Nông nghiệp Bạc Liêu trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa
TCCSĐT - Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển kể từ khi tái lập tỉnh, một trong những thành tựu nổi bật của Bạc Liêu là bảo đảm cho thủy sản - nông nghiệp luôn giữ vai trò “trụ đỡ” và góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh. Những thành tựu đó tạo nền tảng cho Bạc Liêu tiếp tục xây dựng và phát triển nền nông nghiệp tiên tiến, bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Vững vàng trên “trụ đỡ” nông nghiệp - thủy sản
Để bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp phát triển, một trong những yêu cầu hàng đầu là phải quan tâm xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống thủy lợi. Khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập, hệ thống thủy lợi ở điểm xuất phát thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước qua nhiều năm, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng. Nhờ chú trọng ứng dụng công nghệ cao, thiết bị mới, đến nay, tỉnh đã tạo nên hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi về cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và đời sống dân sinh trên địa bàn.
Trong sản xuất nông nghiệp, Bạc Liêu xác định sản xuất lúa, gạo là ngành chủ lực. Mặc dù diện tích lúa những năm qua có giảm do chuyển đổi sang mô hình chuyên tôm và tôm - lúa, nhưng sản lượng lúa năm 2016 vẫn đạt ở mức cao 1,04 triệu tấn (tăng 2,01 lần so với năm 1997); mức bình quân lương thực đầu người năm 2016 đạt 1.166 kg (năm 1997 là 785 kg), bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh và cung cấp cho thị trường mỗi năm từ 400 - 500 ngàn tấn lúa hàng hóa.
Nhiều năm qua, thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Năm 2016, tổng sản lượng thủy sản đạt 304,40 nghìn tấn, tăng 6,09 lần so với năm 1997; diện tích nuôi trồng thủy sản 134,71 nghìn ha (tăng 3,19 lần); trong đó, diện tích nuôi siêu thâm canh 100 ha, năng suất đạt từ 80 - 150 tấn/ha/năm, cao hơn gấp 10 - 15 lần so với mô hình nuôi tôm công nghiệp bình thường; diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh 19,40 nghìn ha, năng suất đạt từ 2 - 5 tấn/ha/năm. Về sản xuất giống thủy sản, với 185 cơ sở sản xuất tôm sú, tôm chân trắng hiện có, sản lượng 20 tỷ post/năm, Bạc Liêu vươn lên trở thành tỉnh có quy mô sản xuất tôm giống lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong 20 năm qua, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ đã được ứng dụng, chuyển giao vào thực tế; nhiều mô hình, cách làm hay trong nuôi trồng thủy hải sản đã được nông, ngư dân ứng dụng thành công trong sản xuất.
Thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước và huy động các nguồn lực của toàn xã hội để phát triển kinh tế biển, nhiều năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Đến nay, toàn tỉnh có 545 tàu đánh bắt xa bờ; nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu nghề sang đánh bắt xa khơi và đa nghề để khai thác, đánh bắt hải sản quanh năm; một số nghề đánh bắt có hiệu quả được ứng dụng rộng rãi, năng suất đánh bắt ngoài khơi ngày càng tăng. Mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo tổ, đội đã góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và sản lượng khai thác (có tàu tăng 1,2-1,5 lần) do thời gian bám biển dài ngày. Đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh ngoài việc nâng cao hiệu quả kinh tế biển còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Cùng với những thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán luôn được ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn quan tâm chỉ đạo. Đến nay độ che phủ của rừng tập trung và cây xanh trên địa bàn tỉnh luôn giữ ở mức 10% diện tích tự nhiên. Trong lĩnh vực diêm nghiệp, việc ứng dụng công nghệ sản xuất muối trắng chất lượng cao bằng phương pháp trải bạt trên nền sân kết tinh đã giúp tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập cho người làm muối.
Hơn 20 năm qua, nông nghiệp - thủy sản luôn giữ vai trò là “trụ đỡ” và góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bạc Liêu. Năm 1997, GRDP nông, lâm, thủy sản đạt 993,13 tỷ đồng, chiếm 59,19% GRDP toàn tỉnh; đến năm 2016, tuy chỉ chiếm 44,5% GRDP toàn tỉnh nhưng GRDP nông, lâm, thủy sản đã đạt 10.019,00 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010). Tương ứng, doanh thu bình quân trên 01 ha đất nông nghiệp từ 5,42 triệu đồng đã tăng lên 151 triệu đồng (gấp gần 28 lần so với năm 1997); thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng từ 1,92 triệu đồng lên 24,87 triệu đồng (gấp gần 13 lần so với năm 1997).
Cùng với những nỗ lực phát triển nông nghiệp, thuỷ sản, 20 năm qua, việc chú trọng triển khai thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án về xóa đói, giảm nghèo; phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn; bố trí, sắp xếp dân cư và xây dựng nông thôn mới,... đã góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn của tỉnh. Các chỉ tiêu về đời sống người dân nông thôn được cải thiện đáng kể: Tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 47,8%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 60%; tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh đạt 54%; đưa điện lưới về đến trung tâm các xã, tỷ lệ hộ nông thôn được dùng điện đạt trên 96,5%; cơ bản hoàn thành giao thông nông thôn ấp liền ấp; tỷ lệ hộ có nhà kiên cố, bán kiên cố tăng nhanh, xóa cơ bản nhà lụp xụp.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp Bạc Liêu vẫn đang tồn tại một số hạn chế, yếu kém. Đó là: Sản xuất nhỏ cả về quy mô lẫn sản lượng hàng hóa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu bền vững; cách thức sản xuất chậm đổi mới, sản xuất theo lối truyền thống còn khá phổ biến; dịch vụ, ngành, nghề nông thôn có phát triển nhưng chưa đa dạng, quy mô nhỏ; công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn chưa được quan tâm đúng mức; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng thấp, năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai, nhất là với tác động của biến đổi khí hậu còn nhiều bất cập; môi trường đất, nước đang có dấu hiệu xấu đi do quá trình canh tác chưa hợp lý, ý thức cộng đồng trong sản xuất chưa cao,...
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém nêu trên là do ảnh hưởng cực đoan của tình trạng biến đổi khí hậu và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch; hoạt động quản lý các yếu tố đầu vào và đầu ra của sản xuất còn bất cập; thu nhập và mức sống của dân cư nông thôn còn thấp; nhu cầu vốn đầu tư cho nông nghiệp rất lớn, trong khi nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước có giới hạn; việc huy động các nguồn lực trong nhân dân và các thành phần kinh tế để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gặp nhiều khó khăn; một số chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông thôn thiếu tính đồng bộ, chưa sát hợp với những yêu cầu nảy sinh từ thực tế sản xuất,…
Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Từ thực tiễn xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Bạc Liêu trong hơn 20 năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm:
- Phải tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn cho phù hợp với thực tiễn.
- Thực hiện tốt nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” và phương châm “lãnh đạo, chỉ đạo phải đi đôi với kiểm tra, giám sát”; chỉ đạo phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, xác định đúng mục tiêu và chủ trương đầu tư để tránh lãng phí.
- Phải luôn luôn quán triệt quan điểm "dân là gốc", vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo của nhân dân. Phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước chuyên ngành với quản lý lãnh thổ; coi trọng việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh.
Trong những năm tới, ngành nông nghiệp tiếp tục được xác định là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Theo định hướng của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh cần tập trung sức “phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Cụ thể, ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện cả về nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng ứng dụng khoa học - công nghệ cao, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và từng bước công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực và đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển hiệu quả, bền vững các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực;… Tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về phát triển kinh tế biển. Chú trọng phát triển đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, đóng và sửa chữa tàu, các mô hình dịch vụ trên biển, du lịch biển. Có chính sách thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển một cách bền vững. Đồng thời, tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm kinh tế ven biển.
Từ định hướng đó, để đưa lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và kinh tế biển của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, cần tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc, quyết tâm cao, thống nhất ý chí và hành động trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân tiếp cận được các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của Nhà nước; tạo động lực để đưa nền nông nghiệp tỉnh lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao.
Hai là, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu qủa các quy hoạch, kế hoạch, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các lĩnh vực có liên quan; rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực cho phù hợp với thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ba là, tập trung chỉ đạo phát triển các đối tượng chủ lực (tôm sú, thẻ, cua biển, nhuyễn thể; lúa, gạo, muối thực phẩm chất lượng cao,...) và các sản phẩm có triển vọng phát triển (rau đậu thực phẩm, bắp, đậu tương; heo, gia cầm, chim yến,...); xây dựng và hướng dẫn nông, ngư dân tuân thủ khung lịch thời vụ sản xuất, quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến để hạn chế rủi ro; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, xuất khẩu, đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn thực phẩm.
Bốn là, tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ; đặc biệt là triển khai Đề án đầu tư xây dựng “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là động lực để “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước”. Việc xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước. Để thu hút các nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Năm là, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết giữa nông dân với nông dân; giữa tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu (cả đầu vào và đầu ra); tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định hiện hành.
Sáu là, khuyến khích nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết nuôi tôm công nghệ cao, siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi tôm sạch giữa doanh nghiệp với nông dân và một số mô hình hợp tác, liên kết sản xuất khác như cá chình, artemia...; từng bước xây dựng cơ sở tôm sạch, an toàn dịch bệnh, tiến tới xây dựng thương hiệu tôm sạch Bạc Liêu. Củng cố và đẩy mạnh phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong và ngoài tỉnh; từng bước xây dựng, phát triển Bạc Liêu thành trung tâm sản xuất tôm giống có quy mô lớn, chất lượng cao, có uy tín ở đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Bảy là, phát triển hệ thống thủy lợi nâng cao năng lực phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, phòng chống ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản liên quan tới sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất xử lý môi trường; chất thải chăn nuôi và chất thải sinh hoạt của cộng đồng dân cư khu vực nông thôn.
Tám là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của toàn xã hội, phát huy cao nội lực, tranh thủ ngoại lực để đầu tư phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo đảm sinh kế cho người dân và từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu (hệ thống giao thông, thủy lợi, điện,….).
Chín là, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước đã ban hành; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời đối với các chính sách chưa phù hợp; hỗ trợ nông dân kết nối với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và bán sản phẩm; kết nối công nghiệp phục vụ nông nghiệp với sản xuất nông nghiệp, kết nối “bốn nhà” trong sản xuất, tiêu thụ.
Mười là, trong lĩnh vực đánh bắt, khai thác thủy sản, cần tập trung và ưu tiên phát triển khai thác hải sản xa bờ, thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển thủy sản để đầu tư xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng hoạt động dài ngày trên biển để nâng cao hiệu quả khai thác và giảm tổn thất sau thu hoạch. Phát triển đa dạng các dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế biển; tiếp tục đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền và xây dựng các cảng cá, bến cá; hiện đại hóa các cơ sở chế biến thủy sản./.
Mô hình nào cho quan hệ Anh - EU thời hậu Brexit?  (28/09/2017)
Cần Thơ: Thủ tướng gặp gỡ các Đại sứ, đại diện cơ quan ngoại giao  (28/09/2017)
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  (28/09/2017)
Chiêu đãi kỷ niệm 68 năm Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa  (27/09/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay