TCCS - Xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình có mở đầu, nhưng không có điểm kết thúc, sau hơn 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Đây là bước tạo đà cho Quảng Ninh tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành quả trên chặng đường xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với đô thị văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân những năm tiếp theo.

Nhân dân thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh tích cực xây dựng nông thôn mới sáng, xanh, sạch, đẹp_Nguồn: baoquangninh.vn

Sáng tạo, linh hoạt trong cách làm

Khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, lợi thế đối với Quảng Ninh rất ít, bởi đặc thù vùng nông thôn của tỉnh có cả xã khu vực đồng bằng, miền núi, ven đô và hải đảo, trong đó có tới 96 xã miền núi. Hiện trạng các xã so với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đạt thấp. Số xã đạt dưới 50% bộ tiêu chí còn tới 58 xã; nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ, tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp. Vì vậy, Quảng Ninh đã có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá với quyết tâm cao và bước đi vững chắc.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 27-10-2010, trong đó lấy việc xây dựng nông thôn mới làm then chốt. Nghị quyết xác định chủ thể chính xây dựng nông thôn mới là nông dân; phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ.

Sau hơn 12 năm, Quảng Ninh hiện có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%), 56/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 57,1%), 26/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 26,5%), 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%). Hết năm 2022, tỉnh đã cơ bản đạt các nội dung theo bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Quảng Ninh là một trong số ít tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp trực tiếp do đồng chí bí thư cấp ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo. Cách chỉ đạo này rất sáng tạo, thể hiện rõ nét dấu ấn của lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Ðể đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh tập trung vào các đột phá chiến lược là đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm đồng bộ, liên thông tổng thể, kết nối chặt chẽ giữa đô thị với nông thôn, giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, tận dụng lợi thế từ kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đã hoàn thiện để tổ chức lại không gian và nguồn lực, quản lý sử dụng bền vững, tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế khác biệt, từng địa phương trên tinh thần lấy thành thị dẫn dắt nông thôn, công nghiệp - dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Đặc biệt, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực và sức mạnh tổng hợp triển khai thực hiện chương trình, trong đó ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn, góp phần thu hẹp khoảng cách xây dựng nông thôn mới. Trong huy động và tổ chức nguồn lực, tỉnh kiên trì thực hiện chủ trương lấy đầu tư công kích hoạt các nguồn vốn xã hội từ các thành phần kinh tế khác.

Những dấu ấn rõ rệt

Sau 12 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng cao rõ rệt. Tiêu biểu như thị xã Đông Triều, sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã chuyển trọng tâm sang xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo các tiêu chí mới. Hiện thu nhập bình quân khu vực nông thôn của thị xã đạt trên 75 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 2 lần so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn còn 0,49%. Môi trường nông thôn được cải thiện rõ rệt, đường làng, ngõ xóm ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Huyện Bình Liêu khi mới triển khai xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60%; các xã, thôn đều thuộc diện đặc biệt khó khăn; kinh tế chậm phát triển, văn hóa lạc hậu, kết cấu hạ tầng yếu kém. Được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và các nguồn lực, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nỗ lực vươn lên, chung sức xây dựng nông thôn mới, từng bước thoát nghèo bền vững. Hết năm 2022, Bình Liêu đã đạt 19/19 tiêu chí, 36/36 chỉ tiêu huyện nông thôn mới, về đích trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII đề ra.

Tham khảo kinh nghiệm từ phong trào OVOP của Nhật Bản, năm 2013, Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2013-2016 với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường, ổn định xã hội nông thôn.

Chương trình được thiết kế để các chủ thể sản xuất (cá thể, hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, tiêu thụ; Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại. Bằng các giải pháp quyết liệt, cụ thể, sáng tạo, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 560 sản phẩm OCOP, trong đó 336 sản phẩm đã được cấp sao do 219 đơn vị kinh tế sản xuất. Cái được lớn nhất từ chương trình OCOP chính là sự tham gia mạnh mẽ của người dân trong việc khai thác, xây dựng, phát triển, quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương, từng bước hình thành hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm.

Nhằm thôi thúc ý chí vươn lên của người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND về phân bổ nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020. Ngày 16-1-2017, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 196/QĐ-UBND phê duyệt đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 (Đề án 196). Nhờ đó, đến hết năm 2019, Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu là tất cả các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 về đích trước 1 năm so với kế hoạch đề ra. Luôn kiên trì với mục tiêu thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền, Quảng Ninh tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cho người dân vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Ngày 17-5-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND, phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.  

Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Cùng với đó, tỉnh cũng hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2022, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo là 0,34%, toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,06% tổng số hộ dân trong tỉnh. Quảng Ninh cũng vinh dự được Trung ương, các tỉnh ghi nhận, lựa chọn mô hình để nhân rộng khi là địa phương đầu tiên của miền Bắc có huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Đông Triều); huyện đảo (Cô Tô) đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước (xã Việt Dân). Nông thôn mới không chỉ mang lại diện mạo mới tại các làng quê, thôn xóm trên địa bàn Quảng Ninh, mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, đời sống sung túc, thôn, khu văn minh, quản lý dân chủ.

Kết quả này củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hiện đại, văn minh, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí và cuộc sống nhân dân./.