TCCSĐT - Ngày 26-02-2018, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phát động Tháng Thanh niên 2018 với chủ đề "Tuổi trẻ sáng tạo dựng xây đất nước". Tuổi trẻ các địa phương trong thời gian qua đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong việc tham gia, thực hiện các công trình, phần việc thanh niên, khởi động Tháng Thanh niên năm 2018.

Khởi động Tháng Thanh niên năm 2018

* Ngày 04-3, tại xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp, Tỉnh đoàn Sơn La đã tổ chức Lễ khởi động Tháng Thanh niên năm 2018 với sự tham gia của hơn 300 đoàn viên, thanh niên.

Bí thư Tỉnh đoàn Sơn La Vàng A Lả cho biết: Chủ đề Tháng Thanh niên năm 2018 là “Tuổi trẻ Sơn La chung tay xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”. Tại lễ khởi động diễn ra nhiều hoạt động thiết thực nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong việc tham gia, thực hiện các công trình, phần việc thanh niên. Qua đó góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; hướng tới thực hiện phong trào thi đua “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp”...

Tại buổi lễ, đại biểu và các đoàn viên, thanh niên đã ra quân đổ 1,3 km đường bê tông tại bản Phải; sửa nhà dột nát cho người neo đơn tại bản Cọ; trồng cây xanh tại trụ sở UBND xã Púng Bánh.

Năm 2018, tại xã Púng Bánh, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng 750 nhà tiêu hợp vệ sinh; đổ nền xi măng bếp ăn cho trường mầm non bản Lầu; trồng 10 cây ban, 2.500 cây sơn tra; tổ chức tuyên truyền, phổ biến về an toàn giao thông, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho học sinh trên địa bàn.

Năm 2018, thực hiện mục tiêu của Đại hội Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh lần thứ XII, Tỉnh đoàn Sơn La phấn đấu xây dựng 100 nhà nhân ái; mỗi năm hỗ trợ ít nhất một công trình, đề tài, sản phẩm sáng tạo trẻ ứng dụng vào thực tiễn; hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học kĩ thuật, công nghệ cho 10 dự án khởi nghiệp của sinh viên, thanh niên nông thôn và doanh nhân trẻ; tư vấn hướng nghiệp cho 25.000 đoàn viên, thanh niên; hỗ trợ đào tạo nghề cho 10.000 đoàn viên, thanh niên; phối hợp giải quyết việc làm cho 5.000 đoàn viên, thanh niên…

* Tại thị trấn Plây Kần, huyện biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum), Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Kon Tum đã tổ chức khởi động Tháng Thanh niên năm 2018 ngay đầu tháng 3-2018.

Với chủ đề "Tuổi trẻ sáng tạo", Tháng Thanh niên năm 2018 được các cấp bộ đoàn tỉnh Kon Tum triển khai gồm nhiều hoạt động ý nghĩa như: Tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11 nhiệm kỳ 2017- 2022, Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ 14; triển khai Cuộc thi tìm hiểu biên giới và Bộ đội Biên phòng chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (03-3-2018) trong đoàn viên thanh niên; tổ chức các hoạt động xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị; triển khai hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp...

Khởi động Tháng Thanh niên năm 2018, Tỉnh đoàn Kon Tum đã trao 90 triệu đồng hỗ trợ các gia đình thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới huyện Ngọc Hồi. Số tiền trên do Tỉnh đoàn Kon Tum và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quyên góp, ủng hộ. Dịp này, hơn 500 đoàn viên thanh niên huyện Ngọc Hồi đã ra quân dọn dẹp vệ sinh tại công viên trung tâm thị trấn huyện, tham gia thi trực tuyến tìm hiểu về Biên giới và Bộ đội Biên phòng.

Tổ chức Ngày Chủ nhật xanh

Từ tháng 3 đến hết tháng 7-2018, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc tổ chức chương trình Ngày Chủ nhật xanh trên cả nước, địa điểm tập trung tại khu vực đông dân cư, nhà máy, cơ quan, trường học.

Thời gian tổ chức Ngày Chủ nhật xanh tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương. Các tỉnh chọn lựa tổ chức các Ngày Chủ nhật xanh theo từng tháng trong năm 2018. Trong tháng 3 - Tháng Thanh niên, Trung ương Đoàn đã chỉ đạo tổ chức điểm 4 Ngày Chủ nhật xanh tại các tỉnh, thành phố: Lâm Đồng, Yên Bái, Hải Phòng, Cần Thơ. Trong tháng 6 - tháng cao điểm của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè và Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, các tỉnh, thành đoàn trực thuộc sẽ đồng loạt tổ chức Ngày Chủ nhật xanh vào ngày 03-6. Với chủ đề “Tháng Đền ơn đáp nghĩa”, chương trình Ngày Chủ nhật xanh trong tháng 7 sẽ được diễn ra đồng loạt vào ngày 22.

Các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức ra quân Ngày Chủ nhật xanh, tập trung vào các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong thanh thiếu niên và nhân dân; triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường; thành lập mới đội hình tình nguyện vì môi trường, các mô hình điểm như: vườn cây thanh niên, đường cây thanh niên, trồng hoa ven đường giao thông nông thôn nội đồng…

Để tổ chức tốt các Ngày Chủ nhật xanh, nhiệm vụ cụ thể được phân theo từng đối tượng đoàn viên, thanh niên. Thanh niên nông thôn sẽ ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường tại địa bàn khu vực; tổ chức trồng rừng ngập mặn, rừng chắn sóng ở các tỉnh ven biển khu vực vịnh Bắc Bộ, các tỉnh ven biển miền Trung và khu vực rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; triển khai hoạt động trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng đầu nguồn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực vùng núi ở miền Trung và khu vực Tây Nguyên; xây dựng các đội, nhóm thanh niên tình nguyện tuyên truyền vận động người dân ký cam kết tham gia bảo vệ môi trường; triển khai các mô hình bảo vệ dòng sông quê hương; mô hình hỗ trợ nhân dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, di dời chuồng trại ra xa nơi ở; mô hình làng xã sáng - xanh - sạch - đẹp…

Đoàn Thanh niên ở khu vực đô thị có nhiệm vụ hướng dẫn đoàn viên, thanh niên tổ chức phát tờ rơi, túi thân thiện với môi trường, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường tại các tuyến phố, khu vực lưu vực sông; thực hiện các hoạt động bóc xóa quảng cáo rao vặt, giữ gìn và bảo vệ cảnh quan đô thị; trồng cây xanh, cây cảnh quan; xây dựng các mô hình đường cây thanh niên, vườn cây thanh niên... gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; phát hiện, đề xuất, phối hợp xử lý các hành động cố tình gây ô nhiễm môi trường; vận động các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn ký cam kết về bảo vệ môi truờng và nguồn nước…

Bên cạnh đó, các mô hình Trường học văn minh - Xanh - Sạch - Đẹp; mô hình đổi giấy lấy cây, tình nguyện tại chỗ, vườn hoa trong khuôn viên trường, gom giấy vụn, vỏ chai nhựa gây quỹ…sẽ là những hoạt động chính được Đoàn Thanh niên tại các nhà trường tập trung triển khai.

Gương thanh niên khởi nghiệp ở vùng cao

Mô hình Bí thư Chi đoàn tiên phong khởi nghiệp do Tỉnh Đoàn Thanh Hóa phát động đã và đang phát triển mạnh ở các huyện nghèo miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Anh Phạm Văn Châu (sinh năm 1985), Bí thư Chi đoàn thôn Thanh Sơn, xã Thúy Sơn và anh Phạm Châu (sinh năm 1989), Bí thư Chi đoàn thôn Mỏ, xã Mỹ Tân là những cán bộ Đoàn đã nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ở huyện vùng cao Ngọc Lặc, Thanh Hóa. 

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Phạm Văn Châu, Bí thư Chi đoàn thôn Thanh Sơn, xã Thúy Sơn chỉ học hết lớp 12. Sau khi tốt nghiệp, Phạm Văn Châu đi làm thuê khắp nơi. Năm 2014, anh về quê lập nghiệp với số vốn 10 triệu đồng. Phạm Văn Châu đã vay mượn thêm của người thân và vay ngân hàng để mở trang trại tổng hợp trồng trọt, chăn nuôi kết hợp trồng rừng.

Khi mới mở trang trại, Châu gặp nhiều khó khăn. Sau đó, được bạn bè, người thân giúp đỡ, anh Châu đã mua dê, bò về nuôi; trồng các loại cây ăn quả như mít, táo cùng các loại cây lâm nghiệp như keo, lát. Phạm Văn Châu còn vay 300 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp để mở rộng sản xuất. Đến nay, trang trại của Châu đã được mở rộng lên 12 ha. Hiện trang trại của Phạm Văn Châu nuôi 125 con dê, 17 con bò cùng 7 ha cây keo, mía. Mỗi năm, anh Châu thu nhập bình quân 500 triệu đồng từ trang trại. Trang trại của anh còn tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương 3-4 triệu/người/tháng.

Năm 2017, Phạm Văn Châu đã đại diện cho hàng trăm thanh niên trong huyện đi dự cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do Tỉnh đoàn Thanh Hóa tổ chức. Mô hình trang trại tổng hợp của Phạm Văn Châu đã đoạt giải Ba của cuộc thi.

Cũng là một thanh niên dám nghĩ dám làm, anh Phạm Châu (sinh năm 1989), Bí thư Chi đoàn thôn Mỏ, xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc sau khi học xong Trung học Phổ thông đã quyết định đi học nghề làm đồ gỗ để khởi nghiệp ngay tại quê hương.

Phạm Châu đã vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội để mua máy móc, mở xưởng gỗ nhỏ ngay tại nhà. Năm 2017, Phạm Châu được Tỉnh Đoàn Thanh Hóa tạo điều kiện cho vay 150 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp để đầu tư, mở rộng sản xuất. Đến nay, Phạm Châu đã có 3 xưởng chuyên sản xuất đồ gỗ, cho thu nhập bình quân khoảng 200 triệu/năm. Các xưởng gỗ của gia đình tạo việc làm cho 11 lao động địa phương với mức lương 3 - 4 triệu/người/tháng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, là Bí thư Chi đoàn anh Phạm Châu rất tích cực tham gia Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế của huyện Ngọc Lặc; tạo điều kiện, giới thiệu, hướng dẫn đoàn viên thanh niên các mô hình phát triển kinh tế phù hợp.

Theo anh Lê Mạnh Dũng, Phó Bí thư Huyện Đoàn Ngọc Lặc, Huyện Đoàn đã tổ chức nhiều buổi tư vấn, hướng nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, giới thiệu trên 500 thanh niên tham gia học nghề ngắn hạn; tư vấn khởi nghiệp cho 200 thanh niên. Năm 2017, huyện Ngọc Lặc có 3 thanh niên được vay vốn khởi nghiệp của Tỉnh Đoàn; 630 hộ thanh niên làm chủ được vay vốn của ngân hàng chính sách...

Thời gian tới, Huyện Đoàn Ngọc Lặc tiếp tục mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách; từ đó tiếp tục phát triển các mô hình thanh niên khởi nghiệp.

Không chỉ có huyện Ngọc Lặc, các huyện miền núi khác ở tỉnh Thanh Hóa như Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa, Thường Xuân cũng xuất hiện nhiều tấm gương Bí thư Chi đoàn tiên phong khởi nghiệp. Anh Lê Văn Trung, Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 7.000 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tham mưu lãnh đạo tỉnh ban hành chương trình tín dụng ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp với nguồn vốn ban đầu từ ngân sách tỉnh là 10 tỉ đồng.

Năm 2017, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa đã giải ngân được 6 tỉ đồng hỗ trợ hơn 50 mô hình thanh niên khởi nghiệp. Đến nay, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa đã chỉ đạo thực hiện được 100 mô hình bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp. Năm 2018, Tỉnh Đoàn tiếp tục vận động, hướng dẫn các thanh niên khởi nghiệp, đặc biệt là thanh niên ở khu vực miền núi khó khăn.../.