Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa thành phố Hà Nội trong thời kỳ mới
TCCS - Là Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ, kết tinh những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam, thành phố Hà Nội xác định việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, nhằm lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô đến mọi miền của đất nước và quảng bá văn hóa Thủ đô nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Những kết quả nổi bật
Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” đã đặt ra mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực sự trở thành sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Để thực hiện mục tiêu đó, thành phố Hà Nội xác định cần nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều đổi mới trong quản lý nhà nước về văn hóa nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa. Thành phố đã ban hành và triển khai: Kế hoạch số 306/KH-UBND, ngày 30-11-2022, của Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện Chương trình hành động số 16-Ctr/TU, ngày 26-8-2022, của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch phát triển văn hóa thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quy hoạch phát triển thể dục thể thao thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch quản lý di tích trên địa bàn thành phố; Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025; Kế hoạch nâng cao hiệu quả công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thành phố; Quy chế quản lý không gian phố đi bộ trên địa bàn thành phố; Quy định tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thể thao trên địa bàn thành phố; Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao và gia đình…
Về công tác đầu tư cho hoạt động văn hóa
Thành phố Hà Nội từng bước tăng cường vốn đầu tư cho các hoạt động văn hóa (từ cả nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa). Từ năm 2016, thành phố đã đầu tư xây dựng, sửa chữa 36 công trình văn hóa, thể thao với tổng kinh phí khoảng 1.350 tỷ đồng, đồng thời chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, quy chế và nội dung hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa ở cơ sở. Trong 2 năm (2020 - 2021), thành phố đã hỗ trợ 317,5 tỷ đồng cho 127 nhà văn hóa thôn, làng cũng như có cơ chế các quận hỗ trợ cho các huyện để xây dựng 19 nhà văn hóa thôn, làng với tổng kinh phí là 74,9 tỷ đồng. Năm 2021 - 2022, thành phố hỗ trợ tu sửa, chống xuống cấp cho 122 di tích do cấp huyện quản lý với kinh phí 139 tỷ đồng. Đặc biệt, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND, ngày 8-4-2022, “Về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố” với tổng số 1.469 dự án đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục và y tế, trong đó 1.310 dự án đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 (227 dự án thành phố đầu tư, 1.083 dự án thành phố hỗ trợ đầu tư) và 159 dự án đầu tư giai đoạn sau năm 2025).
Nhiều công trình văn hóa, thể thao mới, trọng điểm, tiêu biểu của Thủ đô đã được thành phố đầu tư, xây dựng, như hệ thống nhà hát, quảng trường, tượng đài, công viên, tổ hợp thể thao, trung tâm hội chợ triển lãm… với định hướng giới thiệu đặc sắc văn hóa vùng, miền, địa phương với các chương trình đa dạng thể loại, phong phú nội dung, đặc biệt là các chương trình liên kết các cung văn hóa. Hệ thống cung văn hóa, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa từ thành phố đến cơ sở, của các ngành, đoàn thể thành phố hoạt động khá tốt, từng bước cải thiện, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Thủ đô. Từ hiệu quả hoạt động của hệ thống nhà văn hóa các cấp quận, huyện, thị xã, thành phố xác định tiếp tục chú trọng đầu tư xây dựng và phát triển các nhà văn hóa phường, xã, thị trấn tại khu vực nội thị. Hướng đi này đã phát huy tối ưu công năng của hệ thống nhà văn hóa trong việc thực hiện mục tiêu đưa văn hóa, thông tin về cơ sở, tạo môi trường để nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng.
Về giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Là địa phương sở hữu số lượng di sản văn hóa phong phú, đa dạng và giá trị hàng đầu cả nước, thành phố Hà Nội luôn chú trọng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Đến nay, thành phố đã tiến hành tổng kiểm kê các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố và xây dựng kế hoạch bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (xây dựng và hoàn thiện đề án bảo tồn làng cổ Đông Ngạc, đề án không gian lễ hội Gióng, đề án bảo tồn và phát huy giá trị của 82 bia đá tiến sĩ trong khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám; xây dựng kế hoạch bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể, như hát tuồng, nghệ thuật hát chèo, hát ca trù, hát dô, trống quân, nghệ thuật trình diễn rối nước,…). Bên cạnh đó, thành phố đã kiểm kê 5.922 di sản văn hóa vật thể (năm 2016), trong đó có 1 di sản thế giới, 20 di tích quốc gia đặc biệt, 1.163 di tích cấp quốc gia, 1.500 di tích cấp thành phố… Thành phố đã ban hành quy định về phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hằng năm, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra công tác quản lý tại các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố; tổ chức các lớp tập huấn công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhờ đó, số lượng du khách tham quan tại các di tích, bảo tàng do thành phố quản lý tăng dần qua các năm, nguồn thu từ hoạt động này năm 2023 đạt 90 tỷ đồng (gấp 10 lần so với năm 2008). Các di tích đã xây dựng những sản phẩm văn hóa tiêu biểu, đặc sắc, độc đáo, dần khẳng định được thương hiệu, như chương trình “Đêm thiêng liêng” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Chương trình “Trải nhiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, “Ngọc Sơn huyền bí”, “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long”, qua đó góp phần thúc đẩy ngành du lịch văn hóa của Thủ đô ngày càng phát triển, đưa Hà Nột trở thành điểm đến hấp dẫn ở trong nước và quốc tế.
Về hoạt động văn hóa, nghệ thuật
Hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng diễn ra ngày càng sâu rộng và có sức lan tỏa mạnh mẽ ở các quận, huyện, thị xã của thành phố, trở thành nếp sinh hoạt tinh thần thường xuyên của nhân dân gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; qua đó khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạng lưới văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng của Thủ đô, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó, thành phố cũng phát động, tổ chức cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; triển khai các cuộc vận động sáng tạo văn học, nghệ thuật kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10 -10 hằng năm; tổ chức cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội và Liên hoan Sân khấu Thủ đô từ năm 2014 đến nay (định kỳ 2 năm/lần) thu hút đông đảo các nghệ sĩ, các nhà hát của Thủ đô và các tỉnh, thành phố tham gia, chất lượng nghệ thuật ngày càng được nâng cao. Thành phố đã tổ chức nhiều chương trình, vở diễn được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật, trung bình mỗi năm biểu diễn gần 2.500 buổi, doanh thu ước đạt từ 40 đến 50 tỷ đồng, số lượt người xem khoảng 600.000 lượt người xem/năm. Hằng năm, thành phố định kỳ tổ chức các cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật ca kịch truyền thống với sự tham gia của các diễn viên không chuyên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố, nhằm động viên khích lệ các nghệ nhân dân gian và nhân dân giữ gìn nghệ thuật và các giá trị văn hóa truyền thống quý báu, qua đó quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Thủ đô tới du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, thành phố cũng tiếp tục xây dựng và hỗ trợ các không gian sáng tạo tại Hà Nội, hình thành, mở rộng các tuyến phố đi bộ, xây dựng các không gian sáng tạo tại các làng nghề và khuyến khích hình thành các không gian sáng tạo của các tổ chức, cá nhân để lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp tới đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp thanh niên.
Một số giải pháp thời gian tới
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các hoạt động văn hóa của thành phố Hà Nội thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội. Các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu đồng bộ, thiếu quy hoạch, chủ yếu tập trung tại các vùng đô thị; tại các khu công nghiệp, vùng nông thôn xa trung tâm còn thiếu. Nhiều công trình xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động, nhiều công trình chưa phát huy hết công năng. Kết cấu hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng vật chất kỹ thuật phụ trợ, dịch vụ du lịch tại nhiều điểm di tích còn thiếu đồng bộ, khả năng kết nối hạn chế. Các sự kiện và hoạt động văn hóa còn một số bất cập trong khâu tổ chức, chất lượng một số chương trình chưa cao. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở không ít địa phương còn mang tính hình thức. Công tác kiểm tra các hoạt động văn hóa chưa thực sự sát sao. Ở một số sự kiện, hoạt động văn hóa vẫn xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, làm mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, giao thông…
Thời gian tới để nâng cao hiệu quả, chất lượng các hoạt động văn hóa trên địa bàn Thủ đô, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa, con người phù hợp chuẩn mực quốc tế, Việt Nam và thực tiễn của Hà Nội, của từng địa phương. Trong đó, thành phố tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-HĐND, ngày 29-3-2024, của Hội đồng nhân dân thành phố thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình hành động số 16-Ctr/TU, ngày 26-8-2022, của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai lập quy hoạch các di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn thành phố.
Hai là, xây dựng kế hoạch đào tạo, sử dụng, đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, có cơ chế, chính sách đối với nghệ nhân, khuyến khích truyền dạy, bảo tồn di sản văn hóa. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là cán bộ ở cơ sở. Nâng cao năng lực trong việc tham mưu, đề xuất, thẩm định, quản lý các hoạt động văn hóa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nghiên cứu xây dựng Đề án đề xuất chế độ hỗ trợ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc thành phố Hà Nội. Tiếp tục quan tâm, bổ sung chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực văn hóa.
Ba là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố tới cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nghiệp, doanh nhân phát huy vai trò quan trọng trong các hoạt động văn hóa. Đặc biệt cần phát huy vai trò chủ thể sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô.
Bốn là, tăng cường công tác xã hội hóa để thu hút đầu tư cho lĩnh vực văn hóa - xã hội, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia, xây dựng trường nghề chất lượng cao, xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở. Chú trọng công tác quy hoạch, đầu tư phát triển các công trình, không gian văn hóa vừa mang tính hiện đại, vừa mang tính truyền thống, theo hướng phát triển đồng đều cả khu vực trung tâm, các khu vực trong quá trình đô thị hóa, khu vực xa trung tâm thành phố.
Năm là, tiếp tục phát triển đa dạng, phong phú các hình thức và nâng tầm vóc, quy mô, sức sáng tạo trong thiết kế và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quốc tế (lễ hội văn hóa các nước ở Hà Nội…), bảo đảm tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, tạo sức ảnh hưởng ấn tượng và lan tỏa tới các quốc gia trên thế giới. Triển khai các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước: 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-2024), 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2024); Chào năm mới 2025...
Sáu là, tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực văn hóa. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, qua đó giúp cơ quan quản lý nhà nước thẩm định nội dung, chất lượng nghệ thuật và các vấn đề liên quan đến chính trị, tư tưởng, an ninh của các chương trình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai các hoạt động văn hóa, qua đó xây dựng các chương trình văn hóa có chất lượng cao, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của Thủ đô tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế./.
Chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thời gian qua và một số gợi ý cho Hà Nội  (01/09/2024)
Phát triển toàn diện du lịch Thủ đô, giữ vững vai trò trung tâm du lịch lớn của cả nước  (26/08/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên