Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong những năm đổi mới
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Hiến pháp năm 2013
Về bản chất, đó là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân (Điều 2, Hiến pháp năm 2013). Từ bản chất đó, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có các đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (Điều 2, Hiến pháp năm 2013).
Đặc điểm này yêu cầu xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền.
Thứ hai, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp quy định những điều luật nền tảng cho toàn bộ nền luật pháp của chế độ xã hội; và những điều luật này vừa được thực hiện một cách trực tiếp, vừa có thể được cụ thể hóa thành bộ luật hoặc luật để thực hiện tùy theo sự đòi hỏi của thực tế xã hội. Cần nhấn mạnh rằng, nếu Hiến pháp không được thực hiện trực tiếp trong xã hội, và nếu Hiến pháp không được liên thông với các bộ luật và luật của đất nước thì nền tảng pháp luật của đất nước sẽ bị hạn chế căn bản.
Hiến pháp quy định cấu trúc (khuôn mẫu) cho nền pháp luật của chế độ xã hội. Với vị trí, vai trò như vậy của Hiến pháp, nên quyền lập hiến phải trực tiếp thuộc về toàn thể nhân dân, để thể hiện một cách căn bản tư tưởng “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Chỉ với tính chất như vậy, Hiến pháp mới giữ vị trí tối cao trong hệ thống pháp luật.
Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân (Điều 8, Hiến pháp năm 2013). Và mọi chủ thể trong xã hội (Nhà nước, các tổ chức chính trị và xã hội, tập thể và cả nhân) đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
Thứ ba, sự bình đẳng của mọi người (hay không phân biệt đối xử) trong thụ hưởng và phát triển quyền, trước tiên và chủ yếu trong việc tham gia vào công tác quản lý nhà nước và xã hội.
Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước và các tập thể, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật. Tức là nhà nước pháp quyền phải xác lập được thể chế bảo đảm cho mọi chủ thể như nhà nước, tập thể và cá nhân không (và không thể) đòi hỏi cái ở ngoài hoặc ở trên những điều được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Các thể chế, nhất là thể chế hành pháp, tồn tại, hoạt động không rời rạc, mà là một thể thống nhất, chế ước lẫn nhau. Bởi vì, tính hiệu lực, hiệu quả của mỗi thể chế chỉ có được khi thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện và thúc đẩy tính hiệu lực, hiệu quả của thể chế liền sát bên trên và bên dưới cũng như tất cả các thể chế khác. Trong điều kiện, môi trường thể chế như vậy, chỉ tòa án mới có quyền phán xử việc tuân thủ pháp luật. Việc thực hiện pháp luật được bảo đảm bằng một hệ thống tòa án độc lập. Hệ thống tòa án độc lập đảm bảo cho công dân có đủ khả năng và điều kiện chống lại sự tùy tiện của nhà nước; và từ đó, hình thành, phát triển một cơ chế chặt chẽ để kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp của pháp luật và các hoạt động, kể cả hành vi, của bộ máy lập pháp và hành pháp, ở cả 3 khía cạnh: tổ chức; văn bản pháp luật (Hiến pháp, pháp luật, văn bản quản lý hành chính các cấp); đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ tư, sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Điều 4, Hiến pháp năm 2013 chế định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Thứ năm, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân. Quyền và nghĩa vụ của tất cả mọi người, mọi công dân và của mỗi người, mỗi công dân, được pháp luật và các chủ thể trong xã hội, đặc biệt Nhà nước, thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện và thúc đẩy.
Thực trạng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong những năm đổi mới
Phát huy dân chủ, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
Trong những năm đổi mới, việc phát huy dân chủ, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đã đạt được những kết quả nhất định, cụ thể: (1) Quyền lực nhà nước đã được xác lập, thực hiện trên cơ sở ý chí của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Nhà nước tôn trọng những quyết định của nhân dân, sự lựa chọn chính trị của nhân dân trong các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tiếp thu ý kiến của nhân dân trong các đợt lấy ý kiến của nhân dân đóng góp vào xây dựng Hiến pháp, pháp luật. (2) Các cơ quan nhà nước đã xây dựng nhiều cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền giám sát của mình đối với hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước. Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc - tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi của nhân dân, đã được ban hành và đang triển khai thực hiện. (3) Các hình thức dân chủ trực tiếp, quyền làm chủ thông qua các cơ quan đại diện cũng được thực hiện một cách thực chất và hiệu quả hơn. Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực quyền hơn, ngày càng thể hiện là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thực hiện quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước khác. (4) Cùng với việc mở rộng dân chủ, Nhà nước ta đã kiên quyết đấu tranh chống lại tình trạng dân chủ cực đoan, vô chính phủ, lợi dụng dân chủ để kích động, gây rối, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy dân chủ, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân cũng còn những hạn chế không nhỏ: (1) Việc thực hiện các hình thức dân chủ còn nhiều hạn chế, nhất là trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. (2) Trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội, còn có tình trạng vừa thiếu dân chủ vừa thiếu kỷ cương. Quyền làm chủ của nhân dân chưa được tôn trọng và phát huy đầy đủ; còn hiện tượng mất dân chủ, dân chủ mang tính hình thức.
Về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là một nội dung cơ bản của xây dựng nhà nước pháp quyền và trong lĩnh vực này, Việt Nam đã triển khai tích cực, đạt được kết quả khả quan. Cụ thể: (1) Hệ thống pháp luật được hoàn thiện cả về nội dung và hình thức, cả về số lượng và chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. (2) Việc ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần tác động tích cực đến sự phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ kịp thời yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới của đất nước.
Tuy vậy, những hạn chế vẫn đang nổi lên là: (1) Hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, chất lượng chưa cao, chưa ổn định; tính toàn diện, thống nhất, khả thi còn nhiều hạn chế; chưa bảo đảm tính công khai, minh bạch; cơ chế xây dựng, sửa đổi bổ sung pháp luật vẫn còn một số bất cập. (2) Các thiết chế bảo đảm thi hành pháp luật còn thiếu và yếu; năng lực phân tích chính sách, đánh giá tác động của văn bản pháp luật tới đời sống xã hội, xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật của các cơ quan, cán bộ, công chức còn yếu; ý thức pháp luật chưa cao, việc thi hành pháp luật chưa nghiêm.
Về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước
Trong những năm đổi mới, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước đã đạt được những kết quả chủ yếu sau: (1) Các quy định của Hiến pháp và pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước đã có những điều chỉnh để làm rõ hơn, minh bạch hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan. Quốc hội được xác định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Chính phủ không chỉ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của Quốc hội mà còn là cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Bên cạnh đó, những hạn chế chủ yếu là: (1) Một số nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa được nhận thức đầy đủ, sâu sắc, chưa làm rõ nội hàm của nguyên tắc dẫn đến vẫn còn sự lúng túng trong tổ chức và thực hiện. (2) Tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước vẫn còn một số điểm bất cập, hạn chế. Ví dụ, số lượng các Ủy ban của Quốc hội còn ít, chưa đủ để bảo đảm tính chuyên môn hóa trong hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát; còn sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa một số bộ, cơ quan ngang bộ… (3) Cải cách hành chính, cải cách tư pháp còn chậm. Trong cải cách hành chính chưa đảm bảo đồng bộ giữa cải cách thể chế, bộ máy hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức và chế độ tài chính công. (4) Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước chưa cao; tính chủ động, năng động, trách nhiệm của địa phương chưa được phát huy đầy đủ. (5) Thiếu thiết chế chuyên trách bảo vệ Hiến pháp, chưa có cơ chế phán quyết về vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Quy định và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân
Những kết quả đạt được ở nội dung này của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thể hiện trên các khía cạnh: (1) Hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người đã được hoàn thiện một bước; được triển khai đồng bộ và xuyên suốt trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và các chính sách, cơ chế nhằm triển khai thực hiện pháp luật trên thực tế. Nhà nước sử dụng Hiến pháp như là một trong những công cụ quan trọng hàng đầu để bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. (2) Tăng cường và mở rộng chương trình giáo dục, đào tạo về quyền con người cho cán bộ của các cơ quan nhà nước. Các nội dung giáo dục về quyền con người đã và đang từng bước được đưa vào chương trình ở các trường phổ thông, lồng ghép vào một số môn học chuyên sâu trong các trường đại học có đào tạo chuyên ngành luật. (3) Đã thực thi có hiệu quả hơn các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người. Về cơ bản, Việt Nam hoàn thành tốt nghĩa vụ báo cáo đối với các công ước mà Việt Nam là thành viên; tiến hành rà soát các quy định của luật pháp quốc gia về các quyền dân sự, chính trị. (4) Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên thực tế. Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam đã được bảo đảm ngày càng tốt hơn nhờ sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung.
Những hạn chế chủ yếu của nội dung này biểu hiện ở 2 điểm: (1) Hệ thống pháp luật về quyền con người ở Việt Nam chưa đồng bộ, một số lĩnh vực chưa theo kịp với sự thay đổi của cuộc sống, chậm được sửa đổi, bổ sung. (2) Năng lực xây dựng thể chế, quản lý, điều hành, tổ chức thực thi pháp luật và việc tuyên truyền pháp luật về quyền con người đến các ngành, các cấp, các địa phương vẫn còn hạn chế, khiến cho việc triển khai còn khó khăn, bất cập.
Về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Vai trò lãnh đạo của của Đảng đối với nhà nước là vấn đề rất cơ bản bảo đảm chính quyền của nhân dân. Trong những năm đổi mới vừa qua, Đảng đã đề ra những quan điểm, phương hướng, nội dung cơ bản nhằm xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đề ra định hướng chính trị đúng đắn cho hoạt động của Nhà nước; lãnh đạo hoạt động bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp bảo đảm thật sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc lựa chọn các đại biểu xứng đáng vào các cơ quan này./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 08 đến ngày 14-8-2016  (15/08/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 08 đến ngày 14-8-2016  (15/08/2016)
Báo cáo tình hình Biển Đông, Formosa với cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu  (14/08/2016)
Giới thiệu món ăn Việt Nam truyền thống tại Lễ hội Ẩm thực ASEAN  (14/08/2016)
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
- Quản trị di sản bền vững để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân, Thủ tướng Singapore
- Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
- Bảo đảm an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển