Đảng bộ thành phố Hà Nội nỗ lực thực hiện các mục tiêu năm 2022
TCCS - Để thực hiện có kết quả các mục tiêu của năm 2022, Đảng bộ thành phố Hà Nội tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; giải quyết có hiệu quả các vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân. Những nỗ lực đó đã đưa lại những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 đã đề ra.
Năm 2022, thành phố Hà Nội đặt ra mục tiêu tổng quát là: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân. Theo đó, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết thông qua 22 chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó GRDP tăng từ 7% - 7,5%.
Để thực hiện các mục tiêu trên, thành phố Hà Nội đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, ưu tiên công sức, thời gian và nguồn lực để kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp các trạm y tế cơ у sở. Hình thành hệ thống kiểm soát dịch bệnh đồng bộ các cấp, đủ năng lực dự báo, giám sát, phát hiện sớm, khống chế kịp thời, hiệu quả dịch bệnh. Tiếp tục tiêm vaccine phòng COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng, đồng thời mở rộng tiêm vaccine cho trẻ em từ đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, bảo đảm duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách. Triển khai thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách của Trung ương về tài chính, ngân sách; các gói kích cầu phục hồi phát triển kinh tế. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù trên địa bàn thành phố theo nghị quyết của Quốc hội. Tăng cường kỷ luật tài chính, công tác quản lý thu, chống thất thu; điều hành ngân sách chủ động, tích cực, an toàn, đúng quy định.
Một nhiệm vụ quan trọng là, thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; triển khai và quản lý tốt hóa đơn điện tử, phấn đấu đến hết quý I-2022 có 100% số doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh triển khai hóa đơn điện tử. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm… Tiến hành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổng kết, đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô Hà Nội năm 2012 và đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô… Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ có kế hoạch chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11).
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị thành phố và toàn thể nhân dân, Hà Nội đã thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh; quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; hạ tầng đô thị được duy trì tốt; văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục được giữ vững; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai hiệu quả. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội có một số điểm nổi bật như sau:
Thứ nhất, kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19; đến nay, hầu hết (99,9%) người trên 18 tuổi và trẻ em từ 12-17 tuổi đã được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 2, mũi nhắc lại tỷ lệ đạt cao (95,4% với người trên 18 tuổi). Triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 69,2% số trẻ thuộc đối tượng tiêm. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn được mở cửa trở lại đã tạo đà cho sự phục hồi phát triển kinh tế.
Thứ hai, cân đối thu - chi ngân sách được bảo đảm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 177.464 tỷ đồng, đạt 56,9% dự toán, bằng 122,4% so với cùng kỳ năm 2021. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 30.527 tỷ đồng, đạt 28,5% dự toán và bằng 102,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: chi đầu tư phát triển là 10.245 tỷ đồng, đạt 20,1% dự toán, bằng 99,3 so với cùng kỳ; chi thường xuyên là 19.938 tỷ đồng, đạt 37,4% dự toán và bằng 103,0% so với cùng kỳ.
Thứ ba, kinh tế của Hà Nội có sự phục hồi mạnh mẽ:
- GRDP quý II ước tăng 9,49% - cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm (6,4-6,9%). Lũy kế 6 tháng GRDP tăng 7,79% - gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (6,02%) và 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 (7,21% - thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19); trong đó, dịch vụ tăng 9,05% - gấp 1,54 lần mức tăng cùng kỳ (5,87%), công nghiệp tăng 6,73% (cùng kỳ tăng 7,66%), xây dựng tăng 5,54%, nông nghiệp tăng 2,39%, thuế sản phẩm tăng 4,55%.
- Kim ngạch xuất khẩu quý II ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 8,32 tỷ USD, tăng 17,1% (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,5%; cùng kỳ năm 2019 tăng 5,4%). Kim ngạch nhập khẩu quý II ước đạt 11,20 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 20,49 tỷ USD, tăng 24,5% (cùng kỳ năm 2021 tăng 21,1%; cùng kỳ năm 2019 tăng 4,6%).
- Tổng mức bán lẻ quý II ước đạt 174,44 tỷ đồng, tăng 24,3%; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 336,01 tỷ đồng, tăng 16,5% - gấp hơn 2 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (tăng 7,2%).
- Khối lượng hàng hóa vận chuyển quý II tăng 36,2%, doanh thu tăng 46,9%; lũy kế 6 tháng đầu năm tăng tương ứng 32,8% và 44,9% (cùng kỳ tương ứng giảm 10,7%, tăng 11,3%).
- Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội quý II tăng 374% và lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 234 nghìn lượt, tăng 232% (cùng kỳ giảm 86,2%); khách du lịch trong nước quý II tăng 188% và lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 142% (cùng kỳ giảm 17,7%).
- Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý II đạt 104,30 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5%; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 180,57 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% - cao hơn mức tăng cùng kỳ 8,4%.
Thứ tư, công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ; nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt: Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ; phê duyệt thêm 9 nhiệm vụ quy hoạch phân khu thuộc đô thị vệ tinh Sơn Tây, Hòa Lạc và Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Lâm...
Thứ năm, hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao trong việc tổ chức SEA Games 31; Chuẩn bị chu đáo các điều kiện về vật chất, kỹ thuật và con người góp phần tổ chức thành công SEA Games 31; Đoàn thể thao Hà Nội đạt thành tích ấn tượng với 151 huy chương, chiếm 1/3 số huy chương toàn đoàn Việt Nam. Khôi phục lại các hoạt động của ngành văn hóa, thể thao; sau 2 tháng mở cửa trở lại, các di tích thuộc thành phố quản lý đã thu hút lượng khách gấp hơn 10 lần, doanh thu tăng hơn 8 lần so với 3 tháng đầu năm.
Thứ sáu, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua quyết định chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.
Thứ bảy, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa; ưu tiên xây dựng cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế, tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 của Hội đồng nhân dân thành phố.
Một số nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới:
Thời gian qua, việc thực hiện nhiệm vụ được giao năm 2022 theo Chương trình hành động số 02/CTr-UBND còn chậm; quý I-2022 có tổng số 70 nhiệm vụ thì có 29 nhiệm vụ chậm (41,4%). Bên cạnh sự cải thiện xếp hạng của chỉ số PAPI và chỉ số SIPAS, các chỉ số PCI và PAR Index đều giảm bậc xếp hạng (PCI giảm 1 bậc; PAR Index giảm 2 bậc so với năm 2020). Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã có lúc thiếu chặt chẽ, chưa thật sự hiệu quả; thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân còn phiền hà; chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành còn chậm. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,25% - cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ năm 2021 (tăng 1,14%) gây áp lực lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát lạm phát dưới 4%; trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất - 16,07%. Nguyên nhân khách quan chủ yếu là do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan đến cuộc xung đột Nga - U-crai-na và lệnh cấm vận của phương Tây đối với Liên bang Nga; giá nhiên, nguyên liệu cho sản xuất, xây dựng và hầu hết hàng hóa tiêu dùng đều tăng.
Ngành công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ: Chỉ số IIP 6 tháng đầu năm ước tăng 6,6% (cùng kỳ tăng 8,7%); GRDP ngành công nghiệp ước tăng 6,73% (cùng kỳ tăng 7,66%). Nguyên nhân khách quan chủ yếu là do các doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 trong thời gian dài; Ngoài ra, việc mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh còn có khó khăn về mặt bằng, về vốn đầu tư… Số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 13%) và đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 51%) vẫn còn cao. Nguyên nhân khách quan chủ yếu của việc doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể và tạm ngừng hoạt động là do gặp khó khăn do bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 trong thời gian dài,… Kết quả giải ngân vốn đầu tư công ước 6 tháng đầu năm tương đương cùng kỳ, cao hơn các địa phương thuộc phạm vi kiểm tra của Tổ công tác số 4 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức chung của cả nước và thấp hơn so với yêu cầu.
Từ đó, Hà Nội đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ còn chưa hoàn thành là:
Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022 - 2023) của Chính phủ; triển khai đầu tư hệ thống y tế theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 của Hội đồng nhân dân thành phố và Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 6-5-2022 của Ủy ban nhân dân thành phố.
Tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đẩy nhanh công tác quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng kết thi hành Luật Thủ đô.
Thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; kiểm soát giá cả, thị trường; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và thành phố; tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế, phát triển các mô hình kinh tế mới...
Phát triển các lĩnh vực văn hóa, thông tin; triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa; tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao Thủ đô lần thứ X; thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện giảm nghèo bền vững theo chuẩn mới ban hành của thành phố...
Tăng cường nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường. Bảo đảm Nhà máy điện rác Sóc Sơn đi vào hoạt động ổn định. Đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhà máy điện rác Seraphin, Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.
Thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2022 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ hoạch định chính sách, xây dựng chính quyền điện tử. Triển khai thực hiện Đề án của Thành ủy về nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2026. Sơ kết 1 năm thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo nghị quyết của Quốc hội...
Thực hiện tốt công tác quân sự địa phương; bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao trên địa bàn. Thực hiện tốt diễn tập khu vực phòng thủ tại 9 quận, huyện, thị xã và 2 sở ngành.
Duy trì tốt công tác đối ngoại, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan: Ủy ban nhân dân Thành phố, Thường trực Hội đồng nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và các nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố. Thực hiện tốt các nội dung, chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước./.
Gỡ điểm nghẽn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội  (27/10/2022)
Thành phố Hà Nội: Đa dạng sản phẩm để khôi phục và phát triển du lịch  (26/10/2022)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay