Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
TCCS - Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng với kho tàng các di sản văn hóa phong phú, đặc sắc. Đây chính là nguồn "sức mạnh mềm" quan trọng, nếu khai thác, phát huy tốt sẽ giúp thúc đẩy tiến trình phát triển đất nước theo mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, tiến trình phát triển kinh tế - xã hội cũng dễ khiến các di sản văn hóa dân tộc bị tàn phá, mai một, do đó, phải coi trọng việc phục dựng, bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc.
Trước hết, di sản văn hóa nước ta “bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, là những sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”(1). Với nền văn hóa được hình thành, phát triển trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đồng thời là quốc gia có nhiều tộc người sinh sống, Việt Nam có một kho tàng các di sản văn hóa dân tộc (vật thể và phi vật thể) vô cùng phong phú, đa dạng và đặc sắc. Chính các di sản văn hóa đặc sắc ấy đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng có của nước ta, trở thành một nguồn "sức mạnh mềm" có giá trị to lớn, lâu dài trong việc nâng tầm ảnh hưởng, sức hút của Việt Nam, lôi cuốn, hấp dẫn khách du dịch, thúc đẩy mở rộng các quan hệ hợp tác, liên kết quốc tế, thu hút đầu tư… đem lại những lợi ích to lớn cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần không nhỏ vào việc gia tăng sức mạnh tổng hợp của quốc gia cho mục tiêu phát triển bền vững, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Tuy nhiên, chính tiến trình phát triển kinh tế - xã hội cũng dễ khiến nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc bị xói mòn, mai một, thậm chí bị tàn phá nghiêm trọng. Vì vậy, chúng ta không chỉ phải quan tâm đến vấn đề khai thác, phát huy tốt các giá trị của di sản văn hóa, mà quan trọng hơn, phải đặc biệt coi trọng vấn đề phục dựng, bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc trong toàn bộ tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước để thúc đẩy và bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, thông qua tiến trình phát triển kinh tế - xã hội tạo ra nền tảng vật chất giúp chúng ta bảo đảm và nâng cao hiệu quả công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phục dựng, bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc trong tiến trình phát triển đất nước, những năm qua, đặc biệt từ đổi mới đến nay, Đảng ta đưa ra nhiều quan điểm, chủ trương để định hướng, chỉ đạo về vấn đề này. Ngay từ Đại hội VI, Đảng ta đã xác định phải quan tâm “giữ gìn và tôn tạo những di tích lịch sử, văn hóa”(2). Đại hội VII khẳng định phải: “bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, tiếp thu văn hóa nhân loại”(3). Đến Đại hội VIII, tại Hội nghị Trung ương 5 (năm 1998), vấn đề bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam chính thức được Đảng ta xác định: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa”; do đó, phải “hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể”(4). Đại hội IX bổ sung thêm nội dung liên quan đến phục dựng di sản văn hóa khi khẳng định, không chỉ phải bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, mà cần “tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh”(5). Đặc biệt, Đại hội X chính thức đề cập đến mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế khi yêu cầu phải “tiếp tục đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc”, “kết hợp hài hòa việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế du lịch”(6). Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) cụ thể hóa hơn, phải “xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch”(7). Đại hội XIII nhấn mạnh rõ hơn, phải “có kế hoạch, cơ chế và giải pháp xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội…”(8).
Để thực hiện quan điểm định hướng đó của Đảng, giữ gìn, bảo tồn, khai thác, phát huy tốt giá trị của các di sản văn hóa dân tộc cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước là vấn đề không đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực tham gia, phối hợp của nhiều chủ thể, trong đó Nhà nước Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thể chế hóa và hiện thực hóa những chủ trương của Đảng trong thực tế. Cụ thể là:
Thứ nhất, Nhà nước xây dựng chương trình, kế hoạch, ban hành chính sách, pháp luật… về phục dựng, bảo tồn các di sản văn hóa gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn, thời kỳ theo quan điểm định hướng của Đảng, đồng thời chỉ đạo chính quyền các cấp triển khai tổ chức thực hiện việc phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Với chức năng của mình, trên cơ sở những quan điểm định hướng của Đảng về giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn các di sản văn hóa, Nhà nước xây dựng chương trình, kế hoạch, ban hành các chính sách, pháp luật… cụ thể để chỉ đạo các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quán triệt, nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của việc phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chỉ đạo các cấp, bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện việc phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa trong những giai đoạn, thời kỳ khác nhau theo đúng quan điểm định hướng của Đảng với những cách thức phù hợp với đặc điểm tình hình của mỗi tỉnh, thành phố, địa phương để có thể mang lại hiệu quả thiết thực.
Thứ hai, Nhà nước có vai trò quan trọng trong huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực để phục dựng, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Để phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa một cách hiệu quả, ngoài sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, sự tích cực tham gia của các tổ chức, cá nhân…, thì rất cần thiết phải có các nguồn lực để tiến hành các hoạt động phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa, nhất là những di sản văn hóa có giá trị lớn, lâu đời, bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng. Với chức năng và công cụ của mình, chỉ có Nhà nước mới có thể huy động, thu hút được các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để từ đó quản lý, sử dụng, phân bổ các nguồn lực ấy đến các địa phương, tỉnh, thành phố phù hợp với đặc điểm, vị thế, thực trạng và yêu cầu, đòi hỏi phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa của mỗi địa phương.
Thứ ba, Nhà nước chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, tỉnh, thành phố.
Nhà nước có vai trò chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá hiệu quả quá trình tổ chức triển khai thực hiện việc phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương; ghi nhận những thành tựu và khó khăn, vướng mắc, hạn chế, tồn tại; tiếp nhận những đề xuất, kiến nghị để kịp thời có những chỉ đạo thiết thực, hữu hiệu giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa. Căn cứ vào tình hình thực tế, Nhà nước sẽ có chính sách khen thưởng, biểu dương các địa phương giải quyết tốt mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân cố tình tàn phá, hủy hoại các di sản văn hóa…
Thứ tư, Nhà nước chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác phục dựng, bảo tồn các di sản văn hóa.
Công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa sẽ không thể mang lại hiệu quả như mong đợi nếu thiếu đội ngũ cán bộ phụ trách, chuyên gia tổ chức thực hiện việc phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa. Căn cứ vào thực trạng và yêu cầu phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa ở các địa phương, Nhà nước chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực… cho đội ngũ cán bộ làm công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa, giúp họ không chỉ hiểu rõ tầm quan trọng của công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, mà còn phải có năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm cao với công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa, biết được cần phải phục dụng, bảo tồn ra sao để vừa bảo đảm mục tiêu tôn tạo, tu bổ các di sản văn hóa khỏi bị xuống cấp, xói mòn, hư hại, nhưng vẫn giữ được giá trị của những di sản ấy, không làm mới, trẻ hóa, biến dạng các di sản sau trùng tu, tôn tạo…
Thứ năm, Nhà nước thực hiện ký kết các chương trình, dự án hợp tác, liên kết quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Vấn đề phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa là công việc không hề dễ dàng, đòi hỏi không chỉ nguồn lực vật chất, nguồn nhân lực có năng lực, trình độ, mà còn cần có kinh nghiệm tổ chức thực hiện phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa, tránh tình trạng sau khi phục dựng, bảo tồn, các di sản văn hóa bị hư hại hơn, thậm chí trở thành phế sản, phế tích. Vì vậy, cần thiết tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế để kêu gọi các dự án đầu tư, hỗ trợ phục dựng, bảo tồn di sản, đồng thời học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là từ các quốc gia có nhiều di sản văn hóa lâu đời, như Pháp, Đức... Với chức năng của mình, Nhà nước trực tiếp kêu gọi, mở rộng quan hệ, ký kết các chương trình, dự án hợp tác, đầu tư nước ngoài để hỗ trợ, giúp đỡ nâng cao hiệu quả công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời kết nối giúp các địa phương, tỉnh, thành phố mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, thu hút các dự án đầu tư, gia tăng cơ hội tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài trong vấn đề phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa.
Thực tế cho thấy, những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã rất nỗ lực phát huy vai trò của mình trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc. Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch… chỉ đạo vấn đề phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Hàng loạt các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, phát triển văn hóa từ năm 2001 đến nay đều có các nội dung về vấn đề bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa dân tộc. Mới đây, Thủ tưởng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững các di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, trong đó xác định rõ phải: “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu quốc gia, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước”, đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể về phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa, như hoàn thành việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di sản; tu bổ, tôn tạo tổng thể các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ; xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo tồn di sản văn hóa(9)... Bên cạnh đó, Nhà nước cũng ban hành nhiều chính sách, pháp luật để thể chế hóa quan điểm của Đảng về vấn về phục dựng, bảo tồn các di sản văn hóa, chẳng hạn, như Luật Di sản văn hóa năm 2001 quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; giải quyết hài hòa, đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Luật Di sản văn hóa bổ sung, sửa đổi năm 2009 và tiếp đó là năm 2013, khẳng định phải bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, là sơ sở pháp lý để chính quyền các cấp, các địa phương căn cứ vào đó xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, tổ chức triển khai bảo tồn, tu tạo di sản văn hóa cho phù hợp tình hình thực tế mỗi địa phương. Nhà nước cũng thường xuyên chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp tăng cường giáo dục, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phục dựng các di sản văn hóa dân tộc cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng, cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước nói chung.
Trên cơ sở chỉ đạo của Nhà nước, những năm qua, chính quyền các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố có nhiều di sản văn hóa giá trị, như Ninh Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang, Huế, Quảng Bình… đã tích cực xây dựng các kế hoạch, đề án, chương trình hành động cụ thể, đồng thời phân công lực lượng tổ chức triển khai thực hiện công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa gắn với quá trình phát triển kinh tế mỗi địa phương, mang lại những kết quả đáng ghi nhận.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quán triệt, tổ chức thực hiện bảo tồn, tu tạo, phục dựng di sản văn hóa gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương cũng được Nhà nước chỉ đạo cơ quan chức năng các cấp chú trọng thực hiện. Thông qua quá trình tổng kết thực tiễn, ghi nhận và kịp thời biểu dương, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của một số địa phương trong giải quyết quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời, thỏa đáng những trường hợp cố tình làm tổn hại di sản văn hóa, hoặc thờ ơ, lơ là, thiếu trách nhiệm với công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa.
Nhà nước cũng tích cực chỉ đạo chính quyền các địa phương chú trọng thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng… cho đội ngũ cán bộ làm công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đặc biệt, vấn đề tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế nhằm thu hút các nguồn ngoại lực cho việc phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa; học tập kinh nghiệm của các nước để giải quyết bài toán gắn kết quá trình phục dựng, bảo tồn các di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững cũng được Nhà nước coi trọng và không ngừng đẩy mạnh trong nhiều năm qua với những thành tựu quan trọng đáng ghi nhận.
Nhờ sự nỗ lực của Nhà nước trong nhiều năm qua, vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội và phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa ở nước ta đã mang lại những thành tựu đáng ghi nhận. Nhiều công trình di sản văn hóa của nhân loại và quốc gia được phục dựng, trùng tu, tôn tạo, khôi phục lại chân giá trị, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội các địa phương có di sản văn hóa cũng như thúc đẩy tiến trình phát triển bền vững đất nước. Trên cơ sở những chỉ đạo, đồng hành, hỗ trợ… của Nhà nước, nhiều địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nhiều chương trình hành động phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa để từ đó khai thác giá trị của di sản cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời sử dụng chính những thành quả phát triển đó để nâng cao hiệu quả công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa. Đơn cử như Ninh Bình, một tỉnh có rất nhiều di sản văn hóa nổi tiếng với 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 78 di tích quốc gia, 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới… Nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã nỗ lực phát huy vai trò của mình trong việc ban hành nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình hành động, đồng thời tích cực chỉ đạo, phân cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành địa phương thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phục dựng, khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhờ đó, đến nay, nhiều hạng mục di sản văn hóa quan trọng của tỉnh cơ bản hoàn thành kế hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi… Chính quyền địa phương cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, phục dựng các di sản văn hóa. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh huy động các nguồn lực từ cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và các tổ chức trong nước và ngoài nước, dành hàng trăm tỷ đồng cho việc tôn tạo, phục dựng, bảo tồn giá trị các di sản, như khu danh thắng Tràng An, lễ hội Hoa Lư, nghệ thuật hát Xẩm..., đồng thời theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình tu bổ, tôn tạo; công khai, minh bạch nguồn kinh phí đầu tư. Từ năm 2005 - 2023, đã có hơn 40 di tích của tỉnh được lập dự án sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện tu bổ, tôn tạo với tổng số vốn đầu tư 1.154 tỷ đồng. Công tác quy hoạch, khảo cổ, bảo quản hiện vật đều được thực hiện đúng quy định, bảo đảm các di vật, cổ vật trong di tích luôn được bảo quản nguyên vẹn, cẩn mật, không để thất lạc, hư hỏng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, các bảo vật đều trong tình trạng bảo quản tốt(10). Tỉnh Ninh Bình cũng triển khai nhiều biện pháp khai thác hiệu quả giá trị các di sản (phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái, tâm linh,…) đem lại nguồn thu cho ngân sách tỉnh, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng nguồn sinh kế cho người dân địa phương,… Những thành tựu ấy đã giúp tỉnh Ninh Bình trở thành một điểm sáng trong việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa, tạo ra những bước tiến ngoạn mục, ấn tượng cho sự phát triển chung của tỉnh. Lượng khách du lịch “giai đoạn 2010 - 2019 tăng trưởng bình quân đạt hơn 12%/năm. Tổng thu từ du lịch đạt mức tăng trưởng 24,17%/năm, năm 2019 đạt 3.671 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần so với 2010. Kể cả sau đại dịch COVID-19, tỉnh Ninh Bình vẫn được nhiều chuyên trang du lịch uy tín, như TripAdvisor, Business Insider... đánh giá là điểm đến an toàn và hấp dẫn. Nhiều năm liền, tỉnh Ninh Bình giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước. Di sản không chỉ được bảo tồn, bảo vệ nguyên vẹn mà còn gia tăng giá trị”(11).
Bên cạnh những thành tựu đó, thực tế cũng cho thấy, việc thực hiện vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa ở nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập, như: 1- Nhận thức của một bộ phận cán bộ chính quyền các cấp nhất là ở địa phương về tầm quan trọng của việc gắn kết phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa còn hạn chế, do đó chưa có sự quyết tâm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm trong phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. 2- Hệ thống chính sách, pháp luật chỉ đạo vấn đề phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn thiếu và chưa thống nhất ở một số nội dung, nhất là về vấn đề phục dựng di sản. 3- Việc huy động, phân bổ các nguồn lực đầu tư cho công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vẫn còn hạn chế và chưa bảo đảm cân đối, hợp lý giữa các địa phương có di sản. Nhiều tỉnh có di sản mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế vẫn trong tình trạng “khát nguồn lực tài chính”, “thiếu nhân lực phục dựng, bảo tồn có trình độ”… Ngay ở “điểm sáng” tỉnh Ninh Bình cũng trong tình trạng tương tự, khi hiện có gần 60% số di tích có nhu cầu trùng tu, tôn tạo, nhiều di tích hư hỏng nặng có nguy cơ thành “phế tích” nhưng vẫn đang ngóng chờ nguồn vốn, nhất là từ năm 2015, khi nguồn vốn từ ngân sách Trung ương cho việc chống xuống cấp và tôn tạo di tích của tỉnh bị cắt giảm. Cơ chế, chính sách huy động, phân bổ, giải ngân các nguồn đầu tư từ các tổ chức xã hội, người dân, doanh nghiệp cho công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa vẫn còn những vướng mắc, gây khó khăn cho cả phía đầu tư và các địa phương tiếp nhận đầu tư. 4- Việc chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng chưa mang lại hiệu quả cao. Một số nơi chưa kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp thờ ơ, buông lỏng, thiếu trách nhiệm với công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa, để xảy ra tình trạng tham ô, tham nhũng trong quá trình thực hiện sử dụng quỹ đầu tư phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa; hoặc khai thác cạn kiệt, xâm hại, thậm chí tàn phá di sản cho mục đích vụ lợi kinh tế… 5- Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác phục dựng, bảo tồn cũng chưa đạt kết quả như mong đợi. Ở một số địa phương, do trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ làm công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa còn hạn chế nên không chỉ không phục dựng, bảo tồn được di sản mà còn tàn phá, làm biến dạng, sơn phết vô tội vạ, đập bỏ xây mới di sản một cách vô cảm nhằm tiết kiệm thời gian, tiền bạc để trục lợi, gây bức xúc trong dư luận và làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, địa phương. 6- Vấn đề hợp tác quốc tế trong phục dựng, bảo tồn các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội cũng còn rất hạn chế, nhất là ở việc thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài cũng như việc học tập kinh nghiệm của các nước trong giải quyết quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.
Thực trạng đó đòi hỏi trong thời gian tới, Nhà nước cần tăng cường phát huy hơn nữa vai trò của mình trong giải quyết đúng đắn quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa, trong đó cần chú trọng một số nội dung, như:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp và người dân, nhất là ở các địa phương có di sản, về tầm quan trọng của việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội và phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa.
Thứ hai, rà soát, bổ sung, sửa đổi, thoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường các biện pháp thu hút các nguồn lực trong nước và ngoài nước, các dự án đầu tư và điều chỉnh cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa.
Thứ năm, mở rộng các quan hệ hợp tác quốc tế, tăng cường chia sẻ, học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết tốt quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội và phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa./.
-----------
(1) Luật Di sản văn hóa số 10/VBHN-VPQH, ngày 23-7-2013, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Van-ban-hop-nhat-10-VBHN-VPQH-2013-hop-nhat-Luat-di-san-van-hoa-204826.aspx
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 92
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991, tr. 83
(4) Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 56
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 115
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 107
(7) Văn kiện Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr. 34
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, t. I, tr. 145 - 146
(9) Quyết định số 1230/QĐ-TTg, ngày 5-7-2021, Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững các di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025”, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Quyet-dinh-1230-QD-TTg-2021-Bao-ton-phat-huy-ben-vung-gia-tri-di-san-van-hoa-Viet-Nam-481289.aspx
(10) Thu Lan: Ninh Bình xác định bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản làm nguồn lực và động lực phát triển, Báo Văn hóa, ngày 12-6-2023, http://baovanhoa.vn/van-hoa/di-san/artmid/488/articleid/65539/ninh-binh-xac-dinh-bao-ton-cac-gia-tri-van-hoa-di-san-lam-nguon-luc-va-dong-luc-phat-trien
(11) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Ninh Bình đánh thức di sản để phát triển du lịch, ngày 9-11-2022, https://bvhttdl.gov.vn/ninh-binh-danh-thuc-di-san-de-phat-trien-du-lich-20221108153920594.htm
Định hướng phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh phi truyền thống ở tỉnh Quảng Ninh  (25/12/2024)
Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng  (20/12/2024)
Xúc tiến và khai thác tài nguyên phát triển các khu, điểm du lịch nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững: Từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh  (17/12/2024)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay