Phát triển du lịch biển tại vùng ven biển ở Việt Nam hiện nay
TCCS - Du lịch có vai trò quan trọng, là một trong những động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch biển, do đó, cần có những giải pháp đồng bộ phát triển du lịch biển trở thành ngành kinh tế biển quan trọng của các tỉnh, thành phố ven biển.
Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260km dọc theo chiều dài đất nước, trung bình 100km2 đất liền có 1km đường bờ biển và 1km2 đất liền có 4km2 vùng lãnh hải(1). 28 tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam có diện tích chiếm 41,3% tổng diện tích cả nước, là nơi tập trung 49,2% tổng dân số, với mật độ dân số cao hơn mức trung bình cả nước(2). Đây cũng là khu vực có nhiều đô thị lớn, tập trung đông dân cư, có tài nguyên thiên nhiên phong phú và tài nguyên văn hóa đa dạng.
Du lịch biển là ngành quan trọng trong tổng thể nền kinh tế biển của Việt Nam, không chỉ đóng góp lớn vào GDP quốc gia, còn tạo việc làm cho một lượng lớn lao động, bao gồm cả lao động chuyên nghiệp trong ngành du lịch và lao động xã hội gián tiếp. Trước khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, ngành du lịch của Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch biển có vai trò chủ lực. Du lịch là một loại hình sinh kế quan trọng, góp phần đa dạng hóa và nâng cao thu nhập của người dân ven biển.
Nhận thức được lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội dựa trên các nguồn lực biển, đảo, Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9-2-2007, của Hội nghị Trung ương 4 khóa X, “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”… đều khẳng định định hướng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về kinh tế biển, giàu từ biến, lấy kinh tế biển làm động lực thúc đẩy kinh tế cả nước, thúc đẩy các vùng khác phát triển; bảo đảm phát triển bền vững, kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh…
Những kết quả đạt được
Các tỉnh, thành phố ven biển đã và đang khai thác khá hiệu quả những nguồn tài nguyên và lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử và các giá trị văn hóa phong phú, đặc sắc và đa dạng để phục vụ các hoạt động phát triển du lịch biển biển. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2019, vùng ven biển của Việt Nam có 323 điểm du lịch, chiếm 61,5% số điểm du lịch của cả nước. Nhiều điểm đến du lịch ở vùng ven biển đã trở nên nổi tiếng thế giới, như vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà, Phong Nha - Kẻ Bàng, vịnh Xuân Đài...
Trong thời gian qua, tình hình kinh doanh dịch vụ du lịch tại các địa phương ven biển của Việt Nam khá sôi động. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2021, 28 tỉnh, thành phố ven biển có 1.291 doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế có giấy phép đăng ký kinh doanh, chiếm 53,6% tổng số doanh nghiệp lữ hành có giấy phép đăng ký kinh doanh của cả nước; số cơ sở lưu trú ven biển có 7.703 cơ sở, chiếm 66,7% tổng số cơ sở lưu trú của cả nước(3). Các loại hình cơ sở lưu trú rất đa dạng, như khách sạn, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ, nhà có phòng cho thuê, bãi cắm trại du lịch, biệt thự du lịch... được xếp hạng từ đạt chuẩn phục vụ du khách cho đến 5 sao. Cùng với đó, các sản phẩm du lịch của những địa phương ven biển tương đối đa dạng, mang tính đặc thù, như du lịch tham quan kết hợp du lịch sinh thái ở khu vực ven biển phía Bắc; du lịch sinh thái, du lịch tham quan kết hợp du lịch nghỉ dưỡng và thể thao biển ở khu vực ven biển phía Nam… Qua đó, du lịch biển đã thu hút được một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến từ các thị trường lớn, như ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-lia, Mỹ, Ca-na-đa và châu Âu..., mang lại nguồn thu lớn cho các địa phương. Điển hình như năm 2019 (trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ), Thành phố Hồ Chí Minh đón 41,3 triệu lượt du khách, doanh thu đạt 26.689,7 tỷ đồng; tỉnh Quảng Ninh đón 14 triệu lượt du khách, doanh thu đạt 861,6 tỷ đồng; tỉnh Thanh Hóa đón 9,7 triệu lượt du khách, doanh thu đạt 121,4 tỷ đồng; thành phố Hải Phòng đón 9,1 triệu lượt du khách, doanh thu đạt 255,3 tỷ đồng; thành phố Đà Nẵng đón 8,7 triệu lượt du khách, doanh thu đạt 2.138 tỷ đồng...(4).
Doanh thu du lịch lữ hành của 28 tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam tăng từ 21,9 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên 32,9 nghìn tỷ đồng năm 2019, lần lượt chiếm 71,8% và 74,4% tổng doanh thu du lịch của cả nước. Trong đó, các địa phương có doanh thu du lịch lữ hành cao nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Quảng Nam(5).
Phát triển du lịch biển cũng tạo điều kiện cho việc nâng cao trình độ nhân lực trong ngành, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động việc làm cho người dân ven biển. Bên cạnh lực lượng lao động du lịch chuyên nghiệp, số lao động phổ thông phục vụ du lịch, du khách tại vùng ven biển cũng khá đông đảo, chủ yếu là người dân địa phương cung cấp hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách, như dịch vụ lưu trú, ăn uống, điểm nghỉ ngơi, vận chuyển du khách, bán đồ lưu niệm,...
Du lịch cũng tạo điều kiện phát triển kết cấu hạ tầng tại các địa phương ven biển. Nhờ được đầu tư và xây dựng mạnh mẽ, đặc biệt là ở những địa phương chưa phát triển, đã góp phần tạo điều kiện tốt hơn cho người dân sinh sống trong khu vực.
Một số khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những thành công, phát triển du lịch biển cũng gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định. Số lượng cơ sở lưu trú còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu du khách, nhất là trong mùa du lịch cao điểm. Các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí tổng hợp chưa nhiều, nhất là thiếu các sản phẩm vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các công trình văn hóa, như bảo tàng, di tích lịch sử…, chưa được khai thác hiệu quả để làm gia tăng giá trị các sản phẩm và loại hình du lịch.
Chợ đêm được đánh giá là mô hình kinh tế ban đêm hiệu quả đối với du lịch, đóng góp lớn cho kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập của người dân qua việc làm tăng chi tiêu của du khách, đồng thời làm đa dạng hóa các hoạt động vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, chỉ trừ số ít mô hình thành công như chợ đêm Phú Quốc, một số điểm du lịch ở Nha Trang, Đà Nẵng, Huế..., hầu hết các điểm du lịch khác đều chưa hình thành được khu chợ đêm, phố ẩm thực theo đúng nghĩa; nếu có, thì cũng chưa thực sự hấp dẫn được du khách, các sản phẩm còn chưa đa dạng, chất lượng còn hạn chế, chưa mang bản sắc địa phương.
Mặc dù đã được ưu tiên phát triển nhưng hạ tầng giao thông đường bộ ven biển nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cho phát triển du lịch cũng như hoạt động của người dân địa phương. Số lượng cảng tàu khách du lịch còn khiêm tốn. Cho đến nay, mới chỉ có cảng du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là cảng Tuần Châu (Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Hệ thống sân bay chưa đa dạng để đáp ứng được nhu cầu du lịch bằng đường hàng không. Phương tiện vận chuyển giao thông đường sắt chậm thay đổi, chưa theo kịp yêu cầu phát triển du lịch. Dịch vụ trên các tuyến tàu hỏa còn nghèo nàn làm hạn chế sự lựa chọn của du khách.
