Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025
TCCS - Ngày 31-12-2021, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức phiên chính thức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại hội tổng kết kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, bầu ra Ban Chấp hành và thông qua nghị quyết của nhiệm kỳ mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.
Đến dự và chỉ đạo đại hội có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành; hơn 500 đại biểu, thay mặt cho hơn 27.000 hội viên nhà báo thuộc 63 hội nhà báo tỉnh, thành phố, 19 liên chi hội và hơn 200 chi hội trực thuộc.
Với phương châm: “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sẽ định hướng cho các cấp hội nhà báo và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Phát biểu khai mạc phiên chính thức của đại hội, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cho biết, Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cả hệ thống chính trị nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng về mọi mặt, phát huy những thành quả của quá trình đổi mới, hướng tới dấu mốc trọng đại năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam) và dấu mốc năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước).
Trong nhiệm kỳ vừa qua, nhiều cơ quan báo chí trên thế giới phải thu hẹp hoạt động, giảm bớt việc làm do vấp phải cạnh tranh gay gắt từ các phương teiẹn truyền thông mới, các tập đoàn công nghệ - truyền thông khổng lồ; doanh thu quảng cáo giảm sút không chỉ với báo in mà ngay cả phát thanh - truyền hình và báo điện tử, do sự thay đổi về hành vi tiếp nhận thông tin của người dùng, đặt ra nhiều thách thức với báo chí chính thống.
Hoạt động báo chí của nước ta trong bối cảnh đó cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần và sứ mệnh cống hiến cao cả, với truyền thống vẻ vang của những người làm báo cách mạng qua gần một thế kỷ, đội ngũ người làm báo cách mạng nước ta, tập hợp dưới mái nhà chung là Hội Nhà báo Việt Nam, đã nỗ lực phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Trong khó khăn, thử thách mới, đội ngũ những người làm báo cả nước càng thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, vì một nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Phát biểu về hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 cho biết, kết quả nổi bật mà hội đạt được là tập hợp, đoàn kết được đội ngũ hội viên - nhà báo, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; tổ chức, động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu to lớn và toàn diện của đất nước trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, hội tiếp tục thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách,pháp luật của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí; đẩy mạnh tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đối với Đề án báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, hội hỗ trợ sáng tạo hơn 14.000 tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương và các địa phương. Trong công tác tổ chức các giải báo chí, hội thể hiện rõ vai trò là cơ quan thẩm định chuyên môn và phối hợp tổ chức. Trong bối cảnh mới, các chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí được cải tiến, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng. Các khóa học chủ yếu tập trung vào 3 mảng chính: kỹ năng nghiệp vụ cho các loại hình báo chí; các chuyên đề báo chí; bồi dưỡng phẩm chất đạo đức của nhà báo.
Về công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, hội triển khai Luật báo chí năm 2016, Quy định về đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, với gần 300 hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam được thành lập và đã đi vào hoạt động, lên tiếng kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương thực hiện nhiều biện pháp cần thiết xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở, đe dọa, hành hung, xúc phạm các nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.
Hoạt động của tổ chức hội có nhiều chuyển biến tích cực, bộ máy tổ chức các cấp hội được kiện toàn, điều kiện hoạt động được cải thiện, số lượng hội viên tăng nhanh. Ngày 8-4-2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TƯ, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp hơn 7.000 hội viên mới. Từ năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức thành công Hội báo toàn quốc hằng năm (năm 2020 không tổ chức được vì tình hình dịch COVID-19).
Hội cũng duy trì mục tiêu xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng về trình độ nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, nâng cao uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong Cộng đồng ASEAN.
Tiếp đó, đại hội nghe nội dung báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các tham luận tại đại hội.
Phát biểu tại đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng bày tỏ vui mừng trước sự trưởng thành vững vàng của nền báo chí và những người làm báo cả nước, ngày càng thêm nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đã, đang nỗ lực từng bước làm chủ công nghệ làm báo hiện đại; không ngừng đổi mới sáng tạo. Nội dung thông tin trên báo chí ngày càng toàn diện, đa dạng, phong phú; chất lượng chính trị, giá trị văn hóa trong các tác phẩm báo chí không ngừng được nâng cao.
Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, những người làm báo hôm nay cần học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là đạo đức, phong cách làm báo của Người, tiếp bước các thế hệ cha anh để phát huy vai trò xung kích, không quản khó khăn, gian khổ, dũng cảm xông pha, có mặt tại những “điểm nóng”, thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo cách mạng; tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; tích cực phát hiện, cổ vũ, động viên gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực. Chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, hăng hái thâm nhập thực tiễn vùng cao, vùng sâu, vùng xa, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, thiên tai, bão lũ...
Nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo đã tích cực phản ánh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng với nhiều cách tiếp cận đa dạng, chính xác, góp phần phát hiện các sai phạm, tạo sức mạnh dư luận, hỗ trợ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Đặc biệt, hai năm qua, trước những diễn biến phức tạp, thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19, hàng trăm nhà báo không ngại hiểm nguy đã có mặt trên tuyến đầu chống dịch, kịp thời thông tin, cổ vũ những việc làm cao đẹp của lực lượng thầy thuốc, quân đội, công an, cán bộ cơ sở, những cá nhân, cộng đồng tích cực, tình nguyện tham gia phòng, chống dịch.
Để Hội Nhà báo Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị hội cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của mình là tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước; tính chất nghề nghiệp của hội không tách rời tính chất chính trị - xã hội; nhiệm vụ hàng đầu của báo chí, của những người làm báo Việt Nam và của hội là phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội nhà báo các cấp bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực, trên cơ sở phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, đẩy mạnh công tác tập hợp, đoàn kết ngững người làm báo vào tổ chức; phấn đấu để hội thực sự là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp uy tín của người làm báo Việt Nam, là "ngôi nhà chung ấm áp" của hội viên và giới báo chí.
Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, Bác Hồ từng căn dặn Hội Nhà báo Việt Nam: "Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ lý luận chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nghĩa vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng" và "cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng". Đây chính là mục tiêu mà Hội Nhà báo Việt Nam, mỗi hội viên và những người làm báo phải tiếp tục phấn đấu, rèn luyện không ngừng, góp phần xây dựng Hội Nhà báo Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển lớn mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 ra mắt đại hội gồm 52 thành viên, Ban Thường vụ Hội gồm 12 thành viên và Ủy ban Kiểm tra gồm 15 thành viên. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam và đồng chí Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI.
Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI cũng đề ra và thông qua phương hướng hoạt động nhiệm kỳ mới với 9 nhiệm vụ trọng tâm và 15 giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng về trình độ nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tập trung xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện, tiếp tục đổi mới và nâng cao vai trò, uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Các cấp hội đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm tập hợp, đoàn kết, động viên toàn thể hội viên, người làm báo, triển khai thực hiện và tuyên truyền có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam./.
Xây dựng tỉnh Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững  (24/12/2021)
Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022  (24/12/2021)
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12-2021  (23/12/2021)
Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV, năm 2020  (25/10/2021)
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên