Nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng
TCCS - Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền thành phố Hải Phòng đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đưa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sớm đi vào cuộc sống, trong thời gian tới, cần đề xuất những giải pháp đổi mới, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm, tình hình doanh nghiệp và thực tiễn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng.
Những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền thành phố Hải Phòng thời gian qua
Nỗ lực thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Một mặt, thành phố Hải Phòng xây dựng và triển khai kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo tinh thần khoa học, dân chủ và minh bạch, được thể hiện qua việc lấy ý kiến bổ sung, hoàn thiện rộng rãi của các sở, ban, ngành, địa phương để thống nhất mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện 10 chỉ số thành phần trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Bên cạnh đó, thành phố Hải Phòng đã nỗ lực cải cách, thực hiện dân chủ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ngay từ cơ sở với việc triển khai đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Được triển khai đánh giá lần đầu tiên vào năm 2020, DDCI được xem là “cánh tay nối dài” của PCI. Quy trình triển khai DDCI của thành phố Hải Phòng được chia thành 4 bước với sự tham gia độc lập, minh bạch của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị tư vấn và Cục Thống kê. Điểm đáng ghi nhận trong cách khảo sát và đối tượng điều tra DDCI là hoàn toàn được đánh giá, chấm điểm bởi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đây được coi là kênh để phản ánh cảm nhận, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về những lợi ích, hiệu quả được mang lại cho họ trong quá trình thực thi chính sách của chính quyền.
Mặt khác, thành phố Hải Phòng đã thực hiện nhiều sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, như mô hình “Hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp” tại 30 cơ quan, đơn vị theo phương châm “lắng nghe - chia sẻ - đồng hành cùng doanh nghiệp” bằng nhiều cải cách về phương thức làm việc, thái độ giao dịch và triển khai mở rộng các tiện ích hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trực tiếp hoặc thông qua các ứng dụng điện tử mẫu hóa tài liệu để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp; khai thác hiệu quả việc sử dụng mạng điện tử, như trang web, thư điện tử (email), Zalo, Teamviewer,... để hướng dẫn doanh nghiệp. Từ cuối năm 2022, thành phố Hải Phòng triển khai mô hình “Kết nối thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện”. Cổng thông tin điện tử thành phố mở chuyên mục “Kết nối thủ tục kinh doanh có điều kiện”, trang web của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố mở chuyên mục “Thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh có điều kiện” kết nối đến trang web một số sở, ngành, đăng tải thông tin về cán bộ, công chức thực hiện thủ tục kinh doanh có điều kiện để tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp. Bộ phận có liên quan phối hợp với Bưu điện thành phố Hải Phòng thực hiện chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính; phối hợp với ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ về chữ ký số, phần mềm kế toán... để hỗ trợ cắt giảm chi phí, thời gian gia nhập thị trường cho doanh nghiệp mới thành lập. Những mô hình này đã giúp tăng tỷ lệ người dân và doanh nghiệp nộp được hồ sơ hợp lệ ngay từ lần nộp đầu tiên và giảm tỷ lệ hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung ở mức thấp nhất(1).
Thành phố Hải Phòng mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, doanh nhân dưới nhiều hình thức, như công khai “đường dây nóng” hỗ trợ doanh nghiệp; duy trì các chuyên mục “Đối thoại doanh nghiệp”, “Phản ánh kiến nghị doanh nghiệp”, “Đường dây nóng”, “Chuyển đổi số”, “Tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp”, “Tiếp cận thông tin”... trên cổng thông tin điện tử của thành phố, các sở, ban, ngành, địa phương. Đặc biệt, thành phố Hải Phòng rất coi trọng công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân và doanh nghiệp thông qua xây dựng và thực hiện hiệu quả chỉ tiêu công tác dân vận của Đảng bộ thành phố hằng năm về công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện trong toàn hệ thống chính trị thành phố(2). Không những thay đổi hình thức đối thoại doanh nghiệp(3), thành phố Hải Phòng còn thực hiện công khai rộng rãi thông tin liên quan đến đối thoại doanh nghiệp, kết quả giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, doanh nhân trên các phương tiện báo chí, truyền thông. Đến nay, đối thoại doanh nghiệp thực sự là diễn đàn công khai, dân chủ để thành phố lắng nghe, đồng hành tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, sát với thực tế, phù hợp với mong muốn và nhu cầu của doanh nghiệp(4).
Quan tâm chỉ đạo thực hiện công khai, dân chủ tại nơi làm việc; xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp.
Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Thông tri số 38-TT/TU, ngày 6-12-2019, về “Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 3-9-2019, của Ban Bí thư, “Về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới””; chỉ đạo UBND thành phố ban hành Quyết định số 386/QĐ-UBND, ngày 27-1-2022, “Về việc phê duyệt Đề án phát triển quan hệ lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025”. Đề án đã xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ quan hệ lao động từ phía cơ quan nhà nước; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động nói chung và thực hiện dân chủ tại nơi làm việc nói riêng; thúc đẩy hoạt động đối thoại và thương lượng tập thể; phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động; nâng cao năng lực và hiệu quả các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động, đình công; thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm trong chấp hành pháp luật lao động, công đoàn; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế ba bên trong quan hệ lao động.
Cấp ủy, chính quyền thành phố Hải Phòng đã kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ về thực hiện dân chủ đối với các loại hình cơ sở, trong đó có các doanh nghiệp(5). Công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp được đổi mới về nội dung, đa dạng hóa về hình thức, phù hợp với đặc điểm, tính chất sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phát hành sách hỏi - đáp, sổ tay, tờ rơi, tờ gấp..., ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, bảo đảm “nhanh, đúng, trúng, hiệu quả”(6).
Thành phố Hải Phòng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động, bảo đảm ngày càng nhiều công nhân, người lao động được thụ hưởng những thành quả tốt đẹp từ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố bằng các hoạt động thiết thực, như Chương trình phúc lợi đoàn viên, Quỹ Mái ấm Công đoàn, Tết Sum vầy, Chợ Tết Công đoàn; xây dựng thí điểm mô hình “Khu nhà ở công nhân văn minh, an toàn”; thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ công nhân, người lao động ăn Tết; khám, tư vấn sức khỏe hậu COVID-19; lắp đặt hệ thống truy nhập internet không dây miễn phí cho các khu nhà trọ công nhân; triển khai đầu tư xây dựng 33.500 căn nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2030 theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp được tiếp cận, ưu tiên mua nhà ở xã hội gần khu công nghiệp. Đặc biệt, năm 2023, Thường trực Thành ủy Hải Phòng đã quan tâm gặp gỡ, đối thoại chuyên đề, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chỉ đạo giải quyết kiến nghị của đông đảo công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố.
Những kết quả đáng ghi nhận
Thứ nhất, về ban hành quy chế, quy định thực hiện dân chủ tại nơi làm việc và công khai thông tin trong doanh nghiệp.
Trên cơ sở quy định của pháp luật về dân chủ, nhiều doanh nghiệp đã cụ thể hóa thành quy chế, quy định thực hiện dân chủ tại nơi làm việc, chủ yếu là quy chế thực hiện dân chủ, quy chế đối thoại, quy trình tổ chức hội nghị người lao động, nội quy lao động, thang lương, bảng lương, thỏa ước lao động tập thể, quy chế phối hợp giữa công đoàn và ban giám đốc... Đến hết năm 2022, đã có hơn 50% doanh nghiệp có 10 người lao động trở lên ban hành quy chế, quy định về thực hiện dân chủ trong nội bộ và mối quan hệ với tổ chức, cá nhân; trong đó, doanh nghiệp nhà nước đạt 100%, công ty cổ phần đạt 53%, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) đạt 52%; hầu hết doanh nghiệp còn lại đã xây dựng được thỏa ước lao động tập thể.
Người sử dụng lao động trong nhiều doanh nghiệp đã chú trọng thực hiện công khai thông tin tại nơi làm việc để tạo sự đồng thuận của người lao động, cùng nhau vượt khó, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua nhiều hình thức phù hợp, như thông báo tại hội nghị người lao động của doanh nghiệp; thông báo bằng văn bản đến toàn thể người lao động tại doanh nghiệp; thông qua người phụ trách các bộ phận của doanh nghiệp để thông báo đến người lao động; thông báo bằng văn bản đến tổ chức đảng, Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị để thông báo đến người lao động tại doanh nghiệp; qua hệ thống thông tin nội bộ hoặc đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của doanh nghiệp. Nội dung được nhiều doanh nghiệp tập trung công khai là: Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động...
Thứ hai, về thực hiện đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng tập thể.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc tổ chức hội nghị đối thoại định kỳ tại nơi làm việc(7). Đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, việc thực hiện đối thoại định kỳ ở công ty cổ phần, công ty TNHH có chuyển biến tích cực với hơn 50% doanh nghiệp đã tổ chức đối thoại định kỳ ít nhất 1 lần/năm. Số lượng các cuộc đối thoại định kỳ và các cuộc đối thoại đột xuất (khi một bên có yêu cầu) ở các doanh nghiệp ngày càng tăng. Việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc được đa số doanh nghiệp lồng ghép vào các cuộc giao ban, tổng kết định kỳ theo quý, năm. Để chuẩn bị cho hội nghị, người sử dụng lao động đã bố trí địa điểm, thời gian và các điều kiện cần thiết, cử các thành viên đại diện cho bên người sử dụng lao động tham gia; phối hợp với tổ chức công đoàn chuẩn bị các nội dung, tài liệu, thông báo cho người lao động tham gia... Nội dung đối thoại chủ yếu xoay quanh các vấn đề liên quan trực tiếp đến quá trình sản xuất, kinh doanh và các vấn đề liên quan đến lợi ích của người lao động. Tiếp tục thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể(8).
Thứ ba, về tổ chức hội nghị người lao động.
Các doanh nghiệp nhà nước duy trì nền nếp việc tổ chức hội nghị người lao động hằng năm (đạt 100%); nhiều công ty cổ phần, công ty TNHH đã quan tâm tổ chức hội nghị người lao động (đạt trên 50%). Đa số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động hằng năm (đạt trên 70%). Hội nghị người lao động thường được doanh nghiệp tổ chức gắn với hội nghị tổng kết năm. Đối với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa mà Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, việc tổ chức hội nghị người lao động hầu hết gắn với đại hội đồng cổ đông thường niên (vào thời gian quý II). Tại hội nghị, người sử dụng lao động thông tin về tình hình, kết quả sản xuất, kinh doanh; tổ chức cho người lao động thảo luận, đánh giá việc thực hiện nội quy, quy định của doanh nghiệp, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể; việc trích lập, sử dụng quỹ do người lao động đóng góp; giải đáp kiến nghị, thắc mắc của người lao động.
Thứ tư, về việc người lao động tham gia ý kiến.
Người lao động ngày càng chủ động, tích cực tham gia ý kiến vào nhiều nội dung tại nơi làm việc: giải pháp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; kế hoạch công tác hằng năm của doanh nghiệp; tổ chức phong trào thi đua của doanh nghiệp; báo cáo sơ kết, tổng kết của doanh nghiệp; các biện pháp cải tiến tổ chức, hoạt động và lề lối làm việc; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân; kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng người lao động; thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động; dự thảo quy chế thực hiện dân chủ của doanh nghiệp; dự thảo quy chế chi tiêu nội bộ của doanh nghiệp; các dự thảo nội quy, quy chế khác của doanh nghiệp.
Thứ năm, về việc người lao động tham gia kiểm tra, giám sát.
Người lao động ngày càng quan tâm việc kiểm tra, giám sát tại nơi làm việc thông qua các hoạt động: hoạt động học tập, công tác, sinh hoạt của người lao động ở doanh nghiệp; quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với người có chức vụ, quyền hạn, người lao động khác trong doanh nghiệp; tiếp cận các thông tin được công khai; các thông tin, báo cáo của doanh nghiệp hoặc người được giao quản lý, thực hiện các nội dung người lao động đã bàn và quyết định; tham dự hội nghị người lao động.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trên địa bàn thành phố Hải Phòng
Trong điều kiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nói chung và thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nói riêng ngày càng hoàn thiện với sự ra đời của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (năm 2022); thời gian tới, để nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ ở thành phố Hải Phòng, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, rà soát, đánh giá, nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, quy chế, quy định để lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng tiếp tục cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố; chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; thành lập mới, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội liên hiệp thanh niên trong các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại chuyên đề (trực tiếp, trực tuyến; định kỳ, đột xuất) giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành với doanh nghiệp và công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố.
Thứ hai, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người sử dụng lao động và người lao động đối với thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội liên hiệp thanh niên đổi mới nội dung, biện pháp, cách thức tuyên truyền về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp theo hướng ưu tiên lựa chọn các hình thức tuyên truyền nổi bật, có mức độ phổ biến rộng rãi, phù hợp với từng đối tượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người sử dụng lao động, người lao động về dân chủ và trách nhiệm thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức, như hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, hội thi, cuộc thi trực tuyến, hình thức sân khấu hóa...
Chú trọng ứng dụng, sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin, các trang web, mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok, Youtube...) vào công tác tuyên truyền; chuyển từ “tuyên truyền” sang “truyền thông”, từ tuyên truyền một chiều sang tuyên truyền kết hợp đối thoại, tương tác, tiếp nhận thông tin phản biện hai chiều. Tập trung xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đối tượng tuyên truyền là người sử dụng lao động, người lao động; bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, rõ về quyền, lợi ích, trách nhiệm của việc thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp. Thời gian tuyên truyền, phổ biến phù hợp, linh hoạt với đặc điểm của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, cụ thể là: Xây dựng hệ thống dữ liệu thống kê, theo dõi đầy đủ, kịp thời, chính xác việc thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động nói chung và thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nói riêng, nhất là ở các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động về lương, thưởng, phụ cấp, chế độ bảo hiểm, phúc lợi xã hội, chính sách đối với lao động nữ, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tại nơi làm việc... Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, xử lý các doanh nghiệp vi phạm; chú trọng giám sát kết quả xử lý sau thanh tra, kiểm tra. Phát hiện, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt dân chủ ở doanh nghiệp.
Thứ tư, thành lập, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các cấp. Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ thành phố Hải Phòng phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, cá nhân thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các ban, sở, ngành phụ trách lĩnh vực công tác liên quan nhiều đến doanh nghiệp, doanh nhân, công nhân, người lao động (Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp thành phố, Ban Dân vận Thành ủy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Công an thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Thành đoàn Hải Phòng) trong tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp. Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ thành phố Hải Phòng, các quận ủy, huyện ủy tham mưu cấp ủy thành lập mới ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở các doanh nghiệp có tổ chức đảng có đủ điều kiện; hướng dẫn củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở các doanh nghiệp đã thành lập; khuyến khích các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng thành lập ban chỉ đạo. Ban hành mẫu quy chế thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và hướng dẫn triển khai đồng bộ, thống nhất ở các loại hình doanh nghiệp. Tiến hành đánh giá, chấm điểm kết quả thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp là một tiêu chí thành phần để đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng ở các doanh nghiệp hằng năm.
Thứ năm, cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo rà soát, nâng cao số lượng và chất lượng các quy chế, quy định cụ thể hóa việc thực hiện dân chủ được ban hành trong doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đối với doanh nghiệp đã ban hành quy chế, quy định thì cần phải hướng dẫn người sử dụng lao động rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định đã ban hành; ban hành mới các quy chế, quy định cụ thể hóa việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, phù hợp với đặc điểm, tình hình của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp chưa ban hành quy chế, quy định thì phải hướng dẫn người sử dụng lao động xây dựng, ban hành các quy chế, quy định cụ thể hóa việc thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp; bảo đảm cụ thể, khả thi, phù hợp với pháp luật lao động, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và đặc điểm, tình hình của doanh nghiệp.
Thứ sáu, mở rộng nội dung và hình thức người sử dụng lao động thực hiện công khai.
Về nội dung, thực hiện công khai thông tin tài chính, quản lý tài sản doanh nghiệp, công tác nhân sự; Quy chế thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp; các thông tin về việc bảo đảm đạo đức, văn hóa kinh doanh, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thực hiện kiến nghị của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán liên quan đến quyền lợi của người lao động (trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước).
Về hình thức, thông báo qua hệ thống thông tin nội bộ hoặc đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của doanh nghiệp; thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật và được sự thống nhất của ban chấp hành công đoàn ở doanh nghiệp, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có).
Thứ bảy, mở rộng nội dung và hình thức người lao động tham gia ý kiến, bàn và quyết định, kiểm tra, giám sát.
Về nội dung và hình thức người lao động tham gia ý kiến: Người lao động tham gia ý kiến vào nhiều nội dung, như dự thảo Quy chế thực hiện dân chủ của doanh nghiệp, xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các quy định nội bộ khác của doanh nghiệp có liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, dự thảo quy trình, thủ tục nội bộ về giải quyết tranh chấp lao động, xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; chế độ, chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; nội dung, hình thức thỏa ước lao động tập thể; nội dung, hình thức đối thoại tại doanh nghiệp nhà nước; đối thoại định kỳ; nội dung, cách thức thương lượng tập thể; nội dung, hình thức công khai các quy chế, quy định trong doanh nghiệp thông qua các hình thức, như tham gia ý kiến trực tiếp hoặc thông qua người trực tiếp phụ trách của đơn vị, bộ phận của doanh nghiệp, hòm thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống thông tin nội bộ, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.
Về nội dung người lao động được bàn và quyết định:
Người lao động bàn và quyết định việc thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; nội dung nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; các công việc tự quản khác trong nội bộ cơ quan, đơn vị không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội... Đối với doanh nghiệp nhà nước, người lao động bàn và quyết định về việc lập các loại quỹ và thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản từ thu nhập, đóng góp của người lao động; nội dung nghị quyết của hội nghị người lao động; các nội dung tự quản khác trong nội bộ cơ quan, đơn vị không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
Về hình thức người lao động được kiểm tra, giám sát: Người lao động kiểm tra, giám sát thông qua hoạt động lao động, sản xuất, sinh hoạt của người lao động ở doanh nghiệp; quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với người có chức vụ, quyền hạn, người lao động khác trong doanh nghiệp; tiếp cận các thông tin được công khai; các thông tin, báo cáo của doanh nghiệp hoặc người được giao quản lý, thực hiện các nội dung người lao động đã bàn và quyết định; tham dự hội nghị người lao động, thực hiện giám sát thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân. Đối với doanh nghiệp nhà nước, đó còn là hội nghị đối thoại tại nơi làm việc, các hoạt động hội họp, sinh hoạt tập thể khác tại nơi làm việc./.
------------------------
(1) Năm 2022, thành phố Hải Phòng đã cải thiện mạnh mẽ vị trí xếp hạng đối với 3 chỉ tiêu trong Chỉ số chi phí thời gian: Công chức thân thiện (tăng 21 bậc), doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục (tăng 20 bậc), thủ tục giấy tờ đơn giản (tăng 25 bậc).
(2) Chỉ tiêu 100% người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối thoại trực tiếp với nhân dân theo quy định (Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 1-12-2020, của Thành ủy Hải Phòng, về “Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021”; Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 7-12-2021, của Thành ủy Hải Phòng, về “Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022”; Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 6-12-2022, của Thành ủy Hải Phòng, về “Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023”).
(3) Được triển khai từ tháng 9-2016, đến nay, thành phố Hải Phòng đã thay đổi hình thức đối thoại doanh nghiệp, theo cách từ Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đối thoại định kỳ vào ngày 10 hằng tháng chuyển sang Ủy ban nhân dân thành phố đối thoại định kỳ 1 quý/lần vào ngày 15 của tháng cuối quý, UBND quận, huyện đối thoại định kỳ 1 tháng/lần vào ngày 10 hằng tháng (thực hiện từ tháng 10-2019) đến các sở, ban, ngành đối thoại giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp theo lĩnh vực (chuyên đề) 2 lần/năm, UBND các quận, huyện giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 1 quý/lần (thực hiện thí điểm tháng 5-2022, diện rộng từ năm 2023).
(4) Từ tháng 9-2016 đến tháng 1-2023, UBND thành phố Hải Phòng đã tổ chức 36 kỳ hội nghị đối thoại doanh nghiệp; trong đó, 32 kỳ tổ chức theo tháng và 4 kỳ tổ chức theo quý; giải quyết triệt để 318/324 kiến nghị (đạt 98,14%); UBND các quận, huyện đã 29 lần tổ chức hội nghị, giải quyết triệt để 45 kiến nghị (đạt 100%). Trong 6 tháng đầu năm 2023, UBND thành phố Hải Phòng đã tổ chức 13 hội nghị, giải quyết triệt để 338/350 kiến nghị (đạt 96,6%); UBND quận, huyện tổ chức 24 hội nghị, giải quyết triệt để 115/135 kiến nghị (đạt 85%).
(5) Như: Công văn số 111-CV/TU, ngày 14-3-2016, của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, về việc “Triển khai thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7-1-2016, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở””; Công văn số 65/SLĐTBXH-LĐTL, ngày 8-1-2021, của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, “Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, ngày 14-12-2020, của Chính phủ, “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động””; Công văn số 7337/UBND-KSTTHC, ngày 5-10-2021, của UBND thành phố Hải Phòng, “Về triển khai xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố”; Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 21-11-2022, của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, “Về đẩy mạnh thực hiện dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng””.
(6) Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ thành phố Hải Phòng phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng xây dựng 35 phóng sự, bài viết tuyên truyền về mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp; phát hành 10.000 tờ gấp tuyên truyền về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc. Ban Chỉ đạo xây dựng giai cấp công nhân thành phố Hải Phòng tổ chức hàng chục hội nghị tuyên truyền về thực hiện dân chủ cho doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; phát hành hàng nghìn cuốn sách “Hỏi - đáp về pháp luật lao động”; “Sổ tay về đối thoại tại nơi làm việc và giải quyết tranh chấp lao động tập thể”. Các cấp công đoàn thành phố đã tổ chức mở 439 lớp tập huấn cho trên 26.000 công nhân, người lao động, hướng dẫn về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc. Tuyên truyền pháp luật về lao động cho gần 275.000 công nhân, người lao động; tổ chức 59 cuộc hội thảo liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, như thương lượng và ký thỏa ước lao động tập thể; giải quyết tranh chấp lao động... Các cơ quan báo chí, truyền hình của thành phố duy trì các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, như Giới thiệu chính sách pháp luật, Hộp thư truyền hình, Phổ biến giáo dục pháp luật, An toàn lao động...
(7) Năm 2020, các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã tổ chức 549 cuộc đối thoại định kỳ, chiếm 50% tổng số doanh nghiệp; năm 2021, có 100% doanh nghiệp nhà nước, 80% doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; năm 2022, các doanh nghiệp đã tổ chức được 1.215 cuộc đối thoại định kỳ và 732 cuộc đối thoại đột xuất, trong đó 100% doanh nghiệp nhà nước đã tổ chức hội nghị đối thoại định kỳ theo quý
(8) Tính đến tháng 3-2023, trên toàn thành phố Hải Phòng đã có 1.128/1.457 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn xây dựng và ký thỏa ước lao động tập thể (đạt 77%). Trong đó, đáng ghi nhận là có 27 bản thỏa ước lao động tập thể nhiều doanh nghiệp được ký kết, đặc biệt là bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết bởi 30 doanh nghiệp ngành điện tử thuộc Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng, với nhiều nội dung cam kết thực hiện có lợi hơn so với quy định của pháp luật (gần 10.000 công nhân, người lao động được thụ hưởng).
Hội thảo khoa học “Một số định hướng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”  (05/11/2023)
Thành phố Hải Phòng thực hiện dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp ngày càng thực chất và rộng rãi, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ  (14/10/2023)
Để Hải Phòng sớm trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại  (31/05/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay