Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ và vấn đề nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đánh giá cao vị trí, vai trò của người phụ nữ mà còn rất coi trọng sự nghiệp giải phóng phụ nữ trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Theo Người, trình độ giải phóng phụ nữ được coi là thước đo của trình độ phát triển xã hội. Bởi, “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa”(1). Đồng thời, Người chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa yêu cầu phát triển xã hội với vấn đề giải phóng phụ nữ. Công cuộc giải phóng phụ nữ không chỉ đơn thuần là coi trọng nữ giới với tư cách là lực lượng cách mạng “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”(2), mà còn thể hiện tinh thần nhân văn cao cả, tất cả vì con người, lấy con người làm điểm xuất phát, là mục tiêu của mọi tư tưởng, mọi hành động.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giải phóng phụ nữ về cơ bản cũng bao gồm các nội dung về quyền bình đẳng của phụ nữ theo Công ước quốc tế về quyền con người. Người cho rằng giải phóng phụ nữ là một cuộc cách mạng gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Giải phóng phụ nữ trong tư tưởng Hồ Chí Minh là phải giành cho được các quyền của phụ nữ, như quyền bình đẳng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,... Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 đã khẳng định rõ: “Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”; “Nhà nước bảo đảm cho phụ nữ công nhân và viên chức được nghỉ trước và sau khi đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương. Nhà nước bảo hộ quyền lợi này của bà mẹ và trẻ em, bảo đảm phát triển các nhà đỡ đẻ, nhà giữ trẻ và vườn trẻ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Phải đặc biệt chú ý đến sức lao động của phụ nữ. Phụ nữ là đội quân lao động rất đông. Phải giữ gìn sức khỏe cho phụ nữ để tham gia sản xuất được tốt”(3). Và phụ nữ có quyền bình đẳng trong hôn nhân và gia đình, điều này thể hiện cụ thể trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959. Giải phóng phụ nữ là công việc của toàn Đảng, toàn xã hội và của nhân dân, giải phóng đàn bà đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông; phụ nữ còn phải được học văn hóa, được giáo dục - đào tạo thành những công dân chủ nghĩa xã hội. Giải phóng phụ nữ vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong sự nghiệp giải phóng của cách mạng.
Khi bàn tới vấn đề giải phóng phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định giải phóng phụ nữ là một mục tiêu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trước hết, Người tố cáo những chính sách, tội ác tàn bạo của chế độ thực dân đối với phụ nữ ở nước ta. Trực tiếp chứng kiến tội ác của nền khai hóa đó, trong tác phẩm “Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của người Pháp”, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó, đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ, lại càng bỉ ổi hơn nữa”(4). Chính sách thống trị của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam nói chung, với người phụ nữ nói riêng là một chính sách thống trị chuyên chế về chính trị, bóc lột nặng nề về kinh tế nhằm đem lại lợi nhuận tối đa về kinh tế, kìm hãm và nô dịch về văn hóa, giáo dục, chứ không phải đem đến một sự “khai hóa văn minh”. Bản chất của “sứ mệnh khai hóa” đó chính là sự khai thác thuộc địa; áp bức, bóc lột và chà đạp đạp lên số phận của người phụ nữ diễn ra dưới lưỡi lê, họng súng, máy chém,...
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đưa ra quan điểm về mục tiêu giải phóng phụ nữ là giải phóng một cách toàn diện. Người đi sâu vào chỉ rõ giải phóng con người, vì con người là mục tiêu cao cả của cuộc cách mạng vô sản, mà ở đó phụ nữ là điểm trung tâm. Có thể thấy, vị trí, vai trò của người phụ nữ là rất quan trọng, thể hiện ở cả vai trò duy trì nòi giống và cả trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Người đã từng nghiên cứu và rút ra kết luận: “Xem trong lịch sử cách mệnh, chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia”(5). Dù đang bôn ba nơi đất khách quê người để tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nhận thấy một nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam là sự tham gia của phụ nữ: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”(6). Tại lễ kỷ niệm 36 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20-10-1966), Bác Hồ nói: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân cho đến nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”(7). Trong Thư gửi phụ nữ nhân kỷ niệm chiến thắng Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế phụ nữ 08-3-1952, Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Non sông gấm vóc nước Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”(8). Người khẳng định vai trò của phụ nữ đồng thời Người muốn hướng tới mục tiêu đưa phụ nữ Việt Nam ta đến với việc giải phóng toàn diện trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Tóm lại, có thể tự hào rằng, phụ nữ Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong gia đình, trong đấu tranh cách mạng, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho những người phụ nữ Việt Nam anh hùng quả cảm trong lao động sản xuất và chiến đấu tám chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”(9) để minh chứng cho điều đó.
Nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày nay
Khi đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập với thế giới, trong công cuộc xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Vai trò này đang được khẳng định một cách rõ nét hơn bao giờ hết.
Trong thời đại mới, bản thân mỗi người phụ nữ đã được “giải phóng” hơn rất nhiều. Bên cạnh vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ngày càng có nhiều người trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động,… Sự có mặt của người phụ nữ còn không thể thiếu trong một số lĩnh vực, như ngành dệt, may mặc, du lịch, công nghệ dịch vụ,…
Tuy nhiên, bản thân người phụ nữ ở nước ta vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng rất lớn bởi những tập tục lạc hậu từ xã hội xưa để lại. Một số gia đình, địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng bất bình đẳng giới dẫn tới thân phận người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi và chưa thể như người nam giới trong xã hội. Vì vậy, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào giải phóng phụ nữ ở nước ta trong xã hội ngày nay là một vấn đề cần được quan tâm và quán triệt sâu sắc hơn.
Để nâng cao vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày nay, cần phải xây dựng, khẳng định và phát triển công tác phụ nữ ở những vấn đề sau:
Thứ nhất, cải cách thể chế để tạo lập quyền và cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và nam giới. Cải cách pháp lý sẽ tăng cường bình đẳng giới rõ nét nhất qua: Luật Hôn nhân gia đình, luật chống bạo hành, bạo lực, quyền về đất đai, luật lao động, quyền chính trị. Việc này sẽ tạo môi trường cho sự bình đẳng về cơ hội và quyền lực, hai yếu tố thiết yếu để đạt được bình đẳng giới trên các phương diện khác, như giáo dục, y tế và tham gia chính trị. Điều này Việt Nam đã và đang thực hiện tốt (thể hiện ở các văn bản luật đã được thông qua và có hiệu lực thi hành, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XII là 33,1%...); cần phát huy, nỗ lực tăng tỷ lệ nữ ở Hội đồng nhân dân 3 cấp và các cơ quan quản lý nhà nước. Cung cấp các dịch vụ tạo thuận lợi cho việc tiếp cận dành cho phụ nữ, như hệ thống trường lớp, cơ sở y tế, chương trình cho vay vốn,…
Thứ hai, nâng cao hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là ở khía cạnh giải phóng phụ nữ. Đây là một trong những công tác quan trọng để bản thân mỗi người trong xã hội, ở mỗi địa phương đều hiểu được vị trí, vai trò quan trọng của phụ nữ mà Bác Hồ đã chỉ rõ. Đồng thời, mỗi địa phương phải thực hiện, quán triệt những tư tưởng đó một cách sâu sắc để có phương pháp học tập một cách hiệu quả nhất.
Thứ ba, thực hiện những biện pháp thiết thực nhằm khắc phục sự phân biệt giới trong việc làm chủ các nguồn lực và tiếng nói chính trị. Nhà nước nên thiết lập một môi trường thể chế bảo đảm khả năng tiếp cận công bằng đến các nguồn lực và dịch vụ công cộng cho cả nam và nữ. Tăng cường tiếng nói của phụ nữ (sử dụng sáng kiến, ý tưởng) trong quá trình hoạch định chính sách.
Thứ tư, cần phải đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống từ đó giảm tải được những áp lực mà người phụ nữ phải lo toan trong cuộc sống gia đình hằng ngày. Có đáp ứng được nhu cầu về kinh tế thì người phụ nữ mới có điều kiện để giải phóng mình và phát triển bản thân mình một cách toàn diện.
Thứ năm, sự nghiệp giải phóng phụ nữ phải do bản thân người phụ nữ làm chủ. Phụ nữ không chỉ trông mong công cuộc giải phóng mình vào người khác, mà họ phải tự mình làm cuộc cách mạng này. Họ cần thay đổi những nhận thức cổ hủ, lạc hậu mà xã hội cũ còn tồn dư trong suy nghĩ, đầu óc của họ. Họ cần có nhận thức mới, đúng đắn về vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội, mặt khác phải không ngừng cố gắng vươn lên hoàn thiện bản thân… Có làm được như vậy, người phụ nữ mới thực sự được giải phóng một cách toàn diện trong xã hội mới ngày nay./.
-------------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t3, tr. 523
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 289
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 194
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 96
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 288
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 289
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 148
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 432
(9) Bài nói tại Đại hội lần thứ nhất Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam, tháng 3-1965
Philippines: Trung Quốc phải công nhận phán quyết về Biển Đông  (30/08/2016)
Chủ tịch nước kết thúc chuyến thăm Brunei Darussalam và Singapore  (30/08/2016)
Đoàn kết, chung sức hành động, cùng phát triển bền vững  (30/08/2016)
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sắp thăm chính thức Việt Nam  (30/08/2016)
Việt Nam-Trung Quốc nhất trí đưa hợp tác quốc phòng vào chiều sâu  (30/08/2016)
Việt Nam hỗ trợ các sư đoàn chủ lực của Lào tiến lên hiện đại  (30/08/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển