Phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Nguyễn Hùng Cường Đại học Luật Hà Nội
21:04, ngày 29-07-2017
TCCSĐT - Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Vĩnh Phúc không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, kịp thời khắc phục những khó khăn giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều chủ trương, xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án phát triển đảng viên, trong đó chú trọng phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân.
Trong quá trình đổi mới, các thành phần kinh tế trong nước có những bước phát triển vượt bậc, biểu hiện rõ nét nhất là sự phát triển các loại hình doanh nghiệp, không ngừng lớn mạnh về quy mô, đa dạng hóa về lĩnh vực, ngành nghề; có tiềm lực tài chính và trình độ quản lý, đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp, từ năm 1996 đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản về công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp như: Chỉ thị số 07-CT/TW, của Bộ Chính trị (khóa VIII), ngày 23-11-1996, về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 02-02-2008, của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) “về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên; Kết luận số 80-KL/TW, ngày 29-7-2010, của Ban Bí thư “về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới”. Đặc biệt, Quy định số 15-QD/TW, ngày 28-8-2006, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về đảng viên làm kinh tế tư nhân; thực hiện thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng...

Xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp


Bám sát chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, ngày 17-3-2008, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, về xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 31-3-2009. Từ năm 2010 đến nay, Vĩnh Phúc có gần 3.000 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp hiện nay lên hơn 6.000 đơn vị. Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh phát triển được 14 tổ chức cơ sở đảng, nâng tổng số lên 81 chi, đảng bộ cơ sở (32 đảng bộ, 49 chi bộ cơ sở) trực thuộc, tạo nguồn, bồi dưỡng được 1.611 quần chúng ưu tú, kết nạp được 1.071 đảng viên (14 chủ doanh nghiệp tư nhân), nâng lên tổng số 2.958 đảng viên. Số chi, đảng bộ thuộc loại hình doanh nghiệp tư nhân có 46 chi, đảng bộ cơ sở, với 1.127 đảng viên, chiếm 38,1% trong tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ. Các doanh nghiệp tư nhân có tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Khối chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô doanh nghiệp có dưới 50 lao động chiếm 45,57%; từ 50 lao động đến 100 lao động chiếm 19,56%; trên 100 lao động chiếm 34,78%. Tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình, làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và người lao động, đồng thời tuyên truyền vận động chủ doanh nghiệp thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân cũng phối hợp với chặt chẽ với chủ doanh nghiệp lãnh đạo đảng viên, người lao động nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Có thể khẳng định, các doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh đã phát triển mạnh hơn, định hướng sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường thể hiện rõ khi có tổ chức đảng lãnh đạo. Tuy nhiên, công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh Vĩnh Phúc còn nhiều khó khăn, hạn chế. Vai trò một số cấp ủy đảng trong doanh nghiệp tư nhân chưa được phát huy, nội dung, phương thức hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới; việc giữ mối quan hệ giữa cấp ủy đảng với hội đồng quản trị, ban giám đốc ở một số doanh nghiệp chưa phát huy tốt. Một số đơn vị chưa chú trọng đúng mức đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và người lao động. Bên cạnh đó, công tác phát triển đảng viên ở một số cấp ủy đảng chưa được quan tâm đúng mức, còn chậm, chất lượng chưa được nâng lên; một số chi bộ nhiều năm liền không kết nạp thêm được đảng viên nào, số lượng đảng viên trong các doanh nghiệp còn thấp. Số chi, đảng bộ thuộc loại hình doanh nghiệp tư nhân còn thấp so với số doanh nghiệp tư nhân hiện nay ở tỉnh.

Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể nên chưa quan tâm và tạo điều kiện cho việc thành lập, hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp mình. Một số doanh nghiệp năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, đời sống và thu nhập của người lao động còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới việc thành lập tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể và công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên. Nhiều đảng viên làm việc trong các doanh nghiệp hiện vẫn phải sinh hoạt tại địa phương hoặc các đơn vị khác vì tổ chức đảng chưa được thành lập. Mặt khác, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vai trò, ý nghĩa của việc phát triển tổ chức đảng, đoàn thể và công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân chưa đầy đủ. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng và các tổ chức đoàn thể cấp trên đối với tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân chưa thường xuyên, chưa cụ thể, sâu sát.

Phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh


Để tăng cường phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn Vĩnh Phúc thời gian tới và tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 khóa X “về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 17-3-2008, của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc “về xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”, các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc cần quan tâm, chú trọng làm tốt những nội dung sau:

Một là, chỉ đạo thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên ở những nơi có đủ điều kiện, trước mắt trong các doanh nghiệp có số lượng từ 50 công nhân trở lên. Đối với những doanh nghiệp có đảng viên nhưng chưa đủ số lượng theo quy định để thành lập chi bộ, thì cấp ủy cấp trên cơ sở chỉ đạo để chuyển số đảng viên này về sinh hoạt tại chi bộ thuận lợi nhất ở nơi doanh nghiệp đóng, để cấp ủy, chi bộ phân công đảng viên giúp đỡ. Đối với doanh nghiệp chưa có đảng viên, cấp ủy cấp trên của tổ chức cơ sở đảng nơi doanh nghiệp đóng chỉ đạo cấp ủy cấp dưới phân công đảng viên có uy tín, kinh nghiệm phối hợp với lãnh đạo các đoàn thể theo dõi, giáo dục, giúp đỡ, lựa chọn những quần chúng ưu tú trong các đoàn thể để phát triển đảng viên và từng bước chuẩn bị để thành lập chi bộ đảng.

Hai là, ban tổ chức các cấp ủy tiến hành rà soát và tham mưu cho cấp ủy sắp xếp lại mô hình tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân hiện nay cho phù hợp với Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW, ngày 09-3-2010, của Ban Tổ chức Trung ương về xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng. Thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo “củng cố, phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân” cấp tỉnh, cấp huyện và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh. Xác định rõ nội dung, cơ chế và phương pháp hoạt động của Ban Chỉ đạo. Phân cấp rõ về đối tượng quản lý cho từng cấp theo quy mô doanh nghiệp và theo địa bàn mà doanh nghiệp đặt trụ sở. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh với các huyện, thành, thị ủy để tránh tình trạng chồng chéo trong chỉ đạo và vận động làm cho chủ doanh nghiệp khó xử hoặc tư tưởng trông chờ, dẫn đến bỏ sót doanh nghiệp cần vận động. Cấp ủy cấp trên của tổ chức cơ sở đảng cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế phối hợp của cấp ủy với lãnh đạo doanh nghiệp, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức đảng trong mỗi loại hình doanh nghiệp. Đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ theo hướng thiết thực, phù hợp với điều kiện đặc thù của doanh nghiệp. Các cấp ủy có thẩm quyền cần nghiên cứu để vận dụng thực hiện linh hoạt việc giúp đỡ, kết nạp vào Đảng những quần chúng ưu tú là người của địa phương (xã, phường, thị trấn) làm việc trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng nhưng vẫn thường xuyên sinh hoạt đoàn thể, tham gia tích cực các hoạt động xã hội tại địa phương, là những công nhân lao động giỏi được lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức công đoàn thừa nhận khi có đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Điều lệ Đảng.

Ba là,
phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên trong doanh nghiệp trong việc nêu gương và thuyết phục quần chúng chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiểu về Đảng và chấp hành Điều lệ Đảng. Từ đó, tạo điều kiện cho đảng viên gần gũi quần chúng, phát hiện, theo dõi và giúp đỡ quần chúng phấn đấu trở thành đảng viên. Đưa việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị đi vào chiều sâu, chú trọng việc làm theo gương Bác gắn với việc kiểm điểm phê bình, tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, nhằm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trên, xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc phát triển các tổ chức đoàn thể, nhất là tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp tư nhân, làm cơ sở chính trị để tạo nguồn phát triển đảng viên và tổ chức đảng. Nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức công đoàn đồng bộ, thống nhất với tổ chức đảng để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của tổ chức đảng đối với các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp theo Nghị định số 98/2014/NĐ-CP, ngày 24-10-2014, quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ở Vĩnh Phúc./.