Công tác bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch vùng ven biển chưa được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh tác động trực tiếp đến du lịch biển, hệ thống di sản và tài nguyên ven biển phục vụ du lịch trở thành đối tượng bị ảnh hưởng và xuống cấp, đặt ra thách thức khôi phục và bảo tồn đối với các tài nguyên du lịch. Bên cạnh đó, việc phối hợp liên ngành, liên vùng trong phát triển du lịch chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ từ việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, đến hướng dẫn thực hiện pháp luật về du lịch. Nhận thức về bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa của các doanh nghiệp, du khách và cộng đồng chưa cao. Hoạt động phát triển du lịch biển của cộng đồng còn mang tính tự phát. Nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao còn hạn chế về số lượng, chất lượng. Những sai phạm trong xử lý rác thải, chất thải từ hoạt động du lịch chưa được xử lý nghiêm...
Những hạn chế, yếu kém trên làm cho thời gian lưu trú trung bình của khách còn thấp, làm giảm khả năng thu hút dòng khách du lịch cao cấp, tạo sự chênh lệch tương đối cao về số lượng khách du lịch nội địa giữa các địa phương trong một vùng. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu và dịch bệnh càng khiến những hạn chế của du lịch biển lộ rõ, đồng thời gây nên những thiệt hại nặng nề. Dự báo, đến năm 2030, có tới 37% số khách sạn ven biển sẽ bị ảnh hưởng bởi lũ, thiệt hại kinh tế có thể lên đến 180 triệu USD/năm(6). Đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch Việt Nam nói chung, du lịch biển nói riêng. Theo Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2020, nhiều địa phương ven biển có doanh thu du lịch lữ hành giảm mạnh, như: Khánh Hòa giảm 85,1%; Quảng Nam giảm 78,7%; Đà Nẵng giảm 73,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 64,3%…(7).
Một số giải pháp thời gian tới
Là ngành kinh tế dễ bị tổn thương bởi ảnh hưởng môi trường sinh thái, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…, vì vậy, “phát triển các ngành kinh tế biển, nhất là du lịch”(8) để đạt được mục tiêu “Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước; các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển…; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước” như Nghị quyết số 36-NQ/TW đề ra, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, như giao thông, cấp thoát nước, cơ sở xử lý chất thải… tại các địa phương ven biển. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch ven biển. Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn đầu tư để tôn tạo các danh lam, thắng cảnh, phát triển làng nghề, phục dựng các lễ hội, xây dựng các công trình văn hóa, các khu vui chơi giải trí hiện đại, đẩy mạnh phát triển và khai thác các loại hình sản phẩm du lịch mới, như du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, vui chơi giải trí cao cấp, du lịch tham quan kết hợp hội thảo, mua sắm…, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch ven biển, tăng tính hấp dẫn và mới lạ đối với khách du lịch, đồng thời quảng bá được hình ảnh về cảnh quan và con người của các địa phương ven biển, gia tăng mức chi tiêu của du khách tại điểm đến.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường tại các tỉnh, thành phố ven biển. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học đối với khách du lịch và người dân tham gia dịch vụ du lịch. Ưu tiên đầu tư cho việc ứng dụng năng lượng thay thế, triển khai công nghệ “3R” (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế) trong hoạt động phát triển du lịch. Ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh trên cơ sở những nguyên tắc và tiêu chí cụ thể, như tiêu chí về du lịch sinh thái, tiêu chí về du lịch bền vững; các tiêu chí về bảo vệ môi trường ở các khu, điểm du lịch và ở các cơ sở dịch vụ du lịch. Thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường, Luật Di sản văn hóa; bảo vệ nghiêm ngặt môi trường du lịch ở các khu vực nhạy cảm thuộc phạm vi các di sản thế giới, khu danh thắng, khu bảo tồn đa dạng sinh học. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch…
Thứ ba, tăng cường phối hợp, liên kết trong quản lý và phát triển du lịch, nhất là phát triển sản phẩm du lịch, tạo thành chuỗi sản phẩm, tuyến du lịch đặc sắc theo từng khu vực, tránh sự trùng lặp và đơn điệu trong phát triển du lịch ven biển của các tỉnh, thành phố. Mỗi vùng, khu vực, địa phương cần có các sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm sắc thái văn hóa, điều kiện tự nhiên của địa phương và có chất lượng cao.
Thứ tư, có cơ chế, chính sách thu hút cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch, tạo điều kiện để người dân địa phương trực tiếp tham gia các hoạt động phát triển du lịch nhằm tạo việc làm, ổn định đời sống của người dân. Chú trọng phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, du lịch homestay… để không chỉ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch ven biển, giúp người dân địa phương có thêm thu nhập, mà còn góp phần bảo vệ các nguồn tài nguyên du lịch, bảo tồn và phát triển các làng chài, làng nghề, bảo đảm an ninh ở vùng ven biển.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh mới. Tiêu chuẩn hóa nhân lực du lịch phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn ASEAN về trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành. Đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ ngoại ngữ và chuyên môn, phong cách và kỹ năng thuyết trình cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước, kiến thức du lịch cho nhân lực trực tiếp làm việc trong cơ quan quản lý. Các doanh nghiệp du lịch cần có cơ chế thu hút, đãi ngộ xứng đáng để “giữ chân” và phát huy tối đa năng lực nhân lực chất lượng cao làm việc tại doanh nghiệp.
Thứ sáu, có các biện pháp hỗ trợ tài chính để khôi phục, phát triển du lịch do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cũng như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai. Các hoạt động hỗ trợ cần được triển khai trong cả trước mắt và lâu dài. Về các biện pháp ngắn hạn, bao gồm: gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ lưu trú; miễn, giảm lãi suất và lệ phí… Về các biện pháp dài hạn, bao gồm: hỗ trợ các khoản vay không lãi suất cho các doanh nghiệp du lịch trong và sau thời gian đại dịch COVID-19 hoặc đối với các doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt… Bên cạnh đó, để khôi phục hoạt động du lịch, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và chủ sử dụng lao động du lịch cũng cần có phương án bảo hiểm nhằm giảm thiểu rủi ro và thiệt hại đối với hoạt động kinh doanh và bảo vệ lợi ích của người lao động./.
---------------------------
(1) Xem: Trang thông tin điện tử của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 12-9-2014, https://stttt.thuathienhue.gov.vn/?gd=72&cn=28&tc=3064
(2) Xem: Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2020
(3) Xem: Tổng cục Du lịch: “Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam”, Trang Thông tin điện tử của Tổng cục Du lịch, ngày 19-9-2021, http://csdl.vietnamtourism.gov.vn/
(4), (5) Tổng hợp từ Niên giám thống kê 2019 và Báo cáo tình hình phát triển du lịch năm 2019 của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố
(6) Rentschler J., Robbé S.V., Braese J., Nguyễn H.D., Ledden M., Mayo B.P.: “Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển: Phát triển khu vực ven biển Việt Nam - Cơ hội và rủi ro thiên tai”, Ngân hàng quốc tế về tái thiết và phát triển & Ngân hàng Thế giới. Washington DC, 2020
(7) Tổng cục Thống kê: “Du lịch năm 2020 lao đao vì COVID-19”, Trang thông tin của Tổng cục Thống kê, ngày 6-1-2021, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/du-lich-nam-2020-lao-dao-vi-COVID-19/,
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 258
Phát huy thế mạnh du lịch biển đảo, làm mới sản phẩm du lịch ở Cô Tô  (04/11/2022)
- Quyết tâm đưa Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Tỉnh Vĩnh Phúc và iMarket Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ về việc nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp và sân golf
- Vĩnh Phúc sẽ phân bổ, giao chi tiết vốn đầu tư công năm 2025 cho các dự án trước ngày 31-12-2024
- Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc: Phấn đấu năm 2025 nằm trong top 10 về chuyển đổi số
- Vĩnh Phúc: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay