Những sóng gió tại Hội nghị thượng đỉnh NATO
Những sóng gió tại Hội nghị xoay quanh đóng góp tài chính
Trước hội nghị, Tổng thống Trump đã nặng lời chỉ trích các nước đồng minh châu Âu chi tiêu không tương xứng với nhu cầu của chính họ về trợ giúp an ninh. Cựu Đại sứ Mỹ tại NATO, Ivo Daalder nhắc nhở rằng Mỹ cung cấp phần lớn đóng góp quân sự cho NATO, nhưng đây không phải là một ân huệ dành cho châu Âu. Đó là điều sống còn và vì sự an toàn cho tất cả các thành viên của khối. Tổng thống Mỹ luôn yêu cầu một sự nỗ lực hơn nữa từ phía các đồng minh cũng như đòi hỏi họ tôn trọng cam kết đưa ra vào năm 2014 là dành 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quốc phòng vào năm 2024. Việc 15 nước thành viên trong đó có Đức, Canada, Italy, Bỉ, Tây Ban Nha dành dưới 1,4% chi tiêu cho quốc phòng vào năm 2018, có nghĩa nhiều khả năng họ khó đạt mức 2% vào năm 2024 theo như cam kết, đã gây bất bình cho Tổng thống Mỹ.
Tại hội nghị, ít nhất Tổng thống Trump đã nhận được cam kết của các nước thành viên NATO về chi tiêu quốc phòng, theo đó 28 quốc gia đồng minh còn lại đã nhất trí tăng ngân sách quốc phòng nhanh hơn để đáp ứng mục tiêu của NATO là tương đương 2% GDP "trong vài năm tới". Mặc dù cam kết không có lộ trình cụ thể, song cũng thể hiện các nước NATO đã thừa nhận rằng chi tiêu quốc phòng trở thành thước đo đối với nghĩa vụ an ninh tập thể của các nước thành viên. Tuy nhiên, khi mà mức 2% vẫn còn phải cố gắng trong nhiều năm thì Tổng thống Trump lại gây hoang mang cho các đồng minh khi đưa ra đề xuất các nước thành viên NATO phải tiến tới dành 4% GDP để tài trợ cho quốc phòng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố người châu Âu hiểu rõ thông điệp này của ông Trump. Duy trì sự thống nhất là không thể nếu thiếu một sự chia sẻ cân bằng các gánh nặng về chi phí và trách nhiệm giữa các nước thành viên, và nước Pháp khẳng định quyết tâm thực hiện các cam kết của mình.
Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh Brussels không đề cập chút nào mục tiêu mới 4% của ông Trump, mà vẫn là 2% đã được thống nhất từ năm 2014. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhấn mạnh rằng cam kết của các đồng minh là 2%, cần phải tập trung vào con số đã được nhất trí và bắt đầu từ điều đó. Ông cũng khẳng định các nước đồng minh nhất trí tăng chi tiêu quốc phòng không phải để làm hài lòng Mỹ mà vì lợi ích của chính mình.
Một điểm nữa gây chú ý tại hội nghị này là căng thẳng giữa ông Trum với lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức, khi ông chủ Nhà Trắng "đặc biệt tấn công" Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ngay từ đầu hội nghị, ông đã nói rằng nước Đức không giữ lời hứa về các cam kết. Theo ông “Việc Đức tiếp tục chi tiêu quốc phòng dưới mức cam kết đang làm xói mòn an ninh của liên minh”. Tổng thống Trump còn tuyên bố Đức "bị Nga kiểm soát" bởi dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc nối trực tiếp Nga và Đức. Với yêu cầu Đức từ bỏ dự án, ông Trump đã khoét sâu vào sự thống nhất của châu Âu, vốn đang bị chia rẽ vì hồ sơ khí đốt này.
Giới quan sát cho rằng "cuộc tấn công" của Tổng thống Trump nhằm vào nước Đức có liên quan tới việc Mỹ đang thực hiện chiến lược mở rộng thị trường cho khí đốt tự nhiên của chính mình. Mỹ đã xuất khẩu 17,2 tỉ m3 vào năm 2017, trong đó 2,2% là thông qua các tàu chở khí đốt hóa lỏng đã cập các cảng châu Âu. Hơn 2/3 lượng khí đốt các nước EU tiêu thụ là mua từ bên ngoài, và 1/3 trong đó mua của Nga. Không có gì lạ khi Điện Kremlin đánh giá những chỉ trích của Tổng thống Trump đối với dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2" là sự cạnh tranh không công bằng.
Mặc dù nhiều căng thẳng đang tồn tại, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo rằng các nước thành viên NATO đã thống nhất trên các vấn đề mấu chốt là tăng cường sự thích ứng của tổ chức, chống khủng bố và chia sẻ tài chính cân bằng hơn. Tổng Thư ký Jens Stoltenberg đã ký một Tuyên bố chung với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, thiết lập một tầm nhìn chung về cách hợp tác NATO-EU có thể giúp giải quyết những thách thức mới nhất về an ninh.
Những kết quả đạt được
Mặc dù gay cấn, sóng gió và kịch tính, tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh NATO vẫn đạt được một số kết quả quan trọng.
Thứ nhất, các nước cam kết tiếp tục hỗ trợ Afghanistan đảm bảo an ninh và ổn định
Các nước thành viên NATO đã quyết định mở rộng hỗ trợ tài chính cho quân đội Afghanistan đến năm 2024.
Trong một tuyên bố đưa ra tại hội nghị thượng, NATO tái khẳng định cam kết của tổ chức này nhằm đảm bảo an ninh và ổn định lâu dài ở Afghanistan, và chỉ ra rằng các đối tác nước ngoài nên đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Afghanistan. NATO kêu gọi các đối tác hợp tác chặt chẽ hơn trong việc chống khủng bố, cải thiện điều kiện phát triển kinh tế, hỗ trợ các nỗ lực hòa bình và hòa giải của Chính phủ Afghanistan. NATO cũng khuyến khích Pakistan, Iran và Nga đóng góp cho sự ổn định của khu vực, bằng cách hỗ trợ đầy đủ cho quá trình hòa bình của Afghanistan.
Tình hình chính trị, xã hội và an ninh của Afghanistan hiện vẫn luôn bất ổn do sự chống phá của các phiến quân, bao gồm cả lực lượng khủng bố Taliban và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Chương trình hỗ trợ của NATO, được triển khai từ năm 2015 với hơn 13.000 binh sĩ, có nhiệm vụ đào tạo và tư vấn cho lực lượng an ninh Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố và sự nổi lên của phiến quân thù địch.
Thứ hai, các nước ủng hộ nhóm Bộ Tứ Normandy trong giải quyết xung đột ở Ukraine
Trong tuyên bố chung đưa ra tại Hội nghị, các nước thành viên NATO đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực của nhóm Bộ Tứ Normandy trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và kêu gọi các bên tuân thủ thỏa thuận hòa bình Minsk.
Tuyên bố chung của NATO kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk và hỗ trợ những nỗ lực của Bộ Tứ Normandy cùng với Nhóm Tiếp xúc ba bên. NATO kiên định ủng hộ các giải pháp tổng thể được đưa ra, bao gồm các biện pháp trừng phạt theo quyết định của Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cùng một số tổ chức khác nhằm thúc đẩy các giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine và ngăn chặn hành động can thiệp của Nga.
Nhóm Bộ Tứ Normandy, bao gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine, đã xúc tiến những nỗ lực để ổn định tình hình ở Ukraine. Đặc biệt, thỏa thuận hòa bình Minsk đã được các bên ký kết và đàm phán dưới sự bảo trợ của nhóm này trong nỗ lực ngăn chặn sự thù địch trong khu vực. Tuy nhiên, các hành động quân sự ở miền Đông Donbass vẫn tiếp diễn bất chấp những nỗ lực đã được triển khai.
Thứ ba, nhất trí phát triển chính sách không gian toàn diện
Trong tuyên bố của hội nghị, các lãnh đạo NATO khẳng định: "Công nhận không gian vũ trụ là một lĩnh vực phát triển rất năng động và nhanh chóng, là then chốt đối với vị thế phòng thủ và răn đe của liên minh, chúng tôi nhất trí phát triển một chính sách không gian toàn diện".
Ngoài việc nhất trí tăng cường phòng thủ và răn đe của liên minh trên biển và trên không, NATO đã quyết định khởi động sáng kiến về đảm bảo tăng cường lực lượng sẵn sàng chiến đấu và thiết lập hai đơn vị chỉ huy mới trên đất liền trong cơ cấu chỉ huy của mình. Tuyên bố chung nêu rõ: "Sáng kiến về sẵn sàng hành động" của NATO cho phép tổ chức này có thể huy động các lực lượng quốc gia chất lượng cao với khả năng sẵn sàng chiến đấu. NATO mong muốn thiết lập ít nhất hai đơn vị chỉ huy mặt đất trong thời gian sớm nhất có thể."
Cũng tại hội nghị, NATO một lần nữa nhắc lại kế hoạch thành lập một Trung tâm Điều hành không gian mạng có trụ sở tại Bỉ nhằm điều phối các hoạt động của tổ chức này trên không gian mạng, bên cạnh đó là một sở chỉ huy đóng tại Norfolk (Mỹ) và một sở chỉ huy cho nhiệm vụ triển khai nhanh lực lượng tại châu Âu ở Ulm (Đức).
NATO cũng công bố thành lập một nhóm hỗ trợ và cung cấp trợ giúp cho các đồng minh trong trường hợp bị đe dọa đồng thời tiếp tục ủng hộ các đối tác tăng cường khả năng thích ứng với các thách thức lớn. Trong trường hợp phải đối mặt với mối đe dọa lớn đối với một trong các thành viên, NATO có quyền kích hoạt Điều 5 của Hiến chương NATO về quy định nguyên tắc phòng thủ tập thể.
Trong tuyên bố của hội nghị, NATO cũng thừa nhận liên minh quân sự này đang phải đối mặt với những mối đe dọa mới đến từ tên lửa hành trình và các thiết bị bay không người lái cũng như việc phổ biến những công nghệ liên quan. Tuyên bố viết: "Chúng tôi đối mặt với những mối đe dọa mới từ tên lửa hành trình và việc phổ biến công nghệ liên quan cũng những từ những thách thức mới, như các phương tiện nay không người lái, và sẽ theo dõi những diễn biến có thể tác động đến an ninh của liên minh".
Thứ tư, nhất trí “mở cửa” với Macedonia
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã mời Macedonia khởi động các cuộc đàm phán để tham gia tổ chức này sau khi Skopje giải quyết được mâu thuẫn kéo dài nhiều thập kỷ qua với Hy Lạp bằng một thỏa thuận đổi tên nước thành CH Bắc Macedonia.
Phát biểu sau khi các lãnh đạo NATO thống nhất tại hội nghị ở Brussels, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định cánh cửa của NATO vẫn và sẽ luôn rộng mở, các lãnh đạo đã thống nhất mời Skopje khởi động tiến trình đàm phán gia nhập NATO. Ông Stoltenberg khẳng định Macedonia sẽ có thể trở thành thành viên mới nhất của khối nếu tên mới của quốc gia này được chấp thuận trong cuộc trưng cầu ý dân vào cuối năm nay. Một khi tất cả các tiến trình cần thiết trong nước được hoàn tất nhằm hợp pháp hóa thỏa thuận đổi tên nước thì Macedonia sẽ trở thành thành viên thứ 30 của NATO.
Về phần mình, Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev hoan nghênh tuyên bố mới đánh dấu "ngày vĩ đại" trong lịch sử quốc gia này và thể hiện những quốc gia bè bạn và đối tác trong khu vực đã lắng nghe nguyện vọng và cam kết của Macedonia.
Theo qui định của NATO, bất kỳ quốc gia nào muốn tham gia tổ chức phải nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ các thành viên. Tuy nhiên, mọi nỗ lực gia nhập NATO của Macedonia đã bị chặn đứng suốt 10 năm qua vì mâu thuẫn tên gọi với một thành viên NATO là Hy Lạp. Tranh cãi giữa Hy Lạp và Macedonia bùng phát vào năm 1991 khi Macedonia tuyên bố độc lập và gia nhập Liên hợp quốc với tên gọi là CH Nam Tư cũ Macedonia - FYROM. Tuy nhiên, Hy Lạp phản đối tên gọi này vì trùng với một tỉnh miền Bắc Hy Lạp. Athens lo ngại sự trùng hợp này có thể dẫn đến tranh chấp về lãnh thổ với quốc gia láng giềng, cho rằng việc sử dụng tên gọi của quốc gia láng giềng là Macedonia đồng nghĩa với việc Skopje có yêu sách lãnh thổ với vùng đất cùng tên gọi nằm ở phía Bắc Hy Lạp, nơi mà Athens coi là di sản văn hóa tôn nghiêm. Hồi tháng trước, hai nước đã đạt một thỏa thuận nhằm đổi tên Macedonia thành CH Bắc Macedonia. Thỏa thuận này cần được quốc hội hai bên thông qua và phải nhận được sự đồng thuận trong cuộc trưng cầu ý dân tại Macedonia dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới.
Đánh giá về những kết quả của Hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng NATO đã "mạnh hơn" sau hội nghị thượng đỉnh căng thẳng, các cuộc thảo luận đã diễn ra "có chừng mực và trên tinh thần tôn trọng". Trong khi đó, những tuyên bố "dịu giọng" của Tổng thống Trump khi kết thúc hội nghị, khác hẳn sự gay gắt trong ngày họp đầu tiên, phần nào cho thấy ông đã hài lòng về những gì đạt được và có vẻ cũng không muốn đẩy căng thẳng tới mức có thể xóa sạch mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh NATO. Theo nhà nghiên cứu Alexandra de Hoop Scheffer, Giám đốc Quỹ Marshall Đức tại Paris, địa bàn hoạt động của NATO tiếp tục mở rộng phục vụ lợi ích của Mỹ cho đến tận Afghanistan và Iraq. Sự hiện diện và ảnh hưởng của NATO còn giúp Mỹ thâm nhập thị trường châu Âu, sử dụng căn cứ quân sự như những đầu cầu cho chiến trường Trung Cận Đông, chia sẻ thông tin tình báo chống khủng bố,... tất cả những vấn đề đều được Mỹ xem là lợi ích cốt lõi. Đây là điều khiến Mỹ sẽ cân nhắc trong mối quan hệ với NATO, khi Tổng thống Trump cho rằng ông có thể rút Mỹ khỏi NATO, song điều này không cần thiết./.
Mối quan hệ giữa dân tộc và dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh  (15/07/2018)
Mối quan hệ giữa dân tộc và dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh  (15/07/2018)
Báo Algeria đưa tin về chuyến thăm của Ngoại trưởng đến Việt Nam  (14/07/2018)
'Gắn sao đánh giá chất lượng sản phẩm phải là gắn sao trong lòng dân'  (14/07/2018)
Hé lộ những chi tiết trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ  (14/07/2018)
Việt Nam - Cuba tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các tổ chức phụ nữ  (14/07/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay