Một số giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới
TCCS - Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Thông qua các mô hình chuyển đổi, từng bước hình thành vùng sản xuất nông sản, chăn nuôi tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc chuyển đổi còn nhỏ lẻ, manh mún, nặng tính tự phát, chưa tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh.
Tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thời gian qua
Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2022 của Hà Nội cho thấy, các cây trồng chính (lúa, rau, cây ăn quả...) phát triển tốt. Chăn nuôi cơ bản ổn định, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Các hộ chăn nuôi đang đẩy mạnh việc tái đàn theo quy định. Diện tích nuôi trồng thủy sản không biến động nhiều. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt 21.454 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 2,39% so cùng kỳ. Trong đó, nông nghiệp 19.839 tỷ đồng, tăng 2,38%; lâm nghiệp 43 tỷ đồng, giảm 2,4%; thủy sản 1.572 tỷ đồng, tăng 2,67% so cùng kỳ năm 2021. Hà Nội tiếp tục xây dựng và phát triển 159 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể, theo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2017 - 2020, toàn thành phố đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được hơn 7.762ha, trong đó: chuyển đổi sang trồng cây hằng năm là hơn 2.331ha; chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là hơn 2.963ha; chuyển đổi sang nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa là hơn 2.466ha. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã tạo điều kiện phát triển sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đến nay, thành phố đã chuyển đổi được hơn 62.000ha, trong đó diện tích chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao hơn 32.000ha, gần 6.800ha trồng cây ăn quả, khoảng 4.300ha trồng rau an toàn, hơn 3.400ha chuyển sang chăn nuôi xa khu dân cư... Thông qua chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng, Hà Nội có hơn 1.230 trang trại theo tiêu chí mới gồm 920 trang trại chăn nuôi, 190 trang trại thủy sản, 120 trang trại tổng hợp và 2.500 mô hình sản xuất quy mô vừa và nhỏ với tổng diện tích 15.000ha - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết.
Trên địa bàn thành phố có gần 700 trang trại cho thu nhập từ 1 đến 3 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, như trồng hoa chất lượng cao ở huyện Chương Mỹ, trồng nhãn chín muộn ở huyện Hoài Đức, trồng hoa ly ở các huyện Sóc Sơn, Đan Phượng… Những mô hình chuyển đổi này cho hiệu quả kinh tế từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng cây rau màu, cây ăn quả lâu năm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 5 đến 6 lần so với trồng lúa cho các hộ sản xuất, nâng cao năng suất lao động và giá trị trên cùng diện tích canh tác; giảm diện tích đất bỏ hoang không sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp bền vững.
Cùng với đó, hình thành một số vùng chuyên canh tập trung, thuận lợi cho việc đầu tư, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, khai thác tối đa nguồn lực từ đất, mang lại giá trị kinh tế cao, trung bình các mô hình chuyển đổi mang lại giá trị từ 330 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha.
Các địa phương đã vận dụng các quy định hiện hành của Nhà nước, Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND, ngày 4-12-2013, của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội để hỗ trợ cho các dự án, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi các dự án chuyển đổi được ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Nội dung tập trung vào hỗ trợ ứng dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật và công tác phòng, trừ dịch hại trên cây trồng; công tác thông tin tuyên truyền các quy định, chính sách hỗ trợ tới các hộ dân để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Nhìn chung, công tác chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa đã phát huy hiệu quả, đồng thời với việc bảo đảm an ninh lương thực, việc chuyển đổi tại các vùng khó khăn trong sản xuất lúa đã từng bước hình thành các vùng sản xuất các cây trồng có thế mạnh, tính cạnh tranh cao theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn; hình thành các chuỗi liên kết, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản đem lại hiệu quả kinh tế cao…
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giải quyết được việc làm cho một bộ phận lao động dôi dư ở nông thôn, giúp người dân thuận lợi trong việc sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, các hợp tác xã ở Hà Nội đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi các vùng sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Đây là tiền đề để các hợp tác xã tiếp tục thực hiện tốt việc phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, giúp thành viên cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song theo đánh giá, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn thành phố thời gian qua còn chậm và chưa vững chắc. Tuy năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi tăng đáng kể nhưng chất lượng sản phẩm còn hạn chế, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Hầu hết các mô hình chuyển đổi còn nhỏ lẻ, manh mún, chỉ từ 3 sào đến 2ha, ít mô hình có diện tích từ 5ha trở lên. Trong khi đó, việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả chưa cao. Việc chuyển đổi còn nặng tính tự phát, hình thức và chạy theo phong trào. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng xuống cấp.
Việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm còn khó khăn; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư, liên doanh, liên kết trong khâu tiêu thụ. Quy định hiện nay về việc không được xây dựng tường rào bảo vệ trên đất trồng lúa cũng khiến nông dân chưa yên tâm đầu tư trồng cây lâu năm.
Hiện nay, quy hoạch chuyển đổi của các địa phương cơ bản giống nhau như đều trồng hoa, rau, cây ăn quả, chăn nuôi… dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Giá thịt lợn rớt rất nhanh như vừa qua là bài học để đánh giá lại quy mô sản xuất của cả thành phố.
Bên cạnh đó, đầu ra sản phẩm bấp bênh, thiếu ổn định nên người dân có tâm lý e ngại khi đầu tư phát triển sản xuất. Việc chuyển đổi như vậy không phát huy được hiệu quả kinh tế bởi không lựa chọn được những nông sản mang tính đặc trưng.
Một số giải pháp
Từ thực tiễn, Ủy ban nhân dân thành phố đã đăng ký kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, tổng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là hơn 17.926ha, trong đó: Chuyển đổi sang trồng cây hằng năm là hơn 5.081ha; trồng cây lâu năm hơn 7.539ha; nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa hơn 5.305ha; diện tích chuyển đổi khác là 20ha.
Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, Hà Nội cần thực hiện đồng loạt các giải pháp:
Một là, trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, thành phố Hà Nội nên định hướng tập trung vào nông sản đặc sản. Bởi vì, Hà Nội có nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, như cam canh, bưởi Diễn, phật thủ, gà đồi, hoa, cây cảnh, bò BBB… Do đó, mỗi địa phương cần căn cứ vào thế mạnh, sản phẩm đặc sản của mình để quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, có tính cạnh tranh cao là hết sức cần thiết.
Hai là, Hà Nội cần tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt cần tập trung vào sản xuất con giống bởi đây là ngành mang lại giá trị gia tăng cao. Ngành nông nghiệp cũng cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo từng vùng. Ví như, huyện Gia Lâm thời gian qua đã chuyển đổi từ lúa sang trồng hoa giấy phục vụ đô thị... rất hiệu quả. Đối với chăn nuôi, cần phát triển theo hướng tập trung, xa khu dân cư. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nên xây dựng chương trình hợp tác với các tỉnh để cung cấp con giống và thu mua lại sản phẩm thịt, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của đô thị. Đối với công tác xây dựng nông thôn mới, cần tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương hoàn thành theo kế hoạch.
Ba là, tiếp tục có các chính sách, giải pháp xây dựng những mô hình sản xuất tập trung, tích tụ ruộng đất, tạo tiền đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chế biến nông sản; xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhân rộng điển hình sản xuất - kinh doanh giỏi; chú trọng nâng cao giá trị nông sản… Tiếp tục rà soát công tác bảo đảm an ninh lương thực thông qua việc bảo vệ, duy trì hợp lý quỹ đất dành cho nông nghiệp cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng./.
Kinh tế đối ngoại Hà Nội trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế  (29/09/2022)
Cơ cấu lại nông nghiệp Hà Nội dựa trên lợi thế so sánh  (29/09/2022)
Thành phố Hà Nội: Duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch  (28/09/2022)
Hà Nội thúc đẩy hợp tác, xúc tiến đầu tư  (28/09/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên