Xây dựng Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Nguyễn Thị Hương - Đỗ Thị Hương
Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang
21:31, ngày 30-04-2022

TCCS -  Trường chính trị cấp tỉnh, thành phố thuộc Trung ương có vai trò quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị ở địa phương. Để đáp ứng được các tiêu chí của trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19-5-2021, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, các trường chính trị cấp tỉnh, trong đó có Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang cần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn… đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang thăm, chúc mừng Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập trường 10-9-1951 - 10-9-2021) _ Ảnh: baobacgiang.com.vn

Thực trạng và một số vấn đề đặt ra

Trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang tiếp tục có sự đổi mới trong tổ chức và hoạt động; phát huy tốt vai trò là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Các quy chế, quy định về tổ chức và hoạt động ngày càng hoàn thiện. Tổ chức bộ máy được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn hơn; đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện đối với chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm, chất lượng ngày càng được nâng lên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục có sự đổi mới từ nội dung đến phương pháp giảng dạy, đạt nhiều kết quả tốt. Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn thường xuyên được quan tâm. Cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật của trường tiếp tục được đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập. Việc xây dựng văn hóa trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương, gắn với xây dựng cơ quan, Đảng bộ, các đoàn thể của trường có những chuyển biến tích cực.

Giai đoạn 2016 - 2021, Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang tổ chức được 201 lớp đào tạo, bồi dưỡng 20.969 lượt học viên, đạt và vượt chỉ tiêu theo kế hoạch tỉnh giao hằng năm. Bên cạnh việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo thẩm quyền, trường đã phối hợp với các trường đại học, học viện ở trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức 14 lớp, gồm: 6 lớp cao cấp lý luận chính trị, 4 lớp đại học chuyên ngành, 2 lớp đào tạo thạc sĩ, 3 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ quy hoạch và cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, đào tạo gần 1.000 học viên. Trường luôn quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên. Tính đến tháng 12-2021, tổng số công chức, viên chức, lao động của trường có 51 người; trong đó, đội ngũ giảng viên đạt tỷ lệ 74,4%; tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ là 96,8%; tỷ lệ giảng viên giữ ngạch giảng viên chính 34,3%; tỷ lệ giảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị là 78,1%, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện đối với chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm theo quy định. Trường cũng chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Tính đến nay, trường nghiên cứu và nghiệm thu 1 đề tài khoa học cấp tỉnh và 25 đề tài khoa học cấp cơ sở; xuất bản 16 số nội san “Thông tin lý luận và thực tiễn”; tổ chức 3 cuộc hội thảo khoa học cấp tỉnh. Mỗi năm, trường tổ chức từ 4 đến 5 cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm cấp trường; biên soạn, xuất bản 2 tập bài giảng để đưa vào giảng dạy, học tập theo chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị. Việc hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học nhằm đáp ứng yêu cầu về chương trình, quy mô đào tạo, bồi dưỡng hằng năm luôn được trường quan tâm đầu tư,

Vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19-5-2021, “Về trường chính trị chuẩn” (Quy định số 11-QĐ/TW). Theo đó, xây dựng trường chính trị chuẩn là chuẩn hóa về thể chế, quy định; về đội ngũ cán bộ, viên chức; về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; về hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; về xây dựng văn hóa trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương; về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tài chính để các trường thực hiện thống nhất nội dung công tác trường chính trị, trên cơ sở đó nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của hệ thống trường Đảng cả nước. Trong đó, nội dung cốt lõi của Quy định số 11-QĐ/TW chính là bộ tiêu chí trường chính trị chuẩn, là căn cứ đánh giá trường chính trị trong từng lĩnh vực hoặc nội dung hoạt động. Một trong những quy định trong bộ tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1 là ít nhất 90% giảng viên có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên, phù hợp với chuyên môn giảng dạy, có trình độ trung cấp lý luận chính trị hoặc tương đương trở lên. Có 2 mức độ trường chính trị chuẩn gồm chuẩn mức 1 và chuẩn mức 2. So sánh với tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1, Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang còn một số tiêu chí cơ bản chưa đạt theo quy định, cụ thể:

Một là, trường chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo quy định như: Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp xã; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh công chức cấp xã; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện.

Hai là, việc thực hiện quy chế đào tạo, bồi dưỡng, nhất là quản lý học viên có mặt chưa thực sự hiệu quả, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương của một số học viên chưa nghiêm. Nội dung một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về lý thuyết, chưa quan tâm đúng mức đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng lãnh đạo, quản lý điều hành; chưa gắn chặt giữa lý luận với thực tiễn, lý thuyết với thực hành, nhằm giải quyết những vấn đề và tình huống trong thực tiễn. Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng chưa có nhiều đổi mới, việc phát huy tính chủ động, tích cực của người học còn hạn chế.

Ba là, số giảng viên có trình độ tiến sĩ chưa nhiều; giữ ngạch giảng viên chính trở lên đạt thấp (34,3%), so với tiêu chuẩn trường chính trị chuẩn mức l là phải đạt ít nhất 60%; chưa bảo đảm tỷ lệ giảng viên trên tổng số cán bộ, viên chức theo quy định; nhiều giảng viên thiếu kinh nghiệm thực tiễn, nhất là kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực đời sống xã hội, đã ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Bốn là, kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn chưa tương xứng với vị trí, vai trò của trường chính trị tỉnh. Việc nghiên cứu đề tài khoa học và tổ chức hội thảo cấp tỉnh còn ít; 5 năm qua chỉ thực hiện được 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; chất lượng nghiên cứu một số đề tài khoa học cấp cơ sở chưa cao; việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn chưa nhiều; một số cuộc hội thảo khoa học hiệu quả còn thấp; chưa quan tâm đúng mức đến công tác tổng kết thực tiễn.

Năm là, trường chưa xây dựng được quy định riêng nhằm cụ thể hóa các tiêu chí văn hóa ứng xử trong nhà trường; mới cụ thể hóa một số nội dung trong quy chế làm việc và nội quy cơ quan. Việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương của một số cán bộ, giảng viên có lúc, có việc chưa tốt.

Sáu là, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và tài chính của trường chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo quy định, cũng như phát triển, mở rộng quy mô đào tạo và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học của nhà trường.

Nguyên nhân là do chưa có định hướng tổng thể dài hạn trong phát triển Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; từ đó dẫn đến việc trường mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm và tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch được giao; chưa thực sự chủ động trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cử cán bộ, giảng viên tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng dài hạn và hằng năm. Đa số đội ngũ giảng viên của trường chưa kinh qua nhiều vị trí công tác nên kinh nghiệm thực tiễn và năng lực giảng dạy còn hạn chế. Một số cán bộ, giảng viên thiếu nỗ lực trong tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, còn thụ động, ngại đổi mới. Năng lực đề xuất và tổ chức nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên còn hạn chế, nhất là nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh. Việc xây dựng văn hóa trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương của nhà trường có thời điểm chưa được quan tâm đúng mức. Kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật của trường còn hạn hẹp, khó khăn.

Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang trao đổi, thảo luận với học viên tại lớp bồi dưỡng, đào tạo _ Ảnh: baobacgiang.com.vn

Định hướng, mục tiêu, giải pháp xây dựng trường chính trị chuẩn

Việc xây dựng trường chính trị tỉnh đạt chuẩn là việc làm cần thiết, là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong chiến lược phát triển của các nhà trường. Việc chuẩn hóa các mặt công tác của trường chính trị cấp tỉnh sẽ tạo cơ sở cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đối với trường chính trị; giúp các trường chính trị cấp tỉnh hoàn thiện công tác lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, nâng cao chất lượng công tác. Đồng thời, tạo điều kiện để Trung ương có cơ sở phân loại, đánh giá các trường chính trị. Trên cơ sở kết quả chuẩn hóa, các trường chính trị cấp tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cách mạng nước ta trong tình hình mới.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang đạt chuẩn mức 1 vào năm 2025, tiến tới đạt chuẩn mức 2 vào năm 2030, trong thời gian tới, nhà trường tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu:

Thứ nhất, xây dựng Chiến lược phát triển Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Xác định rõ định hướng phát triển tổng thể có tầm nhìn dài hạn và lộ trình, nguồn lực thực hiện, khắc phục việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt và ngắn hạn. Phấn đấu Trường Chính trị tỉnh tỉnh Bắc Giang trở thành trung tâm đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh có chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn của tỉnh.

Thứ hai, triển khai thực hiện tốt các nội dung Đề án xây dựng Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang đạt chuẩn mức 1, giai đoạn 2022 - 2025; tập trung khắc phục các tiêu chí còn thiếu và còn yếu so với quy định trường chính trị chuẩn mức 1; đồng thời, nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng tới đạt chuẩn mức 2. Kết hợp giữa nội lực và ngoại lực; phát huy tính chủ động, sáng tạo của Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang và sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan trong tổ chức thực hiện, nhất là trong đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tài chính; kinh phí hỗ trợ đào tạo giảng viên đạt chuẩn và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức của Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang đủ tiêu chuẩn và khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, gắn với bổ sung đội ngũ giảng viên thỉnh giảng có năng lực, trình độ và kinh nghiệm tham gia giảng dạy. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên về chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thiện các chứng chỉ theo quy định; tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên tham gia các chương trình nghiên cứu, bồi dưỡng ở nước ngoài, các hội thảo khoa học cấp tỉnh, cấp trung ương, tham gia hội thi giảng viên dạy giỏi lý luận chính trị; đề xuất chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, giảng viên của trường tham gia các chương trình đào tạo tiến sĩ. Đổi mới, thực hiện có hiệu quả công tác đi nghiên cứu thực tiễn có kỳ hạn và hằng năm để góp phần bổ sung kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn của giảng viên, nhất là giảng viên trẻ, giảng viên chưa qua các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng; tham mưu và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 5 năm và hằng năm; mở rộng quy mô đào tạo, thực hiện đầy đủ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo quy định. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập bảo đảm hiệu quả; phát huy tính chủ động tự nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới của giảng viên; gắn lý luận với thực tiễn, gắn lý thuyết với thực hành, lấy người học làm trung tâm, kết hợp hiệu quả phương pháp giảng dạy truyền thống với hiện đại, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy... Đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong giảng dạy và học tập; chú trọng đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng sau khóa học.

Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; nâng cao năng lực đề xuất, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên; phối hợp với các cơ quan có liên quan để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, tập trung vào các nội dung sát với chức năng, nhiệm vụ của Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang. Xây dựng nhóm chuyên gia để biên tập, xuất bản sách chuyên khảo, sách tham khảo phục vụ công tác đào tạo lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng theo chức danh; xây dựng đội ngũ cộng tác viên, nâng cao năng lực nghiên cứu của cán bộ, giảng viên để nâng cao chất lượng nội san “Thông tin lý luận và thực tiễn”. Chủ động đề xuất và tổ chức các hội thảo khoa học cấp tỉnh, tọa đàm cấp trường trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trên các lĩnh vực liên quan của địa phương.

Thứ sáu, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và tài chính đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Sớm hoàn thiện và đưa trụ sở mới của trường đi vào hoạt động; xây dựng Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang có đủ cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật theo quy định; ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh chuyển đổi số, phục vụ hiệu quả các hoạt động quản lý, giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Nâng cao năng lực hoạt động và mức tự chủ về tài chính của trường, gắn với nâng cao mức thu nhập của đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức nhà trường; quản lý và sử dụng nguồn tài chính bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả.

Thứ bảy, xây dựng văn hóa trường Đảng, môi trường sư phạm, nhà trường văn minh, hiện đại; xây dựng bộ tiêu chí văn hóa trường Đảng, gắn với đánh giá việc thực hiện của đội ngũ cán bộ, giảng viên, xây dựng hình ảnh người thầy mẫu mực, cán bộ, viên chức, người lao động, học viên ứng xử đúng chuẩn mực văn hóa trường Đảng; xây dựng cảnh quan nhà trường sáng, xanh, sạch, đẹp, hiện đại. Hoàn thiện các thể chế, quy định, bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ trong quản lý hoạt động của Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang; đẩy mạnh thực hành dân chủ, xây dựng nhà trường kỷ luật, kỷ cương. Tiếp tục đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức, xây dựng Đảng bộ, cơ qụan và các đoàn thể của trường trong sạch, vững mạnh.

Việc xây dựng Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang đạt chuẩn là nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng nhằm nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, bền vững theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra./.