Bảo đảm công lý trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Nội hàm của công lý không phải lúc nào cũng trùng khít với luật pháp. Công lý cung cấp những tiêu chí cơ bản để đánh giá, thẩm định các đạo luật trên thực tiễn. Một đạo luật công bằng là một đạo luật dựa trên và không đối lập với các giá trị công lý. Trong khi thể hiện ý chí của nhà nước, luật pháp phải phản ánh nhu cầu, lợi ích của đại đa số thành viên xã hội, và phải chuyển tải đầy đủ những giá trị tiến bộ cho quyền là người - làm người của mọi người. Quá trình áp dụng pháp luật cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ công lý. Một đạo luật được coi là có tính công bằng nếu nó được áp dụng một cách công khai, minh bạch, không thiên vị và nhất quán. Bất công sẽ xảy ra nếu trong áp dụng pháp luật, những trường hợp tương tự như nhau không được xử lý bằng một cách thức như nhau.
Ở Việt Nam, những tư tưởng, khát vọng về một nền công lý đích thực đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá từ năm 1925 trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (Chương VIII - Công lý). Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó yêu cầu phải “xây dựng nền tư pháp vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý,…”; và “các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của người dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người”. Hiến pháp 2013, Điều 102 Khoản 3 quy định: “Toà án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Những quan điểm trên và sự chế định của Hiến pháp năm 2013 là phương châm chủ đạo cho việc bảo đảm công lý trong điều kiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Khái niệm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta lần đầu tiên được Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII Đỗ Mười nêu ra tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VII, ngày 29-11-1991. Hiện nay, tuy còn những ý kiến khác nhau nhưng về cơ bản, nội dung của khái niệm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có thể được tóm lược như sau:
- Nhân dân là người làm chủ; thượng tôn Hiến pháp, pháp luật và tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người;
- Quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước, để thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp;
- Nhà nước quản lý đất nước và xã hội theo pháp luật, trong đó Hiến pháp và pháp luật là kết quả của sự thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương và chính sách của Đảng;
- Thẩm quyền của Chính phủ được xác định trên cơ sở phân định những loại việc Chính phủ chủ động quyết định với những loại việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư trực tiếp quyết định hoặc cho ý kiến định hướng. Cũng tương tự như vậy, thẩm quyền của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định những loại việc do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân chủ động quyết định với những loại việc ban chấp hành và ban thường vụ đảng bộ quyết định hoặc cho ý kiến để Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thực hiện.
- Hoạt động tư pháp ở các cơ quan tư pháp phải căn cứ quy định của pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hiện nay, trong quá trình tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nhằm bảo đảm công lý, đã có những biểu hiện vi phạm công lý ở cả khía cạnh thể chế pháp quyền cũng như trong công tác bảo vệ công lý cho người dân trên thực tế. Ví dụ:
- Hành động hoặc không hành động vi phạm quy định của Hiến pháp, gây thiệt hại cho xã hội, xâm phạm tới các quan hệ xã hội đã được Hiến pháp bảo vệ. Chủ thể thực hiện hành vi vi phạm Hiến pháp có thể là cơ quan, cá nhân có quyền lực từ Hiến pháp.
- Hành vi vi phạm Hiến pháp xâm phạm tới trật tự do Hiến pháp xác lập, như trong hoạt động lập pháp, ban hành luật không phù hợp với quy định của Hiến pháp; trong hoạt động hành pháp là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp hoặc thực hiện các hành vi vi hiến; trong hoạt động tư pháp, việc thực thi pháp luật và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện không đúng với quy định của Hiến pháp.
- Công tác bảo vệ công lý cho quyền là người và quyền làm người của người dân được thể hiện tập trung trong tư pháp xét xử và ở lĩnh vực này hiện đang tồn đọng nhiều vấn đề gây bức xúc trong xã hội, như tình trạng oan, sai trong điều tra, bắt, giam giữ, truy tố và xét xử,... Các giá trị cao cả của lẽ phải, lương tâm, sự vị tha, lòng trắc ẩn và các giá trị tiến bộ xã hội khác vẫn là những vấn đề cần phải bàn cãi trong việc hình thành các chuẩn mực để soi rọi các bản án, quyết định của cơ quan tư pháp.
Từ những hạn chế, bất cập trên đây, và trước yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, công lý không chỉ là một giá trị tiến bộ xã hội được xã hội thừa nhận và hướng tới mà đã trở thành một yêu cầu, mục đích tự thân của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Định hướng bảo vệ công lý đã trở thành một nội dung xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước nói chung và trong việc triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 nói riêng.
Do đó, cần phải đổi mới cách nghĩ, cách làm để xác lập vững chắc thể chế pháp quyền trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ở đây, trước tiên, phải nhận thức rằng pháp luật không đơn thuần là sản phẩm “độc quyền” của nhà nước mà là sản phẩm của xã hội. Nguyên tắc “Nhà nước và nhân dân cùng làm” của Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện một bước chuyển biến quan trọng trong quá trình tiếp tục xây dựng, hoàn thiện công tác xây dựng Hiến pháp và pháp luật ở nước ta, nhằm bảo đảm để pháp luật thể hiện sự hài hòa giữa ý chí của Nhà nước và ý nguyện của đại đa số người dân. Thông qua đó, xác lập trên thực tế thể chế pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta; trong đó Nhà nước được xem là một pháp nhân bình đẳng như các pháp nhân khác trong xã hội. Chỉ như vậy, những giá trị của công lý mới hiện thân ngày càng đầy đủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Định hướng này đòi hỏi phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nhất là cải cách công tác xây dựng pháp luật để có hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch.
Tiếp đó, những giá trị của công lý cần được thẩm thấu trong các chính sách bảo đảm công bằng xã hội, công bằng trong phân phối thu nhập, cơ hội phát triển và điều kiện thực hiện cơ hội phát triển, nhằm thoả mãn một cách hợp lý những nhu cầu của các tầng lớp xã hội, các nhóm xã hội, các cá nhân, xuất phát từ khả năng hiện thực của những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định.
Đồng thời, cần phải tiếp tục xem xét lại việc xây dựng cơ chế bảo hiến phù hợp với bối cảnh chính trị - xã hội ở nước, để kiểm soát, giám sát quyền lực nhà nước, nhất là hạn chế những văn bản và quyết định vi phạm các quyền hiến định của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; từ đó xác lập một cách bền vững thể chế pháp quyền với tính cách là rường cột của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên thực tế. Và, cần xúc tiến thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia để người dân có thiết chế tương đối độc lập trong việc bảo vệ quyền con người, nhất là trong điều kiện hoạt động của hệ thống tư pháp ở nước ta chưa thực sự hiệu quả.
Cuối cùng, trong cả lý luận và thực tiễn, những quyền cơ bản của cá nhân có thể bị vô hiệu hoá, bị từ chối thực thi hay thực thi không đầy đủ do các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ chế tố tụng không đáp ứng được đầy đủ và kịp thời yêu cầu phát triển của xã hội. Các cơ quan tiến hành tố tụng và các thủ tục tố tụng, do đó cần được tiếp tục đổi mới và hoàn thiện trên thực tế, nhằm giúp các tổ chức, cá nhân tìm kiếm, tiếp cận công lý./.
Chống “chảy máu chất xám”, chống “lãng phí” nguồn trí tuệ Việt Nam  (03/12/2015)
Chống “chảy máu chất xám”, chống “lãng phí” nguồn trí tuệ Việt Nam  (03/12/2015)
Kỷ niệm 55 năm thành lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cuba  (02/12/2015)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ và EU  (02/12/2015)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ  (02/12/2015)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay