Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng của cư dân Duyên hải miền Trung trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội
TCCS - Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng khu vực Duyên hải miền Trung có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh vùng biển của đất nước. Do đó, thời gian tới, cần có những giải pháp phù hợp, khoa học nhằm khơi thông, phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng của cư dân ven biển miền Trung, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Một số đặc điểm văn hóa, tín ngưỡng của cư dân khu vực Duyên hải miền Trung
Dựa theo phân vùng hành chính, lãnh thổ, khu vực Duyên hải miền Trung bao gồm 14 tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận); có 5 huyện đảo: Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hoàng Sa (Đà Nẵng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Sa (Khánh Hòa) và Phú Quý (Bình Thuận); là nơi có bề dày lịch sử - văn hóa trải dài từ thời kỳ tiền sử, sơ sử, như văn hóa Quỳnh Văn, Bàu Tró, Sa Huỳnh, sau đó là văn hóa Chăm, văn hóa Việt(1),...
Cộng đồng cư dân Duyên hải miền Trung có đời sống văn hóa, tín ngưỡng phong phú, đa dạng; phần lớn người dân thực hành tín ngưỡng thờ cúng một cách đầy thành kính, thể hiện khát vọng nhận được sự che chở từ các đấng thần linh, đồng thời cầu mong cho vạn sự bình an trong mưu sinh thông qua các lễ hội truyền thống hằng năm (lễ hội đua thuyền trên sông, lễ hội cầu ngư (diễn ra phổ biến hầu khắp các địa phương gắn với nghề biển); một số tỉnh, thành phố ven biển (Đà Nẵng, Quảng Nam) có tín ngưỡng thờ Cô Bác (tục thờ những người gặp nạn, nhất là những hoạn nạn, tai ương xảy ra trên biển); tín ngưỡng thờ cúng âm hồn (cho những người chết trên sông, biển mà không có ai thờ phụng) ở vùng biển hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi được tổ chức vào dịp tháng hai âm lịch, dịp thanh minh,... tất cả cùng tạo nên tính đa phức nổi bật trong chiều sâu văn hóa nơi đây.
Tính đa phức là lý do khiến khu vực Duyên hải miền Trung không chỉ tồn tại nhiều tín ngưỡng, mà còn thể hiện sự hỗn dung nhiều màu sắc trong những hành vi thờ cúng, thực hành tín ngưỡng, ví dụ: Lễ hội chùa Ông ở phố cổ Thu Xà (tỉnh Quảng Ngãi) thể hiện tính chất (đa) tôn giáo và tín ngưỡng dân gian đan xen, hòa quyện lẫn nhau ở từng hình thức lễ và hội (một nhà sư chủ trì, thực hiện đúng vào ngày xá tội vong nhân dựa theo tích xưa của đạo Phật, là ngày Mục Kiền Liên cứu mẹ); tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, do yếu tố biển mà ngư dân có tục thờ cá Ông (thần Nam Hải), coi cá Ông như một vị thượng đẳng thần; các hệ thống lăng tẩm thường phối thờ chung thần Nam Hải với Thiên Y A Na, Ngũ hổ,...; tương tự, ở miền Bắc, Mẫu Thoải là sự hóa thân của thánh mẫu cai quản miền sông, nước, ao, hồ, biển cả và thường mặc trang phục màu trắng, nhưng tại miếu Thiên Y ở phường Phương Sài (thành phố Nha Trang) lại có màu xanh nước biển, điều này chứng minh rằng tín ngưỡng trên ít nhiều có biến đổi để phù hợp với yếu tố biển của vùng đất Nam Trung Bộ.
Sự phong phú về đời sống văn hóa, tín ngưỡng xuất phát từ việc có nhiều lớp cư dân và dân tộc chung cùng nhau sinh sống trong một thời gian dài, mỗi một lớp cư dân lại đóng góp những nét văn hóa riêng, độc đáo, khi hòa quyện cùng nhau sẽ tạo nên một diện mạo đời sống tâm linh chung phong phú, đa sắc diện. Khu vực Duyên hải miền Trung có sự góp mặt của nhiều dân tộc, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc: Cham-pa, Việt và Hoa, đây là nơi cư trú từ lâu trong lịch sử của dân tộc Chăm; tiếp nữa là người Việt di chuyển vào và từ giữa thế kỷ XVII, những lớp cư dân người Hoa đến buôn bán rồi định cư sau đó. Ngoài ra, quá trình du nhập những trào lưu tôn giáo từ bên ngoài làm cho đời sống tâm linh có sự đan xen giữa các lớp mới - cũ, trong - ngoài, thể hiện rõ sự đa dạng, phong phú và cả sự tích hợp, giao thoa của các tín ngưỡng, tôn giáo.
Bên cạnh đó, hệ thống văn hóa, tín ngưỡng của cư dân Duyên hải miền Trung không chỉ dừng lại ở “tín ngưỡng biển”, mà còn có sự đan xen nhiều yếu tố khác tạo ra nhiều nét văn hóa giá trị, hấp dẫn. Với địa hình hẹp, chạy dọc theo ven biển nên đồng bằng và biển cả luôn gần gũi bên nhau, dẫn đến việc cư dân trồng lúa và làm biển không có sự xa cách cả trong địa lý lẫn không gian văn hóa, thậm chí cả trong hoạt động mưu sinh thường nhật (ở nhiều nơi, ngư dân và nông dân tồn tại ngay trong một con người); sự tồn tại bên nhau, xâm nhập vào nhau của hai yếu tố nông nghiệp và ngư nghiệp tạo nên môi trường văn hóa tâm linh đặc sắc cho khu vực Duyên hải miền Trung.
Tiếp tục truyền thống văn hóa, tín ngưỡng phổ biến của người Việt Nam là đề cao vai trò người phụ nữ, cộng đồng cư dân ven biển miền Trung cũng thể hiện sự tôn thờ, kính trọng của mình đối với các vị nữ thần. Tùy theo từng vùng mà các vị nữ thần sẽ mang bóng dáng và tên gọi khác nhau (có thể là Thánh Mẫu hay bà Chúa Ngọc, bà Thủy (một trong năm nữ thần Ngũ Hành); bà Thiên Hậu, Tống Hậu, Cửu Thiên Huyền Nữ, Ngũ Hành, bà Thủy Long, bà Lường hay Thiên Y A Na,...). Điều này cho thấy, từ sâu thẳm tâm tư, tinh thần của cư dân ven biển miền Trung, vai trò, vị thế của nữ giới luôn được khẳng định, vừa thể hiện sự tiến bộ về phương diện bình đẳng giới, vừa là sự ghi nhận, ghi công những đóng góp lớn lao của người phụ nữ trong quá trình xây dựng và phát triển gia đình, quê hương, đất nước.
Ngoài ra, vùng Duyên hải miền Trung còn nổi tiếng bởi những nét văn hóa độc đáo trên hệ thống các đảo và quần đảo, nhân dân trên các đảo ven biển vẫn lưu giữ những phong tục, tập quán, kiêng kỵ và những lễ hội gắn liền với đời sống văn hóa của cư dân biển, đảo, mà điển hình là đời sống tín ngưỡng của cư dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Hằng năm, cứ đến “lệ xuân” (tháng 2 âm lịch), các tộc, họ trên đảo Lý Sơn đều tổ chức cúng “việc lề” với quan niệm mang tính quy trình rằng: “trước hết là cúng việc lề, sau là cúng đất, cô hồn, thế lính Hoàng Sa và cầu an cho dòng họ”. Cúng việc lề là hoạt động nghi lễ thể hiện một tâm thức luôn hướng về cội nguồn tiên tổ, mỗi tộc, họ sinh sống trên đảo đều sắm sửa lễ vật kính cẩn dâng lên các vị thủy tổ của dòng họ mình, thể hiện tinh thần hướng về nguồn cội và tri ân những thế hệ đầu tiên thực hiện quá trình di cư, khẩn hoang, lập nên cuộc sống ở trên đảo. Với hình thức cúng lề, con, cháu thế hệ sau sẽ có tinh thần, cảm giác như tổ tiên luôn kề vai, sát cánh để chở che, bao bọc và chắp cánh cho những ước mơ, khát vọng trong cuộc sống hiện thực được thành công, bình an. Cũng ở Lý Sơn, việc thờ nữ thần được lưu truyền rộng rãi, như thờ Tam Phủ (Thiên Phủ, Sơn Phủ, Thoải Phủ với ba nữ thần cai quản là Mẫu Thượng Thiên (hóa thân của Mẫu Liễu Hạnh); Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải Phủ) ở lăng Chánh thờ cá Ông Nam Hải, thể hiện sự giao hòa đẹp đẽ trong đời sống tâm linh độc đáo của người dân Lý Sơn khi những yếu tố trong nền văn hóa nông nghiệp đã bắt nhịp và hòa quyện với các yếu tố thuộc văn hóa biển. Sự sâu đậm trong tâm thức về vị thần cá Ông của cư dân Lý Sơn còn được thể hiện ở mật độ dày đặc của hệ thống lăng thờ cá Ông, chỉ trên vùng đảo Lý Sơn nhỏ bé đã có 6 lăng thờ cá Ông, riêng ở xã An Vĩnh có tới 5 lăng thờ (lăng Tân, lăng Chánh, lăng Thứ, lăng Cồn, lăng Tân Thành)(2).
Hiện nay, trong truyền thống của người dân Duyên hải miền Trung vẫn còn nhiều tục kiêng kỵ liên quan đến ngư nghiệp và cuộc sống gắn với biển được người dân thực hành, gìn giữ, trong đó, những kiêng kỵ liên quan đến hình ảnh con thuyền được đặc biệt coi trọng (ở nhiều vùng biển miền Trung, ngư dân vẫn giữ tục vẽ mắt thuyền với niềm tin con mắt sẽ giúp thuyền tránh quái vật làm hại, tìm được luồng cá và giúp cho bạn hàng tìm được bến bờ nhiều tài lộc). Những hành động liên quan (liên tưởng) đến việc úp, lật thuyền là điều luôn tối kỵ, không được phép thực hiện (khi ăn cá, nếu đã ăn hết phần trên thì ngư dân không lật con cá lại mà dùng đũa gỡ xương, rồi gắp tiếp phần còn lại; không úp thúng khi đi nghề, trên thuyền không úp chén bát và những dụng cụ khác). Điều này thể hiện những quan niệm thú vị xung quanh nghề chài lưới cũng như đời sống tâm linh phong phú với ước mong hướng đến một đời sống bình an và no ấm của những con người gắn bó cuộc mưu sinh với biển, trời, sông, nước mênh mông.
Cũng như văn hóa nói chung, văn hóa tâm linh được hình thành từ thực tiễn hoạt động đời sống trong cộng đồng cư dân trong từng vùng, miền, địa phương. Các sinh hoạt tín ngưỡng và thực hành lễ hội nói trên là sự kết hợp hài hòa giữa thế giới tâm linh và cuộc sống thực tại của con người, tín ngưỡng, tôn giáo luôn là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân(3) từ trước đến nay. Vì vậy, các hoạt động tín ngưỡng vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân, vừa phản ánh khát vọng về đời sống bình yên, thịnh vượng của dân chúng; đồng thời, là nguồn tài nguyên quý giá tạo động lực cho kinh tế phát triển, nhất là kinh tế du lịch - dịch vụ, bởi một khi văn hóa trì trệ, thì sẽ không có bất cứ sự phát triển kinh tế - xã hội nào(4).
Thực trạng công tác quản lý hoạt động văn hóa, tín ngưỡng và những vấn đề đặt ra
Nhìn chung, các giá trị văn hóa trong đời sống tín ngưỡng ở các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung không những đang được bảo tồn, gìn giữ, mà còn phát huy vai trò to lớn trong phát triển kinh tế. Nổi bật là nhận thức về các giá trị văn hóa, tín ngưỡng ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, loại hình; nhiều sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều di sản văn hóa mang giá trị truyền thống của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển, trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Các lễ hội như đua thuyền, cầu ngư,... mỗi lần được tổ chức theo định kỳ ở các tỉnh, thành phố thường xuyên thu hút hàng nghìn người tới tham quan, nghiên cứu, học tập, góp phần thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc và phát triển du lịch bền vững. Chẳng hạn, lễ hội Quán Thế Âm ở thành phố Đà Nẵng diễn ra trong nhiều ngày với phần lễ gồm các nội dung: Lễ rước ánh sáng, lễ khai kinh, lễ trai đàn chẩn tế, lễ thuyết giảng về Bồ tát Quán Thế Âm và dân tộc, lễ rước tượng Quán Thế Âm; phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao mang đậm bản sắc dân tộc xen lẫn tính hiện đại, như hội hóa trang, hát dân ca, thi cờ, nhạc, họa, điêu khắc, múa tứ linh, thả đèn trên sông, hát tuồng, triển lãm thư pháp và tranh thủy mặc, hội thi thuyết minh về danh thắng Ngũ Hành Sơn, thi nấu ăn chay,...
Số lượng lớn khách du lịch đến với các địa phương ở miền Trung ngày càng tăng, một phần bởi tính đặc sắc, độc đáo, hấp dẫn và sức cuốn hút kỳ lạ từ các giá trị văn hóa trong đời sống tín ngưỡng nơi đây. Thực tế cho thấy, sự đồng hành của truyền thống văn hóa, sự hiện diện của các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống xã hội đã tạo thành sức mạnh nội sinh, vừa là nguồn lực, vừa là thành quả của quá trình phát triển. Tất nhiên, đi kèm với điều đó, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đối với vấn đề quản lý, phát triển xã hội; do đó, để nâng cao hiệu quả cho công tác quản lý hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, cần chú trọng một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, những tác động đa diện của quá trình phát triển và kinh tế thị trường đang làm mai một, thậm chí là xóa bỏ đi nhiều phong tục, tập quán, hoạt động tín ngưỡng giá trị liên quan đến biển, đảo khu vực Duyên hải miền Trung.
Theo dòng chảy của thời gian, không ít phong tục, tập quán, hoạt động văn hóa - tín ngưỡng truyền thống của ngư dân miền Trung đang bị xói mòn, không còn tồn tại; nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và thực hành lễ hội bị mai một, thậm chí với tốc độ rất nhanh; nhiều di tích gắn với tín ngưỡng bị phá bỏ hoặc đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong quá trình đô thị hóa, không ít di tích liên quan đến các tín ngưỡng văn hóa truyền thống biển, đảo không được bảo tồn đúng mức (nhiều lăng, đền đã phải di dời, hoặc bị dỡ bỏ; nhiều di tích được xây dựng không còn sức hút (về mặt tâm linh) đối với cộng đồng; không ít những đình, đền, miếu, lăng thờ cá Ông,... bị phong tỏa, lấn át bởi những tòa nhà cao tầng và khu đô thị hiện đại dẫn đến việc không còn giữ được “không gian thiêng” vốn có của mình). Trong khi đó, các yếu tố tiêu cực của kinh tế thị trường đang làm xói mòn nhiều nét đẹp trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của ngư dân; những hoạt động lợi dụng tôn giáo làm cho tình hình chính trị - xã hội ở một số nơi thêm phức tạp vẫn tồn tại.
Thứ hai, từ thực tế cho thấy, sự đồng hành, đồng bộ của văn hóa - tín ngưỡng trong các bình diện khác của đời sống xã hội chưa thực sự tạo thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực cho phát triển, nhất là trên phương diện kinh tế. Ở một số trường hợp, sinh hoạt tín ngưỡng và thực hành lễ hội còn mang tính riêng rẽ, cục bộ của từng đơn vị văn hóa, của từng địa phương mà chưa chú ý đến mối liên kết, phối hợp,...; thiếu kịch bản mang tính tổng thể về tính cộng đồng trách nhiệm và cộng hưởng về lợi ích kinh tế do các hoạt động văn hóa đó mang lại.
Những vấn đề đặt ra trong đời sống tín ngưỡng của cư dân khu vực Duyên hải miền Trung cần được các cấp chính quyền lưu tâm đúng mức nhằm quản lý một cách hiệu quả, tạo những điều kiện đáp ứng tốt nhất nhu cầu về tín ngưỡng của đồng bào và ổn định đời sống xã hội một cách bền vững.
Thứ ba, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của ngư dân khu vực Duyên hải miền Trung còn không ít bất cập, thiếu sót; nhiều khó khăn đã và đang thể hiện trên cả hai phương diện: cơ chế hoạt động và nhân sự. Sau nhiều lần chia tách và sáp nhập, cơ cấu bộ máy làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở các địa phương vẫn chưa được kiện toàn, ổn định nên còn gặp nhiều trở ngại trong việc thực thi nhiệm vụ của mình. Mặc dù một số cơ quan đã được hoàn thiện, nhưng nhìn chung, số lượng cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo từ cấp tỉnh đến cấp xã còn khá mỏng, trong đó, vẫn còn một số cán bộ, công chức có kiến thức, năng lực hạn chế, ít kinh nghiệm thực tiễn dẫn đến chất lượng công tác chưa cao.
Thứ tư, sự tồn tại của những tập tục lạc hậu có tác động tiêu cực đến quá trình phát triển của cộng đồng nói chung và đặt ra nhiều vấn đề phức tạp đối với công tác quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội nói riêng. Đời sống tâm linh, tín ngưỡng có vai trò lớn đối với cuộc sống của con người, nhất là những ngư dân lênh đênh trên sóng nước, luôn đối diện với nhiều sóng, gió, bão, giông. Tuy nhiên, việc có quá nhiều tín ngưỡng cùng tồn tại trên một khu vực nhiều yếu tố phức tạp về văn hóa, tâm linh có thể dẫn đến sự nở rộ của hiện tượng mê tín dị đoan, không những làm tốn kém về thời gian, tiền bạc của ngư dân, mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội, cản trở những tư duy, cách làm mới nảy mầm và phát triển.
Thứ năm, một số chính sách, pháp luật đối với tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn những bất cập, hạn chế. Trong bối cảnh ngày càng có sự phức tạp hóa, đa dạng hóa đời sống tín ngưỡng, tôn giáo sẽ vẫn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, xung đột giữa các bộ phận cư dân có xuất phát khác nhau trong nguồn gốc tín ngưỡng, tôn giáo. Sự du nhập khá mạnh của các tôn giáo độc thần, như Công giáo, Tin lành, trong bối cảnh cộng cư đan xen giữa cộng đồng các ngư dân đã làm xuất hiện những mâu thuẫn, xích mích, thậm chí là xung đột giữa một số cộng đồng các tôn giáo với một bộ phận nhân dân khác trong vùng; giữa những người theo tín ngưỡng truyền thống với những tín đồ theo các tôn giáo độc thần. Tại một số vùng vẫn còn những “rào cản vô hình” giữa những làng, thôn theo đạo và làng không theo đạo.
Giải pháp phát huy vai trò văn hóa, tín ngưỡng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay
Để giải quyết hiệu quả các vấn đề đặt ra trong đời sống tín ngưỡng cộng đồng cư dân khu vực Duyên hải miền Trung, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hiện thực hóa nhiệm vụ “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(5), cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, chú ý gắn kết các sinh hoạt tín ngưỡng và thực hành lễ hội trong mối quan hệ lợi ích kinh tế - văn hóa - xã hội. Thực tế cho thấy, việc tận dụng và khai thác tốt các giá trị văn hóa trong đời sống tín ngưỡng, biến chúng trở thành tài nguyên du lịch không những làm cho cư dân địa phương có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, quản lý di sản văn hóa, mà còn góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tích cực hơn, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư phát triển bền vững. Mặt khác, thông qua các lợi ích kinh tế mang lại, cộng đồng dân cư sẽ hiểu đúng hơn về những giá trị di sản, từ đó có ý thức lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa. Thực tế, nhiều làng nghề truyền thống hiện tại cũng dần được hồi sinh, nhiều di sản văn hóa đã được phục dựng lại, các sản phẩm văn hóa đặc thù cũng được tạo ra nhiều hơn,...
Thứ hai, cần thực hiện việc kiểm tra, phân loại các hoạt động tín ngưỡng, nghi lễ văn hóa, làm cơ sở xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm khôi phục, gìn giữ những phong tục, tập quán tốt đẹp và loại bỏ những hình thức cúng bái có tính mê tín, dị đoan, rườm rà, gây tốn kém. Cần thiết có sự hướng dẫn, định hướng cho người dân trong việc tổ chức sinh hoạt lễ hội đúng với văn hóa truyền thống.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu có hệ thống các nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo nhằm tìm hướng giải quyết thỏa đáng những nhu cầu chính đáng về tâm linh của đồng bào ngư dân khu vực Duyên hải miền Trung. Nhiều tín ngưỡng truyền thống đang tồn tại ở các vùng ven biển miền Trung thể hiện nét đẹp và truyền thống yêu quê hương, đất nước, không những góp phần không nhỏ trong việc làm phong phú thêm đời sống văn hóa - tâm linh của người dân nơi đây, mà còn khuyến khích tính hướng biển tích cực của dân tộc Việt. Vì vậy, các chủ thể lãnh đạo, quản lý cần tạo điều kiện để các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh tích cực được diễn ra một cách lành mạnh; đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo, tín ngưỡng, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với những hoạt động lợi dụng tôn giáo, phát triển các tà đạo.
Thứ tư, kiện toàn bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở miền Trung; tạo điều kiện thuận lợi cả về tổ chức nhân sự lẫn kinh phí cho bộ máy hoạt động hiệu quả. Cần thiết có chính sách ưu đãi thích đáng, phù hợp; xem xét, tạo điều kiện tăng biên chế cho cấp huyện, cấp xã để làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Thứ năm, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã có hiệu lực hơn 5 năm với các quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động, tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Thời gian tới, cần tích cực tuyên truyền, phổ biến và có lộ trình thích hợp nhằm tạo sự thuận lợi cho việc thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần tạo thuận lợi cho công tác quản lý trong cả nước nói chung, trên địa bàn các tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung nói riêng./.
----------------------------
(1) Xem: Ngô Thị Thu Hương: “Văn hóa biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 12 (85), 2014, tr. 100
(2) Xem: Bùi Đức Mậu: “Tín ngưỡng của cư dân ven biển Nam Trung Bộ”, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, tháng 10-2020, tr. 40
(3) Xem: Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16-10-1990, của Bộ Chính trị , “Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”
(4) Xem: Nguyễn Trọng Chuẩn: “Vai trò của nguồn lực văn hóa với quá trình phát triển kinh tế - xã hội”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 10-4-2021, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/821721/vai-tro-cua-nguon-luc-van-hoa-voi-qua-trinh-phat-trien-kinh-te---xa-hoi.aspx
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 115 - 116
Văn hóa là động lực quan trọng để phát triển kinh tế  (11/04/2023)
Phát huy giá trị của văn hóa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay  (04/04/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên