TCCS- Thời gian qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh rất quan tâm nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân và đạt nhiều kết quả, xem đây là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, đồng thời chăm lo cho đội ngũ công nhân, từ đó thúc đẩy hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp.

Chú trọng việc xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân

Với vai trò ngày càng quan trọng của khối kinh tế tư nhân, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển đảng viên và thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23-11-1996, của Bộ Chính trị khóa VIII, về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về “Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới..., Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng quán triệt, triển khai thực hiện và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các văn bản trên vào thực tiễn(1).

Từ năm 2016 đến năm 2021, Đảng bộ thành phố có 479 tổ chức đảng được thành lập trong các đơn vị kinh tế tư nhân; có 385 tổ chức đảng thành lập trong doanh nghiệp có vốn trong nước (chiếm 80,38%); 94 tổ chức đảng thành lập trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 19,62%). Bình quân mỗi năm thành lập mới gần 80 tổ chức đảng. Kết nạp 6.714 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp 1.119 đảng viên.

Tính đến cuối tháng 6-2022, Đảng bộ Thành phố có 1.719 tổ chức đảng với 27.724 đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân, gồm: 130 đảng bộ cơ sở, 236 chi bộ cơ sở, 6 đảng bộ bộ phận và 1.347 chi bộ trực thuộc; có 265 tổ chức đảng/327 doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên, đạt 81,04%.

Trong những năm qua, các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn Thành phố ngày càng phát triển, ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, tạo việc làm và ổn định đời sống cho hàng triệu người lao động thành phố và các địa phương trong cả nước. Bình quân mỗi năm, các đơn vị kinh tế tư nhân giải quyết việc làm cho 2,072 triệu lao động, tăng 36,6% so với lao động bình quân giai đoạn 2012 - 2015.

Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích tất cả loại hình doanh nghiệp cùng phát triển bình đẳng đã tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị kinh tế tư nhân phát triển nhanh và hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Giai đoạn 2010 - 2022, Thành phố Hồ Chí Minh tăng bình quân hơn 20.000 doanh nghiệp mỗi năm, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các đơn vị kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự ổn định, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh của Thành phố.

Hoạt động của tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân duy trì khá nền nếp, đã xây dựng được quy chế làm việc, từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tỷ lệ đảng viên tham dự sinh hoạt đạt trên 80%. Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng năm 2021 đối với tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân khá tốt: có 86,69% đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở và 95,04% đảng bộ bộ phận, chi bộ trực thuộc hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; có 94,97% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Đến cuối tháng 6-2022, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã có 16.990 công đoàn cơ sở/17.877 doanh nghiệp đủ điều kiện, đạt 95,04% và gần 1,1 triệu đoàn viên công đoàn/ hơn 1,2 triệu công nhân lao động, đạt 85,54%. Năm 2021, giới thiệu 11.350 đoàn viên ưu tú (trên tổng số 23.170 đoàn viên công đoàn ưu tú của Thành phố), có 545 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng; hiện có 120/327 chủ tịch công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên là đảng viên, tỷ lệ 36,7%.

Hầu hết các đảng viên trong đơn vị kinh tế tư nhân đã phát huy được tính tiên phong, gương mẫu trong lao động, sản xuất, luôn có ý thức nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề, đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nhiều đảng viên đã được người sử dụng lao động bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt, tham gia quản lý, điều hành, góp phần vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.

Các đơn vị kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh (Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Kềm Nghĩa Sài Gòn, Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Thành Phố Hồ Chí Minh)_Ảnh: TTXVN)

Một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục

Bên cạnh những thành quả đạt được, việc xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân vẫn còn một số hạn chế:

Kết quả thành lập tổ chức đảng, kết nạp đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân chưa tương xứng quy mô và tốc độ phát triển doanh nghiệp, số lượng năm sau giảm hơn năm trước. Năm 2021, trong tổng số đơn vị kinh tế tư nhân đang hoạt động, số doanh nghiệp có tổ chức đảng hiện chỉ chiếm 0,78% (1.720 tổ chức đảng/218.770 đơn vị kinh tế tư nhân); số doanh nghiệp có đảng viên chiếm 2,39% (5.230 doanh nghiệp có tổ chức đảng/218.770 đơn vị kinh tế tư nhân). Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm tạo điều kiện cho tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội được thành lập, hoạt động trong doanh nghiệp.

Vai trò của tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân chưa phát huy rõ nét, hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng còn phụ thuộc nhiều vào thái độ của chủ doanh nghiệp và tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Công tác tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, phát triển đảng viên mới trong các đơn vị kinh tế tư nhân chưa thực sự được coi trọng. Công tác quản lý đảng viên ở doanh nghiệp không có tổ chức đảng còn lỏng lẻo; phân công nhiệm vụ cho đảng viên còn hình thức, đối phó, thiếu hiệu quả thiết thực. Người lao động chưa thiết tha phấn đấu vào Đảng. Việc tuyên truyền, vận động, giới thiệu, kết nạp chủ doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp vào đảng chưa nhiều.

Chất lượng hoạt động của một số tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên trong đơn vị kinh tế tư nhân chưa cao, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động trong doanh nghiệp còn mờ nhạt, nhất là ở các tổ chức đảng có bí thư, phó bí thư cấp ủy không là người lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp. Việc tạo nguồn để giới thiệu đoàn viên, hội viên ưu tú để kết nạp vào Đảng còn khó khăn, chưa đáp ứng đòi hỏi thực tiễn.

Nguyên nhân của những hạn chế là do phần lớn đơn vị kinh tế tư nhân là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc chấp hành pháp luật lao động, bảo đảm chế độ, chính sách cho công nhân, người lao động có lúc, có nơi còn hạn chế, còn phát sinh một số vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công, lãn công mang tính tự phát, không đúng quy định pháp luật; một bộ phận công nhân lao động đời sống còn khó khăn, việc làm chưa ổn định nên tập trung mưu sinh, chưa tích cực tham gia hoạt động phong trào, chưa tha thiết phấn đấu vào Đảng, vào các tổ chức chính trị - xã hội.

Tình hình suy thoái kinh tế, dịch bệnh, bất ổn về chính trị và xung đột vũ trang trên thế giới ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh và đời sống người lao động; nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, lao động mất việc làm; áp lực về việc làm, thu nhập làm cho người lao động, chủ doanh nghiệp ít quan tâm các hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội.

Các chế độ, chính sách của Thành ủy hỗ trợ kinh phí phục vụ cho hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ chuyên trách và cộng tác viên được duy trì, nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu, còn chậm điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; các chế độ chi hoạt động công tác đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân chưa được Trung ương quy định cụ thể.

Một số giải pháp xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân thời gian tới

Để nâng cao chất lượng việc xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục về xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, làm tốt chức năng quản lý của cơ quan nhà nước trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân, người lao động, chủ doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy cấp trên cơ sở, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân và chủ doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; nhiệm vụ xây dựng, phát triển đảng viên, tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Đẩy mạnh tuyên truyền việc kết nạp những người chủ doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn vào Đảng và định hướng thành lập tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội ngay từ khâu lập hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp.

Hai là, tăng cường xây dựng và củng cố tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các đơn vị kinh tế tư nhân; tập trung trước hết tại những đơn vị kinh tế tư nhân có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, hoạt động ổn định, thu hút nhiều lao động, chú trọng doanh nghiệp có từ 300 đến 500 lao động trở lên; bảo đảm để tổ chức đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp hoạt theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật. Đối với doanh nghiệp đã có tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, tiến hành khảo sát, nắm chắc số lượng, tình trạng tổ chức và hoạt động của tổ chức đó trong các doanh nghiệp để củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Xây dựng quy chế hoạt động, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt phù hợp điều kiện, đặc điểm, tình hình của từng loại hình doanh nghiệp. Tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội cấp dưới, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đối với những doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, cấp ủy cấp trên cơ sở chỉ đạo, rà soát, nắm chắc số đảng viên đang làm việc ổn định trong doanh nghiệp nhưng sinh hoạt đảng ở nơi khác, nếu có đủ 3 đảng viên chính thức trở lên và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định thì chỉ đạo chuyển sinh hoạt đảng của số đảng viên đó về doanh nghiệp để thành lập tổ chức đảng tại doanh nghiệp. Ở địa phương, có những doanh nghiệp chưa có đảng viên hoặc doanh nghiệp có đảng viên nhưng chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức đảng thì cấp ủy tạo mối quan hệ với chủ doanh nghiệp hoặc đảng viên trong các doanh nghiệp trên để phát hiện những nhân tố tích cực, ưu tú trong công nhân, người lao động, phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội và chi bộ khu dân cư nơi quần chúng cư trú, tiến hành công tác giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện phát triển đảng viên, khi đủ điều kiện thì thành lập tổ chức đảng.

Ba là, làm tốt công tác phát triển đảng viên, quan tâm kết nạp chủ doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp vào Đảng. Quan tâm tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, thông qua việc phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là công đoàn, đoàn thanh niên, để lựa chọn, bồi dưỡng, giáo dục đoàn viên, hội viên ưu tú là công nhân, người lao động, cán bộ quản lý, chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn để giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp. Các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp trên trực tiếp cơ sở có sự phối hợp chặt chẽ với trung tâm chính trị cấp huyện và Học viện Cán bộ Thành phố trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức mở các lớp tìm hiểu về Đảng cho quần chúng; giúp quần chúng hiểu rõ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng; nắm vững các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ của người đảng viên. Cụ thể hóa tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp đảng viên; xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch, quy trình kết nạp đảng viên, phù hợp loại hình đơn vị kinh tế tư nhân. Nghiên cứu các chế độ, chính sách, tạo cơ hội cống hiến, thăng tiến, cơ hội học tập, phát hiện những người có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt để đề bạt vào nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp, đơn vị, tạo động lực để người lao động trong đơn vị kinh tế tư nhân rèn luyện, phấn đấu vào Đảng. Chú trọng đối tượng có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, lao động giỏi, có phẩm chất đạo đức, uy tín cao với quần chúng và người quản lý doanh nghiệp.

Bốn là, đổi mới phương thức hoạt động tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên lãnh đạo và định hướng để tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ra đời và hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp xâm phạm quyền, lợi ích của người lao động và doanh nghiệp gây mất an ninh, trật tự. Tiếp tục quán triệt các quy định, hướng dẫn của Trung ương và Thành ủy, cụ thể hóa phù hợp điều kiện hoạt động của tổ chức đảng trong loại hình đơn vị kinh tế tư nhân, nhất là phương thức lãnh đạo, nội dung, hình thức, thời gian sinh hoạt, công tác cán bộ, công tác phát triển đảng viên... bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từng bước nâng cao chất lượng nền nếp sinh hoạt tại các chi bộ trong đơn vị kinh tế tư nhân, thực hiện sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ theo đúng quy định; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các chi bộ xây dựng các quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa chi bộ với hội đồng quản trị, ban giám đốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.

Tổ chức đảng trong doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động công nhân, người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững; quan tâm chăm lo đời sống của công nhân, người lao động bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và công nhân, người lao động để chủ doanh nghiệp nhận thức đúng đắn về Đảng, tự giác phấn đấu vào Đảng. Phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy, từng đồng chí cấp ủy viên trực tiếp chỉ đạo nội dung công việc, đơn vị cụ thể trong xây dựng củng cố và phát triển tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở các đơn vị kinh tế tư nhân; giao trách nhiệm cho các cấp, các ngành tổ chức thực hiện theo chương trình, kế hoạch đề ra. Hằng năm, kiểm tra, rà soát, tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng các điển hình tiên tiến; gắn hiệu quả công tác chỉ đạo vào các tiêu chí để đánh giá tổ chức, cán bộ. 

Năm là, kiện toàn hệ thống tổ chức đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân. Đối với các đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy, tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức đảng, đảng viên và đội ngũ cán bộ chuyên trách giai đoạn 2020 - 2024 bảo đảm quy trình, tiến độ. Đối với các quận ủy, huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân theo đúng quy định và phù hợp thực tiễn của địa phương.

Đối với các tổ chức chính trị - xã hội, tiếp tục củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên tại các đơn vị kinh tế tư nhân trong công tác tạo nguồn và kết nạp đảng viên.

Đối với những đơn vị kinh tế tư nhân đã có tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội cấp trên chủ động, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp điều kiện của từng loại hình doanh nghiệp, tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Cùng với việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, phải động viên đoàn viên, hội viên chấp hành đúng pháp luật, thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia xây dựng doanh nghiệp.

Đối với đơn vị kinh tế tư nhân chưa có tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Liên đoàn Lao động thành phố, Thành Đoàn... phân công cán bộ bám sát cơ sở, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục quần chúng, tập trung xây dựng tổ chức công đoàn trong các đơn vị kinh tế tư nhân có đủ điều kiện theo quy định.

Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, phát huy vai trò quản lý nhà nước, sự phối hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, đẩy mạnh xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp - đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, có vai trò quan trọng trong việc giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động.

Bảo đảm các đơn vị kinh tế tư nhân hoạt động trong khuôn khổ luật pháp, các quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, chủ doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị kinh tế tư nhân hoạt động; gặp gỡ, đối thoại với các chủ doanh nghiệp để tìm các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn các đơn vị kinh tế tư nhân thực hiện tốt Nghị định số 98/2014/NĐ-CP, ngày 24-10-2014, của Chính phủ, về quy định việc thành lập tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường sự phối hợp các thành viên trong hệ thống chính trị, bảo đảm công tác quốc phòng, an ninh, trật tự, phòng ngừa dịch bệnh, phòng, chống cháy nổ trên địa bàn và trong các đơn vị kinh tế tư nhân; gắn kết việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động; nâng cao năng lực của các cơ sở dạy nghề, các trường nghề, phối hợp các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động để cung cấp lực lượng lao động được đào tạo bảo đảm chất lượng cho các doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, kịp thời tháo gỡ các mâu thuẫn phát sinh giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc đình công, lãn công, tranh chấp lao động tự phát, không đúng quy định của pháp luật./.

--------------------------

(1) Chương trình hành động số 27-CTr/TU, ngày 27-02-2018, của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3-6-2017, của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Chỉ thị số 10-CT/TU, ngày 18-1-2013, của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, về tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; Chỉ thị số 06-CT/TU, ngày 30-3-2021, của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, về một số giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên; Kết luận số 250-KL/TU, ngày 21-1-2022, của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, về tăng cường lãnh đạo công tác phát triển đảng viên trong công nhân, người lao động, chủ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố