Thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở Thái Lan và một số gợi mở đối với Việt Nam
TCCS - Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR)(1) được công nhận rộng rãi như một khía cạnh quan trọng của hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. Là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và đang trong quá trình hội nhập sâu hơn vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), trong thời gian qua, Thái Lan ngày càng quan tâm đến vấn đề này. Theo đó, việc thực hiện CSR trong lĩnh vực nông nghiệp của Thái Lan đã được triển khai với những kết quả nhất định.
Nhận thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở Thái Lan
Nhận thức về CSR của người dân Thái Lan xuất phát từ các quan niệm trong văn hóa và lối sống liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống. Lý tưởng “làm việc thiện cho người khác và tạo công đức” đã ảnh hướng rất lớn đến đời sống xã hội ở Thái Lan. Điều đó thôi thúc người dân làm điều tốt đến từ “tinh thần bên trong” chứ không phải từ bất kỳ động cơ tư lợi hoặc sự ép buộc từ bên ngoài. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức “quyên góp” hoặc “từ thiện”(2). Tuy nhiên, vào giữa những năm 70 của thế kỷ XX, khi Thái Lan mở cửa nền kinh tế cho các nhà đầu tư nước ngoài, đây là một phần trong chiến lược chuyển đổi đất nước từ một xã hội kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp hóa nền kinh tế, theo đó một số lượng lớn công ty nước ngoài, cũng như các doanh nghiệp liên doanh đã được thành lập tại Thái Lan. Nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng nhanh chóng, song bên cạnh đó, vấn đề môi trường và một số vấn đề xã hội khác ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Vào thời điểm năm 1997 - 1998, Quốc vương Thái Lan Bhumiphol Adulyadej đã đưa ra triết lý “Nền kinh tế vừa đủ” để hướng dẫn người dân Thái Lan hướng tới một cuộc sống cân bằng. Triết lý này được coi là chìa khóa để đạt được mục tiêu “phát triển bền vững” do Liên hợp quốc khởi xướng và thúc đẩy từ năm 1992 tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất Rio de Janeiro. Trong quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc gia lần thứ 9 (2002 - 2006), mục tiêu được đưa ra là phát triển và hội nhập toàn diện, trong đó lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, vì “sự phát triển bền vững và phúc lợi phù hợp cho người dân Thái Lan”. Đó là sự “phát triển cân bằng”, tính đến các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị và môi trường nhằm làm cho mọi người dân có cuộc sống hạnh phúc, tự chủ, hội nhập với thế giới mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc Thái Lan(3).
Thể chế hóa triết lý này trong lĩnh vực nông nghiệp, các quy định pháp luật về thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng được quy định cụ thể hơn ở các văn bản pháp lý, như: Luật Nông nghiệp và Luật Chăn nuôi động vật; Luật Bảo vệ thực vật; Luật Quản lý hạt giống; Luật Quản lý thuốc bảo vệ thực vật; Luật Quản lý đất đai và sử dụng đất nông nghiệp và Luật Doanh nghiệp năm 1999, được sửa đổi, bổ sung nhiều lần vào các năm sau đó. Theo Luật Nông nghiệp, Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phải thực hiện trách nhiệm xã hội bằng cách bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tôn trọng quyền lợi của người lao động và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nếu vi phạm các quy định này, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt và có thể bị thu hồi giấy phép hoạt động.
Ngoài các quy định mang tính chất bắt buộc thực hiện, Chính phủ Thái Lan khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng một số tiêu chuẩn sau: Một là, quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) để giảm thiểu thách thức trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh mô hình “Farm to Fork” (hay còn gọi là mô hình “Từ nông trại tới bàn ăn”), nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình này đối với nông nghiệp Thái Lan; hai là, tiêu chuẩn Q-GAP và THAI-GAP nhằm đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn đối với thị trường trong nước và xuất khẩu; ba là, các tiêu chuẩn quản trị tốt và phát triển xã hội, các vấn đề môi trường trong việc thực hiện tiêu chuẩn ISO 26000:2010(4) nhằm xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về CSR; bốn là, chứng chỉ, chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng quốc tế của các sản phẩm nông nghiệp, như ISO 14001, SA 8000, GLOBALGAP, BRC (British Retailer Consortium) - tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm, GMP (Good Manufacturing Practices) - tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt; HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Points) - chỉ số phân tích nguy cơ và điểm kiểm soát giới hạn của sản phẩm,… đều được Chính phủ Thái Lan khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng.
Là một trung tâm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khu vực, các công ty đa quốc gia đầu tư hoạt động ở Thái Lan cho thấy mức độ thâm nhập cao hơn của các hoạt động CSR(5). Trong một khảo sát về việc thực hiện CSR ở bảy quốc gia châu Á, theo đó, trong số 500 doanh nghiệp hàng đầu ở Thái Lan, 42% số doanh nghiệp có báo cáo về việc triển khai thực hiện CSR, với 24% hoạt động ở mức tối thiểu, 62% ở mức trung bình, tập trung chủ yếu vào các hoạt động cộng đồng(6).
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp ở Thái Lan thực hiện trách nhiệm xã hội dưới nhiều cách thức khác nhau, như: Phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và bền vững, giúp giảm thiểu tác động của hoạt động nông nghiệp đến môi trường và cộng đồng địa phương; hỗ trợ cộng đồng địa phương thông qua đầu tư vào các dự án giáo dục, y tế và phát triển kinh tế; thực hiện các chương trình tình nguyện để giúp đỡ cộng đồng, cũng như đưa ra các chính sách hỗ trợ cho nhân viên, bao gồm các chương trình đào tạo và phúc lợi. Ngoài ra, thực hiện các chương trình giảm thiểu tác động của hoạt động nông nghiệp đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và tăng cường an toàn thực phẩm...
Trên thực tế, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở Thái Lan thể hiện ở một số khía cạnh cụ thể sau:
Trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp bền vững, nhiều doanh nghiệp ở Thái Lan như Tập đoàn Charoen Pokphand (CP)(7), với tôn chỉ kinh doanh trước tiên là tạo sự bền vững vì một ngày mai tốt đẹp hơn cho đất nước, vì người dân và sau cùng là vì doanh nghiệp. Đây được coi là “ba nguyên tắc lợi ích”, được CP duy trì trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của mình(8). Theo đó, CP thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp bền vững thông qua công ty con CP Foods. CP Foods áp dụng phương pháp “Farm to Fork”, bảo đảm thực phẩm được sản xuất là an toàn, tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. CP Foods đưa ra chương trình “Tìm nguồn cung ứng bền vững” nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu thô từ các nguồn bền vững. Ngoài ra, triển khai một số chương trình, như ký kết các hợp đồng canh tác với nông dân với mục tiêu tạo ra sự ổn định nghề nghiệp, tạo thu nhập và phúc lợi cho nông dân.
Đối với trường hợp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Betagro(9), trong hơn 55 năm hoạt động, Betagro đã tạo dựng sự thành công và tiếp tục được công nhận là nhà sản xuất thực phẩm hàng đầu thế giới của Thái Lan. Với cam kết bảo đảm chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người dân bằng cách cung cấp thực phẩm an toàn và chất lượng cao với giá cả hợp lý, Betagro nhận thức rằng thực phẩm đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống, là nền tảng cho sự phát triển bền vững và luôn cam kết cải tiến ngành công nghiệp thực phẩm để hỗ trợ an ninh lương thực trong tương lai.
Công ty CP Inter Far East Agriculture (IFEC)(10) cũng là một trong những doanh nghiệp của Thái Lan đã có nhiều hoạt động đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng. IFEC thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững để nghiên cứu và phát triển các phương pháp trồng trọt bền vững và giảm thiểu tác động đến môi trường. Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, IFEC thực hiện nhiều chương trình như kiểm soát chất lượng sản phẩm, đào tạo nhân viên về an toàn thực phẩm. Đồng thời, thực hiện các chương trình hỗ trợ nông dân như cung cấp giống cây trồng chất lượng cao và đào tạo kỹ năng canh tác.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhận thức được các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có những tác động đến môi trường, Tập đoàn CP triển khai chương trình “Văn phòng xanh”, khuyến khích nhân viên áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường. CP đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời và năng lượng gió, hướng tới mục tiêu xây dựng một quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, trung hòa carbon vào năm 2030 và đạt mục tiêu không có khí thải nhà kính vào năm 2050(11).
Công ty Betagro cũng đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện sống cho người dân địa phương, như đưa ra các sáng kiến phân tích hệ thống quản lý nước, rác thải và năng lượng để giảm lượng nước tiêu thụ trong quá trình sản xuất, tăng cường tái sử dụng nước thải và cải thiện xử lý nước đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, giảm phát sinh chất thải tại các cơ sở sản xuất và khuyến khích nhân viên phân loại rác. Betagro đã đầu tư trang bị một ngôi nhà năng lượng mặt trời với công suất phát điện 2,8 MW tại nhà máy thức ăn chăn nuôi ở tỉnh Lopburi. Đây là nhà máy thức ăn chăn nuôi sử dụng 100% năng lượng mặt trời(12).
Trong lĩnh vực giáo dục, đóng góp cho sự phát triển của nền giáo dục trong nước là một trong những hoạt động được các doanh nghiệp Thái Lan quan tâm thể hiện rõ trách nhiệm đối với xã hội. Tập đoàn CP đã thành lập “Quỹ Giáo dục Tập đoàn CP”, cung cấp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. CP hợp tác với nhiều trường đại học để cung cấp các khoản tài trợ nghiên cứu và hỗ trợ các chương trình học thuật, giúp sinh viên có môi trường phát triển, sáng tạo, nâng cao kỹ năng để có thể tạo ra các sản phẩm và dịch vụ chất lượng hơn trong tương lai. Công ty IFEC cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng như xây dựng trường học, cung cấp nước sạch và đào tạo nghề cho người dân địa phương. Công ty Betagro khởi động các dự án phát triển cộng đồng tại địa phương. Thông qua sự hợp tác với các khu vực công và khu vực tư nhân, chính quyền địa phương và các tổ chức giáo dục, Betagro thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển cộng đồng với tên gọi “Mô hình Chong Sarika” để xây dựng các cộng đồng vững mạnh và tự lực. Điều này khuyến khích tinh thần thiện nguyện và truyền lại kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ khác cùng với sự phát triển cộng đồng bền vững.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Tập đoàn CP có những đóng góp thông qua công ty con CP Healthcare. CP Healthcare thành lập các bệnh viện và phòng khám trên khắp cả nước, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Công ty Betagro đặc biệt chú trọng đến từng khâu của quy trình sản xuất để bảo đảm những sản phẩm có chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Một số gợi ý đối với Việt Nam
Từ nhận thức đến thực tiễn triển khai các hoạt động trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở Thái Lan có thể thấy một số thành công và hạn chế sau:
Thứ nhất, mặc dù ở Thái Lan vẫn còn có những quan điểm, cách tiếp cận khác nhau về CSR, nhưng về cơ bản, Chính phủ và các doanh nghiệp Thái Lan đã có sự tương đồng trong nhận thức, quan điểm về CSR và vận hành theo quy chuẩn quốc tế. Theo đó, để thực hiện tốt CSR, các doanh nghiệp Thái Lan tôn trọng pháp luật và các cam kết với các bên liên quan. Đồng thời, gắn kết hoạt động kinh doanh với việc giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, quyền con người, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, nhằm tối đa hóa lợi nhuận của các chủ sở hữu doanh nghiệp, các bên có liên quan và toàn xã hội.
Thứ hai, một số doanh nghiệp Thái Lan trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm liên doanh và các doanh nghiệp địa phương lớn, đã đẩy mạnh và tích hợp CSR vào chiến lược kinh doanh. Trong một số trường hợp, CSR đã vượt xa tính hiệu quả trong việc duy trì giấy phép hoạt động và đã được tích hợp tốt vào cốt lõi kinh doanh, tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp.
Thứ ba, trong lĩnh vực nông sản, Chính phủ Thái Lan ban hành những chiến lược đúng đắn và nhất quán trong việc xây dựng các thương hiệu cho các sản phẩm nông sản. Nhờ đó, người dân luôn biết chú trọng đến việc bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội và nội quy lao động.
Ngoài ra, người nông dân Thái Lan cũng đã biết nắm bắt và áp dụng công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Với những nỗ lực của chính phủ và người dân nên từ lâu Thái Lan đã được coi là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, trong đó, xuất khẩu gạo là chủ lực, chiếm 40% sản lượng xuất khẩu gạo của thế giới trong 30 năm qua. Nông nghiệp thu hút khoảng 40% lực lượng lao động và đóng góp gần 10% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Thái Lan. Không chỉ là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, các nông sản khác của Thái Lan cũng có kim ngạch xuất khẩu lớn như đường, dứa, cao su. Hiện nay, trước bối cảnh mới với nhiều khó khăn, mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững được Chính phủ Thái Lan hướng tới nhằm giúp Thái Lan thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, tăng thu nhập trung bình lên gấp bảy lần, từ mức 56.450 bạt (năm 2020) lên 390.000 bạt (năm 2040)(13).
Thứ tư, để có những thành công ban đầu về thực hiện trách nhiệm xã hội như hiện nay, Chính phủ Thái Lan đã có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cho phát triển nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến thực phẩm, ban hành những chính sách tài chính hấp dẫn như giảm thuế, có các khoản vay ưu đãi, trợ cấp ban đầu cho các nhà máy chế biến, đầu tư trực tiếp vào kết cấu hạ tầng, nghiên cứu và phát triển, xúc tiến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các nhà máy chế biến của các hộ gia đình được khuyến khích đầu tư công nghệ hiện đại, tạo ra khối lượng lớn sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai các hoạt động trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở Thái Lan vẫn còn một số hạn chế: Một là, mặc dù một số doanh nghiệp lớn ở Thái Lan nhận thức và thực hiện trách nhiệm xã hội tương đối tốt nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như không có dữ liệu về các hoạt động CSR, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở những hoạt động đóng góp tình nguyện. Ngoài ra, vẫn có những vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp gây bức xúc trong dư luận, như việc sử dụng hóa chất độc hại thải ra môi trường, tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên không bền vững(14).
Hai là, việc nhận thức CSR chỉ giới hạn trong các hoạt động từ thiện, do đó không được đánh giá ở cấp chiến lược trong hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có hai nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp ở Thái Lan chưa đưa CSR lên tầm chiến lược: 1- Thiếu cam kết của ban lãnh đạo doanh nghiệp đối với thông lệ kinh doanh; 2- Vai trò của CSR chưa được coi trọng và cho rằng chỉ phục vụ chức năng quan hệ công chúng. Việc nhận thức này là một thách thức lớn để các doanh nghiệp chuyển sang giai đoạn phát triển CSR ở mức độ cao hơn(15).
Ba là, trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp thường giảm thiểu mọi chi phí không trực tiếp tạo ra lợi nhuận hoặc bảo vệ lợi nhuận ngắn hạn để tồn tại. Chưa kể, việc cho rằng CSR vốn chủ yếu được coi là hoạt động từ thiện, vì vậy sẽ là một trong những lĩnh vực hoạt động ít được chú trọng nhất, nhất là khi CSR vẫn chưa phải là tiêu chí mua hàng quan trọng của người tiêu dùng hiện nay.
Qua nghiên cứu mô hình thực hiện trách nhiệm xã hội ở Thái Lan, để đẩy mạnh việc nhận thức và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vì một xã hội phát triển bền vững, có thể đề xuất một số gợi ý đối với Việt Nam như sau:
Thứ nhất, bên cạnh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mang tính ràng buộc chung, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, như: khuyến khích các doanh nghiệp vượt ra khỏi các quy định CSR bắt buộc bằng cách đưa ra những ưu đãi giảm thuế, cho vay vốn với lãi suất thấp… để đầu tư thêm vào các hoạt động CSR, mở rộng sản xuất, kinh doanh, áp dụng những phương thức sản xuất thân thiện với môi trường; phổ biến, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với những quy định, tiêu chuẩn quốc tế về CSR, mở rộng thị trường và những yêu cầu của thị trường đối với sản phẩm xuất khẩu.
Thứ hai, đẩy mạnh vai trò của truyền thông, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và cả người tiêu dùng về việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Đối với doanh nghiệp, cần truyền thông cho họ nhận thức rõ ngoài chất lượng sản phẩm thì những sản phẩm được sản xuất bởi những doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội sẽ có khả năng mở rộng thị trường, nâng cao vị thế của doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu rủi ro và quan trọng hơn đó là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh của xã hội. Đối với người dân, Nhà nước cần tuyên truyền để người dân hiểu biết về những tiêu chuẩn mà các sản phẩm đạt được, từ đó họ nhận thức rõ giá trị của sản phẩm và có những quyết định lựa chọn. Thực tế hiện nay, một bộ phận lớn người tiêu dùng chưa thực sự hiểu đầy đủ về những tiêu chuẩn như sản phẩm hữu cơ, sản phẩm đạt chuẩn Vietgarb, Golgrab…, mà chủ yếu dựa trên giá cả để quyết định lựa chọn sản phẩm. Điều này không tạo động lực cho những doanh nghiệp nỗ lực để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thứ ba, thúc đẩy phát triển mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững. Thực tế ở Việt Nam hiện nay, tiêu thụ bền vững chưa được quan tâm, các hoạt động triển khai còn hạn chế. Thói quen tiêu dùng bị chi phối bởi phong tục, tập quán và khả năng kinh tế. Các hoạt động đã triển khai mới dừng ở nâng cao nhận thức cộng đồng trong sử dụng các sản phẩm sinh thái, chỉ là những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối, phạm vi tác động chỉ nằm trong khuôn khổ của một nhóm đối tượng hưởng thụ trực tiếp, vì vậy chưa có tính phổ biến và tính bền vững. Do vậy, thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững là giải pháp quan trọng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội về môi trường nhờ giảm thiểu các thói quen, tập quán sản xuất và tiêu dùng gây ô nhiễm môi trường.
Thứ tư, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên với những sản phẩm đạt chứng nhận, các cơ quan hữu quan có trách nhiệm quản lý khi cấp chứng chỉ cho sản phẩm để bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng như đã cam kết, không để mất niềm tin của người tiêu dùng.
Thứ năm, tổ chức các diễn đàn và hội nghị thường xuyên về các chủ đề CSR nhằm chia sẻ kinh nghiệm; thành lập ủy ban các bên liên quan nhằm thúc đẩy CSR trong nước tích hợp các hợp phần CSR theo ngành cụ thể vào các chương trình phát triển hiện có./.
------------------------------
* Bài viết này là sản phẩm của đề tài “Giải pháp thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bản tỉnh Bình Dương trong bối cảnh thực thi hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)” do PGS, TS Nguyễn Chiến Thắng làm chủ nghiệm đề tài
(1) Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD) định nghĩa: CSR là cam kết liên tục của doanh nghiệp nhằm đóng góp vào sự phát triển kinh tế, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động, cũng như của cộng đồng và xã hội nói chung
(2), (3), (15) Supachai Tepatanapong, Jiranya Ratchinda Kenan: “Corporate Social Responsibility in the APEC region Current Status and Implications’ (Tạm dịch: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong khu vực APEC: Hiện trạng và ý nghĩa), APEC, tháng 12-2015, https://www.apec.org/docs/default-source/publications/2005/12/corporate-social-responsiblity-in-the-apec-region-current-status-and-implications-december-2005/toc/thailand.pdf?sfvrsn=1a9a5a49_1
(4) Năm 2010, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã ban hành Tiêu chuẩn ISO 26000:2010 về CSR. Trong đó, bảy khía cạnh cốt lõi của ISO 26000:2010 được sử dụng làm tiêu chuẩn cho nhiều quốc gia châu Á, cụ thể: 1- Quản trị tổ chức; 2- Quyền con người; 3- Thực hành lao động; 4- Môi trường; 5- Điều hành công bằng; 6- Vấn đề người tiêu dùng; 7- Sự tham gia và phát triển của cộng đồng
(5) Chapple, W & Moon, J: Corporate Social Responsibility in Asia: A Seven - Country Study of CSR Website Reporting (Tạm dịch: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở châu Á: Nghiên cứu bảy quốc gia báo cáo về CSR), Business and Society, 2011, Vol. 44, tr. 415
(6), (14) Nattavud Pimpa: “Comparing Corporate Social Responsibilities in Lao PDR and Thailand: International Business and Poverty Alleviation” (Tạm dịch: So sánh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Lào và Thái Lan: Kinh doanh quốc tế và xóa đói, giảm nghèo), ResearchGate, 2013, https://www.researchgate.net/publication/257207422_Comparing_Corporate_Social_Responsibilities_in_Lao_PDR_and_Thailand_International_Business_and_Poverty_Alleviation
(7) Tập đoàn CP là một trong những tập đoàn của Thái Lan có trụ sở tại Thủ đô Bangkok. Đây là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Thái Lan và là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. CP bao gồm ba doanh nghiệp cốt lõi hoạt động trong kinh doanh nông nghiệp và thực phẩm, bán lẻ và phân phối, các ngành công nghiệp viễn thông với các khoản đầu tư tại hơn 30 quốc gia
(8), (11) “Making Today a Better Tomorrow” (Tạm dịch: Tạo dựng hôm nay vì một ngày mai tốt đẹp hơn), Charoen Pokphand Group Sustainability Report 2021, 2021, https://www.cpgroupglobal.com/storage/document/ sustainability -reports/2021/sustainability-report-2021-en.pdf
(9) Betagro là một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm từ thịt gia súc và gia cầm
(10) IFEC được thành lập vào năm 1987 tại Thái Lan. IFEC hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất các sản phẩm từ cây trồng như cao su, dừa, cà phê, tiêu, hạt điều và các loại rau quả
(12) Mr. Vasit Taepaisitphongse: “Betagro is achieving its goal of becoming a World-class Integrated Food Company for Sustainable Life” (Tạm dịch: Betagro đang thực hiện mục tiêu trở thành công ty thực phẩm đẳng cấp thế giới vì cuộc sống bền vững”, Betagro, ngày 1-11-2022, https://www.betagro.com/ en/updates/news-release/116/betagro-is-achieving-its-goal-of-becoming-a-world-class-integrated-food-company-for-sustainable-life
(13) PGS, TS Phạm Thị Thanh Bình: “Chính sách phát triển nông nghiệp Thái Lan và một số gợi ý tham chiếu cho Việt Nam”, Tạp chí Mặt trận, ngày 24-5-2022, http://tapchimattran.vn/kinh-te/chinh-sach-phat-trien-nong-nghiep-thai -lan-va-mot-so-goi-y-tham-chieu-cho-viet-nam-46276.html
Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thời gian tới  (30/11/2023)
Phát triển nông nghiệp Việt Nam: Vấn đề đặt ra và một số giải pháp  (23/10/2023)
Hợp tác phát triển sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá giữa Thái Lan và các nước Tiểu vùng sông Mekong  (10/10/2023)
Phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững từ thực tế tỉnh Đắk Nông  (14/12/2022)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm