Đảng bộ thành phố Hà Nội tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên
TCCS - Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định rõ tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở; đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Quán triệt quan điểm của Đảng, thời gian qua việc nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên luôn được Đảng bộ thành phố Hà Nội coi trọng và xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, vừa cấp thiết, vừa mang tính lâu dài, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.
Đảng viên là lực lượng nòng cốt kết nối giữa Đảng với nhân dân, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên. Người luôn nhắc nhở “mỗi đảng viên... phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”(1), phải “xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”(2). Tiếp thu tinh thần đó, Đảng ta cũng luôn chú trọng đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ đảng viên. Theo quy định của Điều lệ Đảng, đảng viên “là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân”(3).
Trong những năm qua, công tác xây dựng đội ngũ đảng viên ở nước ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tính đến 31-12-2022, cả nước có 51.827 tổ chức cơ sở đảng, tăng 46 tổ chức so với năm 2021; kết nạp 120.307 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên cả nước lên hơn 5,3 triệu đảng viên(4). Ngoài sự gia tăng liên tục về số lượng, cơ cấu độ tuổi của đảng viên tương đối phù hợp về số lượng đảng viên nữ, trẻ, đồng bào dân tộc thiểu số, người có tôn giáo, chủ doanh nghiệp tư nhân tăng, tạo nguồn cán bộ cho Đảng. “Đảng viên nữ chiếm 38,1% tổng số đảng viên toàn Đảng, tỷ lệ đảng viên nữ tăng gấp 1,8 lần so với tỷ lệ tăng đảng viên của toàn Đảng. Đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 12,3%. Đảng viên là người có tôn giáo chiếm 1,8%. Độ tuổi trung bình của đảng viên là 43,9 tuổi (tăng 0,1 tuổi so với năm 2010)”(5). Chất lượng đội ngũ đảng viên có chuyển biến tích cực; trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị ngày càng cao hơn (đảng viên có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 55%; có trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên hơn 60%).
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Đảng ta đã đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong công tác phát triển đảng viên thời gian qua. Đó là: “công tác phát triển đảng viên được chú trọng; số lượng đảng viên nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo, chủ doanh nghiệp tư nhân tăng. Chất lượng đội ngũ đảng viên chuyển biến tích cực, trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị được nâng cao hơn. Phần lớn đội ngũ đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình, tiên phong, gương mẫu, xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân”(6). Nhận định trên cho thấy những chuyển biến tích cực trong công tác phát triển đảng viên, cả về số lượng, cơ cấu, chất lượng; đặc biệt là những chuyển biến tích cực của bản thân đội ngũ đảng viên, như tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống… Có được những kết quả đó, thời gian qua, Đảng ta đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, nhưng mặt khác cũng do chính bản thân đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có những nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân. Điều đó góp phần quan trọng trong việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ.
Bên cạnh việc đánh giá những chuyển biến tích cực, với tinh thần “nhằn thẳng sự thật, nói đúng sự thật”, Đảng cũng chỉ rõ những hạn chế trong công tác phát triển đảng viên hiện nay. Đó là: “Một bộ phận đảng viên năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Nhận thức về Đảng, động cơ phấn đấu vào Đảng của không ít đảng viên chưa đúng, không trong sáng. Cơ cấu đảng viên chưa hợp lý; tỉ lệ đảng viên trẻ chưa tương xứng với tiềm năng”(7). Đây là những nhận định rất toàn diện về những hạn chế trên các mặt, như năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, động cơ chính trị… của đảng viên hiện nay. Nhận định này dựa trên kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn về tình hình đảng viên thời gian qua và xuất phát từ tinh thần khách quan, thẳng thắn của Đảng. Trong những năm gần đây, Đảng ta liên tục đưa ra những nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như Nghị quyết, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII.
Đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở Đảng bộ thành phố Hà Nội
Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Với dân số khoảng 10 triệu người, gồm 30 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn, Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng là đảng bộ lớn nhất cả nước, có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, với 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, hơn 2.300 tổ chức cơ sở đảng, hơn 46 vạn đảng viên. Vị thế, vai trò, tầm cao và trách nhiệm của Thủ đô Hà Nội đối với cả nước, đòi hỏi Đảng bộ thành phố Hà Nội phải tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh toàn diện, nhất là xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tổ chức, cán bộ, chọn đây là một trong những khâu trọng tâm, nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Thực tiễn đã chứng minh, Đảng bộ thành phố Hà Nội là một đảng bộ tiêu biểu trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và đạo đức. Để đạt được những kết quả đó, bên cạnh bài học quan trọng về thống nhất tư tưởng để hành động, Ðảng bộ thành phố Hà Nội luôn thấm nhuần bài học xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được chỉ ra trong các nghị quyết của Đảng. Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Trong những nhiệm kỳ gần đây, Ðảng bộ thành phố đã thực hiện nhiều bước đột phá, tạo chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị; nhiều chủ trương mới, sáng tạo được ban hành, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Việc tập trung kiểm điểm tự phê bình và phê bình để làm rõ những hạn chế, khuyết điểm, từ đó đề ra giải pháp khắc phục đã trở thành nền nếp trong Ðảng bộ thành phố Hà Nội. Hằng năm, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thường xuyên gợi ý kiểm điểm sâu đối với một số tập thể cấp ủy, tổ chức đảng; tập trung chủ yếu vào những hạn chế, khuyết điểm chính, những vấn đề nổi cộm thuộc phạm vi lãnh đạo. Cùng với đó, Thành ủy Hà Nội luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy thường xuyên được đổi mới. Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố luôn coi trọng đổi mới tư duy, phong cách, phương pháp lãnh đạo; vừa lãnh đạo toàn diện, vừa xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn trúng và đúng những vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; chủ động dự báo, đánh giá, phân tích những vấn đề mới, lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp, không để bị động; xử lý kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả những phức tạp phát sinh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Hà Nội vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm cần tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới, đó là: Vai trò hạt nhân chính trị, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng chưa cao; chất lượng sinh hoạt, tinh thần tự phê bình và phê bình của một số tổ chức đảng và đảng viên còn hạn chế; một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự... Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn nhận thấy, mọi thành công cũng như hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đều có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn Đảng nói chung và đối với Đảng bộ thành phố nói riêng. Những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đặt ra cho Đảng bộ Hà Nội nhiều vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới.
Một số giải pháp nhằm củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới
Việc ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022, “Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” của Đảng là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay. Để nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, Đảng bộ thành phố Hà Nội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung các giải pháp.
Thứ nhất, rà soát, cập nhật những quy định mới của Trung ương để sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Thành ủy bảo đảm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể cấp ủy và từng cá nhân; mối quan hệ giữa Thành ủy với Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; quy định về nguyên tắc làm việc, chế độ sinh hoạt, chế độ tự phê bình và phê bình… qua đó vừa bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan, tổ chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, đổi mới, hoàn thiện các loại hình tổ chức cơ sở đảng theo hướng gắn tổ chức cơ sở đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị , thực hiện đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và công tác cán bộ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và mối quan hệ công tác của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt.
Thứ ba, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo hướng thiết thực, trọng tâm, trọng điểm; nội dung sinh hoạt chi bộ phải gắn với việc thông tin, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; kịp thời phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ chi bộ, bảo đảm vai trò hạt nhân chính trị. Có giải pháp sinh hoạt đảng phù hợp đối với tổ chức đảng ở địa bàn có nhiều đảng viên từ nơi khác đến tạm trú…
Thứ tư, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, “tự soi”, “tự sửa”, đề cao danh dự, lòng tự trọng của đảng viên nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ, có ý thức tổ chức kỷ luật, thật sự tiên phong gương mẫu, đủ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, tổ chức đảng và từng đồng chí cấp ủy viên các cấp phải nhận thức rõ trách nhiệm trong công tác quản lý đảng viên, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận về các vấn đề xã hội quan tâm, qua đó kịp thời có định hướng đúng đắn, uốn nắn những trường hợp có biểu hiện tư tưởng lệch lạc; đồng thời kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những hành động trái với quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước; sàng lọc đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm theo quy định của Đảng. Thực hiện nghiêm công tác đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên theo đúng mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, việc thực hiện nghĩa vụ công dân; kịp thời phát hiện, biểu dương đảng viên xuất sắc, tiêu biểu trên các lĩnh vực đi đôi với giáo dục, giúp đỡ đảng viên khi có khuyết điểm, góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra, giám sát theo chuyên đề. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc thực hiện Điều lệ Đảng, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ được phân công, trách nhiệm nêu gương, quy định về những điều đảng viên không được làm.
Thứ sáu, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm tăng cường giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên thường xuyên tiếp xúc, giải quyết các vấn đề có liên quan đến lợi ích của nhân dân; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên. Qua đó Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân cũng nhận thức rõ hơn vai trò của mình, chủ động, tích cực tham gia giám sát, góp ý để tổ chức cơ sở đảng, đảng viên phát huy ưu điểm, phòng ngừa và kịp thời phát hiện, sửa chữa khuyết điểm./.
-----------------------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, t. 3, tr.219
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 252
(3) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tr.7
(4), (5) Xem: Báo cáo tình hình phát triển đảng viên năm 2021, Vụ Cơ sở đảng, đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương
(6), (7) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 155-156, 157-158
Hà Nội phát triển văn hóa, hội nhập quốc tế  (21/11/2023)
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050  (21/11/2023)
Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng lãnh đạo xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân  (18/11/2023)
Hà Nội trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng  (17/11/2023)
Nhận diện các ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội trong bối cảnh mới  (16/11/2023)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên