TCCSĐT - Trong Kế hoạch số 718/KH-UBND ngày 26-4-2018 của Ủy ban nhân dân huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh về phát triển du lịch huyện năm 2018 với chủ đề "Bình Liêu - Nơi tình yêu không giới hạn", xã Đồng Văn được xác định là một điểm du lịch quan trọng, nơi đây hội tụ cả các tiềm năng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người cho một điểm đến nguyên sơ, độc đáo và hấp dẫn.

Kế hoạch của huyện nhằm mục tiêu phát triển du lịch bền vững, gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế chủ yếu của huyện, đặc biệt là nông nghiệp, lâm nghiệp và kinh tế cửa khẩu; phát triển du lịch đi đôi với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc bản địa; đảm bảo các giải pháp bảo vệ môi trường, phát triển hiệu quả, bền vững.

Đồng Văn: Tiềm năng tự nhiên, văn hóa cho phát triển du lịch

 
 Đồng Văn - Nét đẹp nguyên sơ, hấp dẫn.


Đồng Văn và các danh lam, thắng cảnh của xã hiện diện khá nhiều trong ba tuyến du lịch, gồm: Thị trấn Bình Liêu - xã Húc Động - xã Đồng Văn - Cửa khẩu Hoành Mô; Trung tâm thị trấn Bình Liêu - xã Lục Hồn - cửa khẩu Hoành Mô - xã Đồng Văn; Thị trấn Bình Liêu - Đường tuần tra biên giới - Cửa khẩu Hoành Mô; bảy điểm du lịch gồm: chợ phiên Đồng Văn vào thứ 7, chợ phiên trung tâm thị trấn Bình Liêu vào chủ nhật, đình Lục Nà, thác Khe Vằn, thác Sông Moóc, thác Khe Tiền, cửa khẩu Hoành Mô và Mốc 1317 mà huyện Bình Liêu đã công bố trong Kế hoạch phát triển du lịch năm 2018.

Đồng Văn thuộc khu vực có địa hình vùng núi cao, có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, độc đáo; khí hậu mát mẻ, trong lành. Xã có diện tích tự nhiên trên 62km2, dân số trên 3.000 người, trong đó, trên 75% là người Dao Thanh Phán với nhiều nét đặc sắc về văn hóa, lối sống, tập quán sản xuất cổ truyền vẫn còn lưu giữ được đến ngày nay, trong đó, Ngày hội Kiêng Gió rất độc đáo, hấp dẫn, đã được khôi phục và tổ chức hàng năm. Đồng Văn là một trong 6 xã biên giới của huyện Bình Liêu, với trên 9,5km đường biên giới với Trung Quốc. Xã có 9 thôn, bản, trong đó có 4 bản biên giới. Về hạ tầng, 100% thôn, bản đã có đường ô tô, điện lưới cho trên 80% hộ gia đình, sóng viễn thông về cơ bản đã phủ khắp diện tích xã.

 
 Các thiếu nữ Dao trong Ngày hội Kiêng Gió.

Xã Đồng Văn có 2.000ha rừng hồi, khoảng 500ha rừng phòng hộ. Những khu rừng này có chức năng giữ và tạo nguồn nước dồi dào, phục vụ đời sống, tưới tiêu cho các cánh đồng và nuôi 2 dòng thác Sông Moóc (bản Sông Moóc) và thác Khe Tiền (bản Khe Tiền).

Cao Ba Lanh là dãy núi có độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, bao gồm ba đỉnh: Cao Ba Lanh thượng, Cao Ba Lanh trung và Cao Ba Lanh hạ. Không chỉ là cảnh quan thiên nhiên đẹp, Cao Ba Lanh còn là địa danh lịch sử, nơi ghi dấu chiến công của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh biên giới, bảo vệ Tổ quốc. Từ đỉnh núi có thể quan sát toàn bộ các bản Phai Làu, Phạt Chỉ, Khu Chợ, Đồng Thắng và điểm thông quan qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh… Trên đỉnh Cao Ba Lanh có những hòn đá rất kỳ lạ, khi gõ vào phát ra tiếng kêu vang, dân gian gọi là “đá thần”. Trên đỉnh núi còn có hai hồ nước tự nhiên có diện tích từ 0,2 đến 1ha, với nhiều bãi đá hình thù khác lạ, độ đáo, hấp dẫn du khách.

Ngoài ra, Đồng Văn còn nằm trong khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, với hệ thống cửa khẩu, điểm thông quan, đường tuần tra biên giới cũng là những tiềm năng có thể khai thác để phát triển du lịch.

Ngày hội Kiêng Gió - Nét độc đáo của văn hóa người Dao Thanh Phán

Ngày hội Kiêng Gió bắt nguồn từ phong tục tránh thú rừng, thiên tai và cầu mùa màng bội thu, ấm no của đồng bào Dao Thanh Phán. Cứ đến ngày mùng 04-4 âm lịch hàng năm, người Dao ở khắp các bản làng nơi đây sẽ lặng lẽ rời nhà từ sớm, vì họ quan niệm nếu có sự hiện diện của họ thì thần gió sẽ không vào nhà. Khi họ ra khỏi nhà, thần gió sẽ vào nhà và mang đi những rủi ro, phiền muộn của mỗi thành viên chất chứa trong năm cũ, thần gió cũng sẽ rửa sạch không khí và đem vào nhà họ những điều tốt lành, mang đến ấm no, sung túc.

 
 Tiết mục văn nghệ trong Ngày hội Kiêng Gió năm 2018.

Nét độc đáo của Ngày hội Kiêng Gió là ở chỗ vào ngày này, người Dao Thanh Phán sẽ không thực hiện hoạt động sản xuất, không đi nương làm rẫy, không ra ruộng, không cuốc đất... vì họ quan niệm làm bất cứ việc gì thần gió cũng sẽ xô đổ, không có thành quả. Vì vậy, họ tụ tập ở bất kì đâu cùng nhau, nhưng không phải trong nhà của bất kì ai. Địa điểm thường là những nơi thoáng đãng, phong cảnh nên thơ. Không hẹn mà gặp, sau những ngày lao động vất vả, họ được thảnh thơi tâm tình, hát cho nhau nghe những làn điệu Sán Cố, chơi các trò chơi dân gian, bàn tiếp câu chuyện sản xuất của mùa tới... Đặc biệt, những người phụ nữ Dao Thanh Phán vẫn không rời khỏi chiếc kim, chỉ thêu và vạt áo, gấu quần đang thêu dở. Họ thêu bất cứ lúc nào khi đôi tay được rảnh.

Trước đây, ngày hội chỉ có sự tham gia của người Dao và do người dân các bản tự quy định và tổ chức với nhau. Năm 2009, nhằm duy trì và phát huy nét đẹp văn hóa có từ lâu đời, xã Đồng Văn đã xây dựng kế hoạch và đứng ra tổ chức Ngày hội Kiêng Gió của người Dao với tên gọi: “Ngày hội văn hóa các dân tộc xã Đồng Văn”.

Năm nay, nằm trong chuỗi các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2018 Hạ Long - Quảng Ninh, ngày hội Kiêng Gió do huyện Bình Liêu tổ chức vào các ngày 18 và 19-5 (ngày 04 và 05 tháng 4 âm lịch), với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như thi kéo co, đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ, lày cỏ, thêu trang phục bằng tay của phụ nữ người Dao... Đồng thời, trong khuôn khổ ngày hội, huyện Bình Liêu cũng tổ chức gian hàng OCOP (theo chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm của UBND tỉnh Quảng Ninh) tại chợ Đồng Văn và tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến, đón khách du lịch tham quan các điểm du lịch trên địa bàn.

Để phát triển du lịch Đồng Văn

Thấy được những tiềm năng này, huyện Bình Liêu đã lập quy hoạch phát triển du lịch cũng như gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời huy động mọi nguồn lực trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hình thành các tour, tuyến du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch có hiệu quả theo hướng phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Hiện nay, hình thức du lịch trải nghiệm, khám phá những điểm đến mới đang thu hút rất nhiều du khách. Với những nét hoang sơ, Đồng Văn đã hội đủ những yếu tố để có thể phát triển du lịch theo hướng bền vững hiệu quả”.

 
 Phụ nữ Dao Thanh Phán không rời khỏi chiếc kim, chỉ thêu và vạt áo, gấu quần đang thêu dở.

Để khai thác, phát triển du lịch Đồng Văn, huyện Bình Liêu đã đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến đường giao thông liên bản Sông Moóc và hệ thống điện lưới quốc gia nhằm tạo điều kiện cho du khách đến đây tham quan, khám phá. Huyện cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, mở các tour, tuyến, cải tiến hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, Bình Liêu còn phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội thảo Du lịch cộng đồng - tiềm năng thế mạnh của xã Đồng Văn, nhằm quảng bá cho du lịch Đồng Văn.

Đối với khu du lịch sinh thái Sông Moóc, trước mắt, huyện thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân giữ nguyên hiện trạng tài nguyên đất, rừng và kiến trúc nhà cửa; phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Dao định hướng cho phát triển du lịch cộng đồng; đào tạo bồi dưỡng về dân ca, ẩm thực, trò chơi dân gian và nghiệp vụ cho thanh niên. Nhiều thanh niên từ các lớp học này sẽ sửa sang nhà cửa đón khách du lịch theo hướng homestay./.