiều công trình trọng điểm khác.
Năm nay, công ty đã vượt qua khó khăn và hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Cụ thể, tính đến thời điểm ngày 18-12-2021, sản lượng than của công ty đã đạt 1.561.536 tấn theo kế hoạch năm, vượt 101%; trong đó, sản lượng than khai thác hầm lò đạt 1.511.398 tấn. Sản lượng than tiêu thụ đạt 1.554.598 tấn, đạt 101% kế hoạch.
Công ty Than Hạ Long là một trong những đơn vị được Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đánh giá hoàn thành tốt mục tiêu kép. Năm 2021, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giao Công ty khai thác 1,85 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ hơn 1,6 triệu tấn. Thực hiện kế hoạch này, từ đầu năm 2021 đến nay, công ty đã kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trong đó luôn quan tâm duy trì các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất. Từ cấp công ty đến các phân xưởng, phòng ban đều chủ động xây dựng những phương án thích ứng an toàn với dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, công ty đã yêu cầu 100% người lao động thường xuyên cập nhật khai báo y tế đầy đủ và rà soát truy vết, cách ly kịp thời các trường hợp liên quan. Đến nay, công ty đã tổ chức tiêm vắc xin phòng dịch cho tất cả cán bộ công nhân viên và người lao động đủ điều kiện, bảo đảm an toàn sức khỏe. Tính đến thời điểm này, Công ty Than Hạ Long chưa ghi nhận trường hợp F0 nào; giữ an toàn sức khỏe cho người lao động.
Trong quá trình sản xuất, từng tháng, quý, công ty đã bám sát kế hoạch điều hành sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn để từ đó bố trí nhân lực, máy móc sản xuất phù hợp. Nhờ đó, năm 2021, sản lượng khai thác than của đơn vị ổn định, ước đạt trên 1,8 triệu tấn than nguyên khai; than tiêu thụ đạt trên 1,8 triệu tấn, thu nhập bình quân của người lao động đạt 16,3 triệu đồng/người/tháng.
Thực hiện thành công "mục tiêu kép"
Theo đánh giá chung, trong quý II và III/2021, có những tháng tình hình sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam bị chững lại do nhu cầu tiêu thụ than trên thị trường giảm mạnh, tuy nhiên bước vào quý IV, các đơn vị TKV đã tăng tốc, bứt phá hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm. Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 128,6 nghìn tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch; sản xuất 39 triệu tấn than, đạt 101% kế hoạch; 40,27 triệu tấn than thành phẩm, đạt 105% kế hoạch; tiêu thụ 44,02 triệu tấn than, đạt 105% kế hoạch.
Đặc biệt ghi dấu ấn trong năm qua, đó là Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam vẫn duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 80.000 công nhân, trong đó tiền lương bình quân 13 triệu đồng/người/tháng; khối sản xuất than 14 triệu đồng/người/tháng. Tập đoàn nộp ngân sách nhà nước ước đạt 18,45 nghìn tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch. Hiện, các đơn vị Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đang tiếp tục tập trung công tác an toàn, môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên, ranh giới mỏ; thực hiện thích ứng linh hoạt, chủ động kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cho công tác điều hành sản xuất năm 2022, bảo đảm hoàn thành kế hoạch tháng, quý, năm.
Nhìn lại một năm khó khăn với ngành than, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam Đặng Thanh Hải bày tỏ, năm 2021 mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trên khắp các mặt như: thiếu hụt lao động, gián đoạn cung ứng nguyên vật liệu nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm khó khăn…, tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn được duy trì ổn định và có tăng trưởng cao. Để hoàn thành mục tiêu kép, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Đặng Thanh Hải chia sẻ các đơn vị của tập đoàn đều bám sát nhu cầu tiêu thụ than của thị trường để điều hành sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Năm 2021, dịch COVID-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, tuy nhiên càng khó khăn các đơn vị đều nỗ lực vượt khó. Từng công ty, đơn vị trực thuộc và đến mỗi người lao động của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đều quyết tâm chung tay cùng tập đoàn hoàn thành tốt các mục tiêu sản xuất kinh doanh cũng như phòng, chống dịch. Từ đó, Tập đoàn luôn giữ vững được nhịp độ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, việc làm, thu nhập của người lao động ổn định. Cùng với đó, trong năm qua tỉnh Quảng Ninh đã có chính sách phòng, chống dịch COVID-19 hết sức hiệu quả, kịp thời, linh hoạt, sát với thực tiễn. Đây là “chìa khóa” giúp Tập đoàn vượt qua khó khăn, đạt được kết quả sản xuất, kinh doanh khá ấn tượng.
Về kế hoạch, nhiệm vụ năm 2022, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất than theo kế hoạch pháp lệnh 39,1 triệu tấn và theo kế hoạch điều hành là 41 triệu tấn; tiêu thụ từ 43-45 triệu tấn than; sản xuất điện 10 tỷ Kwh. Tổng doanh thu từ 135-138 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước từ 19,5-20,3 nghìn tỷ đồng, trong đó nộp ngân sách nhà nước từ 19,5-20,3 nghìn tỷ đồng; riêng tại Quảng Ninh từ 15,2 nghìn tỷ đồng đến 16 nghìn tỷ đồng.
Bước sang năm 2022, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nhận định tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, do vậy, Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp phòng chống dịch; tiếp tục ưu tiên hàng đầu tiêm vắc xin mũi 3 phòng ngừa COVID-19 cho toàn công nhân, đồng thời khai thác cơ hội thị trường để tăng tối đa sản lượng than sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu và nhập khẩu. Song song với đó, Tập đoàn sẽ nhân rộng hiệu quả mô hình “3 hóa” trong sản xuất (Cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa) tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và cải thiện điều kiện cho người lao động...
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đánh giá, năm 2021, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh, góp phần cùng tỉnh thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Từ đó, đóng góp lớn ngân sách cho tỉnh, chiếm 40% ngân sách thu nội địa trong khi các ngành du lịch, dịch vụ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Sang năm 2022, tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để ngành than tăng các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong quy hoạch phát triển ngành than bền vững gắn với bảo vệ môi trường; khai thác tối đa cơ hội thị trường để tăng tối đa sản lượng than sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu và nhập khẩu; trong đó phấn đấu sản xuất than sạch năm 2022 đạt khoảng 48 triệu tấn để cùng tỉnh thực hiện mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội./.
Tỉnh Quảng Ninh: Nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược  (17/12/2021)
Huyện Ba Chẽ phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới  (17/12/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển