Đảng bộ huyện Ứng Hòa chăm lo phát triển toàn diện, phấn đấu trở thành vùng sản xuất trọng điểm, vùng nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao của Thủ đô
TCCS - Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ứng Hòa đã triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXIII Đảng bộ huyện đạt nhiều kết quả nổi bật. Thành công của Đại hội đại biểu lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Ứng Hòa mới đây càng thể hiện quyết tâm vượt qua mọi thách thức, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội mà Đảng bộ huyện đề ra.
Ứng Hòa là huyện phía nam của thành phố Hà Nội, mảnh đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, quê hương của nhiều danh nhân của đất nước. Nơi đây không chỉ có 20 vị tiến sĩ được lưu danh ở bia Văn miếu Quốc Tử Giám và Văn miếu Huế, mà trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Ứng Hòa còn được biết đến là vùng quê giàu truyền thống anh hùng cách mạng, với những địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc như: Trầm Lộng - an toàn khu của Xứ uỷ Bắc kỳ thời kỳ tiền khởi nghĩa và là căn cứ kháng chiến trong Khu Cháy kiên cường của tỉnh Hà Đông thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; Hòa Xã - quê hương của phong trào chiếc gậy Trường Sơn ra đời trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ…
Kế thừa truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ứng Hòa đã đồng lòng vượt khó đi lên, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, kinh tế của huyện vẫn đạt mức tăng trưởng khá, đạt kế hoạch đề ra và nhiều chỉ số phát triển tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2020 đạt 6.042 tỷ đồng, bằng 48,73% kế hoạch năm (tăng 7,24% so với cùng kỳ năm trước). Giá trị sản xuất thực tế đạt 7.922 tỷ đồng. Thu ngân sách địa phương đạt kết quả khá, 6 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 194 tỷ đồng, bằng 57% Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện giao, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện còn 1,01%, đến 6 tháng đầu năm 2020, số hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm 96/250 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,85%....
Bước sang nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, báo cáo chính trị của Đảng bộ huyện Ứng Hòa nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện; thu hút mọi nguồn lực để tạo ra thế và lực mới cho nền kinh tế. Trong đó, huyện sẽ xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại; chú trọng phát triển công nghiệp - xây dựng và thương mại dịch vụ... Cùng với đó, huyện không ngừng đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ; tạo sự liên kết, hình thành chuỗi giá trị các sản phẩm, ngành nghề; mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với sản xuất hàng hóa.
Với 54 tổ chức cơ sở Đảng; 356 chi bộ trực thuộc, 5 năm qua, Đảng bộ huyện Ứng Hòa đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIII, với 15/16 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Kinh tế của huyện phát triển và có mức tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất ước đạt 12.399 tỷ đồng, vượt 1,9% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 7,72%. Cơ cấu các ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng công nghiệp và dịch vụ. Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế nông nghiệp 36,4%, giảm 4,3% so với năm 2015; công nghiệp - xây dựng 26,4%, giảm 1,6% so với năm 2015; thương mại - dịch vụ 37,2%, tăng 5,9% so với năm 2015.
Tính đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 4.423 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,05% năm. Trong đó, trồng trọt chiếm 20,7%, chăn nuôi - thủy sản 79,3%, giá trị thực tế đạt 220 triệu đồng/ha canh tác/năm, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Lĩnh vực chăn nuôi được duy trì, đặc biệt các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tiếp tục hình thành. Huyện đã chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ làm động lực thúc đẩy phát triển sản xuất. Khuyến khích đầu tư, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Ứng Hòa đã có 24/28 xã đạt chuẩn, phấn đấu đến hết năm 2020 có 28/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Số trường đạt chuẩn quốc gia của huyện đạt tỷ lệ 84,4%, cao hơn tỷ lệ mặt bằng chung về trường chuẩn quốc gia của thành phố. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng với hơn 2.126 tỷ đồng, đầu tư cải tạo đường giao thông nông thôn; đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, điện, chợ nông thôn…
Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần nông dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 47 triệu đồng/người/năm. Công tác lãnh đạo bảo đảm an ninh, quốc phòng trong tình hình mới được tăng cường… Giai đoạn 2016 - 2019, toàn huyện thực hiện giảm được 3.749 hộ nghèo, bình quân hằng năm giảm 1,38%. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển và nhiều mặt chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, huyện phấn đấu đến hết năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ huyện có nhiều chuyển biến tích cực, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên. Huyện ủy đã quyết liệt tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII. Cùng với đó, công tác chính trị tư tưởng không ngừng được nâng cao. Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 được triển khai bài bản, sâu rộng. Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động toàn khóa và từng năm với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn.
Về phương hướng, nhiệm vụ, các chỉ tiêu, giải pháp phát triển kinh tế giai đoạn 2020-2025, Đảng bộ huyện đặt ra 3 khâu đột phá: Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ và hiện đại, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, sử dụng cán bộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Cùng với đó là 11 nhóm giải pháp trọng tâm như: Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp; duy trì, giữ vững tiêu chí ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới; phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao, xây dựng người Ứng Hòa - Hà Nội thanh lịch, văn minh; phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa…
Trong nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, Đảng bộ huyện cũng đề ra 18 chỉ tiêu, gồm: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 7,54% trở lên, trong đó tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp 4,26%, công nghiệp - xây dựng 6,8%, dịch vụ 10,87%. Thu nhập bình quân đạt 65 triệu đồng/người/năm. Duy trì 100% xã, thị trấn đạt chuẩn tiêu chí Quốc Gia về y tế xã. Tỷ lệ làng được công nhận và giữ vững danh hiệu làng văn hóa 92%, gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa đạt 93%. Phấn đấu đạt huyện nông thôn mới. Từ những nền tảng cơ bản đã đạt được, nhiệm kỳ 2020-2025, Ứng Hòa sẽ khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững.
Theo đó, để trở thành trung tâm nông sản của Thủ đô, Ứng Hòa sẽ đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hằng năm chuyển đổi từ 2,5 đến 3% diện tích đất trồng lúa sang các lĩnh vực sản xuất khác. Bên cạnh đó, huyện sẽ tạo điều kiện về cơ chế, chính sách nhằm thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả giá trị sản xuất trên héc ta canh tác, phấn đấu đến năm 2025 đạt 283 triệu đồng/ha. Đồng thời, mở rộng quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, vùng lúa chất lượng cao.
Mặt khác, Ứng Hòa sẽ mở rộng vùng sản xuất rau an toàn công nghệ cao (với diện tích 170ha), cây ăn quả đặc sản gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường (với diện tích 600ha); mở rộng các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với các hoạt động dịch vụ, du lịch và tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao tại các xã Hòa Lâm, Trầm Lộng, Trung Tú... Huyện cũng sẽ tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ; phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nghề nông, du lịch làng nghề.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Ứng Hòa sẽ tập trung phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng làm động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng: Kinh tế phát triển với tốc độ nhanh và bền vững cả về quy mô và tiềm lực; chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới không ngừng được nâng lên; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; an ninh - quốc phòng được tăng cường và giữ vững; đồng thời xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Với quyết tâm cao, giải pháp mới, Ứng Hòa đặt mục tiêu phát triển toàn diện, trở thành vùng sản xuất trọng điểm, vùng nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao của Thủ đô.
Bám sát chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống quê hương cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết và sức sáng tạo của nhân dân; khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, đảm bảo quốc phòng an ninh; xây dựng huyện Ứng Hòa xanh, sạch, hội nhập và phát triển toàn diện”, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã nghiêm túc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2015 - 2020; quyết định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển huyện giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo; thảo luận và đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII; bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và Bí thư Huyện ủy khóa XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội.
Lần đầu tiên Ứng Hòa thực hiện bầu trực tiếp chức danh Bí thư tại Đại hội. Với số phiếu bầu đạt 100% trên tổng số 235 đại biểu tham dự, đồng chí Nguyễn Phi Thường đã tái đắc cử cương vị Bí thư huyện ủy Ứng Hóa nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2020 - 2025 (khóa XXIV), thể hiện tinh thần dân chủ, đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng và sự tín nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đóng góp quan trọng vào thành công của Đại hội, tạo nền tảng đưa Ứng Hòa bước vào giai đoạn phát triển mới./.
Tỉnh Nghệ An đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp  (07/08/2020)
Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: Sẵn sàng cho ngày hội lớn  (03/08/2020)
Ba Vì đề ra mục tiêu phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2025; đưa dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện  (02/08/2020)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm