Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc tại Hưng Yên
TCCS - Ngày 23-12-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã thăm, làm việc tại tỉnh Hưng Yên.
Tham gia đoàn công tác cùng Thủ tướng có đại diện lãnh đạo văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo một số cơ quan liên quan.
* Tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hưng Yên, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song toàn Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh Hưng Yên đã có nhiều nỗ lực, hoàn thành toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, GRDP tăng 6,52%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8%; xuất khẩu đạt 5,167 tỷ USD, tăng 23,8%; thu ngân sách đạt 17.300 tỷ đông, tăng 4% so với năm 2020...
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,32%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%... Đặc biệt, tỉnh đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Về công tác tổ chức tiêm vaccine cho nhân dân, đến nay, Hưng Yên có tỷ lệ bao phủ mũi 1 cho người trên 18 tuổi là 97,7%, đủ 2 mũi là 79,6%; trẻ em đạt 92,6%, không có ca tai biến nặng...
Tỉnh Hưng Yên đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành một số nội dung liên quan đến việc phân cấp, ủy quyền bổ sung quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất; lựa chọn, thay thế nhà đầu tư cho dự án trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã thảo luận, phân tích, làm rõ về những đề xuất của tỉnh Hưng Yên; đồng thời có ý kiến giải đáp, giải quyết các kiến nghị, đề xuất này.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương những cố gắng và kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên đã đạt được trong những năm qua, nhất là trong năm 2021. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, nhất là các chỉ tiêu về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, giảm nghèo, huy động tham gia bảo hiểm xã hội; môi trường đầu tư được cải thiện; ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện... Đặc biệt, tỉnh kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, kiểm soát ca tử vong do dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra một số hạn chế của tỉnh như: Hưng Yên phát triển chưa tương xứng với điều kiện, truyền thống lịch sử, văn hóa và mong muốn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân; phát triển chưa dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; công tác quy hoạch còn chậm; phát triển văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa còn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội...
Thủ tướng Chính phủ chỉ ra những lợi thế Hưng Yên có thể tận dụng để thúc đẩy phát triển: Có điều kiện phát triển toàn diện cả công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp theo hướng hiện đại; có điều kiện phát triển cân bằng, hài hòa giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng, ít bị ảnh hưởng bởi bão lũ; nằm trong tam giác phát triển Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Vì vậy, cần sớm xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, công nghiệp phải theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, bền vững; dịch vụ phát triển theo hướng tiên tiến; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, bền vững.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hưng Yên tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; các nghị quyết của Trung ương và mới nhất là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh Hưng Yên, sát với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương.
Theo Thủ tướng Chính phủ, Hưng Yên cần tiếp tục phát triển hạ tầng chiến lược, tập trung vào các dự án giao thông kết nối; phát triển hạ tầng số; xây dựng chính quyền số, xã hội số, công dân số; phát triển hạ tầng chống biến đổi khí hậu, hạ tầng y tế và giáo dục, nhất là y tế cơ sở; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý, Hưng Yên cần coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị, về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tỉnh phải giữ vững đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, dựa trên quy định của Đảng, luật pháp của Nhà nước, dựa vào truyền thống lịch sử, trên tinh thần chân thành, vì lợi ích chung.
Về những đề xuất, kiến nghị của tỉnh đối với Chính phủ, các bộ, ngành, Thủ tướng cơ bản đồng ý về mặt chủ trương; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với tỉnh để giải quyết trên tinh thần chung là tháo gỡ về mặt cơ chế; tăng cường phân cấp đi với kiểm soát quyền lực, kiểm tra, giám sát; chống tiêu cực, phiền hà. Hưng Yên phải phối hợp tốt với các bộ, ngành và địa phương khác để triển khai hiệu quả.
* Thủ tướng dự lễ trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và bản ghi nhớ hợp tác đầu tư tại tỉnh Hưng Yên với quy mô lớn, có sức lan tỏa, tạo việc làm và đóng góp vào ngân sách.
Trong đó có 5 dự án được Thủ tướng Chính phủ cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và 4 dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên chấp thuận chủ trương đầu tư. Riêng dự án xây dựng Nhà máy sữa tươi, sữa bột lớn nhất khu vực phía Bắc do VINAMILK đầu tư tổng vốn 4.600 tỷ đồng, tương đương 197 triệu USD.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương tỉnh Hưng Yên thời gian qua đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư. Các quyết định đầu tư và cam kết đầu tư lên tới gần 18 tỷ USD, trong đó có 9 quyết định đầu tư với hơn 6,3 tỷ USD. Qua đó chứng minh uy tín, năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư của tỉnh Hưng Yên nói riêng và Việt Nam nói chung được nâng lên.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hưng Yên tiếp tục cải cách hành chính, chống mọi phiền hà, tiêu cực; nhanh chóng giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện mọi mặt về hạ tầng để các nhà đầu tư triển khai dự án; đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các dự án; tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, ủng hộ các dự án.
Đối với các nhà đầu tư, cần nghiêm túc thực hiện các cam kết bằng hành động cụ thể, góp phần thu hút công nghệ cao vào Hưng Yên và Việt Nam; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; chuyển giao khoa học quản trị; góp phần vào quá trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và xây dựng văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần, an sinh xã hội của địa phương. Thủ tướng cũng mong muốn nhân dân ủng hộ các nhà đầu tư, cùng xây dựng quê hương giàu mạnh.
* Thủ tướng dự lễ khởi công 2 công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Hưng Yên là dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài và dự án xây dựng đường bên của tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên. Việc 2 dự án giao thông trọng điểm này đi vào khai thác sẽ tạo 3 trục kết nối giữa Hưng Yên với Hà Nội; Hưng Yên với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và tuyến cao tốc Hà Nội - Ninh Bình.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh sự chủ động, tích cực của Đảng bộ, chính quyền các cấp của tỉnh Hưng Yên trong triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó có các đột phá chiến lược, mà cụ thể là đột phá về hạ tầng. Đặc biệt, tỉnh đã chủ động tự bố trí, huy động 2/3 tổng kinh phí cho 2 dự án này.
Thủ tướng yêu cầu, các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Hưng Yên phải kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình và chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình triển khai; tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án để ủng hộ giải phóng mặt bằng; chăm lo đời sống, bảo đảm cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng và các nhà thầu thi công dự án phải bảo đảm chất lượng, tiến độ.
* Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác dâng hoa tại Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ở thành phố Hưng Yên; thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách, người có công nhân kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và thăm hỏi người dân xã Hiệp Cường và thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên về tình hình đời sống, công tác phòng, chống dịch COVID-19; chúc các gia đình đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 an toàn, vui tươi./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp; làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Bình  (22/12/2021)
Quảng Ninh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, giữ vững đà tăng trưởng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao  (22/12/2021)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay